Logo loading

CHƠI Ô ĂN QUAN

Hà Nội đang vào chiều thứ bảy. Một chiếc xe kéo gọng đồng bóng loáng chạy vội vã. Mấy sinh viên cao đẳng đi giầy giôn, tay cầm can đang tìm bước trên hè phố. Một con sen tất tưởi quảy đôi thùng nước, những giọt nước són ra đường như đánh dấu lối đi. […]
|Viet Art View

Hà Nội đang vào chiều thứ bảy. Một chiếc xe kéo gọng đồng bóng loáng chạy vội vã. Mấy sinh viên cao đẳng đi giầy giôn, tay cầm can đang tìm bước trên hè phố. Một con sen tất tưởi quảy đôi thùng nước, những giọt nước són ra đường như đánh dấu lối đi.

Cảnh sinh hoạt Hà thành diễn ra trước mắt Chánh. Anh rảo bước qua khu phố đông người rồi thong thả đi về phía làng Kim Liên. Mặc dầu sống ở Hà Nội đã lâu, những ấn tượng về màu xanh của xóm làng và màu nâu nơi thôn dã vẫn chưa phai trong trí Chánh. Kia rồi, con đường làng lát gạch chạy thẳng vào sân đình.

Đã lâu mới có một ngày rằm trùng chủ nhật, nên ngay từ chiều nay, các quán hàng hai bên đường làng Kim Liên đã rộn hẳn lên. Những nải chuối vàng treo trên cửa sổ, các lọ thủy tinh đầy kẹo, những nén hương trên quầy… Một giọng nhại chèo cất lên từ trong chiếc quán gần đình:

“Hôm nay mười bốn mai rằm

Ai muốn ăn oản thì…”

Khi mô cô thiếu nữ mặc áo tứ thân đi ngang qua. Nghe cái giọng nhại chèo nghịch ngợm ấy, cô bé ngồi ngoài cùng trong một đám chơi ô ăn quan vội ngước mắt lên. Người thiếu nữ mỉm cười với cô bé chính là thiếu nữ đã tránh không làm phiền đến đám ô cạnh đình ấy nên mới đi sát vào quán.

Lúc đầu Chánh không hiểu lắm về đôi mắt ngước nhìn của cô bé ngồi ngoài cùng trong đám chơi ô. Nhưng khi bắt gặp nụ cười của người thiếu nữ – nụ cười của một người con gái mới lớn như hoàn toàn cảm thông với cái thế giới của ván ô – Chánh bỗng thấy như người thiếu nữ chỉ mới vừa bước ra khỏi ván ô ăn quan này mà thôi.

Trẻ em trên trái đất có chung nhau các trò chơi. Chánh bỗng nhớ đã đọc đâu đó cái ý ấy. Nhưng chơi ô ăn quan… Suốt một giải từ Hà Tĩnh quê mình ra đến đây, trò chơi kỳ diệu ấy vẫn gắn chặt với cuộc sống các trẻ em nghèo. Chỉ cần dăm chục viên cuội… và thế là ngồi bệt xuống vui vẻ. Nếu gặp một góc sân phơi, một khoảng thềm nhà thì một mẩu gạch non nữa là đủ vẽ lên hai dãy mười ô vuông và hai ô bán nguyệt ở hai đầu. Còn nếu là nền đất, bãi cát thì một que tre cũng vẽ xong bàn ô. Hai người là đủ thành đám chơi ô. Nhưng nếu có thêm người nữa thì càng vui: cứ chia đều sang hai phe… Đúng là một trò chơi đòi hỏi ít nhất về chỗ chơi và đồ chơi. Chánh bỗng cảm thấy như đang vỡ ra một điều gì. Thế nhưng bí quyết của sự hấp dẫn của trò chơi là ở đâu? Cái gì đã làm nên linh hồn của trò chơi đó, làm cho nó sống mãi đến ngày nay, ngay cạnh thủ đô hoa lệ, khi phong trào Âu hóa đang thống trị mạnh mẽ cuộc sống?

