Dưới đây là tổng hợp những triển lãm bạn có thể mong đợi vào năm 2024, từ triển lãm khảo sát Phục hưng Harlem của Met đến buổi ra mắt tại ICA Boston của Firelei Báez.
Archibald J. Motley, Jr., ‘Đai đen’ (1934)
Bộ sưu tập của Bảo tàng Đại học Hampton, Hampton, Virginia © Tài sản của Archibald John Motley Jr.
Đã đăng ký bản quyền 2023 / Bridgeman Images
Hình ảnh được phép của Đại học Hampton
Với năm 2024 sắp đến gần, Artnet News đã lên kế hoạch cho những triển lãm bảo tàng không thể bỏ lỡ sẽ khai mạc trong năm 2024. Dưới đây là 12 triển lãm sắp khai mạc đến hết tháng 5.
“Zanele Muholi: Eye Me [Nhìn Tôi]”
Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại San Francisco
Ngày 18 tháng 1 – Ngày 11 tháng 8, 2024
Zanele Muholi, Zazi I & II, Boston (2019).
Bộ sưu tập Bader và Simon. © Zanele Muholi.
Hình ảnh được phép của nghệ sĩ và Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại San Francisco.
“Eye Me” [Nhìn Tôi] là triển lãm cá nhân quan trọng tại bảo tàng của nghệ sĩ Nam Phi Zanele Muholi. Với hơn 100 bức ảnh từ năm 2002 đến nay, cùng với tuyển tập các tác phẩm tranh, điêu khắc và video, triển lãm mang đến cái nhìn toàn diện về quá trình thực hành của nghệ sĩ—cho cả những người mới làm quen với tác phẩm của cô và những người theo dõi lâu năm. Được công nhận vì sự gắn bó liên tục với cộng đồng người da đen đồng tính ở Nam Phi, tác phẩm của Muholi thường nằm ở điểm giao thoa giữa nghệ thuật và hoạt động [xã hội]. Bất kể chủ đề cụ thể là gì, tác phẩm của Muholi đều nhấn mạnh đến sức mạnh và vẻ đẹp cũng như lịch sử phức tạp của cộng đồng LGBTQ+.
“Giants” [Những người khổng lồ]
Bảo tàng Nghệ thuật Brooklyn
Ngày 10 tháng 2 – Ngày 7 tháng 7, 2024
Derrick Adams, ‘Người phụ nữ thang màu xám (Alicia)’ và
‘Người đàn ông thang màu xám (Swizz)’ (2017).
©2023 Derrick Adams Studio / Ảnh: Glenn Steigelman /
Được phép của Swizz Beatz và Alicia Keys
“Giants” [Những người khổng lồ] là triển lãm lớn đầu tiên được trưng bày từ bộ sưu tập nghệ thuật được đánh giá cao của các biểu tượng âm nhạc Swizz Beatz (Kasseem Dean) và Alicia Keys. The Deans, những người từ lâu đã ủng hộ các sáng tạo của người Da đen và hỗ trợ các nghệ sĩ Da đen trong 20 năm qua, đã tích lũy được một trong những bộ sưu tập nghệ sĩ da màu quan trọng nhất trên thế giới—đại diện và tôn vinh người da đen hải ngoại. Trong “Giants”, curator Kimberli Gant tập hợp hơn 100 tác phẩm như vậy của Lorna Simpson, Kehinde Wiley, Henry Taylor, Amy Sherald, Barkley L. Hendricks, Ernie Barnes, Derrick Adams, Jean-Michel Basquiat… cũng như các nhiếp ảnh gia Gordon Parks, Kwame Brathwaite, Malick Sidibé… Tiêu đề không chỉ đề cập đến việc đứng trên vai những người khổng lồ, mà trong một số trường hợp còn đề cập đến tính hoành tráng của chính các tác phẩm, như trong phần cuối của triển lãm ở Đại sảnh đường, với bức tranh Catfish (2017) cao chót vót của Nina Chanel Abney, và Big Wheel I [Bánh xe lớn I] (2018) của Arthur Jafa hiện ra lờ mờ. Sau triển lãm, một món quà hứa hẹn từ bộ sưu tập sẽ được tặng cho bảo tàng, nơi Swizz Beatz gần đây đã phục vụ trong ban giám đốc.
