Logo loading

BỨC TRANH “CÁI BÁT – TÌNH QUÂN DÂN” CỦA HỌA SĨ SỸ NGỌC NĂM 1950 CÓ GIÁ BAO NHIÊU?

Mùa xuân năm 1950, phòng Triển lãm mùa xuân các “Tác phẩm hội họa, điêu khắc về chiến tranh nhân dân” của Xưởng họa Liên khu IV, trình bày trong cuộc Họp Ban Văn Nghệ Lam Sơn (Thanh Hóa) NGUYỄN SỸ NGỌC (1919-1990), Cái bát – Tình quân dân. 1949. Sơn mài. 80 × 60 […]
|Viet Art View

Mùa xuân năm 1950, phòng Triển lãm mùa xuân các “Tác phẩm hội họa, điêu khắc về chiến tranh nhân dân” của Xưởng họa Liên khu IV, trình bày trong cuộc Họp Ban Văn Nghệ Lam Sơn (Thanh Hóa)

NGUYỄN SỸ NGỌC (1919-1990), Cái bát – Tình quân dân. 1949. Sơn mài. 80 × 60 cm

“HỘI HỌA ĐI SÁT THỰC TẾ – HỘI HỌA ĐI SÁT NHÂN DÂN” là chủ đề chính của triển lãm. Có 63 tác phẩm sơn mài, sơn dầu, in đá, điêu khắc, hình họa và tranh màu của 9 tác giả: Nguyễn Sỹ Ngọc, Nguyễn Văn Tỵ, Nguyễn Đức Nùng, Nguyễn Văn Bình, Phạm Văn Đôn, Nguyễn Thị Kim, Nguyễn Đức Vượng, Phạm Xuân Thi, Trần Thanh Tâm.

Bìa vựng tập Triển lãm Mùa xuân 1950 ở Liên khu IV (Thanh Hóa)

Đặc biệt trong tờ gấp của triển lãm đều có ghi giá bán cho từng tác phẩm. Trong danh sách các tác phẩm chất liệu sơn mài, bức tranh “Cái bát – Tình quân dân” (hiện thuộc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam) của họa sĩ Sỹ Ngọc được đề giá 7 nghìn đồng. Bức tranh có giá đắt nhất trong triển lãm thuộc về họa sĩ Nguyễn Văn Tỵ với tác phẩm sơn mài “Dân quân Cảnh Dương” là 15 nghìn đồng (hiện thuộc Bảo tàng Lịch sử Việt Nam).

Giá một số tác phẩm in trong vựng tập

Vậy 7 nghìn đồng cho tác phẩm “Cái bát” thời đó tính theo giá trị đồng tiền nào? Viet Art View lật giở lại mệnh giá các loại tiền thời những năm từ 1946-1950 (trước khi đổi tiền năm 1951). Có thể giá tranh trong triển lãm được tính theo một loại tiền tệ được gọi là “Tín phiếu miền Trung” bao gồm 12 mệnh giá từ 1 đồng đến 1 nghìn đồng bởi triển lãm này diễn ra tại Liên khu IV (ở Thanh Hóa) thời đó bao gồm các tỉnh: Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế.

Chưa biết mệnh giá 1 nghìn đồng tín phiếu miền Trung thời đó sẽ có giá trị tương đương với bao nhiêu đồng miền Bắc để từ đó có thể tham chiếu giá tác phẩm nghệ thuật. Việc này cần đòi hỏi phải nghiên cứu tư liệu sâu hơn nữa về lịch sử tiền tệ Việt Nam.

Trong vựng tập triển lãm có lời giới thiệu của đồng chí Trương Tửu* – Trưởng Tiểu ban Văn nghệ Chi hội Văn hóa Thanh Hóa có đoạn: “Phòng triển lãm là kết quả của sự thí nghiệm công phu về hai môn họa: Sơn mài và tranh li-tô. Đây là hai thí nghiệm chính của Xưởng họa Liên khu IV trong một năm nay. Xưởng họa có ý định nâng sơn mài lên một địa vị thật cao trong nghệ thuật hội họa và đưa tranh phổ biến li-tô lên đến mức có một nghệ thuật dồi dào. Sự thí nghiệm của Xưởng họa về hai món đó đã thành công. Các bức sơn mài “Giã gạo” (N.V.Tỵ), “Cái bát”, “Vác bom” (Sỹ Ngọc), “Tránh giặc”, “Cầu Phủ Đức” (Phạm Văn Đôn) đã thoát hẳn tính cách trang trí và đã biểu hiện được rất linh động những thực trạng cũng như những tình cảm của kháng chiến. Nhìn các bức sơn mài có một khả năng hiện thực phong phú và đặc biệt; và tương lai sơn mài sẽ rực rỡ”.

Lời giới thiệu mang đầy hy vọng về tương lai của hội họa sơn mài Việt Nam ngay từ những tháng ngày cách mạng đầy cam go ấy. Những bức tranh được trưng bày trong triển lãm Mùa xuân 1950 ấy hiện đã trở thành những tác phẩm quý hiếm có giá trị lịch sử, giá trị nghệ thuật đặc biệt trong lịch sử mỹ thuật Việt Nam.

7 nghìn đồng cho một tác phẩm quan trọng như “Cái bát” của Sỹ Ngọc chỉ là một mức giá tham chiếu do chính cá nhân nghệ sĩ đặt ra. Sau rất nhiều năm tháng, giá trị của tác phẩm sẽ là bao nhiêu? Nếu tính theo giá thị trường thì sẽ như thế nào?

Một tác phẩm ngoài giá trị về nghệ thuật, lịch sử nếu được đặt đúng vị trí sẽ trở thành tác phẩm tiêu biểu, thậm chí biểu tượng của một nền hội họa. Để có thể hiểu được điều ấy thì cần những nghiên cứu chuyên sâu hơn nữa về tên tuổi nghệ sĩ, thời kỳ sáng tác, giá trị lịch sử, văn hóa, nghệ thuật trong bối cảnh chung của lịch sử. Có thể, sau nhiều năm, một số tên tuổi nghệ sĩ cũng như tác phẩm của họ sẽ được các thế hệ sau nâng tầm khi được đánh giá đúng giá trị của chính nó.

P/S: Nhà văn – Giáo sư Trương Tửu (1913-1999)

Bài viết bởi Viet Art View
Bản quyền thuộc về Viet Art View

Chia sẻ:
Back to top