HOÀNG TÍCH CHÙ (1912-2003). Cảnh miền núi. 1941. Sơn mài. 30,5×30,5cm
Bức tranh được giới thiệu ở đây có chủ đề rất phổ biến trong các sáng tác về phong cảnh miền núi của họa sĩ Hoàng Tích Chù. Mà có lẽ chúng ta sẽ liên tưởng ngay đến tác phẩm sơn mài “Tổ đổi công miền núi”, 1958, 76x100cm, hiện đang thuộc sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.
HOÀNG TÍCH CHÙ (1912-2003).Tổ đổi công miền núi. 1958. Sơn mài. 76x100cm. Sưu tập Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam
Họa sĩ Hoàng Tích Chù sinh năm 1912 tại Hà Bắc, quê ở Phù Lưu, Từ Sơn, Bắc Ninh. Cha ông là Hoàng Tích Phụng – một nhà nho từng làm tri phủ và tham gia phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục. Anh trai ông là nhà báo Hoàng Tích Chu (1897-1933), chủ bút tờ Đông Tây tuần báo (ngày 15.11.1929, tại 12 phố Nhà Thờ, Hà Nội) bán chạy nhất Bắc kỳ thời đó. Các em là nhà viết kịch Hoàng Tích Linh, bác sĩ Hoàng Tích Tộ và nhà biên kịch Hoàng Tích Chỉ.
Chân dung họa sĩ Hoàng Tích Chù (1912- 2003)
Theo cuốn “Từ điển họa sĩ” của Nhà PBMT Quang Việt “năm 1929, ông theo học lớp dự bị Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, mỗi năm vài ba tháng nên ông phải thi nhiều lần mới đỗ vào khóa 11 (1936-1941) cùng học với Nguyễn Văn Tỵ, Nguyễn Tiến Chung, Bùi Trang Chước…”.
Sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương năm 1941, ông mở xưởng vẽ tại phố Hàng Khoai và là một trong bốn họa sĩ đầu tiên mở xưởng sơn mài ở Hà Nội. Lúc ấy còn có xưởng của họa sĩ Phạm Hậu ở Đông Ngạc- Từ Liêm… Ông tham dự Salon Unique cũng như các cuộc triển lãm của FARTA.
Dựa theo tư liệu trên, bức tranh “Cảnh miền núi” (tạm đặt tên), sáng tác năm 1941 của Hoàng Tích Chù có thể là những sản phẩm đầu tiên của xưởng sơn mài Hàng Khoai. Mặt sau lưng còn có logo “Chu”, biểu tượng nhận diện các tác phẩm sơn mài “Hoàng Tích Chù”.
Trên thực tế, “Cảnh miền núi” của Hoàng Tích Chù là bức tranh được vẽ trên lòng của một khay gỗ hình vuông, phủ sơn ta, kích thước 30,5×30,5cm; cao 3,8cm (tính cả chân đế); chiều sâu khay 2,5cm; lòng khay 28,5×28,5cm. Tranh nằm trong lòng khay, mỗi chiều 20cm.
Bức tranh miêu tả phong cảnh nông thôn miền Bắc với những thửa ruộng lúa nước, rặng tre, những hàng cây rậm rạp nhấp nhô; cách không xa lắm là núi đá sừng sững. Đây là một bức tranh sơn mài có lối bố cục căn bản, cổ điển, xa gần hài hòa, dễ cảm thụ.
Nếu có chút tìm hiểu nghiên cứu về bút pháp trong tranh Hoàng Tích Chù chúng ta sẽ nhận thấy ngay lối vẽ phơn phớt một vài đám mây trên nền trời. Cách tạo hình những mảnh ruộng, những gờ đất, mặt ruộng loáng nước…tương đồng với một số bức tranh cảnh đồng ruộng miền núi được ông sáng tác sau này.
Năm 2021, một bức sơn mài bình phong ba tấm của Hoàng Tích Chù đã được phát hiện trong tình trạng phủ bụi tại một căn nhà ngoại ô Lyon, Pháp. Tuyệt tác chỉ được tìm thấy khi chủ nhân ngôi nhà yêu cầu bên đấu giá kiểm kê và định giá đồ đạc của ngôi nhà.
Phong cảnh Chùa Thầy. 1941. Sơn mài bình phong ba tấm. Mỗi tấm 101×66,5cm
“…Bức bình phong ba tấm với chữ ký của họa sĩ phía dưới. Chuyên gia kiểm định François Péron chia sẻ: “Đây quả là một phát hiện tuyệt vời! Chủ nhân thừa kế ngôi nhà từ ông bà và nghi ngờ rằng đây là một món đồ quan trọng với độ tinh xảo và bền đẹp, nhưng không biết giá trị của nó.
Sau khi nghiên cứu nhiều tài liệu liên quan, chúng tôi xác định bức bình phong được đặt hàng trực tiếp từ nghệ nhân Hoàng Tích Chù nhân dịp sinh nhật người con của một cặp vợ chồng buôn vải vóc. Đôi vợ chồng này đã chuyển từ Nam Định đến Lyon (Pháp) và định cư tại đây vào đầu những năm 50, khi kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đang diễn ra tại Việt Nam…”.
Năm sáng tác 1941 của bức bình phong ba tấm trên cho chúng ta thấy thời điểm tương đương với “Cảnh miền núi”. Cùng với “Phong cảnh Chùa Thầy” trên chiếc nắp hộp này khiến chúng ta liên tưởng đến một xưởng sơn mài nhộn nhịp, phong phú các đơn hàng.
