Đây là một bức tranh thiếu nữ rất duyên, rất đẹp, lãng mạn của họa sĩ Trần Văn Thọ (lụa. 45x31cm).
Khi ngắm nhìn bức tranh này, chúng ta lại nhớ đến bức tranh (vừa gây rất nhiều ý kiến) – “Thiếu nữ chải tóc” của họa sĩ Trần Tấn Lộc (1906-1968).
Theo sách “Mỹ thuật Đô thị Sài Gòn – Gia Định” của tác giả Uyên Huy có viết :Họa sĩ Trần Văn Thọ sinh năm 1917 tại Bắc Ninh. Ông là cựu sinh viên Trường Cao đẳng Mỹ thuật Hà Nội (có thể nhầm từ Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương). Sở trường của ông là tranh lụa. Sau đó (không rõ năm) gia đình ông và gia đình họa sĩ Nguyễn Văn Quế (1911-?) sang sinh sống tại Campuchia. Năm 1954, Trần Văn Thọ mới về sống và giảng dạy mỹ thuật tại Sài Gòn. Ông dạy chuyên khoa tranh lụa tại Trường Quốc gia Cao đẳng Mỹ thuật Sài Gòn.
Về phía họa sĩ Nguyễn Văn Quế, trong cuốn “Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội, xuất bản năm 1990” trong phần danh sách các họa sĩ Đông Dương có ghi: “Nguyễn Văn Quế, khóa X (1934-1939) học cùng U Văn An, Nguyễn Văn Mậu, Phạm Gia Giang. Nhờ NĐG biết thêm ông sinh năm 1911 nhưng không biết năm mất”. Sau năm 1950, Nguyễn Văn Quế sang Pháp sinh sống (theo Sotheby’s).
Nếu xét theo độ tuổi, xét sự tương đồng khi cùng rời Việt Nam sang Campuchia sinh sống trong nhiều năm, Trần Văn Thọ có thể học trước Nguyễn Văn Quế vài khóa; khóa 7,8 chẳng hạn. Hiện nay, chưa tìm thấy tài liệu nào ghi rõ Trần Văn Thọ học chính xác ở đâu. Có thể tên ông đã “bị sót” trong danh sách gốc của Trường CĐMTĐD như trường hợp của họa sĩ Trần Hà (1911-1974) và một số họa sĩ khác.
Trần Văn Thọ sinh ở Bắc Ninh, nên ngôn ngữ tạo hình của ông mang âm hưởng dân ca quan họ Bắc Ninh. Bút pháp nhẹ nhàng, mềm mại. Chủ đề thường hay miêu tả phong cảnh núi non trùng điệp, hùng vĩ. Hoặc những hoạt cảnh sinh hoạt đời thường như chăn trâu, ra đồng, mục đồng. Chân dung có thiếu nữ, trẻ em, mẹ và em bé. Đặc biệt, hình ảnh “liền anh, liền chị” nón thúng quai thao, áo tứ thân, áo dài, khăn đóng trong các lễ hội dân gian vùng Kinh Bắc được ông tái hiện vô cùng sinh động.
Bức tranh “Cô gái soi gương” của ông ghi lại một cách chân thực, sâu sắc về hình ảnh, trang phục, bối cảnh điển hình của một thiếu nữ Hà thành những năm 40-45.
Người xem như lạc vào thế giới ảo mộng của một tiểu thư khuê các xưa, ngày ngày soi gương, chải tóc, làm đẹp ngóng chờ người trong mộng.
Những bức tranh đậm hương vị cuộc sống xưa lãng mạn, êm dịu như thế này thường được ngày nay kiếm tìm và lưu giữ.
Viet Art View sẽ giới thiệu dần với các bạn những bức tranh kiểu thức như thế này nhé.
Bài viết bởi Viet Art View
Bản quyền thuộc về Viet Art View