Đêm giao thừa đốt hương. Ảnh: Le Van Thuy
Ta thường hay nói: để dành một năm, tiêu trong ba ngày tết. Câu nói cũng không phải là quá đáng, vì sự tiêu tết, sắm tết đối với người mình không phải là một việc xa xỉ, mà chính là một sự cần dùng, hơn nữa, là một sự bất đắc dĩ.
Nhiều người không muốn tiêu tết, nhất là những người không sẵn tiền, nhưng không tiêu cũng không được. Kể thật ra, nếu không sắm tết cũng không làm sao cả, nhưng một đám tang còn phải có cỗ bàn, ăn uống, một cô dâu mới còn phải bước qua cái hỏa lò, một cái tòng cửu phẩm văn giai còn phải khao, thì ngày tết cũng phải sao ra ngày tết chứ. Chẳng lẽ không có gì, tất nhiên người ta chê cười.
Một cái ý nghĩa như vậy là đủ làm cho người dân mình bán cơ nghiệp đi để ăn tết rồi. Họ cũng còn có thể bán vợ, đợ con nữa, nếu họ không nghĩ rằng bán vợ con đi thì ăn tết với ai.
—
Ngày 23 tháng chạp, cái lệ phải tiễn ông công lên chầu trời, cũng như dân ta tiễn một ông quan dưới trần đi nơi khác.
Ngày ấy, người ta phải mua ba cái mũ giấy, một con cá chép, còn vàng hương không kể.
Bắc-kỳ có 6 triệu người, vào khoảng một triệu nhà như vậy phải cần dùng đến ba triệu cái mũ. Mũ nào cũng được, các bà không kén chọn như ta khi mua mũ Mossant, Wing’s hay B. Fléchet.
Còn cá chép để dùng làm ngựa, tuy có nhiều bà cũng biết rằng cá chép chỉ có thể dùng để rán ăn được thôi, cũng dùng đến 500.000 con. Năm mươi vạn con cá chép ngày hôm ấy, từ dưới nước lên trên cạn, rồi lại từ trên cạn xuống dưới nước, nhưng lúc xuống thì ít hơn lúc lên.
Một nhà dùng trong ngày tết, ít ra là 1.000 vàng. Nếu đem số vàng giấy ấy xếp lên một thước vuông thì cây vàng ấy sẽ cao được 8.000 thước, nghĩa là xấp xỉ gần bằng quả núi Everest, cao nhất hoàn cầu.
Ấy là tôi chưa kể một triệu đôi giầy, hai mươi triệu thẻ hương. Nếu đem những thẻ hương đó nối giải vào với nhau, ta sẽ có cái que hương giải 300.000 cây số, nghĩa là khúc đường đi của ánh sáng trong một giây đồng hồ.
—
Bây giờ nói đến tiêu về tết.
Ngày tết, cốt nhất có pháo đốt, có bánh chưng ăn, có chè uống (chè tầu và chè ta) và nhiều thứ khác nữa, như các thứ mứt, rượu, hoa, vân vân…
Nay cứ cho mỗi nhà đốt trong mấy ngày tết có hai bánh pháo, giải 30 phân tây. Một triệu nhà đốt hết 60 triệu thước pháo hay là 6 nghìn cây số pháo, bằng nửa đường kính của quả đất chúng ta ở.
Mỗi một thước pháo phải đốt trong một phút mới hết. Đốt 60 vạn thước pháo, phải mất 60 vạn phút, hay là 1.000 giờ. Nghĩa là nếu ta chắp liền từng ấy bánh pháo mà đốt, pháo sẽ nổ trong hai tháng năm ngày mới dứt tiếng.
Sáu triệu người, ít nhất tiêu thụ trong ngày tết cũng phải 6 triệu cái bánh chưng. Nếu ta dùng bánh chưng làm gạch lát, ta sẽ lát được một sân rộng 450 thước, nghĩa là có thể lát được cái thành Hanoi cũ.
Còn nếu cứ tính một xu chè tầu có thể pha được ba chén tống ngon, thì số chè tầu tiêu thụ trong ngày tết có thể dùng để pha được toàn nước Thái-bình-dương.
Lại còn rượu ty, rượu mùi uống ngày tết, đổ đồng vào khoảng hai triệu chai. Với cái số rượu trong chừng ấy chai, trời có thể mưa rượu luôn ở thành-phố Hanoi trong bốn ngày đêm, sức mưa tính theo một trận mưa thường trong năm.
Những con số đại khái như vậy cũng đủ làm cho ta hiểu sự ăn tiêu trong mấy ngày tết của dân tộc Annam (chỉ có xứ Bắc-kỳ), nhiều là chừng nào.
Trong mấy ngày tết, người ta đã ăn uống, chơi bời bằng ăn chơi trong mấy tháng ngày thường. Thế mà người chơi còn chưa lấy làm chán, và ăn chưa lấy làm mãn nguyện, chưa lấy làm hả hê, đủ biết người mình đói bụng là thế nào.
Mà có nhiều người họ đói thật.
Bài viết của tác giả Việt-Sinh (một bút danh của Thế Lữ) đăng trên báo Ngày Nay, số ra ngày 10 tháng 2, 1935.