Nguyễn Phan Chánh (1892-1984). Chơi ô ăn quan. 1931. Lụa. 62×85 cm

Cả một thời thơ ấu như sống lại trong Nguyễn Phan Chánh. Lúc ra quân, hai phe ngang nhau: 25 viên cuội chia đều trong 5 ô. Hai ô quan hình bán nguyệt vốn đã có sẵn mỗi ô 10 viên cuội, sẽ được đầy dần lên qua mỗi lần đi của cả hai bên. Ô trống bắt đầu xuất hiện ngay từ lần đi đầu tiên và là điều lệ để được quân trong mỗi lần đi. Nếu viên cuội cuối cùng của lượt đi rơi đúng vào trước một ô trống nào đó, thì người đánh sẽ thu được toàn bộ số quân có trong ô tiếp theo ô trống. Khi ô tiếp theo ô trống lại là ô quan thì số quân thu được càng nhiều, vì ô quan là ô không được dùng để rải quân đi. Ván ô kết thúc khi trên bàn ô hết quân, và bên nào thu được nhiều quân hơn là bên ấy thắng. Như vậy, mỗi ván ô là một lần biến hóa và đám ô luôn luôn đặt người chơi trước những sự bất ngờ. Người chơi phải nhanh chóng xác định số quân cuội, để đạt được sự kết thúc của lượt đi đúng vào trước cái ô nhiều quân mà mình mong muốn. Chánh cảm thấy một cái gì lớn hơn rất nhiều nằm sâu trong trò chơi trẻ con ấy: hy vọng.

Đúng là hy vọng làm chủ các biến hóa để biến bất ngờ thành thường lệ, đã làm cho anh như thấy mùa xuân, sức sống đang tụ cả về đây, trên làn má, ánh mắt, đường môi của những cô gái ngây thơ này.

Nguyễn Phan Chánh hơi đứng khuất vào một gốc cây, rút cuốn sổ tay lấy ký họa ra…

Nhiều chủ nhật sau đó, Chánh đã đến tại làng này, tìm tới tận nhà các em chơi ô ăn quan để thuê vẽ mẫu. Anh gặp lại người thiếu nữ mặc áo tứ thân đã từng làm anh hiểu hơn trò chơi con trẻ ấy. Nhìn kỹ lưỡng gương mặt đẹp của người con gái, Chánh có cảm giác như đã gặp cô ở đâu rồi… Anh cố nhớ lại cuộc đời mình và bỗng hiểu ra: ngày hội Nam Hà! Phải, là người làm tranh, tôn trọng từng cái riêng nhỏ nhất của nguyên tắc “theo thiên nhiên”, Chánh lại bống bắt gặp người con gái của ngày hội Nam Hà bao năm về trước trong người thiếu nữ mặc áo tứ thân ngày nay, để rồi lại nhìn thấy người thiếu nữ này trong cô gái chơi ô ăn quan ở sân đình Kim Liên…

Mùa xuân năm ấy, cả Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương tấp nập sửa soạn dự Đấu xảo thuộc đị ở Paris. Chánh gửi đi những bức lụa lặng lẽ của mình: Rửa rau, Em bé cho chim ăn, Bữa cơm, Người hát rong, Lên đồng và cuối cùng bức – Chơi ô ăn quan ra đời từ một buổi chiều thứ bảy ở làng Kim Liên ấy.

Những người dân Paris từng quen với bảo tàng Lu-vrơ đã không khỏi xúc động trước những bức tranh lụa của một nghệ sĩ An Nam xa xôi, khi họ rời khỏi cái náo động của đường phố để bước vào gian hàng trưng bày tranh của cuộc Đấu xảo thuộc địa 1931.