Phục hưng Harlem và chủ nghĩa Hiện đại xuyên Đại Tây Dương
Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan
Ngày 25 tháng 2 – Ngày 28 tháng 7, 2024
William Henry Johnson, ‘Người phụ nữ mặc đồ màu xanh’ (khoảng 1943).
Hình ảnh được phép của Bảo tàng nghệ thuật Đại học Clark Atlanta.
Chắc chắn một trong những triển lãm được chú ý nhất của 2024 là buổi khai mạc “Phục hưng Harlem và Chủ nghĩa hiện đại xuyên Đại Tây Dương” của Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan vào tháng 2, với hơn 150 tác phẩm tranh, điêu khắc, nhiếp ảnh, phim và các tác phẩm khác.
Triển lãm đi sâu vào tác động sâu rộng khi các nghệ sĩ Da đen khắc họa cuộc sống hàng ngày ở các thành phố mới của người Da đen mọc lên trong những thập kỷ từ 1920 đến 1940, đặc biệt là ở Harlem. Triển lãm khám phá những năm đầu của Cuộc di cư vĩ đại khi người Mỹ gốc Phi bắt đầu lái xe rời khỏi miền Nam. Đây là triển lãm khảo sát lớn đầu tiên về chủ đề này ở Thành phố New York kể từ năm 1987. Các nghệ sĩ nổi bật bao gồm Charles Alston, Aaron Douglas, Meta Warrick Fuller, William H. Johnson, Archibald Motley, Winold Reiss, Augusta Savage, James Van Der Zee và Laura Wheeler Waring.
“Blood: Medieval/Modern” [Máu: Trung cổ / Hiện đại]
Bảo tàng J. Paul Getty, Los Angeles
Ngày 27 tháng 2 – Ngày 19 tháng 5, 2024
‘Ecce Homo’ [Hãy nhìn người này] (khoảng 1500) từ
‘Poncher Hours’. Bộ sưu tập Bảo tàng J. Paul Getty,
Los Angeles.
Hấp dẫn và cấm kỵ, máu vẫn là nguồn cảm hứng của các nghệ sĩ trong nhiều thế kỷ. Khai thác bộ sưu tập hàng đầu những cuốn sách minh họa thời Trung cổ của bảo tàng, triển lãm khám phá nền văn hóa hình ảnh đa diện thời đầu xoay quanh máu, từ nghĩa đen y tế đến biểu tượng và sự sùng đạo. Thông qua việc xem xét các hình ảnh mô tả về máu thời Trung cổ, dòng chảy của triển lãm giao thoa với các đối thoại mang tính hiện đại, chẳng hạn như về nữ quyền, HIV/AIDS, DNA… Truy tìm những kết nối và đứt gãy, máu được thể hiện trong nghệ thuật trở thành một đường xuyên suốt lịch sử nghệ thuật phương Tây.
“Janet Sobel: All-Over [Tất cả–Đi qua]”
Ngày 23 tháng 2 – Ngày 11 tháng 8, 2024
Bộ sưu tập Menil
Janet Sobel, ‘Vô đề’ (khoảng 1946–48). Bộ sưu tập Menil, Houston,
Quà tặng của Leonard Sobel và gia đình. © Janet Sobel.
Ảnh: James Craven.
Nghệ sĩ người Brooklyn gốc Ukraine, Janet Sobel có phát minh ra cách vẽ nhỏ giọt trước Jackson Pollock không? Triển lãm này tại Bộ sưu tập Menil ở Houston mang đến những hiểu biết mới về sự tham gia ngắn gọn nhưng quan trọng của nghệ sĩ bị bỏ qua từ lâu này trong bối cảnh của chủ nghĩa Biểu hiện Trừu tượng giữa thế kỷ 21. Nghệ sĩ, một bà mẹ Do Thái có 5 con, nổi tiếng với việc nhỏ sơn lên những tấm toan trải phẳng trên sàn căn hộ ở Brighton Beach của cô. Nhà phê bình đáng kính Clement Greenberg nhận xét rằng các bức tranh của Sobel có “hiệu ứng toàn diện thực sự đầu tiên mà tôi từng thấy”. Triển lãm này được tổ chức với sự tham gia của gia đình họa sĩ, đánh dấu lần đầu tiên tranh của Sobel cùng với một số tác phẩm trên giấy được tập hợp sau hơn 60 năm.
