Logo loading

“CON NGHÉ QUẢ THỰC” CỦA NGUYỄN TƯ NGHIÊM (1922 – 2016)

Nguyễn Tư Nghiêm (1922 – 2016). Con nghé quả thực. 1957. Sơn mài. 45,5×63 cm Như một sự sắp đặt nào đó, sau 9 năm kháng chiến, các hoạ sĩ trở về Hà Nội cùng lao vào làm tranh sơn mài, hình thành nên một thập niên sơn mài (1955 – 1965) với những cái […]
|Viet Art View

Nguyễn Tư Nghiêm (1922 – 2016). Con nghé quả thực. 1957. Sơn mài. 45,5×63 cm

Như một sự sắp đặt nào đó, sau 9 năm kháng chiến, các hoạ sĩ trở về Hà Nội cùng lao vào làm tranh sơn mài, hình thành nên một thập niên sơn mài (1955 – 1965) với những cái tên danh giá từ trường phái Mỹ thuật Đông Dương: Trần Văn Cẩn, Trần Đình Thọ, Phạm Văn Đôn, Nguyễn Đức Nùng, Nguyễn Sỹ Ngọc, Dương Bích Liên, Nguyễn Sáng, Nguyễn Tư Nghiêm…

Nguyễn Tư Nghiêm mang nặng tâm tư làm sống lại một chất liệu đã vượt qua hình hài mỹ nghệ, vươn tới những chủ đề lịch sử, xã hội, con người của thời đại mới. Những năm tháng hoà bình đầu tiên, Nguyễn Tư Nghiêm sáng tác ngay hai tác phẩm sơn mài vào năm 1957, 1958, đạt được thành công rực rỡ là Đêm giao thừa hồ Gươm và Con nghé quả thực, đều trong sưu tập Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Cả hai đều có bố cục đông người, trong đó bức Con nghé quả thực có mười nhân vật, nam phụ lão ấu tình cờ gặp nhau trên một khoảnh đất rộng, nơi con đường quen thuộc người dân trong xóm qua lại hàng ngày. Họ gặp nhau về chuyện một con nghé xuất hiện với bộ lông ướt át, dáng điệu run rẩy đứng không vững.

Thông điệp Nguyễn Tư Nghiêm muốn chia sẻ là niềm vui của người nông dân sau cải cách ruộng đất, một cuộc cách mạng mang lại cuộc sống công bằng nơi thôn dã với thành quả lớn nhất là ruộng nương, nhỏ nhất là trâu nghé.

Con nghé trong tranh Nguyễn Tư Nghiêm là con nghé quả thực, tức là nó được ra đời từ con trâu quả thực, tạo niềm vui nhân đôi. Dàn trải trong không gian hội hoạ, mỗi nhân vật là một trạng thái tình cảm trước sự kiện này. Các nhân vật đồng hiện trong những lớp lang biểu hiện tình cảm, nhóm gần nghé nhất là bà cháu, chị cõng em, nhóm mẹ con hoan hỉ, đứng vỗ tay sung sướng. Xa hơn là người phụ nữ vác cuốc từ ruộng về nhà ngỡ ngàng dừng bước. Xa hơn là hai anh chị vịn gốc cây cũng không kém ngạc nhiên phấn khởi. Một bé gái đứng sau gốc cây khép nép sợ hãi run rẩy, có lẽ nó chưa trông thấy con vật này bao giờ.

Tranh con nghé quả thực ngay khi ra đời đã mang một ý nghĩa xã hội trong sở hữu tư nhân, Nguyễn Tư Nghiêm thể hiện tác phẩm trong trạng thái tình cảm dành riêng cho người nông dân trước một niềm vui nhỏ bé.

Một mô típ trang trí bắt đầu xuất hiện từ tranh này là đám lá cây dày đặc, những tàu lá chuối mềm mại ôm ấp tạo không gian kết nối gắn bó người và cảnh. Mô típ này ta còn gặp trong loạt tranh sơn mài điệu múa cổ ra đời những năm 79, 80 nhưng cách điệu trong ngôn ngữ của trường phái bán trừu tượng.

Sáng tác về đề tài nông dân trong bối cảnh xã hội Việt Nam những năm 50, Nguyễn Tư Nghiêm đặt vấn đề về người cày có ruộng, một chủ đề xã hội rộng lớn trong cuộc cách mạng Cải cách ruộng đất ở nông thôn. Ở tác phẩm Con nghé quả thực, con người là những nhân vật trọng tâm sẽ làm rõ chủ đề con nghé.

Hình ảnh con nghé quả thực là biểu tượng cho niềm vui của người nông dân sau cải cách ruộng đất. Tên đầy đủ của tác phẩm phải là Con nghé quả thực mới hiện rõ chủ đề, một ẩn ý mà tác giả muốn chuyên chở trên tác phẩm này.

Ngôn ngữ cùng hình ảnh hiện thực chiếm trọn vẹn lòng tranh sơn mài với kích thước khiêm tốn 45,5 x 63 cm, tuy vậy lại bừng nở những vấn đề chủ đạo mà tác giả muốn trình bày qua hình tượng nghệ thuật: Con nghé quả thực.

Đề tài trâu nghé quả thực được nhiều tác giả đề cập đến, điển hình nhất là bức ký hoạ màu nước Con trâu quả thực của hoạ sĩ Tô Ngọc Vân sáng tác ngày 22/3/1954 miêu tả một nữ nông dân xắn quần lội ruộng cùng con trâu quả thực to béo khoẻ mạnh.

