Nguyễn Đỗ Cung (1912 – 1977). Cổng thành Huế. 1941. Bột màu. 40×57 cm
Họa sĩ – Nhà nghiên cứu Nguyễn Đỗ Cung sinh trưởng trong một gia đình khoa bảng danh gia vọng tộc. Cụ thân sinh là Nguyễn Đỗ Mục, sinh năm 1866 đậu tú tài khoa Duy Tân-Kỷ Dậu (1909). Nền học vấn hoàn hảo của vị cha già đã ảnh hưởng đến người con mà sau này cũng làm trọn phận sự trong một gia đình danh giá học thức.
Từ trái sang: Nhà nhiếp ảnh Lê Vượng, nhà nghiên cứu Nguyễn Đỗ Bảo, con cháu họ Đỗ, Viện trưởng Nguyễn Đỗ Cung, nhà nghiên cứu Nguyễn Tường Phượng, nhà nghiên cứu Nguyễn Bích. (Ảnh chụp 1967. Tư liệu ảnh: Sách “Họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung”, của tác giả Nguyễn Hải Yến, NXBMT 2022)
Không phải ngẫu nhiên mà từ năm 20 tuổi (1932) Nguyễn Đỗ Cung đã tiếp cận với vẻ đẹp từ các pho tượng bà hoàng đền Lê, chùa Mật (Thanh Hóa) Rung động ấy khác biệt hẳn với các bạn cùng trang lứa: Tô Ngọc Vân, Trần Văn Cẩn, Lê Phổ, Mai Trung Thứ, Nguyễn Gia Trí… đắm chìm trong tháp ngà nghệ thuật với những tranh thiếu nữ toát lên vẻ trẻ trung nõn nà gợi cảm trong màu sắc vui tươi chói lọi ấn tượng quyến rũ.
Như được số phận định sẵn tuy học mỹ thuật tạo hình phương Tây, Nguyễn Đỗ Cung lại để tâm nhiều đến nền triết học Châu Á, bao gồm Phật giáo Nho giáo Đạo giáo. Đó cũng là ba luồng triết học có ảnh hưởng lớn trong văn học và mỹ thuật cổ Việt Nam. Một dòng nghệ thuật khởi nguồn từ thời Lý khi Phật giáo là quốc giáo đã giúp Nguyễn Đỗ Cung có một cái nhìn tổng quan về tạo hình những ngôi chùa lớn quy mô hoành tráng. Trôi theo thời gian trên luồng triết học Nho Phật Lão ông đã định ra được các dòng nghệ thuật ẩn ý từ diện mạo thời Lê sơ (Thế kỷ XV) lúc Nho giáo hoàn toàn thắng thế và giúp khởi sắc trong giai đoạn phục hưng Phật giáo thời Mạc thế kỷ XVI.
Bám vào lịch sử Nguyễn Đỗ Cung đã giải mã được chuỗi mắt xích hợp – tan của nghệ thuật Việt Nam thời phong kiến. Thời hoàng kim của Triều Mạc – Lê Trung Hưng chẳng được bao lâu thì Trịnh – Nguyễn phân tranh, nông dân khởi nghĩa. Đây cũng là giai đoạn ra đời nhiều tác phẩm giàu tính hiện thực làng xã. Và Nguyễn Đỗ Cung đã có những bài giảng về một loại hình chưa từng có trong lịch sử: Điêu khắc gỗ dân gian đình làng. Nghiên cứu này không chỉ cuốn hút các học trò mà những danh họa Nguyễn Tư Nghiêm, Bùi Xuân Phái cũng lập tức quay cuồng với điệu múa cổ, ông Gióng, đánh vật, chọi gà, rồng phượng, đem tinh thần Việt hiện diện trên đình làng vào tác phẩm của mình để tạo một phong cách hội họa riêng biệt được khai mở từ Nguyễn Đỗ Cung qua các di tích còn lại với thời gian.
Chân dung họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung (1912 – 1977) (Nguồn ảnh: Internet)
Họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung vẽ không nhiều. Không bó hẹp trong tháp ngà nghệ thuật, mặc dù giai đoạn nghệ thuật 1930-1945 tuy ngắn ngủi nhưng đã quyết định bao phong cách nghệ sĩ. Hàng loạt tuyên ngôn của các nhóm sáng tác đã định hướng một trào lưu nghệ thuật rộng khắp. Từ phong trào thơ mới do Thế Lữ khởi xướng người góp công đầu tiên phong trào xây dựng nền thơ mới đến nhóm Tự Lực văn đoàn với tuyên ngôn “lúc nào cũng mới, trẻ, yêu đời không có tính cách trưởng giả quý phái, tôn trọng tự do cá nhân làm cho người ta biết đạo Khổng đã không còn hợp thời nữa (Báo Phong hóa 1934). Từ nhóm nghiên cứu cổ học Tri Tân do Nguyễn Tường Phượng khởi xướng với tôn chỉ “ôn cố tri tân” đến nhóm “Xuân Thu nhã tập” do Nguyễn Lương Ngọc làm chủ soái với tôn chỉ đẹp đẽ “ Tri thức – Sáng tạo – Đạo lý” tập hợp đủ các loại hình nghệ thuật thơ văn nhạc họa.
