Tiên phong trên thị trường các nghệ sĩ đến từ châu Á, vào ngày 18 đến ngày 27 tháng 9 năm 2023 tại Neuilly-Sur-Seine, Aguttes sẽ một lần nữa tổ chức Tuần lễ châu Á. Phiên đấu giá với chủ đề Họa sĩ châu Á, các Tác phẩm quan trọng lần thứ [39] sẽ diễn ra vào ngày 26 tháng 9 năm 2023 và phiên đấu giá Nghệ thuật châu Á sẽ được tổ chức vào ngày hôm sau, 27 tháng 9, sau 8 ngày triển lãm công khai. Đừng bỏ lỡ cơ hội khám phá các tác phẩm nghệ thuật châu Á qua nhiều thế kỷ!
Mặc dù những tên tuổi xuất hiện trong danh mục đấu giá đã trở nên quen thuộc, nhưng mỗi tác phẩm đều là duy nhất!—Charlotte Aguttes-Reynier, chuyên gia
HỌA SĨ CHÂU Á, CÁC TÁC PHẨM QUAN TRỌNG
Thứ ba ngày 26 tháng 9 năm 2023
MAI TRUNG THỨ (1906-1980)
38 phiên đấu giá từng được Aguttes tổ chức đã mang lại ánh sáng mới cho các tác phẩm của Mai Trung Thứ sau một thời gian dài được giữ kín. Người họa sĩ Việt Nam đã tốt nghiệp trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương và quyết định sang Pháp sinh sống vào cuối những năm 1930. Dù vẽ chân dung thiếu nữ hay vẽ thiếu nữ cùng phong cảnh, Mai Trung Thứ luôn vinh danh vẻ đẹp người phụ nữ quê hương ông, một trong những chủ đề sáng tác ông yêu thích.
Được thực hiện vào năm 1941, bức tranh Thiếu phụ choàng khăn voan hoa là một trong những tác phẩm thuộc giai đoạn hội họa đầu của Mai Trung Thứ. Sử dụng kỹ thuật với mực nho và màu đồng thời rửa lụa nhiều lần, họa sĩ mô tả một thiếu phụ Việt Nam thanh lịch. Khuôn mặt của cô vừa mang những quy chuẩn sắc đẹp điển hình của người châu Á vừa có nét đặc trưng cá nhân. Chiếc khăn voan được trang trí những đóa hoa nhỏ giúp tăng thêm vẻ thanh lịch của người mẫu. Tập trung vào những chi tiết và cử chỉ tinh tế của bàn tay, Mai Trung Thứ đã chứng tỏ tài năng vẽ chân dung của mình.
Tác phẩm này đã được mua tại Paris một vài năm sau khi được thực hiện và được gìn giữ trong một gia đình kể từ đó.
MAI TRUNG THỨ (1906-1980)
Thiếu phụ choàng khăn voan, 1941
Mực và màu trên lụa, chữ ký và ngày sáng tác ở góc trên bên trái
29,5×28,5 cm — 11⅝×11¼ in
Xuất xứ: Bộ sưu tập tư nhân, Paris (mua từ những năm 1930)
Sau đó trở thành tài sản thừa kế, miền Nam nước Pháp
Vượt qua thời gian, tranh tĩnh vật vẫn luôn là phương tiện để các họa sĩ thể hiện trình độ kỹ thuật cũng như sức sáng tạo của mình. Nếu như hình ảnh trái táo, xuyên suốt nhiều thế kỷ, vẫn luôn được coi là đặc quyền của nhiều nghệ sĩ như Giuseppe Ruoppolo, Henri Fantin-Latour hay Cézanne thì Mai Trung Thứ lại thể hiện tranh tĩnh vật vẽ táo theo cách riêng của mình. Dựa trên những yếu tố thường thấy trong một căn bếp, ông đem đến một góc nhìn theo trường phái thiên nhiên: ông vẽ những trái táo ủng, nhấn mạnh tính chất phù du của chúng và nhắc lại ý nghĩa sơ khai của những điều hư ảo. Sự xuất hiện của chén cơm gợi nhớ tới cội nguồn của người họa sĩ. Pha trộn giữa kỹ thuật phương Đông với một chủ đề đậm chất phương Tây, Mai Trung Thứ mang tới một góc nhìn canh tân cho một trong những thể loại hội họa cổ xưa nhất.
