Bức tranh về “Cổng thành Huế” của Nguyễn Đỗ Cung không giống bất cứ một cổng thành vua chúa nào trong trí tượng tượng của người Việt. Không nắn nót, khoa trương, tỉ mỉ trang trí; không ồn ào, đóng cửa cài then, không tòa ngang dãy dọc quanh co nẻo đường dẫn lối…
“Cổng thành Huế” Nguyễn Đỗ Cung tái hiện chỉ là một nét thẳng ngang chạy dài tiêu biểu một tường thành khắc khoải với thời gian; một cái tháp canh nhô lên trơ trọi; một con đường đất đỏ hoang vắng chỉ một bóng người cô độc giữa thế gian. Hàng cây được “khuôn” trong một hình hài lập thể như nhắc lại một hình hài lập thể từ suy cảm Nguyễn Đỗ Cung khi đứng trước một kinh thành vua chúa. Tất cả là vắng lặng, cô quạnh, u buồn.
Nếu lập thể (cubisme) là mạnh mẽ lực lưỡng nguyên khối, thì với tạo hình của “Cổng thành Huế” chỉ mới là sự chạm tay của Nguyễn Đỗ Cung vào khuynh hướng này. Ngoài ra, chúng ta còn tìm thấy một tư duy lập thể của Nguyễn Đỗ Cung trong tác phẩm “Cổng làng” vẽ trước khi vào Huế năm 1940. Thời gian đó, các khuynh hướng nghệ thuật hiện đại phương Tây chưa tràn vào Việt Nam mạnh mẽ. Nguyễn Đỗ Cung có thể là người đi tiên phong.