Sự có mặt của Nguyễn Đỗ Cung trong nhóm “Xuân Thu nhã tập” năm 1942 biểu hiện một tâm hồn nghệ sĩ thuần khiết đưa ra một lựa chọn khẳng định nhân sinh quan xã hội trước sự va đập các trào lưu nghệ thuật thế giới. Bài tự sự của Nguyễn Đỗ Cung đăng trong “Xuân Thu nhã tập” mang tiêu đề “Sống và Vẽ” như một khẳng định rõ ràng của người họa sĩ trong sự sống và vẽ trên cõi đời rất thực này. “…Ta sống hàng ngày với bao hình dáng thân yêu, hình dáng đoán được trong cái nhìn quen thuộc đâu tự ngàn xưa. Một cái nhìn làm sống dậy cả một dĩ vãng êm ấm mịt mùng, một cái nhìn của người mẹ, một cái nhìn chất phác của người nhà quê. Hình dáng một giọng ru em, một câu chuyện kể, một lời tâm phúc, những hình dáng thân thiết đó bao trùm tâm hồn ta, khiến ta nhìn cảnh vật với những đường nét tất phải khác người.”
Bước vào “Xuân Thu nhã tập”, Nguyễn Đỗ Cung trăn trở tìm một phong cách hội họa nào đó để thể hiện một giọng ru em, một câu chuyện, một lời tâm phúc. Thật khó, khi nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh đã tìm được giọng thơ siêu thực như “Đáy đĩa mùa đi nhịp hải hà”.
Nguyễn Đỗ Cung rời Hà Nội trong tâm trạng u uất trăn trở với hoài bão lớn lao mà thế sự thăng trầm. Năm 1941 ông dạy học tại Huế, sống trong cái vắng lặng của ngõ Âm Hồn khu dân cư hoang phế và điêu tàn cạnh hoàng thành. Lúc này ông càng hướng suy nghĩ, lao động sáng tạo tìm hiểu về dân tộc, nhân sinh. Tại đây ông đã vẽ “Cổng thành Huế”, bằng chất liệu bột màu như một minh chứng ông là người tìm kiếm cái đẹp trong tư duy lập thể trước sự phân hóa sâu sắc trong quan niệm thẩm mỹ Việt Nam.
Ở Huế ông không tìm đến cảnh Vương giả thành quách nguy nga của một thời vang bóng với những Trung đạo Kiều Cầu bắc qua hồ Thái Dịch trồng đại thọ, thả sen. Sân Đại triều nghi nơi các triều vua làm lễ bái Khánh, rồi các cửa, cổng thành Ngọ môn Hiển nhơn, Thượng Tứ một thời dập dìu xe ngựa văn võ bá quan. Những ngày lang thang ở Huế ông đã bỏ quên một thời lọ mọ miệt mài nét đẹp của kinh thành Thăng Long thời Lý, những chùa chiền, tượng Phật… Rồi những cuộc tranh luận gay gắt với học giả Bezacier (người Pháp) về mỹ thuật Đại La hay mỹ thuật Lý. Rồi những nét biến thiên hình rồng qua các triều đại Lý-Trần-Lê một biến thiên kỳ ảo mà ông là người đầu tiên phát hiện ở Huế. Không bận tâm đến “Rồng Nguyễn” đã hóa thân thành “Rồng Hổ phù” dữ tợn được phủ đầy những mảnh mosaique gốm sứ pháp lam, những tranh kính xa hoa tráng lệ sặc sỡ làm cho khu lăng, điện thờ đỡ quạnh hiu lạnh lẽo. Lúc này ông càng hướng suy nghĩ và lao động nghệ thuật tìm về dân tộc nhân sinh. Kỷ niệm ông để lại đây là một “Cổng thành Huế” cũng như một tự sự của ông về cái nhìn quá vãng.