Ở tranh của Nguyễn Tư Nghiêm, con nghé đã trở thành biểu tượng cho một chủ đề xã hội bởi những con người có mặt trong tranh đã làm nên bối cảnh nông thôn sau cải cách ruộng đất. Con nghé quả thực chỉ là một cái cớ để Nguyễn Tư Nghiêm diễn đạt ý tưởng sáng tác của mình.

Sự hiện diện một con vật nhỏ bé mới ra đời đã kéo theo một hình ảnh ngày mới ở nông thôn, một không gian, thời gian, khoảnh khắc tôn vinh niềm vui bé nhỏ hồn nhiên nơi quê nhà.

Những nhân vật đồng hiện trong tranh diễn giải một không gian yên bình vui vẻ của một chiều trong làng nơi gặp gỡ nhau sau một buổi cày ruộng, gặt hái, chăn trâu. Điểm nhìn của các nhân vật đều đổ dồn vào con nghé, qua dáng điệu từng người có thể nhận thấy đây là nơi khởi nguồn cho một niềm vui nhỏ bé. Nguyễn Tư Nghiêm tìm ra một không gian để thực hiện chủ đề nông thôn, sản xuất nông nghiệp, trâu, nghé, lợn, gà, không phải ở ruộng đồng, khu chăn nuôi mà là một nơi gặp gỡ, qua lại của dân làng, nơi họ bắt gặp một niềm vui giản dị.

Kết nối tâm lý con người với hiện thực giãi bày tình cảm qua hình tượng nghệ thuật, tác giả đã tìm thấy nơi khởi nguồn cho niềm vui, hân hoan của những người nông dân hồn nhiên bắt đầu từ hình ảnh gần gũi yêu thương nhất trong đời sống thường nhật. Nông thôn là một đề tài được nhiều hoạ sĩ đề cập đến nhưng phần lớn là hiện thực với những hình ảnh quen thuộc như ra đồng, tát nước chống hạn, chăm sóc trâu bò… Hình tượng con nghé ra đời từ một con trâu quả thực để từ đó dẫn dắt niềm vui trong làng xóm, dẫn dắt một phương thức sản xuất nông nghiệp mới, dẫn dắt đến tương lai hạnh phúc no ấm đầy đủ của người nông dân cả đời gắn bó với ruộng đồng là tài năng, ẩn ý, suy cảm của Nguyễn Tư Nghiêm.

Với phương pháp ngôn ngữ biểu tượng tô mây tả trăng, Nguyễn Tư Nghiêm hình thành một nguyên tắc trong sáng tác để những ẩn ý sáng tỏ dần, từ niềm vui con nghé ra đời cho tới không khí làng xã vui vẻ sau buổi chiều lao động. Những người gặp nhau trên con đường quen thuộc với mọi lớp người già trẻ, trai gái, trang phục từ tấm váy xồi áo nâu đến quần đen áo cánh của chị nông dân, em bé áo hoa… một cảnh quây quần vui vẻ lại bắt đầu từ một con vật nhỏ nhoi sơ sinh.

Thông điệp ẩn ý “qua một lỗ kim nhìn thấy bầu trời”, Con nghé quả thực là một tác phẩm công phu trong ý tưởng sáng tác, cách đặt tên và nội dung thể hiện nhân vật đồng hiện trên tranh tạo không khí vui vẻ tự nhiên quần tụ. Một không gian thanh bình đã tới sau những quá khứ đau buồn cơ cực. Từ đây người cày có ruộng, bắt đầu một cuộc sống mới, một hi vọng trên những thửa ruộng hợp tác, mùa gieo hạt, ngày mùa gặt hái bận rộn sẽ là gợi ý cho những đề tài tiếp theo.

Nhìn lại tác phẩm Con nghé quả thực, trước mắt chúng ta là một cảnh đời bình dị của một gia đình nông dân vùng trung du Bắc Bộ. Ngọn bút của Nguyễn Tư Nghiêm đã săn sóc từng chi tiết, từ con nghé đến cây mít, đống rơm, chăm chút đến từng đường gân sống lá trên bụi chuối đang lúc ra hoa, đã để ý đến đôi bàn chân đất của bà mẹ và chiếc áo hoa em bé mặc trên người. Niềm vui lặng lẽ sinh sôi sau thắng lợi của cuộc cải cách ruộng đất đã được tác giả diễn tả với tâm lý sâu sắc, sống động bằng những nét mạnh dạn dứt khoát. Những gương mặt nhân vật gần gũi tưởng như ở đầu mỗi ngọn bút có một luồng sáng để đưa Nguyễn Tư Nghiêm đến ngọn nguồn của sự diễn tả như mắt ông đã nhìn thấy.

Những mặt người và hình nét ngỡ như đơn giản trong Con nghé quả thực là sự giản dị của một ngọn bút điêu luyện, khi tác giả đã nắm bắt được cái thần của sự vật và có thể diễn đạt chúng một cách thoải mái. Dường như như tất cả đã ẩn dụ sẵn trong tư duy của Nguyễn Tư Nghiêm và ông chỉ còn việc chép lại một cách trung thành trên tấm vóc.

Ảnh chụp bởi Nhiếp ảnh gia Lê Vượng

Bài viết bởi Nhà nghiên cứu Nguyễn Hải Yến 

Bản quyền thuộc về Viet Art View

 

Chia sẻ:
Back to top