“Joyce J. Scott: Walk a Mile in My Dreams [Đi bộ một dặm trong những giấc mơ]”
Bảo tàng Nghệ thuật Baltimore
Ngày 24 tháng 3 – Ngày 14 tháng 7, 2024
Joyce J. Scott (Mỹ, sinh năm 1948)
Tiêu đề: Làm mẹ 3000, 1983–1986
Chất liệu: Thảm, vải, chỉ, hạt
Kích thước: 33.5 × 35.5 in. (85.1 × 90.2 cm.)
Được phép của Gallery Đương đại Goya, Baltimore
Nguồn: artnet
“Walk a Mile in My Dreams” [Đi bộ một dặm trong những giấc mơ] không phải là triển lãm hồi tưởng đầu tiên của Joyce J. Scott. Đây thậm chí không phải là triển lãm hồi tưởng đầu tiên của cô tại Bảo tàng Nghệ thuật Baltimore (triển lãm hồi tưởng đầu tiên đó là “Kickin’ It with the Old Masters” năm 2000). Triển lãm năm 2024, dự kiến bao gồm hơn 120 tác phẩm trang sức và điêu khắc từ 5 thập kỷ qua, chắc chắn sẽ có ý nghĩa quan trọng hơn đối với nghệ sĩ bảy mươi tuổi vì một lý do cụ thể: nó sẽ diễn ra cùng với một triển lãm khảo sát đã khai mạc của mẹ cô, Elizabeth Talford Scott. Mối liên hệ giữa hai người phụ nữ và mối liên hệ mà họ đã chia sẻ với quê hương Baltimore sẽ là điểm nhấn.
“Việc sử dụng nhiều loại chất liệu một cách tinh vi và điêu luyện của Joyce J. Scott mang lại vẻ đẹp và sự cay đắng cho các chủ đề từ tổn thương đến tiên nghiệm,” các curator của triển lãm, Cecilia Wichmann và Catharina Manchanda, cho biết khi công bố về triển lãm mùa hè trước. “Hoạt động xuyên thế hệ của cô ấy rất triệt để ở cam kết với cộng đồng và địa điểm, đồng thời xây dựng sự tự nhận thức và sự đồng cảm. Những ai đã biết đến tác phẩm sâu sắc và đầy khám phá của Scott sẽ vui mừng khi thấy nhiều khía cạnh trong quá trình thực hành của cô được kết hợp lại với nhau, và những ai lần đầu tiên tiếp xúc với tác phẩm của cô có thể sẽ bị choáng ngợp.”
“Toshiko Takaezu: Worlds Within [Những thế giới nội tại]”
Quỹ Noguchi và Bảo tàng Garden
Ngày 20 tháng 3 – Ngày 28 tháng 7, 2024
“Ký ức”, tác phẩm của Toshiko Takaezu
Thời gian tạo: 2000
Chất liệu: Đồng đúc
Kích thước: Chiều cao – 32 1/2 inch × Đường kính – 21 1/2 inch (82.5 × 54.6 cm)
Bộ sưu tập: Đại học Princeton, Princeton, NJ (PP638)
Nguồn: TOSHIKO TAKAEZU FOUNDATION
Một phần tác phẩm “Ký ức” của Toshiko Takaezu
Nhân kỷ niệm một trăm năm ngày sinh của nghệ sĩ Toshiko Takaezu, Bảo tàng Garden và Quỹ Noguchi đã công bố triển lãm hồi tưởng chuyên khảo quan trọng tập trung vào tác phẩm và cuộc đời nghệ sĩ. Đây sẽ là hành trình triển lãm trên khắp đất nước đầu tiên của Takaezu sau 20 năm. Nhân dịp triển lãm, Bảo tàng sẽ xuất bản một chuyên khảo mới kết hợp với Nhà xuất bản Đại học Yale. Tiêu đề Toshiko Takaezu: Worlds Inside [Những thế giới nội tại], nó đại diện cho chuyên khảo tham vọng nhất về một nghệ sĩ gốm sứ người Mỹ cho đến nay.
Triển lãm hồi tưởng này nhằm mục đích theo dõi quá trình phát triển trong thực hành và định hình lại nghệ sĩ như một trong những nghệ sĩ Mỹ sáng tạo và hấp dẫn nhất về mặt khái niệm trong thế kỷ trước. Nó xem xét phạm vi, chiều sâu và sự phát triển trong tác phẩm của cô với trọng tâm đặc biệt là thế giới mà cô gợi lên trong các hình dạng riêng lẻ và trong các môi trường tuyệt đẹp.