Bức tranh về “Cổng thành Huế” của Nguyễn Đỗ Cung không giống bất cứ một cổng thành vua chúa nào trong trí tượng tượng của người Việt. Không nắn nót, khoa trương, tỉ mỉ trang trí; không ồn ào, đóng cửa cài then, không tòa ngang dãy dọc quanh co nẻo đường dẫn lối…
Nguyễn Đỗ Cung (1912 – 1977). Cổng thành Huế. 1941. Bột màu. 40×57 cm
“Cổng thành Huế” Nguyễn Đỗ Cung tái hiện chỉ là một nét thẳng ngang chạy dài tiêu biểu một tường thành khắc khoải với thời gian; một cái tháp canh nhô lên trơ trọi; một con đường đất đỏ hoang vắng chỉ một bóng người cô độc giữa thế gian. Hàng cây được “khuôn” trong một hình hài lập thể như nhắc lại một hình hài lập thể từ suy cảm Nguyễn Đỗ Cung khi đứng trước một kinh thành vua chúa. Tất cả là vắng lặng, cô quạnh, u buồn. Nếu lập thể (cubisme) là mạnh mẽ lực lưỡng nguyên khối, thì với tạo hình của “Cổng thành Huế” chỉ mới là sự chạm tay của Nguyễn Đỗ Cung vào khuynh hướng này. Ngoài ra, chúng ta còn tìm thấy một tư duy lập thể của Nguyễn Đỗ Cung trong tác phẩm “Cổng làng” vẽ trước khi vào Huế năm 1940. Thời gian đó, các khuynh hướng nghệ thuật hiện đại phương Tây chưa tràn vào Việt Nam mạnh mẽ. Nguyễn Đỗ Cung có thể là người đi tiên phong.
Tại Hội nghị Việt Bắc tháng 9-1949 là cuộc tranh luận rành rẽ và dứt khoát nhất của Nguyễn Đỗ Cung về sự thay đổi trong sự nghiệp sáng tác sau cách mạng tháng Tám. Ông chia sẻ: “Trước đây tôi sống bằng cảm xúc. Tôi cảm xúc với những cái trong quá khứ mà tôi muốn níu lấy. Tôi cảm thấy ở nó có một cái gì gần gũi làm cho tôi thèm yêu thương đất nước. Tôi đi tìm kiếm cái kín đáo và tha thiết trong cá nhân tôi. Vì thế kỹ thuật tôi không phải để cái trước mắt.”
Bởi vậy, từ tinh thần siêu thực của “Xuân Thu nhã tập”, ông quay ngược lại về nghệ thuật tả thực. Hai thiên kiến ngược chiều nhau quay quắt không làm ông dằn vặt đau đớn mà như nhận xét của Thái Bá Vân “Nó đã gắn bó với ông trong 20 năm trời (1949-1969) không ai gỡ ra được”.
Từ tranh bột màu “Cổng thành Huế” sáng tác năm 1941 đến bức sơn dầu “Tan ca, mời chị em đi họp thi thợ giỏi” năm 1976… ông vẽ cuộc đời như một bản di chúc về quan niệm nghệ thuật người nghệ sĩ nơi trần thế nhiều biến động chẳng mấy lúc bình yên, thuần khiết.
Nguyễn Đỗ Cung là chân dung một con người tài năng đích thực, người đã sáng lập Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, hình thành những trang sử mỹ thuật Việt Nam trôi theo dòng biến thiên lịch sử đất nước. Nguyễn Đỗ Cung là một nhân vật với những nghịch lý không dễ quên trên con đường đến với nghệ thuật Việt Nam những năm đầu thế kỷ 20.
Tiểu sử họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung (1912-1977)
- Họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung sinh tháng 2-1912. Quê quán: Xuân Tảo, Xuân Đỉnh, Từ Liêm (nay là Bắc Từ Liêm), Hà Nội. Tốt nghiệp Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương khóa V (1929-1934).
- Họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung được Nhà nước truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật đợt I (1996) cho các tác phẩm: “Chân dung Hồ Chủ tịch” (1946), “Du kích La Hai” (1947), “Dân quân tập bắn” (1948), “Học hỏi lẫn nhau” (1960), “Công nhân cơ khí” (1976), “Tan ca, mời chị em đi họp để thi thợ giỏi” (1976).
- Huân chương Lao động hạng nhất, Huân chương kháng chiến hạng Ba, Huân chương kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhất, Giải thưởng Ngoại hạng Triển lãm Mỹ thuật SADEAL năm 1936, Giải A Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc năm 1976, Giải A Triển lãm Mỹ thuật Thủ đô năm 1994…
- Tác phẩm tiêu biểu khác: “Ông đồ nho viết chữ” (lụa, 1933), “Chân dung em bé chăn trâu” (lụa,1933), “Cây chuối” (sơn dầu, giải Ngoại hạng Triển lãm SADEAL lần thứ nhất, 1935), “Bài ca Nam tiến” (1947), “Khai hội”, “Cổng thành Huế”, “Cổng làng” (bột màu), “Từ Hải” (khắc gỗ màu), “Mặt trận An Khê” (Hang Ông Cọp, 1947); “Làm kíp lựu đạn” (1947), “Xây dựng hòa bình” (bột màu,1971)… Minh họa, vẽ bìa sách “Xuân thu nhã tập”, “Việt Nam cổ văn học sử” (của Nguyễn Đổng Chi), “Ngõ hẻm”, “Nguồn sinh lực”, “Ngoại ô” (Nguyễn Đình Lạp)…
Bài viết bởi Nhà phê bình Mỹ thuật Nguyễn Hải Yến
Bản quyền thuộc về Viet Art View