Khi nhắc đến ngành mỹ nghệ của miền Nam trước 1975, người ta thường thấy bên cạnh hai công ty sơn mài mỹ nghệ Thành Lễ và Trần Hà lừng danh vốn nằm ở Bình Dương, tên công ty mỹ nghệ Mê Linh ở Sài Gòn luôn được nhắc tới dù nó chỉ tồn tại hơn mười năm, doanh thu không lớn, không có cơ xưởng rộng và nhiều huy chương quốc tế như Thành Lễ.
Vì sao công ty này tạo ra được tiếng tăm tốt đẹp như vậy?
Năm 1958, trong số sinh viên tốt nghiệp trường Quốc gia Cao đẳng Mỹ thuật Sài Gòn có họa sĩ Nguyễn Văn Minh với bức tranh sơn lụa “Hái sen” được đánh giá cao, giúp anh đậu thủ khoa khóa đó. Sau tốt nghiệp, họa sĩ Nguyễn Văn Minh được giáo sư Lê Văn Đệ giới thiệu về làm việc tại Trung tâm Khuếch trương Tiểu công nghệ.
Đến năm sau (1959), họa sĩ Nguyễn Văn Trung tốt nghiệp, cũng đạt thủ khoa. Ông Nguyễn Được, giám đốc Trung tâm Khuếch trương Tiểu công nghệ Sài Gòn với chủ trương trân trọng những sinh viên giỏi nhất, lại mời anh về làm việc. Chỉ sau vài tháng, anh được cấp học bổng từ chương trình Viện trợ Colombo đến Nhật Bản tu nghiệp về sơn mài tại tỉnh Sendai. Sau đó, đến họa sĩ Nguyễn Văn Minh cũng được Phái bộ Viện trợ kinh tế của Hoa Kỳ tại Việt Nam cấp học bổng sang Nhật, học về tiểu công nghệ và sơn mài, đi sâu vào kỹ thuật maki-e trong tranh sơn của Nhật.
Hai họa sĩ Nguyễn Văn Minh và Nguyễn Văn Trung đã cùng có cơ hội học chuyên ngành sơn mài để sau này về tạo dựng nên công ty mỹ nghệ Mê Linh.
Họa sĩ Nguyễn Văn Trung và họa sĩ Nguyễn Văn Minh gặp lại nhau tại Hoa Kỳ thập niên 1990. Tư liệu của họa sĩ Nguyễn Văn Trung
Để đến được thành công đó, họ phải đi qua chặng đường dài. Trước hết, sau khi trở về từ Nhật Bản, hai ông được Trung tâm Khuếch trương Tiểu công nghệ giao phó quản lý cơ sở “Thí điểm Sơn mài” ở ngôi nhà số 3 đường Phạm Đăng Hưng (nay là đường Mai Thị Lựu, khu Đa Kao quận I). Cơ sở này được bố trí ở toàn bộ lầu 3 cùng chục họa sĩ và nhân viên. Tầng dưới là văn phòng Nha Mỹ thuật học vụ và Nha kỹ thuật. Ông giám đốc Nguyễn Được làm việc tại lầu 1. Ông Được tạo điều kiện rất tốt để “Thí điểm sơn mài” phát triển, hỗ trợ từ lúc ban đầu chưa có gì. Ngoài những thợ chính, cơ sở này còn thuê thêm một số học sinh nghèo chưa có kinh nghiệm sơn mài để phụ việc nửa ngày, vừa làm vừa học. Ông Minh và ông Trung ăn lương như công chức từ trung tâm, sản phẩm làm ra được trưng bày và bán ở showroom của trung tâm trên đường Tự Do (Đồng Khởi).
