Công Văn Trung (1907 – 2004). Cảnh Sài Sơn. 1990. Khắc gỗ. 90×140 cm
Hoạ sĩ Công Văn Trung sinh ra trong một gia đình Nho học tại Tây Hồ, Hà Nội. Ông tốt nghiệp trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương khoá I (1925 – 1930) cùng khoá với các hoạ sĩ Lê Văn Đệ, Nguyễn Phan Chánh, Mai Trung Thứ, Lê Phổ và Georges Khánh (nhà điêu khắc).
Ngay từ những ngày đầu nhập môn mỹ thuật, Công Văn Trung đã hướng tình cảm của mình vào nền nghệ thuật của cha ông. Những ngày đi vẽ ngoài trời, khi các bạn hăm hở lao vào bảng màu Ấn tượng, Lãng mạn bay bổng tươi rói của ánh sáng tự nhiên liên tục biến đổi sắc độ thì ông lặng lẽ tìm đọc những đường nét chạm khắc tinh tế trên những di tích già nua của tiền nhân. Những bài học hình hoạ kinh điển của nhà trường đã giúp ông có được một tài năng ghi chép, quan sát khi làm việc trước thiên nhiên và tại từng di tích.
Ra trường, ông cộng tác với Viện Viễn Đông Bác cổ, một tổ chức của Pháp có mặt ở Hà Nội những năm đầu thế kỷ XX, là bộ mặt tiêu biểu cho sự tiếp xúc văn hoá đầu tiên với phương Tây. Sự giao thoa văn hoá Pháp Việt trong mỹ thuật bắt đầu từ khuynh hướng hướng về phương Đông của mỹ thuật thế giới sau phong trào Hậu Ấn tượng. Mỹ thuật Việt Nam từ bỏ dần truyền thống nghệ thuật tượng trưng khuyết danh, tiến dần đến những luật lệ nghiêm ngặt của phương Tây qua phép viễn cận và mỹ học duy lý. Khái niệm nghệ sĩ thay thế nghệ nhân khuyết danh của những thế kỷ trước như nghệ nhân làm gốm, vẽ tranh dân gian, đúc tượng Phật, dựng đình chùa…
Công Văn Trung là một trường hợp khác biệt. Ở Viện Viễn Đông Bác cổ cùng đồng nghiệp là các nhà sử học Trần Văn Giáp, Nguyễn Văn Tố, ông đến từng di tích để nhận diện nền kiến trúc cổ đầy bản lĩnh của dân tộc Việt Nam cũng như nền điêu khắc tinh tế tỉ mỉ, một dạng thức của nghệ thuật đồ hoạ nhen nhóm tự ngàn xưa.
Cấu trúc kết hợp kỹ thuật hình hoạ viễn cận khoa học đến phương pháp diễn hình “đơn tuyến bình đồ” đã được ông thể hiện trên nhiều tác phẩm kiến trúc các ngôi chùa cổ. Với nhận thức đầy đủ về diễn tả ngôn ngữ đồ hoạ từ đơn sơ đến khổ hạnh mà không chờ những giải pháp thị giác, ông là hoạ sĩ duy nhất thời cận đại tìm đến nét riêng biệt của nghệ thuật Thiền Phật giáo, thoát khỏi vẻ hào hoa bay bướm chốn thị thành để tìm đến những khoảng trống vô thức tạo một không gian giản dị giữa tâm hồn con người và sự vật.
Cũng như Bùi Xuân Phái của thời hiện đại, sinh ra ở Hà Nội, Công Văn Trung từng lang thang vẽ nhiều phố cổ, ghi lại ký ức của mình về Hà Nội mà cả đời ông và gia đình gắn bó. Vì thế những tác phẩm của ông còn lại đến nay là một Hà Nội xưa cũ với những di tích già nua nhuộm màu thời gian, những vùng quê lam lũ ngoại ô và một Hà Nội hoang tàn sau 60 ngày đêm khói lửa Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh năm 1946 đầu năm 1947. Ông đi trong đống đổ nát, lòng quặn thắt ghi lại cảnh Hà Nội từng góc phố: Phố Hàng Cuốc, Phố Lò Rèn, Phố Hàng Đồng, Phố Hàng Sắt (thuộc sưu tập Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam) bằng cây bút chì đơn sơ mà cảnh quan như bừng khởi trên từng cái nhìn đau đớn.
