Năm 1943, Triển lãm Nghệ thuật Đương đại Nhật Bản – Pháp – Đông Dương được tổ chức tại Tokyo, Osaka, Kobe,… với sự hỗ trợ của Cục Thông tin và Bộ Đại Đông Á,…nhằm thúc đẩy giao lưu văn hóa trong khối Pháp – Đông Dương vì lợi ích của các nghệ sĩ hiện đại Pháp – Đông Dương, và để tạo ra sự ảnh hưởng trên diện rộng.
Triển lãm bao gồm nhiều thế hệ nghệ sĩ là giảng viên và sinh viên của các trường dạy nghệ thuật ở Việt Nam thời kỳ đó bao gồm: Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, Trường Mỹ nghệ Gia Định và Trường Mỹ nghệ Biên Hòa.
Danh sách tham dự triển lãm bao gồm nhiều nghệ sĩ tên tuổi. Từ các giáo viên như Joseph Inguimberty, Georges Barbier, Louis Rollet, Louis Robert Bate, Nguyễn Nam Sơn… đến các học viên đã tốt nghiệp như Tô Ngọc Vân, Lê Văn Đệ, Lưu Đình Khải, Nguyễn Tường Lân, Trần Văn Cẩn, Lương Xuân Nhị, Nguyễn Văn Tỵ, Nguyễn Đỗ Cung, Nguyễn Tiến Chung, Lưu Văn Sìn, Bùi Trang Chước, Trần Hà, Nguyễn Anh, …Đặc biệt, Ban tổ chức triển lãm đã trân trọng mời ba họa sĩ Nguyễn Nam Sơn, Lương Xuân Nhị và Nguyễn Văn Tỵ trực tiếp sang Nhật tham dự triển lãm.
Ngoài ra, trong catalogue giới thiệu triển lãm (phần 2) còn có tên và tác phẩm của một số sinh viên đang theo học Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương như Tạ Tỵ, Trần Đình Thọ, Văn Bình, Nguyễn Sáng, Nguyễn Siên, Diệp Minh Châu, Trần Dzụ Hồng…và Bùi Xuân Phái.
Họa sĩ Bùi Xuân Phái (1920-1988), học khóa XV (1941-1945) Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương cũng có tranh trưng bày trong triển lãm. Không những thế, tác phẩm này còn là một trong số ít ỏi tác phẩm tiêu biểu được vinh dự in trong catalogue giới thiệu triển lãm.
Thông tin như sau:
Phần 2. Số 99. Bùi Xuân Phái. Đường Vieux Marché (Chợ Cũ)*. Bột màu.
(Chính xác là “Phố Hàng Phèn, đoạn từ phố Thuốc Bắc đến phố Cửa Đông. Thời Pháp thuộc gọi là Rue du Vieux Marché (Phố Chợ Cũ).
Bùi Xuân Phái (1920-1988)
Đường Vieux Marché (Chợ Cũ) – Hàng Phèn.
(Ảnh chụp từ catalogue triển lãm năm 1943 tại Nhật)
Khoảng 1940-1943. Bột màu.
Như vậy, đến thời điểm này, tác phẩm “Đường Vieux Marché (Chợ Cũ)” của Bùi Xuân Phái đã trở thành “tác phẩm vẽ về phố cổ Hà Nội sớm nhất (được tìm thấy) của Bùi Xuân Phái – khoảng 1940-1943”. Bởi trước đó tác phẩm “Phố Hàng Thiếc”, sáng tác năm 1952 được cho là tác phẩm có tuổi lâu đời nhất về chủ đề phố cổ Hà Nội của ông.
Bùi Xuân Phái (1920-1988). Phố Hàng Thiếc. Sơn dầu. 1952.
Trước khi tìm được thông tin về tác phẩm triển lãm năm 1943, “Phố Hàng Thiếc” vẫn được ghi nhận là tác phẩm chủ đề phố cổ có tuổi đời lâu nhất do họa sĩ Bùi Xuân Phái vẽ.
(Ảnh do họa sĩ Bùi Thanh Phương cung cấp)
Sau khi trao đổi với họa sĩ Bùi Thanh Phương – con trai họa sĩ Bùi Xuân Phái, chúng tôi nhận được những chia sẻ từ anh:
“…Ngày xưa, Bùi Xuân Phái từng đứng bên ô cửa sổ nhà mình ở phố Thuốc Bắc và từ góc nhìn này, có thể ông đã vẽ bức tranh phố đầu tiên trong sự nghiệp hội họa của mình – bức tranh vẽ phố Hàng Phèn, khoảng những năm đầu thập niên 1940. Bức tranh này đã được gửi tham dự triển lãm tại Tokyo và người mộ điệu đã mua ngay bức này trong cuộc triển lãm đó. Có thể việc bán được bức hoạ đầu tiên đã giúp ông nuôi dưỡng tiếp bước trên con đường sáng tạo nghệ thuật trong khi đang học Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Ông đã không nghe theo ý nguyện của người cha là muốn Bùi Xuân Phái nối nghiệp và trở thành thầy thuốc.