Một nhóm nghệ sĩ, mấy tốp sinh viên, các phóng viên báo chí, những cô thiếu nữ, mấy thiếu phụ quý phái…, tuy khác nhau từ quần áo đến dáng điệu, bỗng như cùng thấy thời gian ngừng lại trước bức tranh lạ với dòng chú bằng tiếng Pháp ở lề tranh: “Trò chơi của trẻ em”.

Trên nền rất mịn của lụa Bông- bay nổi tiếng, tưởng chừng như có một hơi thở nhẹ cũng có thể làm cho lay động, bốn em gái phương Đông đang chăm chú vào một trò chơi. Trong ký ức của những người Paris hiện lên hình ảnh “Nghìn lẻ một đêm” và họ thấy rõ hơn điều mình đang nhìn: phương Đông, nhưng không phải Cận Đông. Rất nhanh, những cô gái Trung Hoa trong Giấc mộng lầu hồng và những thiếu nữ Phù – tang quấn Ki- mô- nô trong tranh khắc Nhật Bản lấn đến. Và thế là một cái gì rất khó giải thích bỗng lớn dần lên trong những người xem tranh. Bất giác, họ bắt gặp trong mình cái cảm giác sững sờ: không, không phải Trung Hoa, cũng không phải Nhật Bản. Những con người phương Đông này họ chưa hề gặp trong tranh. Và thế là với tất cả kinh nghiệm mà Gô – ganh để lại cho họ về những thiếu nữ Ta – hi – ti, cái không khí mờ ảo của phòng tranh đưa họ về một miền nhiệt đới xa xôi…

Trên mảnh đất của miền châu thổ sông Hồng, các em gái quê Bắc kỳ đang chơi ô ăn quan.

Ngồi gần tách hẳn về một phía là em gái nhỏ nhất trong đám chơi ô – đã mặc yếm nhưng còn mang áo cánh, đầu chưa vấn khăn – lứa tuổi chín, mười. Người phương Tây vốn ít quen đoán tuổi những người Viễn Đông, nhưng qua vẻ thơ trẻ mà lại đã có dáng chăm chú đi quân cờ của em bé, có thể nhận ra lứa tuổi đó. Thế ngồi của em bé vừa cho phép nhìn bao quát toàn ván ô, vừa có thể ngồi được lâu, và nhất là rất ý tứ. Bàn tay phải đang ở trước ô quan, nhưng cánh tay đưa, những ngon tay chụm lại như cho thấy rằng người đánh hãy còn quân đi tiếp sang ô quan, và chưa biết điều gì sẽ xảy ra sau đó. Cùng phe với người đang đánh là cô bé mặc quần lụa trắng, một trong hai người trùm khăn. Màu quần, áo dài, vấn khăn, và nhất là vẻ mặt nói với mọi người về tuổi mười bốn, mười lăm của em. Cằm tựa đầu gối, tay nhịp nhịp vào nền gạch, chứng tỏ sự chú ý của em về nước đi của người bạn ít tuổi. Nhưng thế ngồi hơi tách ra, ánh mắt bình thản, lại đã nói lên cái ý vừa kèm cặp vừa tin tưởng của em vào thế hệ sau mình đang nhập cuộc chơi – dõi theo nhưng không cản trở. Phải đấu trí với một đấu thủ ít tuổi hơn mình nhưng lại có người mách nước, nhân vật ở bình diện thứ nhất được miêu tả trong toàn thể của nó. Đây là một trong hai nhân vật của bức tranh không bị che khuất. Thế trông nghiêng làm lộ rõ cách vấn khăn riêng biệt của người Bắc kỳ, khăn mỏ quạ như tên gọi nó. Quan trọng hơn, thế trông nghiêng đã cho thấy đường cắt trắc diện của khuôn mặt thiếu nữ xứ này: trán nở, mũi không cao nhưng thanh tú, môi mọng. Tập trung nhưng tự chủ, mắt cô gái như vừa theo dõi đường đi của đối thủ, như vừa nhẩm tính trước bước đi của chính mình. Dáng ngồi đã là dáng ngồi của người lớn. Và nếu những câu ca dao của xứ này hãy còn nói lên cuộc sống “Em lấy anh từ thuở mười ba”, thì người xem có thể hình dung là không bao lâu nữa – và có thể là chỉ xong ván ô này mà thôi – người con gái sẽ bước ra khỏi bức tranh, gửi lại cho sân đình ván ô, gửi lại mãi mãi cả thời thơ ấu, và như một phép mầu, thoắt trở thành một người thiếu nữ mặc áo tứ thân… Ấy thế mà người xem tranh nhẩm đếm: số quân thu được của mỗi bên gần ngang nhau.