Sau này ông công tác tại Cục Bảo tồn bảo tàng về các di tích lịch sử, một công việc rất phù hợp với phẩm chất một nhà nghiên cứu lịch sử mỹ thuật cổ đại của Việt Nam. Ở cương vị một hoạ sĩ, những tranh lụa, sơn khắc của Công Văn Trung vẫn là đề tài kiến trúc cổ: Cây đại chùa Thày, Tham quan di tích lịch sử (tranh lụa 1982). Tác phẩm sơn khắc Cảnh Sài Sơn (1990) được giải Nhất Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc 1990. Những công trình nghiên cứu về kiến trúc cổ Việt Nam và chạm khắc dân gian đã ghi nhận hoạ sĩ Công Văn Trung là người của những kỷ niệm xưa một thời vang bóng.
Gắn bó với các học giả nghiên cứu về nghệ thuật cổ đại trong kiến trúc chùa làng, đình làng nở rộ đầu thế kỷ XVII thời Lê Trung Hưng, ông tìm về thôn Đoài, Đường Lâm để ghi lại kỷ niệm một thời trường Mỹ thuật Đông Dương chuyển về đây. Những lần tiếp xúc với các ngôi chùa cổ đã ám ảnh ông trong nội dung sáng tác trên chất liệu sơn khắc. Tác phẩm Cảnh Sài Sơn kích thước 60 x 90cm là một thành công ở chất liệu này.
Chất liệu sơn mài Việt Nam mang đậm tính trang trí, nhưng vào những năm 30 của thế kỷ XX, cách tân của hoạ sĩ Nguyễn Gia Trí đã đưa sơn mài từ mỹ nghệ chuyển sang mỹ thuật để sáng tác hội hoạ với các trường phái hiện đại.
Tính trang trí còn biểu hiện rõ hơn ở sơn mài khắc hay còn gọi là tranh sơn khắc.
Hoạ sĩ Công Văn Trung đã chọn sơn khắc để thực hiện tác phẩm Cảnh Sài Sơn, diễn tả ngôi chùa Thầy thời Hậu Lê. Trong tranh là hình ảnh ngôi chùa cổ kính ẩn khuất sau những tán lá cây cổ thụ. Sự phân bố các mảng nét mau thưa to nhỏ khác nhau đã tả được khối và không gian hình hoạ.
Công Văn Trung quan niệm màu sắc của tranh sơn khắc chính là đường nét khắc chìm dưới tấm vóc đen hay đỏ, màu đen của tấm vóc sử dụng trong tác phẩm Cảnh Sài Sơn cũng tham gia tạo hình, tạo màu, cộng với một vài màu xanh thiên lý nhẹ nhàng của chất liệu sơn dầu điểm trên nét khắc lá cây cổ thụ. Với bố cục dàn trải đồng hiện lớp lang theo kiến trúc ngôi chùa, những đường nét trên tác phẩm là mái ngói lô xô, gốc cây đại gân guốc, tán lá bao phủ làm mềm đường nét kiến trúc thuỷ đình, cầu chợ. Xa xa là xóm Sài Sơn của người dân Xứ Đoài gắn bó quê hương.
Tranh sơn khắc, tranh lụa là chất liệu chính của hoạ sĩ Công Văn Trung khi thực hiện các tác phẩm trong suốt cả cuộc đời. Trong đó, phần thành công của ông chính là những tranh sơn khắc với đề tài là kiến trúc cổ. Tác giả đã mở rộng ngôn ngữ của tranh khắc trên tấm vóc chính là phô diễn nét khắc khi mau, khi thưa, khi dày đặc, khi thoáng đãng. Kiến trúc cổ hoà hợp với tạo hình đề cập đến đường nét khi thẳng, khi cong, khi lại uốn lượn để gây một cảm giác chặt chẽ, cương hoạch của kiến trúc cổ Việt Nam.
Một mô típ luôn hiện hữu trên tranh sơn khắc và cả tranh lụa của Công Văn Trung là hình ảnh cây đại với phần thân xù xì, cành gộc khẳng khiu. Mô típ này gợi ý rất nhiều cho người nghệ sĩ khi khắc những đường ziczac, lấy đi những phần vóc để lộ đường nét tạo hình tinh tế.
Nếu mạnh dạn coi tranh sơn khắc trên tấm vóc sơn then (đen), sơn son (đỏ) hình hoạ hiện lên như một đồ hoạ (graphic art) công phu tỉ mỉ với những đường nét khúc triết như nét chữ mảnh mai, chính xác chuyên chở một nội dung hàm súc hiện thực gần gũi, thì người xem sẽ cảm nhận được mối liên hệ đó khi đứng trước những tác phẩm của hoạ sĩ lão thành Công Văn Trung đã đóng góp một phần không nhỏ về một loại hình đặc biệt trong nghệ thuật tạo hình Việt Nam.
Ảnh chụp bởi Nhiếp ảnh gia Lê Vượng
Bài viết bởi Nhà nghiên cứu Nguyễn Hải Yến
Bản quyền thuộc về Viet Art View