(Bài viết của tác giả Tường-Bách đăng trên báo Ngày Nay, số ra ngày 10 tháng 2, 1935)
‘Thiếu nữ và hoa thủy tiên’, một bức tranh của ông Tôn Thất Đào vẽ trên lụa, hình minh họa báo Ngày Nay.
Tuy có nhiều thứ hoa đẹp hơn, rực rỡ hơn, nhưng trông những bông hoa thủy-tiên cánh trắng muốt với nhị tươi vàng, xen lẫn những chiếc lá xanh cong mềm mại, vẫn thấy cái vẻ trong sạch, cao quý mà không hoa nào có được.
Và trông một củ thủy-tiên đẹp, ta phải nghĩ đến bàn tay khéo léo của người đã tỉ mỉ gọt tỉa, chăm nom từ lúc mua về cho đến lúc ra hoa. Nhiều người, nhất là các bà các cô chịu khó mua thủy-tiên về gọt lấy để chơi. Nhưng phần đông là gần tết ra chợ Đồng-Xuân mua lấy vài củ gọt sẵn cũng đủ lắm rồi.
Cái nghề gọt thủy-tiên để bán đã làm cho nhiều người sống một cách phong lưu, nhàn nhã, nhiều nhất ở các làng Nghi-Tàm, Yên-Phụ. Làng Yên-Phụ gọt thủy tiên không biết đã bao nhiêu lần tết rồi, các làng khác mới bắt chước gọt độ bảy tám năm nay, và hãy còn kém cỏi, tuy đã phải phái người xuống tận đấy để học nghề trong mấy tháng trời.
Nhà ông trưởng D… một tay gọt khéo ở Yên-Phụ, tuy chỉ tỉa độ hai kiện Nghi-Xuân, mỗi kiện độ 35 $ 00 mà có năm lãi tới hơn trăm bạc, đủ tiền cho ông tiêu xài và hút thuốc phiện trong mười hai tháng.
Nhưng cái công việc gọt thủy-tiên cũng không phải là nhàn-nhã gì. Mang về, phá phác xong, phải đem ngâm thành hàng trong những “thùng” rỗng và nông, đầy nước. Công việc khó nhọc- nhất là đối với một người nghiện- vì còn gì khó chịu cho bằng những buổi sáng rét như cắt cũng phải thay nước, gọt sửa lại từng củ một, và tỉ mỉ ngồi tỉa lá cho nó uốn cong, hay châm kim vào giò hoa rồi sẽ gọt phía trong cho ngả cả vào giữa và khỏi lên cao quá.
Lúc nào cũng phải chăm nom đến, lúc nào cũng phải xem thời tiết nóng hay lạnh để mà liệu trước. Nóng thì đem ra ngoài sương gió lạnh, mà nếu lạnh cần phải gọt sâu xuống và để vào những chỗ ấm áp, nếu có cái lò sưởi để xa xa nữa thì tốt lắm.
Vụ tết này đã phải lo sợ một chứng bệnh nguy hiểm của thủy-tiên, bỗng nhiên một giò có chấm như mốc rồi đen kịt, rụng ra, mà chỉ độ một hai ngày là hỏng cả củ.
Gặp tôi ông Trưởng lắc đầu nói:
– Chẳng có cách gì chữa được cả.
Tôi nói đùa:
– Sao ông không lên hỏi ông Nguyễn-công-Tiếu?
– Ấy có, hôm nọ có một người lên tận Ngọc-Hà hỏi ông Tiếu, ông ta bảo chữa bằng chất thanh-đạm mua ở hàng thuốc bắc, nhưng nghe đâu cũng không ăn thua gì lắm.
Không ăn thua gì cũng phải, vì thủy-tiên của ông Tiếu cũng không lấy gì làm tốt.
—
Nhưng cũng may, chứng bệnh đó, vì tiết trời lạnh nên không còn nữa. Ngồi bên cái ngọn đèn dầu lạc lù mù trong gian nhà tối, ông Trưởng vui sướng ngâm những cây thủy-tiên gọt tỉa đều đặn, tươi tốt, có những giò hoa mập mạp và xếp chúng trong những chậu đất nhỏ. Và rẻ đến đâu thì rẻ, mỗi củ ông đem bán cũng có thể được năm hào- ấy là không kể những củ tốt, đẹp nhất, bán đến một đồng, đồng rưỡi hay hơn nữa. Mà vốn mỗi củ chỉ có một hào thôi. Còn những củ hỏng, củ xấu phải đem trồng thì không đáng kể.
“Gọt thủy-tiên không bao giờ lỗ vốn”- câu nói của ông đã khiến tôi cũng muốn theo nghề ông. Nhưng trước cái tính chịu khó, nhẫn nại, tỉ mỉ và bàn tay nhẹ nhàng, khéo léo của ông- những cái mà tôi chưa có được- thì tôi thấy cái lợi nó còn xa xôi lắm.
Mà nói cho đúng chỉ lợi nhất cho những hiệu khách buôn thủy-tiên, như Sâm-Vinh, Hiệu-Xương ở hàng Buồm chẳng hạn. Mỗi năm họ được lãi tới hàng nghìn, mà số tiền ấy chắc chắn là của người Annam cả.
Thủy-tiên tuy là xa xỉ phẩm thật, nhưng là một xa xỉ phẩm đáng mua. Vì thiếu cái sắc đẹp dịu dàng và hương thơm êm ái của cánh hoa thủy-tiên trong cốc thủy tinh trong suốt, thì còn gì là tết nữa?