Logo loading

 “BÓNG TRĂNG THU”, MIỀN KÝ ỨC

Những lớp cảnh của một trung thu xưa cũ bắt đầu từ đoàn múa lân. “Bóng trăng thu” với ý tưởng về thế giới đan xen giữa quá khứ, hiện tại, tương lai, được thể hiện trên chất liệu sơn ta cực kỳ thu hút thị giác và gợi ra một thời thơ ấu cổ […]
|Viet Art View

Những lớp cảnh của một trung thu xưa cũ bắt đầu từ đoàn múa lân. “Bóng trăng thu” với ý tưởng về thế giới đan xen giữa quá khứ, hiện tại, tương lai, được thể hiện trên chất liệu sơn ta cực kỳ thu hút thị giác và gợi ra một thời thơ ấu cổ tích.

HOÀNG HỮU VÂN (Sinh 1982). Bóng trăng thu. 2018. Sơn ta. 120×200 cm

Rằm tháng tám từ sau năm 1945 đã trở thành ngày Tết Trung thu mà Việt Nam đặc biệt dành cho thiếu nhi. Trong dòng chảy của lịch sử, những khác biệt nhỏ giữa quá khứ và hiện tại tích luỹ dần sẽ tạo ra thay đổi lớn. Trung thu Việt Nam xưa và nay không giống nhau. Văn hoá đi theo sự hội nhập của kinh tế. Việt Nam không thể nằm ngoài sự phát triển toàn cầu. Đặt cạnh những quốc gia khác, chúng ta nên có những gì để khẳng định mình?

“Bóng trăng thu” mô tả một đêm rằm tháng tám, là trải nghiệm của ký ức và trí tưởng tượng về một hành trình trong không gian tạo ra bởi bàn tay người nghệ sĩ, chứa đựng thông điệp từ sự chiêm nghiệm và tự vấn. Hoàng Hữu Vân đã có một ý tưởng đặc biệt phù hợp cho chất liệu sơn ta. Không gian của “Bóng trăng thu” là không gian đan xen của ký ức, của những trung thu xưa cũ. Bầu trời trong tranh cũng là bầu trời của quá khứ, khi ánh sáng của trăng sao và đèn trung thu vẫn lung linh hơn ánh sáng của đèn điện. Đặt lòng yêu vào những cái đẹp xưa cũ, “Bóng trăng thu” đem trở lại không khí và hương vị Tết Trung thu đã thuộc về ký ức của nhiều thế hệ người Việt.

Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc là một số quốc gia có lễ Trung thu. Như đã đề cập, Trung thu ở Việt Nam đặc biệt hơn vì được coi là một ngày Tết dành cho thiếu nhi. Việt Nam cũng là đất nước duy nhất làm đèn trung thu hình con giống cho thiếu nhi chơi trong Tết Trung thu. Lồng đèn trung thu truyền thống có khung bằng tre, giang, được người làm đèn uốn thành những hình thù phức tạp. Ngoài đèn ông sao còn có đèn con thỏ, đèn cá chép, đèn con cua… từ hình dáng đến kích thước đều rất đa dạng. Đêm rằm tháng tám, thắp đèn trung thu, nhìn màu sắc lung linh của chúng cùng với mặt trăng êm dịu mà rạng rỡ, soi sáng gương mặt con trẻ, mới thấy được cái hiền hòa yên vui của đất trời.

HOÀNG HỮU VÂN (Sinh 1982). Bóng trăng thu. 2018. Sơn ta. 120×200 cm

Trong nhịp sống hiện nay, thiếu nhi Việt Nam khó có thể trải nghiệm một Trung thu xưa cũ đậm bản sắc. Lớn lên thiếu trải nghiệm này, Trung thu truyền thống không tồn tại trong ký ức của thế hệ, sẽ biến mất trong tương lai. Nhiều nền văn minh kỳ vĩ đã phát triển rồi lụi tàn. Lịch sử cho thấy hồi kết của văn minh hay văn hoá có những lúc không phải do chiến tranh, dịch bệnh hay thiên tai, mà đơn giản là mai một theo năm tháng. Khi các thế hệ sau không được kế thừa một cách đúng đắn từ thế hệ trước, những giá trị truyền thống, bản sắc, cứ thế ít dần cho đến lúc không còn gì. Sự biến tướng rất dễ xảy ra với văn hoá. Chúng ta đang đứng trước những lo ngại về các giá trị truyền thống trong sự va chạm với trào lưu hội nhập. Văn hoá và kinh tế có sự tương tác. Cứ nói nghệ thuật là thứ cao sang xa vời, nhưng đi đến cùng, nghệ thuật vẫn hướng tới mục đích của cuộc sống, văn hoá và kinh tế. Trên thế giới, xu hướng của nhiều nghệ sĩ đương đại là quyết tâm khắc ghi dấu ấn của đất nước họ trên bản đồ văn hoá toàn cầu, với ý chí cực kỳ mạnh mẽ về bản sắc, thản nhiên và kiêu hãnh.

Khắc hoạ những hình tượng thuộc về bản sắc của Tết Trung thu truyền thống, tác phẩm của Hoàng Hữu Vân đặt ra câu hỏi sâu sắc về sự va chạm giữa truyền thống với hiện đại và tính nhận dạng của nền văn hoá trong bối cảnh công nghiệp toàn cầu.

 

Chia sẻ:
Back to top