Dương Bích Liên (1924 – 1988). Chiều vàng. 1962. Sơn mài. 60×90 cm
Ở miền Bắc Việt Nam, khí hậu hưởng trọn bốn mùa Xuân Hạ Thu Đông trôi chảy theo dòng đời đồng vọng. Bốn mùa êm nhẹ chuyển dịch lan toả đan xen nhau trong những lần thay lá trên những hàng cây. Từ mùa xuân ẩm ướt mưa phùn, mùa hè nắng ấm, mùa thu se lạnh đến mùa đông làm bạn bên bếp lửa nhà sàn. Ánh nắng cùng trôi chảy theo nhịp điệu thời gian. Nắng sớm bình minh, nắng chiều hoàng hôn góp phần làm nên chất thơ của phong cảnh Việt Nam.
Trong bức sơn mài Chiều vàng, Dương Bích Liên đã đưa lên tranh một phần chất thơ duyên dáng đó của phong cảnh đất nước. Một buổi chiều ở làng quê có phần cô tịch, những tia nắng cuối ngày đã yếu dần bỗng lại bừng lên nhuộm cả thân cây, cành lá, bờ ruộng đơn sơ. Nắng chiều như nhuộm cả cảnh vật êm đềm rồi tắt hẳn. Người cuối cùng gánh lúa về trong ánh hoàng hôn chạng vạng. Bắt được giây phút ngắn ngủi đặc trưng ấn tượng đó, Dương Bích Liên đã gửi gắm được lòng mình vào tranh.
Với Chiều vàng, Dương Bích Liên đã can đảm sáng tạo vượt qua chất bóng bẩy ngôn ngữ trang trí sơn mài truyền thống. Ở đây tác giả không dùng nét, không dùng son mà tạo những mảng có tính chất nhoè mờ gần như sơn dầu mặc dù tính đơn màu của sắc vàng kim loại hạn chế chiều sâu không gian hội hoạ. Tác giả muốn mô tả không khí và ánh sáng thực cùng những hiệu quả của nó trong không gian dù sơn mài vốn đã quen với ánh sáng ước lệ nhân tạo từ các nghệ nhân. Chiều vàng là một tác phẩm hoàn hảo về kỹ thuật, được chăm chút đến từng vệt bút, hoà hợp với thiên nhiên gần gũi.
Trong Chiều vàng ta thấy ngưng đọng nhận thức thiên nhiên kỳ diệu ở thời điểm bình tĩnh nhất của tác giả, một thiên nhiên miền nhiệt đới không gay gắt nhưng tinh tế, rõ nét. Không khí ẩm ướt nhiều hơi nước qua một chiều vần vũ hiện lên khúc xạ ánh sáng tuyệt đẹp vào buổi hoàng hôn. Nếu nắng sớm trên biển là quà tặng cho Claude Monet đến với trường phái Ấn tượng mặt trời mọc thì nắng chiều trên ao hồ, trên những dòng sông, cánh đồng phất phơ một dải voan sương mỏng, mịn góp phần làm nên chất thơ cầm giữ phong cảnh Việt Nam trên vùng nông thôn Bắc Bộ khi nắng sớm chiều tà.
Rất nhiều hoạ sĩ ghi lại cảnh chiều ở nông thôn sau một ngày bận rộn, người dắt trâu về, người gánh lúa rạ rơm rộn rã đường làng. Những tiếng gọi gà lên chuồng, tiếng trẻ con đi học về, mùi nồng ngái nồi cám lợn. Âm thanh khuấy động một góc đường thôn ngõ xóm hiện diện trong tranh. Riêng hoạ sĩ Dương Bích Liên khi bắt được giây phút ấn tượng ngắn ngủi đó đã gửi gấm lòng mình vào tranh.
Dừng lại trên cánh đồng buổi chiều hoàng hôn tạnh nắng, tác giả chứng kiến thời gian trôi nhanh, người nông dân như chạy đua với bóng đêm sắp hiện hữu. Trên tranh Chiều vàng, tác giả đã kịp ghi cái phút giây vừa rực rỡ của nắng chiều tắt dần, vừa gợi nét bùi ngùi tiếc cho cảnh vật.
Từ suy cảm nhận thức lãng mạn ngậm ngùi trước cảnh vậy biến đổi quá nhanh của ánh sáng, tác giả sáng tác Chiều vàng trong cảm xúc lắng đọng nỗi cô đơn trống trải của một đời người.