MAI TRUNG THỨ (1906-1980)
Tĩnh vật với những trái táo, 1959
Mực và màu trên lụa, có chữ ký và ghi ngày tháng phía dưới bên trái. Trong khung gốc do họa sĩ thực hiện.
38,3×46,1 cm
Phạm Hậu (1903-1995), sự đổi mới của nghệ thuật sơn mài
Là một nghệ sĩ và nghệ nhân không thể không nhắc tới của Việt Nam thế kỷ XX, Phạm Hậu đã góp phần giúp cho sơn mài được nhìn nhận như một nghệ thuật thực sự, từ đó trở về trước sơn mài vẫn bị gói gọn trong lĩnh vực thủ công. Là một đại sứ thực sự của nghệ thuật Việt Nam, ông đã tham gia đổi mới sơn mài tại Trường Mỹ thuật Đông Dương và trở thành người sáng lập ra trường đại học về nghệ thuật ứng dụng đầu tiên của đất nước: Trường Quốc gia Mỹ Nghệ. Chủ yếu lấy cảm hứng từ việc thể hiện cảnh quan thiên nhiên, rừng núi cũng như động vật, các tác phẩm sơn mài của ông đã được những người yêu nghệ thuật châu Âu và Việt Nam sưu tập. Ghềnh thác Chợ Bờ thể hiện một trong những đề tài mà nghệ sĩ yêu thích. Lấy cảm hứng từ vẻ đẹp của cảnh sắc đất nước, Phạm Hậu khắc họa một thảm thực vật xanh tốt đồng thời gợi nhớ về sự thịnh vượng và thiên nhiên phong phú của đất nước mình. Là một bậc thầy về sơn mài, ông kết hợp giữa kỹ thuật sơn mài truyền thống cùng với kỹ thuật khảm trai và màu lam sẫm hiếm gặp. Những chi tiết thếp vàng gợi lên hình ảnh ánh nắng mặt trời phản chiếu trên đá trong khi những chi tiết thếp bạc thể hiện bọt sóng xô vào vách đá. Tác phẩm đáng chú ý của nghệ sĩ, nhờ vào việc sử dụng những màu sắc và chất liệu mới, cho phép mang tới sự đổi mới cho đề tài yêu thích của ông. Và một lần nữa, Phạm Hậu đã tôn vinh đất nước quê hương mình qua một tác phẩm sơn mài.
PHẠM HẬU (1903-1995), Ghềnh thác Chợ Bờ, Sơn mài, thếp vàng, bạc và khảm trai, Chữ ký ở góc dưới bên phải, 99,8×199,4 cm
Xuất xứ: Thuộc bộ sưu tập quan trọng của một người châu Âu sinh sống tại Đông Dương những năm 1940
Bộ sưu tập tư nhân (mang về từ Đông Dương sau đó để lại cho thế hệ sau)
Các tài liệu liên quan: Phạm Gia Yên, Sơn mài Phạm Hậu, Nhà Xuất Bản Mỹ thuật, 2019, tr. 44, Aguttes, phiên đấu giá ngày mùng 7 tháng 6 năm 2021, lô 1
Aguttes, phiên đấu giá ngày 29 tháng 11 năm 2021, lô 16
Những đứa trẻ của Mai Trung Thứ (1909-1980)
Tác phẩm cuốn hút người xem nhờ sự sống động và đa dạng của những nhân vật được thể hiện. Hầu hết các tác phẩm của Mai Trung Thứ chỉ có một số lượng nhân vật hạn chế trong một khung cảnh đơn giản. Nhưng ở đây, với phong cách mô tả chi tiết đặc trưng, ông thể hiện một đám trẻ với những biểu cảm tự nhiên. Tắm rửa, chăm sóc những bông tulip, đánh trận giả hoặc trèo cây, những hoạt động của chúng dẫn đến một loạt biểu cảm khác nhau. Nhịp điệu của màu sắc và hình khối cũng như cách thức xử lý không gian làm cho bức tranh trở nên thật độc đáo.
