Ở bức tranh sáng tác năm 1941 này, Hoàng Tích Chù đã dùng màu xanh lam nhẹ. Màu xanh lam rực rỡ hơn đã được sử dụng trong bức sơn mài chủ đề “Giáng sinh” sáng tác cùng Nguyễn Tiến Chung năm 1942-1943.
Màu xanh lam này chúng ta cũng thấy trong bức sơn mài “Ghềnh thác chợ Bờ” của họa sĩ Nguyễn Văn Tỵ. Vậy, có thể thấy kỹ thuật làm màu lam đã khá phổ biến ở Việt Nam chứ không phải đến khi họa sĩ Nguyễn Văn Tỵ sang Nhật năm 1943 tham quan và mang theo kỹ thuật dùng màu lam về nước (như một số tư liệu).
Họa sĩ Nguyễn Bình Minh, con họa sĩ Nguyễn Văn Tỵ cho biết “bố của chị dùng màu xanh biển thẫm của bột màu nghiền với sơn cánh gián để vẽ màu xanh. Xanh nhạt hay sẫm là do xử lý pha thêm màu hoặc dùng mỏng hay dày. Màu xanh này khi nghiền với cánh gián nó rất trong, càng nghiền càng xanh”. Chị còn cho biết thêm, ai đã dùng bột màu xanh đều sợ vì nó nhẹ, màu xanh bay khắp nơi…”. Mãi sau này mới dùng màu lam của Nhật sản xuất (có thể là sau năm 1975). Như vậy, rất có thể sắc xanh lam trong tranh Hoàng Tích Chù và Nguyễn Văn Tỵ làm từ bột màu nghiền với sơn cánh gián…”.
Bức sơn mài “Cảnh miền núi” của Hoàng Tích Chù ở đây tuy chỉ là một bức tranh nhỏ nằm trong lòng một cái khay với công năng vừa sử dụng vừa trang trí. Nhưng với ngôn ngữ tạo hình đặc trưng Hoàng Tích Chù, với bảng màu xanh lam dịu nhẹ hiếm có đã khiến cho “Cảnh miền núi” của ông có nhiều điều để liên kết, suy đoán, trên cơ sở đó xem xét lại một số tư liệu đã được viết trước đây…về kỹ thuật sử dụng chất liệu hội họa sơn mài Việt Nam trước năm 1945.