Bức tranh đã bắt chợt được cái khoảnh khắc ấy của ván ô. Nhân vật cuối cùng như nói thêm cho không khí ấy. Đó là cô gái cùng phe với cô lớn tuổi. Tay phải tựa hẳn xuống sân đình, hai chân thoải dài theo nền gạch, cô đang phán đoán toàn bộ thế cờ hộ bạn mình. Khuôn mặt gần như bị che khuất hoàn toàn của cô sẽ được người xem tự tái hiện lấy: cấu trúc cơ bản của mắt, mũi, môi ở chính diện, trắc diện, ba phần tư đã sẵn ở ba nhân vật kia rồi.

Báo chí Paris xôn xao đưa tin về sự xuất hiện của tranh lụa An Nam. Giữa quê hương của nghệ thuật sơn dầu đồ sộ này, lụa tuy lạ nhưng không phải là mới. Song, bên cái đậm nhạt chấm phá của mực đen trong lụa Trung Hoa và những nét bút viền sắc cạnh trong tranh Nhật Bản, thì gam màu nâu đen của người nghệ sĩ An Nam quả thật đã làm nên một phong vị rất riêng: màu trầm mà không tối, mảnh bẹt mà vẫn khối, không kẻ mà vẫn nét, hình lặng mà lại động. Cái tên Nguyễn Phan Chánh được nhắc đến trong giới phê bình của cái thủ đô khó tính nhưng hào hoa ấy: “ Nguyễn Phan Chánh đã vẽ với một sự quan sát rất tinh tế và với một giá trị độc đáo hiếm có những cảnh sinh hoạt hàng ngày của dân chúng, khiến chúng ta phải nghĩ đến những tranh khắc của trá trị nhất của Nhật Bản”.

Tin dội về Hà Nội. Thư của Tardieu xác nhận điều ấy. Tardieu đã trực tiếp mang tranh của các họa sĩ Đông Dương về Pháp bày triển lãm.

Pa- ri, ngày 24/V/1931

Chánh thân mến,

… Ở đây mọi việc đã diễn ra tuyệt vời. Phòng tranh của chúng ta đã khai trương cho công chúng vào xem và chúng ta đã đạt được thành công rực rỡ.

Tôi vui mừng báo anh hay là những bức tranh lụa của anh rất được hâm mộ và người ta đã mua ngay bốn bức trong số đó.

… Các bức tranh lụa của anh đã thành công to lớn, tất cả đều đã bán hết… Giá tôi có thêm nữa, chắc chắn là tôi sẽ bán hết ngay. Chúng ta lại sắp bày tranh ở La Mã và sau đấy ít lâu ở Luân Đôn. Nếu anh còn có những bức tranh lụa như những bức tôi mang theo, tôi đảm bảo là sẽ bán hết cho anh.