“Cảnh miền núi” ở đây còn được thực hiện trước bức “Hai thiếu nữ”, 1943, sáng tác chung với Nguyễn Tiến Chung. Hai ông hay có tranh sáng tác chung với nhau bởi vài năm sau khi Hoàng Tích Chù mở xưởng sơn mài riêng (1941) ở phố Hàng Khoai thì hai ông cùng chung nhau làm xưởng.
Điều gây sự chú ý ở đây, như đã nói ở phần đầu video, “Cảnh miền núi” của Hoàng Tích Chù gợi liên tưởng đến bức “Tổ đổi công miền núi” sáng tác năm 1958 của ông. Hai bức tranh sơn mài sáng tác cách nhau 17 năm nhưng chủ đề, ngôn ngữ, bút pháp, hòa sắc đều rất tương đồng. Chỉ khác bức “Tổ đổi công miền núi” có thêm nhân vật; dùng thêm vỏ trứng để thay màu trắng.
HOÀNG TÍCH CHÙ (1912-2003). Cảnh miền núi. 1941. Sơn mài. 20x20cm
Theo một số nhà nghiên cứu hội họa sơn mài nhận định, những bức tranh sơn mài thời kỳ đầu ở Việt Nam thường sử dụng bảng màu sơn mài truyền thống vàng, bạc, son, then, cánh gián, vỏ trứng, vỏ trai cổ truyền.
Cuốn “Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật” của Ban Tuyên giáo Trung ương biên soạn, phần giới thiệu về họa sĩ Hoàng Tích Chù có đoạn: “Nổi bật trong số tác phẩm của ông có bức “Tổ đôi công cấy lúa” được ông sáng tác năm 1958, tác phẩm này gần với thiên nhiên và hiện thực, ông đã tìm ra một gam màu mới, với một nền trời màu lam nhẹ, trong vắt, phần núi và nước màu ghi xanh cùng tông với nền trời…”
Ở bức tranh sáng tác năm 1941 này, Hoàng Tích Chù đã dùng màu xanh lam nhẹ. Màu xanh lam rực rỡ hơn đã được sử dụng trong bức sơn mài chủ đề “Giáng sinh” sáng tác cùng Nguyễn Tiến Chung năm 1942-1943.
Màu xanh lam này chúng ta cũng thấy trong bức sơn mài “Ghềnh thác chợ Bờ” của họa sĩ Nguyễn Văn Tỵ. Vậy, có thể thấy kỹ thuật làm màu lam đã khá phổ biến ở Việt Nam chứ không phải đến khi họa sĩ Nguyễn Văn Tỵ sang Nhật năm 1943 tham quan và mang theo kỹ thuật dùng màu lam về nước (như một số tư liệu).
Họa sĩ Nguyễn Bình Minh, con họa sĩ Nguyễn Văn Tỵ cho biết “bố của chị dùng màu xanh biển thẫm của bột màu nghiền với sơn cánh gián để vẽ màu xanh. Xanh nhạt hay sẫm là do xử lý pha thêm màu hoặc dùng mỏng hay dày. Màu xanh này khi nghiền với cánh gián nó rất trong, càng nghiền càng xanh”. Chị còn cho biết thêm, ai đã dùng bột màu xanh đều sợ vì nó nhẹ, màu xanh bay khắp nơi…”. Mãi sau này mới dùng màu lam của Nhật sản xuất (có thể là sau năm 1975). Như vậy, rất có thể sắc xanh lam trong tranh Hoàng Tích Chù và Nguyễn Văn Tỵ từ bột màu nghiền với sơn cánh gián…”.
Bức sơn mài “Cảnh miền núi” của Hoàng Tích Chù ở đây tuy chỉ là một bức tranh nhỏ nằm trong lòng một cái khay với công năng vừa sử dụng vừa trang trí. Nhưng với ngôn ngữ tạo hình đặc trưng Hoàng Tích Chù, với bảng màu xanh lam dịu nhẹ hiếm có đã khiến cho “Cảnh miền núi” của ông có nhiều điều để liên kết, suy đoán, trên cơ sở đó xem xét lại một số tư liệu đã được viết trước đây…về kỹ thuật sử dụng chất liệu hội họa sơn mài Việt Nam trước năm 1945.
Họa sĩ Hoàng Tích Chù (1912-2003) và một số thành tựu cá nhân nổi bật:
- Huân chương Lao động hạng Nhất
- Huân chương Kháng chiến hạng Nhì
- Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhất
- Huy hiệu Hồ Chí Minh
- Huy chương Vì sự nghiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam
- Huy chương Vì sự nghiệp Mỹ thuật Việt Nam
- Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng
- Giải Ba Triển lãm Mỹ thuật Toàn quốc năm 1958 và năm 1960
- Năm 1955, giành Giải Nhất trang trí sân khấu
- Năm 1990 giành Giải thưởng Triển lãm Mỹ thuật Thủ đô
- Giải thưởng Triển lãm Mỹ thuật Quốc tế tại Ấn Độ, Ba Lan, Cộng hòa dân chủ Đức
- Viện trưởng Viện Mỹ nghệ Hà Nội từ 1969 đến khi nghỉ hưu
- Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2000 về Văn học Nghệ thuật đợt II cho các tác phẩm tranh sơn mài: Tổ đổi công miền núi – 75x100cm, Bác Hồ trồng cây với thiếu nhi – 112x270cm, Mùa gặt – 100x150cm, Đêm hậu cứ – 98x165cm.
Bài viết bởi Viet Art View
Bản quyền thuộc về Viet Art View