Chào mừng 79 năm Quốc khánh Việt Nam (2/9/1945 -2/9/2024), Viet Art View trân trọng gửi tới người yêu nghệ thuật bài viết “Bắt đầu một nền mỹ thuật Cách mạng” của tác giả Nguyễn Văn Tỵ. Bài đăng trên báo Hà Nội mới ngày 28 tháng 8 năm 1983, cách đây đúng 39 năm.
Trân trọng!
Nguyễn Văn Tỵ (1917 – 1992). Bác Hồ dịch sử Đảng. 1969. Màu nước, chì than. 29,5×40,5 cm
Sau tháng 8-1945, nền mỹ thuật Việt Nam hướng theo dòng nghệ thuật cách mạng được coi là chính thống. Lúc đầu số họa sĩ tham gia Mặt trận Việt Minh, rồi Văn hóa cứu quốc chỉ dăm bảy người. Đến kháng chiến chống Pháp, số họa sĩ theo cách mạng đông dần lên tới gần 30 người – phần lớn là các họa sĩ ở thủ đô Hà Nội và một vài anh em ở miền Nam từ những ngày Pháp khởi hấn ở Nam Bộ.
Số lượng họa sĩ mới đầu tuy nhỏ nhưng vì có lòng yêu nước nên đã làm nòng cốt đắc lực cho phong trào vẽ tranh cổ động và mọi nhiệm vụ tuyên truyền kháng chiến lúc bấy giờ. Mọi sáng tác đổ dồn vào nét bút chống địch, vẽ tranh cổ động, tranh tường cổ vũ toàn dân đoàn kết chiến đấu. Quanh mặt trận Hà Nội, có biết bao tranh in nét to, chữ đậm, về anh tự vệ chống tăng bằng bom ba càng, về tình quân dân, biết bao khẩu hiệu kẻ và những bức tranh tường ở các khu ngoại ô dựng chiến lũy như Bạch Mai, Ngã Tư Sở, Cầu Mới,… v.v. Các họa sĩ Thủ đô rút dần lên chiến khu theo các cơ quan tuyên truyền hoặc vào hẳn các đơn vị bộ đội.
Ở Việt Bắc và các liên khu giới họa sĩ được học tập chủ nghĩa Mác Lê-nin, tham gia những cuộc vận động quần chúng như tạm vay, đóng thuế nông nghiệp, rồi giảm tô và cải cách ruộng đất.
Nguyễn Văn Tỵ (1917 – 1992). Bác Hồ câu cá. 1969. Màu nước giấy dó. 34,5×49,5 cm
Những xưởng họa được dựng lên ở Xuân Áng (Phú Thọ cũ) và Thanh Hóa. Suốt những năm từ 1948 đến 1951 là thời kỳ các họa sĩ vừa đi nghiên cứu vẽ ở thực tế các mặt trận, các địa phương có phong trào kháng chiến mạnh, từ vùng sau lưng địch đến các nẻo đường heo hút nối liền từ Việt Bắc đến khu 4, khu 5 và Nam Bộ. Nhiều tác phẩm và kỹ thuật mới ra đời, như “Chân dung Bác Hồ” (khắc gỗ của Tô Ngọc Vân), “Mùa gặt” (sơn dầu của Dương Bích Liên), “Ba nữ du kích” (khắc gỗ của Bùi Xuân Phái), “Thương binh” (sơn dầu của Thân Trọng Sự), “Chợ Bo” (sơn dầu của Nguyễn Sáng), “Vườn không nhà trống” (gỗ của Lê Quốc Lộc)…
Tranh in Li-tô với đậm nhạt và sáng tối là kỹ thuật diễn tả mới của xưởng họa LK4; màu xanh lót vàng là kỹ thuật diễn tả màu xanh rừng Việt Bắc của xưởng họa Xuân Áng. Kỹ thuật phát triển ngay trong rừng sâu khi nhiệm vụ chính trị đòi hỏi cấp bách. Những nhân vật Hà Nội lúc này đã chuyển hóa thành “Anh lính Cụ Hồ” áo nâu, mũ ca-lô, áo trấn thủ và giày vải đi rừng. Thiếu nữ mặc áo ngắn, đeo ba-lô đi bộ hoặc cầm súng trong đội ngũ dân quân. Những hình tượng nhân vật đó trên tranh đã được trình bày ở các Triển lãm Mỹ thuật Toàn quốc tại Đào Dã (1948) và Chiêm Hóa (1951) giữa khu rừng già. Cũng từ triển lãm này, giới họa sĩ được nhận thư Bác Hồ nghiên cứu ý nghĩa cả “lời” của Bác để tự nguyện có ý thức về người “chiến sĩ” trên con đường nghệ thuật cách mạng của mình.
