Joseph Inguimberty (1986 – 1971). Đường làng (Village lane). Khoảng 1935 – 1944. Sơn dầu trên toan. 50×70 cm
Từ một bức tranh nổi tiếng trong Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam
Khi tham quan Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, các căn phòng trưng bày tác phẩm nghệ thuật của họa sĩ Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương luôn nhận được sự yêu thích, quan tâm của công chúng.
Ở phòng số 9, bức tranh lụa có tựa “Thiếu nữ bên tràng kỷ”, 1934, lụa, 96×35,5 cm của họa sĩ Lê Văn Đệ được ngắm xem và chụp ảnh rất nhiều. Tranh mô tả một thiếu phụ xinh đẹp, quý phái, khuôn mặt tươi tắn, trong trang phục áo dài Lemur thanh lịch.
Chắc không ít người xem thầm bâng khuâng tự hỏi về danh tính người đẹp trong tranh.
Nhân dịp tìm sử liệu bức tranh sơn dầu “Đường làng” do Giáo sư Joseph Inguimberty sáng tác, Viet Art View mới khám phá được những tình tiết thú vị xung quanh hai tác phẩm nghệ thuật quý hiếm này. Bởi chúng đã từng cùng thuộc một bộ sưu tập nghệ thuật.
Nguyên mẫu trong “Thiếu nữ bên tràng kỷ” là bà Nguyễn Thị Bính (1911 -?), phu nhân của ông Hoàng Xuân Hãn (1908-1996) – một học giả nổi tiếng, tác giả cuốn “La Sơn Phu Tử”; “Chinh phụ ngâm bi khảo”. Bà Nguyễn Thị Bính là một trí thức thiên hương, dược sĩ hạng nhất, chủ hiệu thuốc “Pharmacie Hoàng Xuân Hãn” lừng lẫy trên phố Tràng Thi.
Năm 1951, ông bà sang Paris. Sau năm 1954, tình hình đất nước có chuyển biến, ông bà Hoàng Xuân Hãn không trở về Việt Nam và làm giấy hiến tặng toàn bộ hiệu thuốc và tài sản cho Chính phủ.
Có thể sau đó, những bức tranh cũng rời khỏi sưu tập của gia đình. Trong đó có bức “Thiếu nữ bên tràng kỷ” của Lê Văn Đệ và bức “Đường làng” của Joseph Inguimberty.
Theo tài liệu ghi, bức tranh vẽ Madame Bính được Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam mua từ ông Nguyễn Xuân Lâm (một người buôn bán tranh ở Hà Nội), nhà số 34, phố Cửa Nam năm 1962 với giá 150đ.
Cũng khoảng thập niên 1960, họa sĩ Bùi Xuân Phái và ông Nguyễn Tường Huân bằng một cách nào đó, đã tìm được bức tranh quý hiếm “Đường làng” của Inguimberty cho ông Nguyễn Văn Lâm. Mặt sau lưng bức tranh còn lưu bút hai dòng chú thích:
– Nguyễn Tường Huân: “Đây là bức sơn dầu của Inguimberty mà tôi và ông Phái đã tìm thấy ở Hà Nội mến tặng ông Lâm”.
– Hoạ sĩ Nguyễn Khắc Cẩn cũng rất cảm kích: “Tôi ngưỡng mộ ông Inguimberty nay mới thấy tranh – thật cảm động và sung sướng”.
Trong suốt mấy chục năm, ông Nguyễn Văn Lâm luôn trưng bày “Đường làng” ở vị trí trang trọng trong căn phòng tiếp khách chính của gia đình ở số 60 Nguyễn Hữu Huân. Căn phòng bên ngoài chính là quán “Café Lâm” nổi danh Hà Thành.
Mặt sau tác phẩm
Rất nhiều nghệ sĩ đã chụp ảnh lưu niệm cùng ông Nguyễn Văn Lâm bên dưới bức tranh này.
Năm 1997, trong triển lãm “The Birth of Modern Art in Southeast Asia: Artists and Movements 1997” tại Nhật Bản, Chính phủ Việt Nam đã gửi sang 14 tác phẩm tham dự. Trong đó bao gồm 10 tác phẩm thuộc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam và 4 tác phẩm thuộc sưu tập của ông Nguyễn Văn Lâm; trong đó có “Đường làng”.
Trước đó, vào năm 1993, trong cuốn “Các họa sĩ Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương”, chủ biên Nguyễn Quang Phòng, Nhà xuất bản Mỹ thuật, 1993, trang 35 đã trân trọng giới thiệu bức tranh.
Theo lời kể của Nhà phê bình Mỹ thuật Quang Việt, anh và bố của mình-họa sĩ Quang Phòng đã tự tay làm sạch bề mặt cho bức tranh này; sau đó chụp ảnh, giới thiệu trong sách.
Tình yêu mến với thiên nhiên và con người Việt Nam của Joshep Inguimberty
Inguimberty có sự say mê đặc biệt vẻ đẹp diệu kỳ của Việt Nam. Những phong cảnh tuyệt đẹp ở làng Kim Liên, Đường Lâm, Hải Phòng, Hòa Bình, Sapa đã chiếm trọn tình cảm và tâm trí ông.
Dưới góc nhìn của một nghệ sĩ tài hoa, kết hợp kỹ thuật hội họa hàn lâm điêu luyện, sự am hiểu tinh tường con người, cảnh vật… Và trên hết là tình yêu đặc biệt với cảnh sắc Việt Nam đã khiến cho các bức tranh của Inguimberty thấm đẫm cảm xúc. Ông khắc họa thiên nhiên, con người Việt một cách chân thực, sâu sắc trong gam màu rực rỡ của Chủ nghĩa Ấn tượng.