Với chức năng dạy nghề, trung tâm của ông Nguyễn Được mở ra nhiều hướng phát triển ngành nghề thủ công mà “Thí điểm sơn mài” là một ví dụ. Ông chú tâm tìm những nghệ nhân giỏi trong các ngành nghề thủ công như dệt vải, cẩn ốc để đưa về Trung tâm dạy nghề. Ông mời chuyên viên người Nhật dạy làm gốm, dệt tơ tằm. Ông còn lặn lội ra tận Quảng Trị vùng giới tuyến để mời cho được một nghệ nhân cẩn ốc rất giỏi có nghề gia truyền từ nhiều đời ở Quảng Trị và cho phép đưa cả gia đình vào Sài Gòn sống. Một người Mỹ gốc Nhật là nhà thiết kế mỹ thuật rất giỏi được thuê điều hành hoạt động của trung tâm.
Họa sĩ Nguyễn Hữu Sang ở Bình Dương hồi tưởng lại: “Thời gian đó, ngoài hai người quản trị là ông Minh và ông Trung, tôi phụ trách phần kỹ thuật. Họa sĩ gồm có Nguyễn Hồng Lang, Đỗ Kỳ Hoàng và Đỗ Mạnh Tường. Chúng tôi làm đồ sơn mài nhỏ như bình hoa, album ảnh, tranh nhỏ”. Sau ông Sang ra Huế để sau này làm Phó giám đốc chi nhánh cơ sở sơn mài tại Huế do ông Nguyễn Được lập ra, do họa sĩ Đỗ Kỳ Hoàng làm giám đốc.
Tới năm 1965, “Thí điểm sơn mài” này đổi thành “Công ty Việt Nam Mỹ nghệ Mê Linh” và họa sĩ Nguyễn Văn Minh làm giám đốc, tổ chức theo chế độ tự túc. Hoạt động chính của công ty là thực hiện tranh và các vật dụng bằng sơn mài, đồi mồi, khăn vẽ tay, đồ trang sức tráng men và ví tay, đồ gỗ… Công ty có hơn 60 người làm việc tại xưởng. Thời điểm đó, có một số nhà tư sản xin hùn cổ phần. Cuối cùng, có năm cổ đông là ông Nguyễn Hữu Pha, ông Cao Thái Sơn em ông chủ rạp Cao Đồng Hưng, bà Quảng An là chủ tiệm đèn sau mở tiệm sơn mài ở đường Nguyễn Huệ, Nguyễn Văn Minh và Nguyễn Văn Trung. Thời điểm ấy, miền Nam đang chiến tranh, việc xuất cảng hầu như không có mấy, ngành tiểu công nghệ chỉ có làm sơn mài mới xuất khẩu được, xuất khẩu lại có trợ cấp, mỗi đô la được chánh phủ bù thêm tiền. Ông Trung còn nhớ vài lần bác sĩ Bùi Kiến Tín đã đưa xe chở ông Minh và ông Trung đưa đi ăn trưa ở Cercle Sportif Saigonnais (nay là cung văn hóa Lao Động) ăn trưa để đề nghị được hùn vốn làm ăn. Giới nhà giàu như bác sĩ Tín thời ấy có nhiều tiền, có vốn nhưng cần nơi đầu tư. Làm tranh sơn mài để xuất cảng là ngành nghề họ muốn bỏ vốn nhiều nhất.
Bức tranh của họa sĩ Nguyễn Văn Minh, có trong brochure giới thiệu của công ty Mê Linh, xuất hiện tại buổi đấu giá chuyên đề Đông Dương của nhà đấu giá Art Valorem tại Paris ngày 23/10/2017 (lô 277)
Lúc đầu, mỗi cổ đông cơ sở này bỏ ra một trăm ngàn đồng chung vốn. Vài năm sau, ông Minh và ông Trung, mỗi người thế chấp giấy tờ nhà riêng, vay ở Trung tâm khuếch trương Kỹ nghệ số tiền tổng cộng là 5 triệu đồng. Nhờ có vốn, hoạt động của công ty sau năm 1968 đỡ khó khăn dù vừa có chiến sự xảy ra. Cổ phần quy định chia 6/4, ông Minh 6, ông Trung 4.