Tiêu đề của triển lãm nhằm gợi lên cảm giác về không gian cộng hưởng được thể hiện trong tác phẩm của Takaezu và ngụ ý khẳng định của cô rằng khía cạnh quan trọng nhất trong các dạng khép kín của cô là “không gian tối mà bạn không thể nhìn thấy”—những thế giới nội tại.
Kathe Kollwitz
Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại
Ngày 31 tháng 3 – Ngày 20 tháng 7, 2024
Käthe Kollwitz, ‘Cha mẹ (Die Eltern)’ từ ‘Chiến tranh (Krieg)’, (1921–22), phát hành năm 1923.
Một trong bộ bảy tác phẩm khắc gỗ. Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại, New York.
Quà tặng của Gia đình Arnhold tưởng nhớ Sigrid Edwards.
© 2023 Hội Bản quyền nghệ sĩ (ARS), New York / VG Bild-Kunst, Bonn.
Sự kiện này đánh dấu triển lãm hồi tưởng đầu tiên của Kollwitz tại bảo tàng thành phố New York và là triển lãm lớn nhất về tác phẩm của Kollwitz tại Hoa Kỳ trong hơn ba thập kỷ. MoMA sẽ giới thiệu hơn 100 ví dụ hiếm thấy – các bức vẽ, bản in và tác phẩm điêu khắc của Kollwitz được mượn từ các bộ sưu tập công và bộ sưu tập cá nhân ở Mỹ và châu Âu.
Được tổ chức theo trình tự thời gian, triển lãm sẽ theo dõi quá trình phát triển tác phẩm của nghệ sĩ từ những năm 1890 đến những năm 1930, trải qua thời kỳ hỗn loạn chưa từng có trong lịch sử nước Đức, bao gồm cả công nghiệp hóa và sự khủng khiếp của chiến tranh.
“Firelei Báez”
Viện Nghệ thuật Đương đại, Boston
Ngày 4 tháng 4 – Ngày 2 tháng 9, 2024
Firelei Báez, “Thở thật sâu và tự do: bày tỏ, nhìn lại, chỉnh sửa (19°36’16.9″N 72°13’07.0″W, 42° 21’48.762″ N 71°1’59.628″ W),” 2021.
Hình ảnh chụp tại ICA Watershed, 2021. Được phép của nghệ sĩ và James Cohan, New York.
Ảnh chụp bởi Chuck Choi. © Firelei Báez
Bắt đầu từ tháng 4, Viện Nghệ thuật Đương đại Boston (ICA) sẽ tổ chức triển lãm khảo sát đầu tiên dành cho tác phẩm của Firelei Báez, nghệ sĩ sinh ra ở Cộng hòa Dominica hiện sống tại New York. Triển lãm theo dòng thời gian gần 20 năm với các bức tranh, bản vẽ và tác phẩm sắp đặt, bao gồm khoảng 40 tác phẩm. Nghệ sĩ—đã nhận Giải thưởng Họa sĩ và Nhà điêu khắc của Quỹ Joan Mitchell năm 2010—khám phá mạng lưới phức tạp gồm các câu chuyện và bản sắc lưu vực Đại Tây Dương, pha trộn lịch sử và tưởng tượng để hình dung các câu chuyện. Khoảng năm 2017, nghệ sĩ bắt đầu tạo ra các tác phẩm quy mô lớn, trong đó cô vẽ trực tiếp lên các tài liệu lưu trữ như bản đồ và bản vẽ kiến trúc, với ngụ ý về những lĩnh vực khác nhau, từ nhân chủng học và địa lý đến văn hóa dân gian và khoa học viễn tưởng. Triển lãm mùa xuân sẽ mở rộng dựa trên tác phẩm sắp đặt sống động của Báez tại ICA Watershed năm 2021, đồng thời khiến người xem choáng ngợp với một số tác phẩm mới, tất cả đều nêu bật khả năng kể chuyện phong phú của Báez.
“Christina Ramberg: A Retrospective” [Triển lãm hồi tưởng của Christina Ramberg]
Viện Nghệ thuật Chicago
Ngày 20 tháng 4 – Ngày 11 tháng 8, 2024
Christina Ramberg, ‘Quý cô chờ đợi’ (1972). Christina Ramberg.
Bộ sưu tập của Anstiss và Ronald Krueck, Chicago.
