Theo một tư liệu hiện còn giữ được, tại cuộc triển lãm cá nhân đầu tiên và duy nhất của Trọng Kiệm với tiêu đề “Triển lãm tác phẩm Hội họa của họa sĩ Nguyễn Trọng Kiệm” do Hội Nghệ sĩ Tạo hình Việt Nam và Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp tổ chức tại Nhà triển lãm 16 Ngô Quyền, Hà Nội từ ngày 7 đến ngày 25 tháng 2 năm 1987, tổng số lượng tranh trưng bày là 96, toàn bộ là tranh sơn dầu, trong đó có khoảng 30 tranh phong cảnh. Trong số tranh phong cảnh có 9 tranh được tác giả đặt tên “Cảnh miền núi” và được tác giả đánh số từ 1 tới 9, nhưng không đánh theo trình tự thời gian. Chín tranh này đã được vẽ từ năm 1982 đến 1984. Và nếu dựa theo năm sáng tác- 1983 và kích thước- 60x80cm, thì bức tranh đang được giới thiệu ở đây có thể là một trong các bức “Cảnh miền núi” đã được đánh số từ 3 đến 6, và đương nhiên, nó rất đặc trưng cho phong cách hội họa của Trọng Kiệm ở thời kỳ cuối, bởi ông đã mất vào năm 1991.
Số lượng tranh phong cảnh trong triển lãm cũng nói lên sở thích vẽ phong cảnh của họa sĩ.
Trong nền hội họa Việt Nam hiện đại, Trọng Kiệm là một họa sĩ “có chương trình” rất điển hình. Nghệ thuật ông tiến triển tuần tự từ hiện thực lãng mạn sang một phong cách hiện thực mới mang tính biểu tượng và trang trí, đậm dấu ấn cá nhân, và bao giờ cũng vẫn lãng mạn. Tranh của ông chỉ thoáng nhìn đã nhận ra ngay “của Trọng Kiệm”, gần như cách biệt hẳn với mọi nguồn ảnh hưởng mà ông đã dày công nghiên cứu, tham khảo, học tập và chuyển hóa thành một giá trị độc lập mang một sắc thái rất Việt Nam, điều chỉ có thể tìm thấy ở số hiếm các họa sĩ tài năng thực thụ.