Con mắt tinh tường của một đầu bếp đã nhận ra loại thực vật mà họa sĩ đưa vào bức tranh năm 1887.
Vincent van Gogh, Tỏi và bắp cải tím (1887). Bộ sưu tập Bảo tàng Van Gogh, Amsterdam.
Bảo tàng Van Gogh ở Amsterdam đã lặng lẽ đổi tên một bức tranh của họa sĩ nổi tiếng người Hà Lan sau khi nhận ra tiêu đề của nó đề cập đến loài thực vật chưa đúng. Hóa ra Hành và bắp cải tím lẽ ra phải được gọi là Tỏi và bắp cải tím.
Hơn hai triệu lượt xem mỗi năm đi qua cửa bảo tàng (ít nhất là trong thời kỳ trước đại dịch), nhưng phải có đôi mắt chim ưng như đầu bếp Ernst de Witte để nhận ra, Vincent van Gogh thực sự đã vẽ hai củ tỏi trong bức tranh tĩnh vật năm 1887.
De Witte, 38 tuổi, đã đến thăm bảo tàng nhiều lần, nhưng mãi đến tháng 3 năm ngoái, bức tranh—và tiêu đề sai lầm của nó—mới lọt vào mắt anh. Anh nghĩ đó là tỏi chứ không phải hành.
Tỏi và bắp cải tím đã được trưng bày trong nhiều thập kỷ, bao gồm cả việc cho Bảo tàng Stedelijk ở Amsterdam mượn từ năm 1931 đến năm 1973. Tác phẩm đã được trưng bày dưới tiêu đề không chính xác—được đặt sau khi họa sĩ qua đời—kể từ năm 1928, khi nó ra mắt lần đầu tiên tại phòng trưng bày Berlin của Paul Cassirer.
Các học giả và chuyên gia đã nghiên cứu bức tranh trong gần một thế kỷ mà không ai thắc mắc loại thực vật nào được vẽ trong tác phẩm.
Nhưng De Witte đã có gần 20 năm kinh nghiệm nấu ăn chuyên nghiệp, được thuê làm công việc bếp núc đầu tiên khi mới 17 tuổi. Anh cũng đã vẽ tranh được 4 năm—niềm đam mê ngày càng trở nên quan trọng trong thời gian phong tỏa khi anh bắt đầu thuê một không gian studio riêng.
Do đó, De Witte cảm thấy đủ tự tin để đến bảo tàng, khi anh liên hệ về lỗi trong tiêu đề, bảo tàng đã yêu cầu bằng chứng hỗ trợ cho ý kiến của anh.
De Witte nói với Artnet News trong một email: “Tôi đã làm một bản PowerPoint cùng với vợ của mình cho thấy cách Van Gogh vẽ củ tỏi và so sánh nó với một bức tranh khác mà ông ấy vẽ củ hành. Và tôi đã làm một video trong đó tôi so sánh các loại tỏi và hành khác nhau. Tôi đã thực hiện một bản vẽ phủ trên củ tỏi trong bức tranh của Van Gogh để cho thấy rằng những đường nét mà ông tạo ra thực sự thể hiện những tép tỏi.”
Sau khi xem xét các lập luận của anh và tham khảo ý kiến của một nhà sinh vật học, bảo tàng đã đồng ý.
Người phát ngôn của bảo tàng nói với Artnet News: “Chúng tôi liên tục theo dõi các bức tranh của mình, trước cả khi tiêu đề được đổi vì điều được miêu tả khác với suy nghĩ ban đầu”.
Vào tháng 11, bảo tàng thông báo cho De Witte rằng tên bức tranh đã đổi. (Việc thay đổi đã được báo cáo trên nhiều hãng tin Hà Lan, bao gồm Algemeen Dagblad, De Restaurant Krant và De Utrechtse Internet Courant.)
Món ăn của đầu bếp Ernst de Witte lấy cảm hứng từ bức tranh ‘Tỏi và bắp cải tím’ của Vincent van Gogh cho Nhà hàng Feu ở Utrecht. Hình ảnh được phép của Ernst de Witte.
“Đó là một cảm giác hưng phấn, và cũng xác nhận rằng tôi có quan điểm của một đầu bếp/họa sĩ,” anh nói. “Có một sự thụ phấn chéo lớn đối với tôi… Mặt hội họa giúp tôi rất nhiều khi bày màu sắc và bố cục cho các món ăn của mình.”
Trải nghiệm với Bảo tàng Van Gogh thực sự đã truyền cảm hứng cho một món ăn mới tại Nhà hàng Feu ở Utrecht, nơi De Witte là bếp trưởng—cũng như một bức tranh của chính anh.
Anh nói: “Món ăn là bắp cải tím luộc trong nồi nước tỏi, kem tỏi hun khói, coulis bắp cải tím, bột bắp cải tím và một loại dầu giấm với rượu absinthe, dầu chanh và ngải giấm. Ngay khi dầu giấm tiếp xúc với các thành phần của bắp cải tím, màu sắc bắt đầu nhạt dần, giống như màu đỏ/xanh lam trong tranh của Van Gogh.”
(Mục nhập danh mục trực tuyến của Bảo tàng Van Gogh về Tỏi và bắp cải tím, lưu ý rằng “Khăn trải bàn bây giờ có màu xanh xám nhưng ban đầu có màu tím.”)
De Witte kết hợp món ăn theo chủ đề Van Gogh của mình với một loại bia được pha với rượu absinthe, thức uống mà họa sĩ lựa chọn. “Khách của chúng tôi,” anh nói thêm, “rất thích”.
Nguồn: Artnet News
Lược dịch bởi Viet Art View