Vich- to Tac- đi-ơ

Số nhà 3, Phố Sap-tan

Năm sau, Giăc Bat-sê, phụ trách tờ Báo Ảnh gửi biếu Nguyễn Phan Chánh tờ báo số Nô-en 1932, khổ to, in màu trang trọng 4 tranh của anh: Chơi ô ăn quan, Rửa rau, Em bé cho chim ăn và Lên đồng, trong thư kèm theo, Bat-sê viết:

Báo Ảnh

13 phố Thánh Giooc

Pa-ri 9

Ngày 9/IX/1932

Thưa ngài,

Cùng với thư này tôi xin gửi đến ngài tờ Báo Ảnh số Nô-en. Tôi rất sung sướng được góp phần vào tác phẩm của ngài. Ngay từ khi tranh của ngài bày ở điện Vanh-xen, nó đã làm tôi rất chú ý; bấy giờ tôi chỉ có thể in các tác phẩm ấy theo lối trắng đen. Nhưng từ đó tôi quyết thế nào cũng in màu cho được các tác phẩm ấy, và tôi hy vọng rằng kỳ này ngài sẽ hài lòng về sự thực hiện đó của chúng tôi.

Năm sau nữa, Chánh lại nhận được một lá thư gửi từ Nữu-ước. Một người Mỹ muốn mua tranh lụa của anh. Thư viết bằng tiếng Pháp. Nhìn cái địa chỉ phố U-ôn, Chánh cười:

Số 45 Phố U-ôn

Nữu- ước, Hợp chủng quốc Mỹ

Tháng VI/1993

Kính gửi Văn phòng Thương mại

Hà Nội

An Nam

Á châu

Thưa Quý Ngài,

Số Nô-en của tờ Báo Ánh xuất bản ở Pa-ri có in các phiên bản những bức tranh của một họa sĩ của Quý thành phố là Ngài Nguyễn Phan Chánh.

Tôi hy vọng rằng Quý Ngài sẽ vui lòng làm ơn tìm hộ tôi Ngài họa sĩ ấy và cho tôi xin địa chỉ của ông ta, vì tôi ao ước được mua tranh ông cho bộ sưu tập của tôi.

Với mong mỏi nhận được sự giúp đỡ của Quý Ngài, tôi xin gửi đến Quý Ngài lời chào trân trọng.

Nữu- ước, Hợp chủng quốc Mỹ

Giôn Phơ-răng-cô

Số 45 Phố U-ôn

Một công ty còn thông qua nhà chức trách Pháp mời Chánh sang Mỹ, nói anh muốn vẽ gì, muốn đi đâu tùy thích, và tất cả mọi phí tổn sẽ do họ chịu.

Chánh đã cảm ơn và từ chối.

Hà Nội ánh sáng và len dạ, và giờ đây nữa, những ngôi nhà chọc trời Mỹ, không đuổi được những cô gái quê ra khỏi mắt anh. Hơn ai hết, Chánh hiểu rằng nghệ thuật của anh sẽ mỏi mòn khi phải sống xa những con người ấy.

Phút vinh quang của cuộc sống những bức tranh qua đi, Chánh càng như thấy rõ hơn bức tranh cuộc sống. Đúng là cả thế giới nhắc đến anh. Những người Pháp bàn về nghệ thuật của anh. Nước Pháp kể công lao của họ, còn Mỹ thì nghĩ đến chuyện kinh doanh…

Và ở cái xứ Đông Dương thuộc Pháp này, Nguyễn Phan Chánh vẫn chưa được bổ dụng. Anh không có thần thế, lại không biết lấy lòng cấp trên, cả quan lại Nam triều lẫn Chính phủ bảo hộ. Mẹ già, vợ và con cái… tất cả đều trông vào tiền bán tranh của anh. Thế mà chuyện tiền nong thì anh không thạo. Các quan cai trị Đông Dương chỉ chực bớt được của anh đồng nào hay đồng ấy. Đến nỗi ngay từ dịp Đấu xảo, Tardieu đã phải nói trắng ra với anh về “đồng bào” của mình:

Pa-ri ngày 24/XI/1931

Chánh thân mến,

… Tôi muốn biết Ngài Mac-ty đã trả anh bao nhiêu tiền về 4 bức tranh anh vẽ ông ta. Theo tôi, ở Hà Nội anh không được bán dưới 200 đồng một bức, còn ở Pháp thì không được dưới 250 đến 300, đấy là tôi nói tranh lụa.