MAI TRUNG THỨ (1906-1980)
Những đứa trẻ, 1971
Mực và màu trên lụa, chữ ký và ngày sáng tác ở góc dưới bên trái
66,5×94 cm
Khung tranh nguyên bản do họa sĩ chế tác
LÊ PHỔ (1907-2001), Tĩnh vật hoa mẫu đơn và chậu cây, 1935
Được sáng tác vào năm 1935, tác phẩm Tĩnh vật hoa mẫu đơn và chậu cây thuộc thời kỳ đầu sáng tác của họa sĩ. Ông dần định hình được phong cách và khám phá ra những khả năng của mình. Bức tranh là một trong những minh chứng hiếm hoi cho các sáng tác của họa sĩ vào buổi đầu, khi ông bắt đầu khám phá tranh sơn dầu. Tác phẩm mang kích thước cổ điển, được Lê Phổ thể hiện trọn vẹn như một bức tranh tĩnh vật truyền thống. Ông lựa chọn một bố cục khôn ngoan với những đóa mẫu đơn và cây xanh được sắp xếp hài hòa trên một góc chiếc bàn phủ khăn. Phối cảnh truyền thống và màu sắc chân thật. Làm theo những quy tắc của các bậc thầy đi trước, họa sĩ trẻ người Việt đã chứng tỏ rằng ông nắm rõ những quy tắc hội họa phương Tây.
LÊ PHỔ (1907-2001)
Tĩnh vật với hoa mẫu đơn và chậu cây, 1935
Sơn dầu, chữ ký và ngày tháng sáng tác ở góc dưới bên phải
65,7×45,3 cm — 25⅞×18 in
Xuất xứ:
Bộ sưu tập tư nhân của Nguyễn Sang (được cha ông tặng theo truyền thống gia đình vào khoảng những năm 1940)
Bộ sưu tập tư nhân, Pháp (được một người yêu nghệ thuật mua vào những năm 1980 tại Sài Gòn, sau đó mang về Pháp và lưu giữ đến tận ngày nay)
MAI TRUNG THỨ (1906-1980), Vòng tròn trẻ thơ, 1965
Mai Trung Thứ vẫn luôn cống hiến cho hòa bình và độc lập của Việt Nam, và theo lý tưởng này, ông phối hợp cùng UNICEF vẽ nhiều tác phẩm về trò chơi của trẻ em để nâng cao nhận thức cho công chúng phương Tây. Điều này mang lại danh tiếng và cho phép ông công khai những cuộc đấu tranh chính trị và xã hội của mình.
Sự ngây thơ của những đứa trẻ trong tranh và niềm vui sống của chúng được thể hiện một cách hoàn hảo trên lụa bởi tài năng của họa sĩ, nhờ vào những nét vẽ vững chãi cùng một bảng màu sống động và rực rỡ.
MAI TRUNG THỨ (1906-1980)
Vòng tròn các em bé, 1965
Mực và màu trên lụa, chữ ký và ngày sáng tác ở góc dưới bên trái,
82,3×93,3 cm — 3¼×36¾ in
Xuất xứ:
Bộ sưu tập tư nhân, miền Nam nước Pháp (mua lại từ năm 1970 tại Phòng tranh ở Cannes)
Sau đó trở thành tài sản thừa kế, miền Nam nước Pháp
LƯƠNG XUÂN NHỊ (1914-2006), Mùa gặt
Lương Xuân Nhị, sinh năm 1914 tại Hà Nội, là một nhân vật nổi trội trong lịch sử nghệ thuật Việt Nam thế kỷ 20. Ông sử dụng phong cách hiện đại để tạo ra đặc trưng riêng cho các tác phẩm của mình.
