Logo loading

“BÁC HỒ VÀ CHÚ LIÊN LẠC” CỦA HỌA SĨ MAI VĂN HIẾN (1923-2006) NƠI KHỞI ĐẦU MÙA XUÂN CÁCH MẠNG

Mai Văn Hiến (1923 – 2006). Bác Hồ và chú liên lạc. 1990 – 1991. Sơn dầu. 130x170cm. Sưu tập tư nhân, Hà Nội Họa sĩ Mai Văn Hiến với phong cách hiện thực lãng mạn cách mạng Họa sĩ Mai Văn Hiến sinh năm 1923 tại Đà Nẵng. Ông học khóa 17 (1943-1945) tại […]
|Viet Art View

Mai Văn Hiến (1923 – 2006). Bác Hồ và chú liên lạc. 1990 – 1991. Sơn dầu. 130x170cm. Sưu tập tư nhân, Hà Nội

Họa sĩ Mai Văn Hiến với phong cách hiện thực lãng mạn cách mạng

Họa sĩ Mai Văn Hiến sinh năm 1923 tại Đà Nẵng. Ông học khóa 17 (1943-1945) tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, cùng năm với Mai Văn Nam, Lê Thanh Đức, Phạm Tăng. Trong kháng chiến chống Pháp, ông tham gia cách mạng, vẽ nhiều tranh cổ động. Đặc biệt, năm 1946 ông vẽ tờ giấy bạc đầu tiên cho Chính phủ Việt Nam. Năm 1954, ông tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Tuy sáng tác đa dạng đề tài nhưng những tác phẩm tiêu biểu của ông đều liên quan đến chủ đề chiến tranh cách mạng và lãnh tụ.

Chân dung họa sĩ Mai Văn Hiến (1923 – 2006)

Sáng tác nhiều về đề tài chiến tranh nhưng ít khi chúng ta thấy ông khắc họa cảnh khói lửa, đạn bom; cảnh tàn khốc nơi chiến trường. Ông yêu thích những gì trong trẻo, nhẹ nhàng, lãng mạn, vui tươi sau “chiến tuyến” theo phong cách hiện thực lãng mạn như: “Gặp nhau”, 1954, bột màu, 80x100cm; “Trước giờ ra thao trường”, 1956, sơn dầu, 70x90cm; “Hoa doanh trại”, 1956, 80x80cm; “Bướm dọc đường” 1984, sơn dầu, 74x100cm; “Sương tan”, 1992, sơn dầu, 60x90cm; “Tiếng hát mùa chiến dịch”, 1994, sơn dầu 120x180cm. Chủ đề “lãnh tụ” có “Những lời dạy bảo”, 1958, sơn dầu, 80×120 (Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam); “Bác Hồ và chú liên lạc”, 1990-1991, sơn dầu, 130x170cm; “Bác Hồ về nước lãnh đạo Cách mạng”, 1995, sơn dầu, 100x160cm…

Trong những tác phẩm của ông ngoài các nhân vật trẻ, già, chúng ta thấy khung cảnh núi non thơ mộng, trữ tình, tươi đẹp với gam màu dịu nhẹ, thanh mát cùng những nụ cười tươi rói, rạng rỡ; thấy một kỹ thuật hàn lâm cổ điển trong tạo hình. Bố cục tranh khúc chiết, tạo hình vững chãi, tỷ lệ cân bằng. Đường nét luôn vừa đủ tạo sự mềm mại, chuyển tiếp cho các khối hình.

Với những cảm nhận thương quý của gia đình, bạn bè, đồng nghiệp về một Mai Văn Hiến hài hước, dí dỏm, tốt bụng, chân thành ; còn dưới con mắt của giới chuyên nghề thì hội họa Mai Văn Hiến là sự lạc quan, tình yêu quê hương, tinh thần nhân văn cao cả của sự hy hinh cho đất nước toát lên từ những nhân vật. Phong cảnh quê hương cũng trở nên đẹp đẽ vô cùng dưới con mắt của ông.