© Tài sản của Christina Ramberg. Ảnh chụp bởi Jamie Stukenberg.
Nổi tiếng với những bức tranh cách điệu, gợi cảm về cơ thể phụ nữ—bàn tay, tóc và thân mình, được vẽ thành từng mảnh và đôi khi ràng buộc—Christina Ramberg (1946–1995) nổi lên như một trong những nghệ sĩ có ảnh hưởng nhất trong nền nghệ thuật thế kỷ 20 của Chicago. Trong nhiều thập kỷ kể từ đó, phong cách độc đáo của Ramberg đã ảnh hưởng đến các nghệ sĩ đương đại như Julie Curtiss. Triển lãm này sẽ là triển lãm hồi tưởng đầu tiên dành cho nghệ thuật của Ramberg trong gần 30 năm và sẽ quy tụ gần 100 tác phẩm, đồng thời tập hợp các sáng tác đầu tiên trong sự nghiệp hướng tới trừu tượng mang tính biểu tượng của nghệ sĩ, cùng với các tác phẩm từ vải ít được biết đến hơn, thực hiện trong những năm 1980, cũng như những bức tranh cuối sự nghiệp từ những năm 1990.
“Jenny Holzer: Light Line [Dòng ánh sáng]”
Bảo tàng Solomon R. Guggenheim, New York
Ngày 17 tháng 5 – Ngày 29 tháng 9, 2024
Jenny Holzer, Hình ảnh chụp tại Bảo tàng Solomon R. Guggenheim (1989). Được phép của Guggenheim.
Vào năm 1989, Jenny Holzer đã thiết kế những dòng trích dẫn Truisms của cô trên một dải đèn LED cuộn xoắn ốc theo nhà tròn của Guggenheim. Sang năm, Holzer và bảo tàng sẽ kỷ niệm 35 năm tác phẩm nghệ thuật mang tính bước ngoặt đó bằng cách tái tạo nó, với một số cập nhật của thế kỷ 21.
Trong Dòng ánh sáng, triển lãm hồi tưởng rất được mong đợi của Holzer sẽ diễn ra trong tháng 5, tác phẩm sắp đặt sẽ có các ví dụ từ cả Truisms và loạt tác phẩm nghệ thuật dựa trên văn bản có liên quan của nghệ sĩ, Các bài luận khiêu khích. Đèn LED được trưng bày cùng với bộ sưu tập các tác phẩm trải dài trong sự nghiệp của Holzer từ những năm 1970 đến nay, bao gồm các bức tranh, tác phẩm trên giấy và tác phẩm điêu khắc trên đá. Và như một phần thưởng, một trong những tác phẩm sắp đặt trước đây của nghệ sĩ tại bảo tàng—chiếu ánh sáng bao phủ mặt tiền năm 2008, Dành cho Guggenheim—sẽ được trình chiếu lại trong tuần khai mạc.
“Mary Cassatt at Work” [Mary Cassatt và tác phẩm]
Bảo tàng Nghệ thuật Philadelphia
Ngày 18 tháng 5 – Ngày 8 tháng 9, 2024
Mary Stevenson Cassatt, ‘Sự chăm sóc của mẹ’ (1896).
Aaron E. Carpenter để lại cho bảo tàng.
Bộ sưu tập Bảo tàng Nghệ thuật Philadelphia.
Là một họa sĩ được yêu thích trong số những họa sĩ chủ nghĩa Ấn tượng Pháp, họa sĩ người Mỹ Mary Cassatt đã thách thức những kỳ vọng và vượt qua ranh giới của những gì được coi là có thể chấp nhận được để miêu tả trong mỹ thuật. Được biết đến với những sáng tác nhiều sắc thái chứa đựng sự đồng cảm về phụ nữ và trẻ em trong cuộc sống hàng ngày, sự đánh giá cao về nghệ thuật của cô hiếm khi đi sâu vào những miêu tả tiên phong về phụ nữ qua lăng kính giới tính và lao động.
Triển lãm “Mary Cassatt và tác phẩm” bao gồm hơn 130 tác phẩm tranh in, phấn màu và sơn dầu mang đến cái nhìn sâu sắc mới về cuộc sống và công việc của họa sĩ. Đây là triển lãm lớn đầu tiên về tác phẩm của Mary Cassatt kể từ cuối thập niên 1990.
Nguồn: artnet
Lược dịch bởi Viet Art View