Qua bức tranh phong cảnh nông thôn, chúng ta cảm nhận sự ảnh hưởng của kỹ thuật phương Tây hiện đại đối với tác phẩm của người nghệ sĩ. Lương Xuân Nhị chơi đùa với ánh sáng và màu sắc. Bầu trời với ánh nắng buổi hoàng hôn phản chiếu lên đồng ruộng trù phú. Ở phía sau, hình bóng của những người lao động tạo ra một sự nhất quán với phong cảnh. Họa sĩ đã thành công trong việc tạo ra một không khí êm dịu và bình yên, đặc trưng cho phong cách hội họa của mình.
LƯƠNG XUÂN NHỊ (1914-2006)
Mùa gặt
Sơn dầu trên toan, ký tên ở góc dưới bên phải
46×65 cm — 18⅛×25⅝ inch
Xuất xứ: Bộ sưu tập tư nhân, Bretagne
NGHỆ THUẬT CHÂU Á
Thứ tư ngày 26 tháng 9 năm 2023
TRUNG QUỐC
TRIỀU THANH, THẾ KỶ XIX
Chiều cao: 24 cm
Đôi bình có kích thước lớn và quý hiếm được làm từ ngọc bích, dáng thuôn dài và loe dần về phía miệng, đế bốn chân liền khối với thân được chạm khắc dây leo và họa tiết như ý. Trên phần đế chạm nổi ba chú chim uyên ương đang vui đùa giữa nhứng đóa sen và bông lúa. Phần thân bình được trang trí hoa văn dày đặc, ở giữa là hình ảnh Bồ Tát đang tọa trên những đám mây, đeo trang sức cùng dải lụa tung bay, đôi bàn tay hoặc đang thủ ấn, hoặc đang cầm pháp khí. Phần vai bình nổi bật và đính hai quai hình cành cúc nở rộ cùng vòng khuyên di động. Nắp bình được điêu khắc hoa văn nhỏ, núm cầm được chạm trổ tỉ mỉ.
NHẬT BẢN
TRƯỜNG PHÁI SOTATSU TAWARAYA TRIỀU MINH TRỊ, THẾ KỶ XVII
Cao 116 cm; Tổng chiều rộng 337 cm
Xuất xứ:
Chứng nhận nguồn gốc xuất xứ và biên lai mua hàng từ ‘Công ty Trung-Ấn Pháp’, Paris, 1989 sẽ được trao cho người mua.
Bức bình phong sáu tấm mang phong cách Rinpa, được vẽ bằng mực và màu trên nền giấy thếp vàng, thể hiện một khu vườn tưởng tượng tập hợp các loại hoa của bốn mùa: cẩm tú cầu, hoa cà, bồ công anh, hoa sim, tre, hoa đinh hương, hoa mẫu đơn, mầm thông non, hoa diên vĩ… Trong một bố cục tinh tế, mỗi loại hoa được đặc tả trong một khóm dày đặc nơi lá và hoa hoà quyện hài hòa. Ở góc dưới bên phải tranh được đóng dấu tròn màu đỏ “I’nen”.
Phong cách Rinpa ra đời vào cuối thế kỷ XVII từ sự hợp tác của Tawaraya Sotatsu và Hon’ami Kōetsu, những học giả và nghệ sĩ tài năng. Họ bị ảnh hưởng sâu sắc bởi sự tinh tế và thanh nhã của giai đoạn Heian (794-1185), được xem là tinh túy của nghệ thuật Nhật Bản, và kết hợp các phong cách đương thời để tạo nên một phong cách trang trí mới, thoát khỏi các ràng buộc của nghệ thuật chính thống Hoàng gia. Phong cách này đã thay đổi hoàn toàn lịch sử, gây ảnh hưởng mạnh mẽ đến nghệ thuật trang trí Nhật Bản.
Các nghệ sĩ Rinpa lấy cảm hứng tự do từ di sản của những người tiền nhiệm mà không cần sự chuyển giao trực tiếp từ thầy đến trò, tạo ra nhiều phong cách sáng tạo có điểm chung là sự táo bạo và tự do trong cách sắp xếp bố cục, tìm kiếm vẻ đẹp trong cuộc sống hàng ngày thông qua tất cả các phương tiện nghệ thuật Nhật Bản (sơn mài, gốm, hội họa…) và một sự gắn bó đặc biệt với phong cách tự nhiên.