Năm 1929, triển lãm “Phong cảnh và con người đồng bằng Bắc Kỳ” của ông được tổ chức bởi Xưởng in Viễn Đông tại Hà Nội. Nó “đã làm cho các sinh viên Việt Nam bàng hoàng trước sức mạnh diễn tả của sơn dầu… Những cánh đồng mông mênh bát ngát – vòm trời cong veo cao vời vợi – các thôn nữ ăn mặc nâu sồng thắt lưng đỏ hoa hiên gồng gánh trên bờ ruộng cỏ ướt lấm bùn…”. Chòm tre, tàu chuối chen nhau với bao màu xanh phong phú bên mái tranh, tường đất xám vàng… Tất cả hiện lên xác thực, tân kỳ. Chưa bao giờ đất nước Việt Nam tươi đẹp như thế trong tranh” (Sách “Các họa sĩ Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương”).
Cảm nhận thiên nhiên xanh mát trong “Đường làng”
Inguimberty dành niềm yêu thích đặc biệt với làng Kim Liên (Hà Nội) và làng Đường Lâm (Sơn Tây). Những địa danh quen thuộc ở Sơn Tây như Đường Lâm, Đền Và, Chùa Mía là địa điểm thực tập yêu thích của thầy trò Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương.
Chính tại nơi này, lũy tre xanh mát, con đường đất nâu đỏ, cánh đồng lúa chín vàng rực rỡ, dãy Ba Vì xanh mờ phía xa được ông đưa vào trong vô số các bức tranh sơn dầu khổ lớn.
Nông thôn Việt Nam ở Sơn Tây hiện lên rực rỡ, diệu kỳ trong một không gian mênh mang ngập tràn ánh nắng.
Inguimberty yêu thích diễn tả nắng. Ông thường dùng thứ ánh nắng “chính ngọ” rực nhất, sáng nhất để nổi bật cảm giác về ánh sáng.
Ngắm “Đường làng”, người xem thấy mình đang ở trong một trưa hè đầy ắp nắng vàng. Vài người phụ nữ mặc váy áo nâu sồng, cắp thúng, gồng gánh đang di chuyển giữa cái nắng chói chang. Nhưng không gian không hề gợi cảm giác oi nồng đặc trưng xứ Bắc. Chúng được làm dịu đi bởi màu xanh mát, nhiều sắc độ của thảm thực vật.
Thoạt nhìn, tưởng như Inguimberty dùng gam màu nguyên để diễn tả cảnh sắc. Nhưng trên thực tế, màu được pha trộn và chồng nhiều lớp. Quan sát kỹ các sắc độ, thấy sắc xanh lá cây thẫm màu nhất dường như cũng không có sự hiện diện của màu đen (đây là đặc trưng cơ bản của trường phái Ấn tượng).
Chính vì thế, ta có cảm giác được đắm mình vào sự nhẹ nhàng, thanh mát trong ánh sáng rực rỡ của thiên nhiên hơn là cảm giác về nắng nóng.
Joseph Inguimberty là họa sĩ của những miêu tả chân thực, giản dị. Vì vậy, những gì ông thể hiện trên mặt tranh đều định danh được vị trí chính xác.
Trong những sáng tác về làng Kim Liên, ông thường dùng hình ảnh bờ ao, bụi chuối, rặng tre, các thiếu nữ mặc áo dài tân thời đang thong thả chuyện trò, những người đàn ông – đôi khi xuất hiện cùng xâu cá và cả những em bé.
Trong khi đó, ông lại miêu tả Sơn Tây với những cánh đồng mênh mông, đường làng đất đỏ cùng những người nông dân đang làm việc hoặc đi lại tất bật.
Dù ông diễn tả thiên nhiên hay con người, nhưng tất cả cảnh sắc ấy đều mênh mang sắc màu rực rỡ trong miền ánh sáng. Luôn có cảm giác về sự hân hoan, phấn chấn, năng lượng tích cực khi đối diện với bề mặt tranh.
Joseph Inguimberty sinh năm 1896, mất năm 1971, thọ 75 tuổi. Ông sang Việt Nam năm 1925 (theo lời mời của Hiệu trưởng Victor Tardieu) khi mới 29 tuổi và chỉ quay trở lại Pháp vào năm 1945, khi đã 49 tuổi.
Ông đã dành 20 năm thanh xuân tươi đẹp và sung sức nhất của cuộc đời để gắn bó với Việt Nam. Mảnh đất này đã kiến tạo trong tâm hồn ông một tình yêu say mê sâu đậm với thiên nhiên và con người nơi đây. Ông chuyển thể cảm xúc ấy vào những tác phẩm nghệ thuật nồng nàn, thấm đẫm tình cảm trong sắc màu rực rỡ, đầy ánh sáng của chính nội tâm ông.
Việt Nam dưới góc nhìn hội họa của ông trở lên tươi đẹp, nên thơ, giàu năng lượng, đầy tính thiện.
Để nói về con người của Inguimberty, không còn câu từ nào có thể chính xác hơn nhận xét của họa sĩ – nhà nghiên cứu Quang Phòng (1924-2013): “Inguimberty giống hệt như một họa sĩ Việt Nam, người am hiểu và yêu mến quê hương mình”.
Bài viết bởi Viet Art View
Bản quyền thuộc về Viet Art View