Trong “Bác Hồ và chú liên lạc” cũng vậy. Là tác phẩm theo đề tài lãnh tụ, chủ đề cách mạng…nhưng những gì được Mai Văn Hiến khắc họa trong tranh lại vô cùng êm đềm, an hòa. Bởi với ông, những gì khốc liệt nhất như chiến tranh, hay nghiêm túc như đề tài lịch sử lãnh tụ đều được xử lý theo bút pháp, ngôn ngữ tạo hình lãng mạn của riêng mình. Dịu dàng, yên bình là vậy, nhưng tác phẩm mang trong mình tình yêu quê hương đất nước và ý chí Cách mạng mạnh mẽ như sức sống của mùa xuân mới.

Những điểm nổi bật trong tác phẩm “Bác Hồ và chú liên lạc”

Tác phẩm “Bác Hồ và chú liên lạc” là một tác phẩm đặc biệt. Trước hết, bức tranh có tới bốn tên khác nhau:

–  Tên đầu tiên “Sáng ra bờ suối…” do tác giả Mai Văn Hiến viết chú thích trên bản phác thảo màu nước trên giấy

– Tên thứ hai “Bác Hồ ở Pác Bó” trong triển lãm “Những tác phẩm vô giá của hội họa Việt Nam” năm 2012

– Tên thứ ba “Bàn đã chông chênh” trong sách “Hội họa Việt Nam một diện mạo khác”

– Tên thứ tư “Bác Hồ và chú liên lạc” trong sách “Họa sĩ Mai Văn Hiến”, của Nhà Phê bình Mỹ thuật Mai Thị Ngọc Oanh (con gái của họa sĩ Mai Văn Hiến) chủ biên.

Bản phác thảo Sáng ra bờ suối…

Bản phác thảo “Sáng ra bờ suối…” được họa sĩ Mai Văn Hiến lấy cảm hứng từ bài thơ “Tức cảnh Pác Bó” được Bác Hồ sáng tác vào tháng 2 năm 1941:

Sáng ra bờ suối tối vào hang

Cháo bẹ rau măng vẫn sẵn sàng

Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng

Cuộc đời Cách mạng thật là sang.

Nhà Phê bình Mỹ thuật Mai Thị Ngọc Oanh cho biết “sau khi chuyển thể từ màu nước sang chất liệu sơn dầu, họa sĩ Mai Văn Hiến đã chính thức đặt tên tranh “Bác Hồ và chú liên lạc”. Về căn bản, tên gọi đôi khi đơn thuần diễn tả những gì được khắc họa trên bề mặt của tác phẩm. Khi người nghệ sĩ sáng tạo, họ còn muốn gửi gắm nhiều hơn “một thông điệp từ tên gọi”.

Trong tác phẩm, hình ảnh Bác Hồ và chú liên lạc làm người xem gợi nhớ tới hình ảnh chủ thể của vị lãnh tụ – Bác Hồ, còn chú liên lạc – đại diện cho những người được giác ngộ cách mạng lúc đó. Bức tranh mô tả một thiên nhiên xanh mát hùng vĩ, dưới tán lá cây rừng, bên cạnh dòng suối thơ mộng là hình ảnh Hồ Chủ Tịch ngồi bên bàn đá đưa “công văn” cho người liên lạc. Lúc ấy, Người có những giao liên khác nhau, giúp thông suốt liên lạc, chỉ đạo của Người tới nhiều cơ sở cách mạng bí mật khác nhau ở Cao Bằng.

Khi sáng tác tranh đề tài Bác Hồ, tạo hình vị lãnh tụ thường được đặt ở vị trí trung tâm. Một số bức tranh còn sử dụng bút pháp ước lệ, khắc họa Người vĩ đại hơn các nhân vật khác.