Dù là hình mẫu của phong cách Rinpa và đã được công nhận là một nghệ sĩ xuất sắc trong thời đại của mình, cuộc đời của Tawaraya Sotatsu vẫn là một bí ẩn vì có rất ít tài liệu ghi chép về ông. Có vẻ như ông đã hoạt động từ năm 1600 đến 1640 tại xưởng Tawaraya ở Kyoto. Đây là xưởng trang trí tụ hội các nghệ sĩ chuyên nghiệp trong mọi lĩnh vực liên quan đến hội họa (tranh, tranh trên quạt và bình phong…) phục vụ giới quý tộc triều đình và tầng lớp thương gia giàu có mới nổi.
Cùng với sự sắp xếp màu sắc và hình khối thông qua việc sắp đặt các bó hoa, bức bình phong đã tuân theo nguyên tắc của các tác phẩm hoa bốn mùa kinh điển của Sotatsu Tawaraya mà xưởng của ông đã trở nên nổi tiếng trong lĩnh vực này. Ở góc dưới bên phải, chúng ta có thể thấy con dấu tròn màu đỏ “I’nen” được sử dụng cả bởi chính nghệ sĩ và xưởng Tawaraya.
TRUNG QUỐC
TRIỀU THANH (1644-1911)
Chiều cao 57 cm
Xuất xứ:
Bộ sưu tập Peltzer de Clermont. Le Neubois – Spa, phòng tranh St Georges – Liège, nhãn dán dưới đế tượng
Tượng chim trĩ lớn được làm từ sứ tráng men đa sắc và thếp vàng, chim trĩ đứng trên một tảng đá tráng men hồng, lam, lục và trắng, chân trái nâng cao, móng vuốt cụp lại. Thân chim trĩ có màu cam với từng chiếc lông vũ được chạm khắc tinh xảo. Cánh chim thu lại phía sau, lông vũ được trang trí với một loạt các sắc màu tươi sáng (đỏ, xanh lá, hồng, xanh dương, đen, xanh ngọc) và những nét trang trí mạ vàng nổi bật. Cổ chim thon dài là sự pha trộn màu sắc tinh tế từ hồng, xanh, vàng và xanh nhạt có các sọc đen. Đầu hướng về bên trái, trên đỉnh đầu là một chiếc mào có các chi tiết mạ vàng, mỏ ngắn hơi cong lên. Bên dưới tảng đá, nhãn dán ghi “Phượng hoàng (Loài chim linh thiêng tượng trưng cho Hoàng hậu) Trung Quốc thế kỷ 17. Bộ sưu tập Peltzer de Clermont. Le Neubois – Spa – Phiên đấu giá tại phòng tranh St Georges – Liège.”
Chim trĩ là một trong những loài chim thường xuất hiện trong nghệ thuật cổ điển Trung Quốc, chủ yếu mang ý nghĩa về chính trị, liên quan đến quyền lực và chức vụ của quan lại. Hình ảnh chim trĩ thường được thấy trên huy hiệu của mệnh quan triều đình nhị phẩm và ngũ phẩm. Một trong những tên gọi của loài chim này trong tiếng Trung là “changwei zhi”, đồng âm với các từ “chang” và “zhi” nghĩa là “quản lý” và “lâu dài”. Hình tượng chim trĩ được ví như lời chúc cho một chế độ ổn định và lâu dài.
HỌA SĨ CHÂU Á, CÁC TÁC PHẨM QUAN TRỌNG
Chuyên gia về các Nghệ sĩ châu Á
Charlotte Aguttes-Reynier
+33 1 41 92 06 49 – reynier@aguttes.com
NGHỆ THUẬT CHÂU Á
Trưởng ban Nghệ thuật châu Á
Clémentine Guyot
+33 1 47 45 91 54 – guyot@aguttes.com
TUẦN LỄ CHÂU Á
Triển lãm công khai
Từ thứ Hai ngày 18 tháng 9 đến thứ Tư ngày 27 tháng 9: 10h – 13h và 14h – 17h30 (trừ cuối tuần)
Nguồn: Aguttes