Sơn mài là ngôn ngữ của vàng son lộng lẫy uy nghi tôn giáo trong suốt chiều dài thế kỷ. Sơn mài (tên gốc là sơn ta) ngự trị trên cửa võng, hoành từ, câu đối, nét sơn son thếp vàng đã đi vào dĩ vãng khi yếu tố trang trí bị lãng quên trong tạo hình nghệ thuật hội hoạ cận hiện đại Việt Nam.
Chân dung họa sĩ Dương Bích Liên (1924 – 1988)
Dương Bích Liên là hoạ sĩ hiếm hoi của nền hội hoạ hiện đại Việt Nam luôn tìm khoảnh khắc trống vắng của hiện thực thể hiện trên tác phẩm của mình. Tác phẩm Chiều vàng mở đầu cho việc tác giả đã bỏ qua chất bóng bẩy có tính trang trí của sơn mài để gạn lọc màu sắc, đưa lên mặt tranh một không gian hội hoạ đích thực.
Trên nền vóc sơn then (đen) tác giả đã phủ đầy những quỳ vàng kim rực rỡ miêu tả ánh sáng lan toả một lần cuối trong cảnh chiều tà trên cánh đồng rộng vắng người. Màu sắc rực rỡ miên man trên tấm vóc đã được bàn tay nghệ sĩ phủ đầy những nét nhoè mờ mà vẫn ửng lên một phong cảnh chiều vàng đầy ấn tượng.
Đây là một tác phẩm dùng màu táo bạo, tạo một ngôn ngữ mới cho sơn mài khi yếu tố vàng son mỹ nghệ được cân nhắc đưa về quá khứ.
Ngôn ngữ hội hoạ trong Chiều vàng của Dương Bích Liên đã nói lên điều đó. Toàn bộ bức tranh là màu vàng kim không óng chuốt mà mờ ảo tạo khoảng cách xa gần. Để phá vỡ sắc vàng lan toả mênh mông trên cánh đồng, tác giả đã đặt hình dáng một cây cổ thụ gân guốc sừng sững ở vị trí đắc địa với những cành gộc thưa lá, xa xa là xóm làng cũng nhoè mờ trong bố cục chung. Cận cảnh nhìn rõ nhất ở góc tranh phía dưới bên phải là hình hai phụ nữ còn lại với công việc thu dọn lượm lúa gánh về. Mọi chi tiết đó làm chặt chẽ bố cục trên cánh đồng mênh mông, trải rộng miên man trong sắc vàng óng của buổi hoàng hôn chưa tắt nắng. Những điểm xuyết cây cổ thụ, làng xóm, con người không phá vỡ cấu trúc một tranh phong cảnh đẹp thơ mộng. Cách tạo hình của tác giả cũng ẩn ý nhiều điều về không gian, thời gian. Chiều vàng hiển hiện một không gian quen thuộc ở nông thôn, nơi luôn hiện lên vẻ đẹp như thế của thiên nhiên suốt bao thế hệ.
Chiều vàng ghi nhận dòng thời gian trôi chảy quen thuộc của nhà nông, những chiều tạnh nắng hoàng hôn hay mưa dầm gió bấc, con người vẫn hối hả về nhà sum họp trong không gian ấm cúng của gia đình, trả lại sự yên tĩnh cho đồng ruộng thân thuộc.
Chiều vàng là một tác phẩm sơn mài truyền thống nhưng tác giả Dương Bích Liên đã tìm một ngôn ngữ mới khi thể hiện để hạn chế độ mạnh mẽ của trang trí, tiếp cận gần đến bảng màu của hội hoạ hiện đại nhưng vẫn vang vọng đâu đây hiệu quả ánh sáng, màu sắc, hình hoạ hiện diện trên tấm sơn truyền thống.
Cứ tưởng tượng trên một tấm vóc 60 x 90 cm phủ đầy vàng kim bóng bẩy chói lọi nếu không được bàn tay ma thuật làm mờ ảo đi mà phần hình hoạ vẫn nổi khối để những tia nắng cuối cùng trong ngày đã yếu dần bỗng lại bừng lên trên những thân cây cành lá bờ ruộng đường quê để người xem được thưởng thức một chiều vàng quen thuộc từ trong quá khứ thì sẽ hiểu Dương Bích Liên muốn mô tả không khí, ánh sáng thực của bầu trời trong không gian.
Đó là công sức sáng tạo của một hoạ sĩ Việt Nam khi làm việc trước thiên nhiên.
Ảnh chụp bởi Nhiếp ảnh gia Lê Vượng
Bài viết bởi Nhà nghiên cứu Nguyễn Hải Yến
Bản quyền thuộc về Viet Art View