Thường ngày tôi – Bùi Thanh Phương vẫn đi qua góc phố này. Có một hình ảnh một người đàn ông luôn ám ảnh và gây ấn tượng rất kỳ cục cho tôi từ thủa thơ bé cho đến khi tôi đã già mà ông này vẫn thế, ông ta vẫn đứng một mình ở đó, mắt ngơ ngác nhìn dòng đời đi tới đi lui. Nhưng thời gian đã tàn phá và làm biến đổi mọi thứ, lâu rồi mỗi khi đi qua nơi này tôi không còn gặp thấy ông “kỳ cục” nữa và căn nhà nơi ông ta đứng đã bị phá đi để xây mới một khách sạn cao tầng.
Ông “kỳ cục” đứng ở góc phố Hàng Phèn. (Ảnh do họa sĩ Bùi Thanh Phương cung cấp)
Họa sĩ Bùi Thanh Phương hướng dẫn đoàn làm phim tìm đến đúng góc phố mà Khi xưa, Bùi Xuân Phái đã đứng vẽ bức Phố Hàng Phèn.
Cảnh quan đã bị biến đổi nhiều, nhưng vẫn còn lưu lại chút dấu vết. (Ảnh do họa sĩ Bùi Thanh Phương cung cấp)
Có một sự trùng hợp đầy ấn tượng là, bức phố đầu tiên của Bùi Xuân Phái là vẽ phố Hàng Phèn Bức cuối cùng của Bùi Xuân Phái cũng là bức Phố Hàng Phèn (vẫn cái góc phố mà ông” Kỳ Cục” đang đứng trong bức ảnh). Bức này được Bùi Xuân Phái vẽ trên giường bệnh, bức tranh vẫn đang còn dang dở với cái nắng mùa hè đổ bóng xuống đường phố và nó không bao giờ được hoàn thành. Nhớ có lần có người hỏi ông “Tranh của ông thì bức nào ông thích nhất?”
Bùi Xuân Phái trả lời:
-Tôi thích bức tranh đang dang dở, chưa xong vì nó vẫn còn cho tôi vẽ tiếp và hy vọng…”.
Bùi Xuân Phái (1920-1988). Phố Hàng Phèn. 1988. Sơn dầu.
(Ảnh do họa sĩ Bùi Thanh Phương cung cấp). Đây là bức vẽ cuối cùng của ông về chủ đề phố trước khi qua đời.
Trong quá trình kiếm tìm và nghiên cứu sử liệu, Viet Art View đã có duyên được tiếp cận với nhiều tài liệu chứa đựng những thông tin quý. Có khi đọc cả cuốn sách hoặc một tập tài liệu dày chỉ để tìm ra một chút thông tin. Như người đãi cát tìm vàng. Mỗi một chút tư liệu quý, được bổ sung dần dần, soi tỏ được nhiều điều trong quá khứ đã bị thời gian vùi lấp.
Chỉ với ít thông tin hết sức “nhỏ bé” này nhưng ý nghĩa thì vô cùng lớn, nhất là trong việc nhận định, đánh giá một cách khách quan sự nghiệp của một họa sĩ vô cùng nổi tiếng như Bùi Xuân Phái.
Ngoài việc tìm thấy thông tin tác phẩm “Đường Vieux Marché (Chợ Cũ)” là tác phẩm lâu đời nhất về chủ đề phố cổ Hà Nội mà Bùi Xuân Phái sáng tác, thì ý nghĩa quan trọng nhất chính “bởi hậu thế càng thêm trân quý về một tình yêu lớn lao vô cùng của Bùi Xuân Phái từ tuổi hoa niên đến khi rời xa trần thế đều một lòng yêu Hà Nội, yêu quê hương nặng sâu và tha thiết”.
Từ ô cửa sổ ở Studio 87 nhìn ra phố Hàng Phèn. (Ảnh do họa sĩ Bùi Thanh Phương cung cấp)
Ảnh chụp từ ô cửa sổ ở 87 Thuốc Bắc nhìn ra phố Hàng Phèn. (Ảnh do họa sĩ Bùi Thanh Phương cung cấp)
Bài viết bởi Viet Art View
Bản quyền thuộc về Viet Art View