Tôi đoán chắc rằng Ngài Cơ-ruy-dơ sẽ nói giá như thế là quá cao, nhưng tôi hoàn toàn không tán đồng điều đó một tý nào. Khi người ta có tài và thành công như anh thì người ta phải giữ giá. Ai đã biếu anh được 150 đồng một bức và ham thích nó thì thêm 50 đồng nữa cũng chẳng khó khăn gì. Anh phải nói với họ là anh đã mất bao nhiêu ngày trời mới vẽ được một bức, công phu dựng tranh như thế nào, phải mất bao nhiêu tiền mua lụa, lại còn tiền mua thuốc màu và tiền trả công người mẫu, anh phải nói với họ rằng tôi đã có vợ, rằng tôi còn con cái và bố mẹ già phải nuôi dưỡng…

Hơn 40 năm sau, khi giới thiệu chuyên đề “Tác phẩm Mỹ thuật hiện đại Việt Nam” trên báo Văn nghệ, họa sĩ Sĩ Ngọc đã bắt đầu bằng chính bức lụa Chơi ô ăn quan, tác phẩm mở đầu cho sự công nhận tầm cỡ quốc tế của họa sĩ Nguyễn Phan Chánh:

“Đây là một tranh lụa đầu tiên của nghệ thuật tạo hình vẽ theo lối hiện đại và đã được giới thiệu ra nước ngoài (Triển lãm Đấu xảo quốc tế thuộc địa, tại Pa-ri, năm 1931). Cũng là tác phẩm đầu tay của họa sĩ Nguyễn Phan Chánh, nhà họa sĩ đầu tiên của nước ta tiếp thụ kỹ thuật diễn đạt dân tộc rất độc đáo. Tranh vẽ trên lụa, diễn tả bốn thiếu nữ đang chơi ô ăn quan, một trò chơi phổ biến của dân gian, từ miền Trung trở ra Bắc. Hai cô là vai chính đang chơi ô ăn quan và hai cô phụ, bởi vì hai cô chính diện đều lộ toàn diện, còn hai cô phụ ghép chung mảng với cô bên phải. Bằng cách dàn mảng từ trái sang phải, tác giả cho thấy sự gắn bó toàn diện của tác phẩm. Mảng chính bên phải lớn hơn, gắn liền với mảng phụ bên trái, làm cho bố cục được cân bằng mà không bị đăng đối. Màu chính là nâu và đen với nhiều sắc nhị, nên trông không bị nặng, trái lại do cách cấu tạo hình của mảng đẹp, nên càng làm cho mảng thêm sức mạnh. Cách diễn đạt theo mảng bẹt, không vờn khối như lối Âu tây, nhưng khối vẫn có ở mặt, áo, quần. Và toàn bộ tranh có chiều sâu, không gây cảm giác tách rời giữa những người với nhau, giữa mảng người và nền.

Nét mặt các cô thiếu nữ ngây thơ, chân thật và rất Việt Nam. Bạn đọc chú ý hình của mấy ô chơi bên trái, tuy ít nhưng là điểm quan trọng của nội dung, điểm theo hình bầu dục dài, tạo nên yếu tố trang trí. Cô đang bỏ đồng tiền vào ô dáng chăm chú, còn cô đối thủ có nét mặt điềm tĩnh và chú ý đối phương. Mảng quần trắng của cô ngồi xem ở giữa đã làm cho tranh thanh thoát, và đấy là điểm khởi sắc của toàn bộ. Nếu đó là quần đen thì tranh sẽ nặng nề u ám và buồn tẻ. Cái giỏi của tác giả là ngoài sự cấu tạo hình và mảng, còn thể hiện ở điểm trắng ấy…”

(Trích trong cuốn sách “Họa sĩ Nguyễn Phan Chánh” của tác giả Nguyệt Tú – Nguyễn Phan Cảnh, NXB Văn Hóa, xuất bản năm 1979)

 

Chia sẻ:
Back to top