Tuy nhiên, họa sĩ Mai Văn Hiến đã khắc họa một hình ảnh lãnh tụ ung dung, thư thái giữa một khung cảnh non nước bao la rộng lớn. Đây có lẽ là một trong hai bức tranh sơn dầu có khuôn khổ lớn nhất trong sáng tác của Mai Văn Hiến, với kích thước 130x170cm (Bức kia là “Tiếng hát mùa chiến dịch”, 120x180cm) và thời gian sáng tác mất hai năm (1990-1991).

Bức tranh “Bác Hồ và chú liên lạc” tựa như một lát cắt trong thước phim lịch sử của Cách mạng Việt Nam. Tác phẩm tái hiện một giai đoạn quan trọng khi Bác hoạt động bí mật tại căn cứ địa Pác Bó. Nhưng, những chi tiết được khắc họa trong tác phẩm lại vô cùng dịu dàng, bình yên. Trong tranh, hai nhân vật hòa mình với thiên nhiên hùng vĩ, người xem thấy non nước tươi đẹp, thấy cây lá xanh mát, dòng suối hiền hòa, thơ mộng. Cảm giác về chủ đề lịch sử, chủ đề cách mạng hay ngợi ca lãnh tụ tự nhiên trở nên mềm nhẹ. Chỉ còn xúc cảm về quê hương Việt Nam tươi đẹp và thân thương.

 Nơi khởi đầu của mùa xuân cách mạng

Chúng ta hay nhắc đến “Mùa thu tháng Tám” với ngày 2 tháng 9 năm 1945 ở Hà Nội, nơi Hồ Chủ Tịch đọc Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra “nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”. Nhưng để có được mùa thu năm ấy, Người và nhân dân ta đã gieo những hạt mầm của mùa xuân cách mạng đầu tiên tại nơi núi rừng Pác Bó, tỉnh Cao Bằng.

Sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước, ngày 29 tháng 1 năm 1941 (mùng 2 Tết Tân Tỵ), lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc vượt qua cột mốc 108 (Pác Bó, Cao Bằng) trở về Việt Nam. Người đã ở Pác Bó từ tháng 1 năm 1941 đến tháng 8 năm 1942.

Bác Hồ tại hang Cốc Bó, Pác Bó, Cao Bằng. Nguồn vietjack

Mùa xuân 1941 tại Pác Bó, Cao Bằng được coi như khởi đầu của “mùa xuân cách mạng”, lý tưởng cách mạng. Đây là căn cứ địa đầu tiên của Cách mạng Việt Nam; trở thành đại diện tiêu điểm với những tên gọi tượng trưng cho chủ nghĩa cách mạng. Phja Tào có nghĩa là núi Đào được Người đặt tên là núi Các Mác. Khuổi Giàng trở thành suối Lê Nin.

Chủ nghĩa và lý tưởng ấy được Người truyền bá sâu rộng tới đồng bào cả nước. Bắt đầu từ những người đồng chí, người dân được giác ngộ cách mạng ủng hộ, giúp đỡ và bảo vệ.

Mai Văn Hiến (1923 – 2006). Bác Hồ và chú liên lạc. 1990 – 1991. Sơn dầu. 130x170cm. Sưu tập tư nhân, Hà Nội

Ngắm “Bác Hồ và chú liên lạc’ để thấy mùa xuân cách mạng, mùa xuân trong lòng, trong mỗi trái tim. Và chính mùa xuân cách mạng Người mang về năm ấy, đã tiếp nối bản anh hùng ca hào hùng của dân tộc, trở thành mầm sống, thành tiền đề cho lý tưởng cách mạng sục sôi trong tâm trí đồng bào Việt Nam. Để rồi vào mùa thu lịch sử năm 1945, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chính thức được khai sinh, nhân dân Việt Nam ta chính thức tự hào hô vang hai tiếng độc lập, tự do.

Bài viết bởi Viet Art View
Bản quyền thuộc về Viet Art View

 

 

Chia sẻ:
Back to top