Thời cận đại, nhiều hoạ sĩ như Nguyễn Phan Chánh luôn hướng tình cảm về những người nông dân một nắng hai sương lam lũ vất vả với khuôn mặt đượm buồn an phận, tiêu biểu qua các tranh lụa Đi làm đồng, Mờ đông đi cấy trong sương mù. Tới Triển lãm Mỹ thuật Toàn quốc lần thứ VII tại Hà Nội 1958, tác phẩm Bình minh trên nông trang của hoạ sĩ Nguyễn Đức Nùng như một tuyên ngôn mới về nhận thức thẩm mỹ trước hiện thực thay đổi từng ngày ở nông thôn với những phong trào Tổ đổi công, Hợp tác xã nông nghiệp làm chủ ruộng đồng.
Nguyễn Đức Nùng (1914 – 1983). Bình minh trên nông trang. 1958. Sơn mài. 63 x91,2 cm
Bằng cách nhìn khái quát điển hình hình tượng người nông dân, nhân vật chính của bức tranh Bình minh trên nông trang với tấm lưng trần vạm vỡ rám nắng cường tráng cơ bắp đang vung tay gieo hạt trên cánh đồng vừa rạng ló bình minh.
Hoạ sĩ Nguyễn Sĩ Ngọc từng nhận xét: “Bố cục rất táo bạo. Tuy là đứng sấp bóng mà những chi tiết của tấm lưng trần, hai cánh tay được tác giả tập trung diễn đạt với sức rung cảm kỳ diệu. Ánh sáng chỉ hắt vào rất nhẹ bên má, còn tất cả sừng sững như một sức sống thật. Bàn tay phải là một động tác vừa đủ, quá lên cao hay xuống thấp đều không đắt”.
Trên cánh đồng rộng mênh mông buổi sớm mai còn vắng vẻ, người nông dân không cảm thấy lẻ loi, cô độc mà đường hoàng đĩnh đạc trong động tác gieo hạt dứt khoát. Nguyễn Đức Nùng muốn phô diễn một biểu tượng người nông dân đồng bằng Bắc Bộ không còn hoài nghi trên luống cày của mình, đồng ruộng đã ở trong tay mình, tự tin khẳng định qua hình tượng con người duy nhất trong không gian bao la của buổi bình minh.
Bố cục tranh chặt chẽ, cô đọng với đường nét cơ thể nhân vật chắc khoẻ lừng lững. Cái mênh mông của cánh đồng chìm ngập trong ánh sáng bình minh được thể hiện bằng vàng kim chan hoà trên tấm vóc đỏ son đầy thuyết phục.
Hoạ sĩ Nguyễn Đức Nùng đã làm chủ và điều khiển ngôn ngữ sơn mài truyền thống để thể hiện một chủ đề đường bệ mạnh mẽ với cái nhìn mới: sung mãn và toại nguyện.
Chân dung họa sĩ Nguyễn Đức Nùng (1914 – 1983)
Ở bức tranh này, Nguyễn Đức Nùng đã gặp lại, tìm lại ngôn ngữ sơn mài truyền thống khi ở chiến khu Việt Bắc về Hà Nội năm 1958. Khi thực hiện tác phẩm, ông đã kết hợp cách thể hiện sơn mài từ lối rắc bột vàng, mài đánh bóng theo các cung bậc nặng, nhẹ tay để hình, màu hiện lên theo ý muốn. Dưới tay ông, bảng màu sơn trong Bình minh trên nông trang là cả một tìm kiếm thành công bất ngờ, đặc biệt là khả năng mô tả ánh sáng. Những quỳ vàng được thếp dày đặc, óng ả rực rỡ biểu đạt ánh sáng bình minh đang lên, nơi xóm làng còn yên lặng sau đêm dài đã chấp chới vài vệt nắng từ vàng kim đem tới. Bảng màu sơn mài bước ra khỏi không gian tôn giáo của cửa võng, hoành phi, câu đối cốt lấy sự phô diễn giàu sang của chất liệu để thể hiện tầm vóc uy nghi, đường bệ.
Vệt vàng kim trên tác phẩm gần như là chủ đề dẫn dắt một hiện tượng thiên nhiên nơi trần thế, được lấy lại sự cân bằng bởi màu nâu tối ấm áp của mặt đất để giảm đi phần vàng son lộng lẫy. Nguyễn Đức Nùng đã vượt qua tinh thần cẩn trọng tỉ mỉ, chắc chắn theo tư duy mỹ nghệ của các nghệ nhân xưa để vươn tới cái đẹp hài hoà trong sắc màu sáng tạo. Tác giả bị lôi cuốn bởi sắc màu tương giao tình cảm và sức nặng sâu xa huyền bí dưới lớp sơn ta suốt chiều dài thế kỷ.
Theo phong cách đồng hiện gọn ghẽ, những mảng màu chạy ngang lòng tranh biểu đạt bầu trời, mặt đất, làng mạc, cây cối bừng lên dưới ánh bình minh theo cung bậc thời gian. Trong không gian tĩnh lặng đó hiện lên bóng người nông dân mạnh khoẻ đang vung tay gieo hạt. Động tác này phá vỡ mạch màu chạy ngang, lấy lại sự cân bằng chặt chẽ cho tác phẩm. Ở tác phẩm, hoạ sĩ còn kết hợp kỹ thuật pha màu sơn khiến bảng màu thêm phong phú qua việc diễn tả làng mạc, cây cối, mặt trời, mặt đất trên nền của màu sơn truyền thống là sơn then (đen), vàng kim, cánh gián. Mặt khác, nhờ học tập và nghiên cứu các quy luật của nghệ thuật tạo hình châu Âu về tạo hình, không gian, luật xa gần trong bố cục, dựng hình, Nguyễn Đức Nùng tuy sử dụng những đặc tính của vàng kim với đầy sự trừu tượng, ước lệ để diễn tả ánh sáng nhưng vẫn thể hiện được chiều sâu của không gian hội hoạ trong tác phẩm.
Xuất hiện ở thập niên sơn mài 1955 – 1965, một giai đoạn phục hưng giá trị truyền thống sơn mài trong hội hoạ, tác phẩm Bình minh trên nông trang ẩn chứa nhiều thông điệp mới mẻ về nội dung với đề tài xã hội, con người sau cuộc chiến tranh vệ quốc 1954 cùng khả năng diễn đạt chất liệu sơn mài ở những đề tài mang giá trị chính luận của một thời hoà bình bền vững trên đất nước Việt Nam.
Một đề tài hiện đại trong phong cách tạo hình, cấu trúc trên bình diện tự nhiên của trào lưu hiện thực xã hội chủ nghĩa lại đặt trên nền cốt cách sơn mài cổ điển, Bình minh trên nông trang là một kết hợp nhuần nhuyễn trong giá trị tạo hình xưa – nay, cổ điển – hiện đại, ngôn ngữ biểu đạt sơn mài lần đầu tiên mở rộng khái niệm để định hình một trường phái hội hoạ hiện đại Việt Nam thập niên 60 với phương pháp sáng tác hiện thực xã hội chủ nghĩa, một phong cách mạnh mẽ, mạch lạc nguyên khối trong cấu trúc đề tài và nội dung thể hiện. Đây là tác phẩm tiêu biểu nhất của Nguyễn Đức Nùng trong sưu tập tranh sơn mài của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.
Ảnh chụp bởi Nhiếp ảnh gia Lê Vượng
Bài viết bởi Nhà nghiên cứu Nguyễn Hải Yến
Bản quyền thuộc về Viet Art View