Cũng vào thời kỳ này, trường Cao đẳng Mỹ thuật mở lại ở chiến khu Việt Bắc, đào tạo một thế hệ tiếp theo gồm hơn 20 anh chị em. Trường học lưu động qua nhiều tỉnh, vừa học vừa phục vụ công tác tuyên truyền, tham gia sản xuất và chiến đấu. Chính vào thời kỳ này, các họa sĩ của hai thế hệ tiếp cận cùng đi sâu vào nghiên cứu nghệ thuật qua thực tế, xem tận nơi những vốn cổ dân tộc ở các địa phương như ngôi đền Bà đợi Lý ở Yên Bình (nay thuộc lòng hồ Thác Bình), đình Thổ Hà (Bắc Giang cũ), đền Vồm thờ Lê Phụng Hiều (Hàm Rồng – Thanh Hóa), Hoa Lư và hang Đồng Nội có nét vẽ chạm của người Việt cổ.
Bằng phương pháp so sánh, phương pháp luận khoa học tiếp thu từ phép duy vật biện chứng, một số họa sĩ bắt đầu đánh giá lại các vốn cũ và đi sâu nghiên cứu các tác giả lớn hiện đại phương Tây, cùng đề ra những phương pháp sáng tác mới. Nhiều cuộc thí nghiệm về màu sắc và kỹ thuật tranh khắc gỗ in giấy điệp, in tranh trên đá được phát hiện để phục vụ kịp thời những nhiệm vụ chính trị. Nhìn chung đây là thời kỳ phong phú về tích lũy vốn sống, về hiểu biết lý luận kết hợp với thực tiễn để chuẩn bị cho những bước sáng tác và đào tạo đội ngũ mới sau này.
Nguyễn Văn Tỵ (1917 – 1992). Màu nước giấy dó. 36,5×50 cm
Từ 1954, nhiều cuộc triển lãm toàn quốc được mở ra ở thủ đô đã được giải phóng. Số quần chúng xem tranh đông gấp bội. Những tác phẩm về nội dung kháng chiến, về cuộc cách mạng dân tộc dân chủ được mở rộng và nâng cao về mặt chất lượng nghệ thuật, từ 1955-1956 mỹ thuật Việt Nam bắt đầu tiếp xúc với thế giới bên ngoài từ Ấn Độ đến các nước Đông Âu. Cho đến 1958 phần Việt Nam trong Triển lãm quốc tế các nước XHCN ở Mát-xcơ-va đã được đánh giá cao. Hội họa Việt Nam là một phát hiện mới ở triển lãm này và một “đóng góp đáng kể cho kho tàng văn hóa thế giới”.
Trung ương Đảng và Nhà nước ta đã tặng Hội Mỹ thuật Việt Nam Huân chương Lao động hạng nhất (1960) vào dịp này.
Nguyễn Văn Tỵ (1917 – 1992). 1969. Mốc biên giới 108. Màu nước. 29,5×47 cm
Từ đây phong trào sáng tác mỹ thuật được mở rộng, đội ngũ nghệ sĩ mới được đào tạo ngày càng đông, đóng góp cho công cuộc chống Mỹ cứu nước, nhiều nghệ sĩ – chiến sĩ cả về điêu khắc lẫn hội họa. Thế hệ nghệ sĩ trẻ tỏ ra sung sức, năng nổ hoạt động trên chiến trường cũng như trong xưởng họa. Lê Duy Ứng là một trường hợp điển hình. Rồi đến Đỗ Sơn, Lương Xuân Đoàn, Lê Anh Vân. Một số tác giả nữ tỏ ra xuất sắc về đổi mới phong cách, về tư duy khái quát nghệ thuật như Đặng Thị Khuê, Thu Hương, Văn Dương Thành, Mai San…
Nguyễn Văn Tỵ (1917 – 1992). Bác Hồ ở hang Pác Bó (phác thảo). 1969. Màu nước giấy dó. 29,5×30,5 cm
Mấy năm gần đây, những khó khăn về kinh tế xã hội không khỏi ảnh hưởng đến sáng tác mỹ thuật. Vừa công tác cơ quan, vừa sáng tác nghệ thuật là nhiệm vụ của phần lớn anh chị em trẻ. Những khó khăn về thời gian, về nguyên liệu, vật liệu không làm nản lòng những nghệ sĩ trẻ đầy tâm huyết vì nghệ thuật. Gần đây, những phòng triển lãm của tác giả trẻ, của tác giả nữ liên tục được mở hàng năm, giữ vững nề nếp làm việc. Tuy nhiên những khó khăn vẫn cứ đến liên tiếp. Chính lúc này, giới mỹ thuật cần sự giúp đỡ của dư luận quần chúng, sự ủng hộ của các cơ quan Nhà nước quản lý về mỹ thuật và nhất là sự tin tưởng của toàn giới vào kỳ Đại hội ngành mỹ thuật lần thứ hai sau 26 năm thành lập Hội, sự mong ước về sáng tác tạo hình được phát triển sâu rộng, xứng đáng với một nền văn nghệ tiên tiến như Nghị quyết Đại hội lần thứ V của Đảng đã nêu lên.
Bài biết bởi họa sĩ Nguyễn Văn Tỵ