Logo loading

BỨC CHÂN DUNG ĐỊNH RÕ SỰ NGHIỆP CỦA WHISTLER SẼ TRỞ LẠI PHILADELPHIA, 142 NĂM SAU NGÀY RA MẮT

Được biết đến với tên gọi ‘Mẹ của Whistler’, bức tranh sẽ được trưng bày trong triển lãm tại Bảo tàng Nghệ thuật Philadelphia. James Abbott McNeill Whistler, Xám và đen, bố cục số 1 (Chân dung mẹ của họa sĩ), 1871. RMN-Grand Palais / Art Resource, NY. Bức tranh định rõ sự nghiệp của […]
|Viet Art View

Được biết đến với tên gọi ‘Mẹ của Whistler’, bức tranh sẽ được trưng bày trong triển lãm tại Bảo tàng Nghệ thuật Philadelphia.

James Abbott McNeill Whistler, Xám và đen, bố cục số 1 (Chân dung mẹ của họa sĩ), 1871. RMN-Grand Palais / Art Resource, NY.

Bức tranh định rõ sự nghiệp của James Abbott McNeill Whistler vẽ mẹ ông, Xám và đen, bố cục số 1 (1871)—được biết đến rộng rãi với tên ‘Mẹ của Whistler’—sẽ trở lại Philadelphia sau 142 năm từ lần ra mắt tại đây.

Tác phẩm được mượn từ Musée d’Orsay ở Paris, sẽ là tâm điểm của triển lãm tại Bảo tàng Nghệ thuật Philadelphia (PMA), Mẹ của họa sĩ: Whistler và Philadelphia, một tuyển chọn những tác phẩm của Henry Ossawa Tanner, Cecilia Beaux, Sidney Goodman, Alice Neel… truyền tải mối quan hệ của các họa sĩ với mẹ của mình. Một điểm nổi bật khác là bản sao tác phẩm in của Rembrandt, Mẹ của họa sĩ với khăn đội đầu phương Đông: một nửa độ dài (1631), thực hiện bởi Francesco Novelli, được cho là nguồn cảm hứng của Whistler khi thử nghiệm chủ đề này.

Cecilia Beaux, Les derniers jours d’enfance, 1883-85. Học viện Mỹ thuật Pennsylvania, món quà của Cecilia Drinker Saltonstall.

Bức tranh mô tả người mẹ gốc Mỹ của họa sĩ, Anna Mathilda, tại xưởng vẽ của ông ở khu phố Chelsea, London, từ góc nghiêng bên trái, mặc một chiếc váy dài màu đen và khăn trùm đầu màu trắng. Ánh sáng làm nổi bật khuôn mặt và bàn tay của người mẫu, trái ngược với bảng màu tổng thể tĩnh lặng. Tác phẩm khắc về sông Thames của họa sĩ, Bến Sư tử Đen (1859), treo trên bức tường phía sau mẹ ông, một trong những bộ kimono của Whistler che góc bên trái của bố cục. Bức tranh được toàn cầu công nhận, khiến một số người gọi nó là “Mona Lisa của Mỹ”, một phần là do biểu cảm khó nắm bắt của nhân vật và những bí ẩn xung quanh sự sắp xếp các phần trong bố cục.

Jennifer Thompson, curator hội họa và điêu khắc châu Âu của PMA, đồng thời là người tổ chức triển lãm, cho biết: “Người mẹ tất nhiên là một chủ đề rất phổ quát và nhân văn. Trái ngược với chủ đề tình cảm, sự hiện diện trang nghiêm, gần như ma quái của nhân vật đã khiến người xem bối rối kể từ khi bức tranh ra mắt tại London vào năm 1872. Rất khó nắm bắt về bà, như thể bà đang giấu chúng ta một số thông tin.”

Cách vẽ của Whistler tạo nên sự mờ ảo cho các thành phần được đặt liền kề nhau, hiệu ứng cũng một phần do quyết định của ông, vẽ bức tranh trên mặt sau của một bức sơn dầu cũ. Thompson nói: “Trong suy nghĩ của chúng ta, tác phẩm sắc nét và chi tiết, nhưng trên thực tế, màu vẽ trông như ngấm vào tấm toan, theo một cách nào đó thể hiện mối quan hệ giữa họa sĩ và nhân vật của ông.”

Henry Ossawa Tanner, Chân dung mẹ của họa sĩ, 1897. Bảo tàng Nghệ thuật Philadelphia.

Quyết định của cô khi mang bức tranh đến thành phố nơi Whistler sống một thời gian ngắn xuất phát một phần từ ý tưởng đặt nó cùng với Bức chân dung mẹ của họa sĩ (1897) của Tanner, nằm trong bộ sưu tập vĩnh viễn của PMA. Triển lãm cũng sẽ giới thiệu bản khắc được mô tả trong bức tranh, từ sê-ri Mười sáu bản khắc cảnh trên sông Thames và các chủ đề khác (1871) của Whistler.

Lần lưu trú đầu tiên và duy nhất của ‘Mẹ của Whistler’ ở Philadelphia—và lần ra mắt đầu tiên ở Mỹ—là vào năm 1881 tại Học viện Mỹ thuật Pennsylvania. Nó đã đi khắp Hoa Kỳ vào đầu những năm 1930 như một phần của triển lãm 70 năm Hội họa và Điêu khắc Hoa Kỳ của Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại. Theo Thompson, những bất ổn về kinh tế và xã hội vào thời điểm đó đã giúp thúc đẩy sự ngưỡng mộ rộng rãi đối với bức tranh. Cô nói: “Trong thời kỳ Đại suy thoái, cách Whistler thể hiện mẹ mình đã có một sức hấp dẫn to lớn, khiến nó gây xúc động mạnh vào thời điểm đó, thậm chí hình ảnh này đã được đưa lên tem.”

Cậu con trai của mẹ

Mẹ của Whistler có ảnh hưởng mạnh mẽ đến cuộc đời ông hơn nhiều so với những gì bức tranh có thể gợi ý. Năm 1863, ở tuổi 59, bà chuyển đến Vương quốc Anh để tránh khỏi Nội chiến Hoa Kỳ và sắp xếp cuộc sống cho cậu con trai phóng túng của mình. Thompson nói: “Bà nắm quyền kiểm soát các hoạt động hàng ngày của Whistler và bắt đầu điều hành xưởng và thậm chí quản lý việc bán hàng của ông. Sau một thời gian ngắn đưa bức chân dung của mẹ cho nhà buôn để thế chấp khoản nợ của mình, Whistler đã bán tác phẩm cho chính phủ Pháp, nó được đưa vào bộ sưu tập của Bảo tàng Louvre, năm 1891.”

Thompson cho biết thêm: “Tôi hy vọng tác phẩm sẽ khuyến khích người xem di chuyển xung quanh không gian và đưa Whistler trở lại bối cảnh với các đồng nghiệp của ông về cách họ tiếp cận chủ đề người mẹ của mình.”

Triển lãm Mẹ của họa sĩ: Whistler và Philadelphia sẽ diễn ra tại Bảo tàng Nghệ thuật Philadelphia, từ 10/06 đến 29/10, năm 2023.

Nguồn: The Art Newspaper

Lược dịch bởi Viet Art View

 

Chia sẻ:
Back to top