Trong thời gian hoạt động, công ty này đã thiết kế một loại ví sắc thời trang dành cho phụ nữ, thêu bằng máy trên nền vải bố. Loại sắc này rất được ưa chuộn thời đó. Nhưng do có nhiều hãng bắt chước mẫu mã, công ty Mê Linh buộc phải tìm một kỹ thuật mới hơn, hợp thời trang và có thể giới thiệu trong và ngoài nước. Sẵn có thế mạnh là sơn mài, họa sĩ Nguyễn Văn Minh nghiên cứu sáng tạo ra loại sắc bằng da in hình nổi bằng sơn mài và có thể sản xuất nhanh, tính mỹ thuật cao, có thể cạnh tranh với hàng nước ngoài. Nguyên liệu chính là da bò sẵn có trong nước. Trước tiên, thiết kế nhiều kiểu dáng sắc tay. Sau đó, các họa sĩ vẽ mẫu trang trí với hình tượng là các đề tài lấy từ tranh thủy mặc như hoa lá, chim, cành trúc, thiếu nữ, phong cảnh và cả tranh trừu tượng. Mẫu trang trí không vẽ nét mà vẽ thành từng mảng như tranh khắc mộc bản để sau này dễ in nổi trên da. Rồi mẫu được làm thành phim theo lối in lụa. Sơn dùng để in do cơ sở chế tạo riêng để khi in lên, màu sắc nổi lên như in tranh mộc bản. Việc chế tạo loại sơn này là khâu quan trọng trong việc sản xuất vì chiếc ví cần lóng lánh bắt mắt. In xong, dùng màu sắc tô đậm các chi tiết, hoàn chỉnh bức tranh. Cuối cùng phủ lên một lớp sơn cánh dán.
Ví xắc sơn mài, mặt hàng được ưa chuộng của công ty. Ảnh: Báo Thế Giới Tự Do tập XVII số 6
Ví sắc sơn mài của Mê Linh đã thu hút khách hàng nữ vì bền chắc, thuần Việt và nhất là có vẻ đẹp sang trọng. Thiết kế lại đơn giản, không cầu kỳ và tiện lợi. Phụ nữ trong và ngoài nước đã đặt mua nhiều.
Khi công ty Mê Linh được giao thực hiện bức tranh “Bình Ngô Đại Cáo” tại phòng Trình quốc thư tại dinh Độc Lập mới xây xong năm 1967, ông Trung nhớ lúc đó công ty đang bận làm khán đài diễu binh mừng khánh thành Dinh. Thời gian còn lại quá ít nên ai nấy lo ngại không đủ thời gian thực hiện tranh. Ông Minh và ông Trung ngồi lại bàn bạc rất kỹ, mời cả giáo sư Nguyễn Văn Rô làm cố vấn. Vấn đề cần giải quyết là bức tranh quá lớn, loại tranh phủ mài, nếu vẽ nét cao sẽ bị chảy sơn. Cuối cùng, giải pháp là lót một lớp vải phủ lên, can hình xuống, sau đó khoét bỏ lớp vải để còn lại đường nét. Đây là kỹ thuật giống tranh sơn khắc (coromandel) nhưng không khắc mà vẽ. Bức tranh hòan thành đúng hạn, còn tồn tại đến ngày nay trong dinh Độc Lập. Riêng mẫu bàn ghế với những hoa văn sang trọng và độc đáo trên thân ghế phòng Trình quốc thư do ông Trung đảm nhiệm thiết kế mẫu. Nhờ cả hai ông đều học sâu về kỹ thuật tranh sơn Nhật Bản nên ứng dụng nhiều kỹ thuật của hệ phái này, riêng hình họa của bức Bình Ngô Đạo Cáo do ông Minh vẽ cũng ảnh hưởng từ hội họa Nhật Bản.
Sau thành công đó, công ty Mê Linh nhận được nhiều đơn đặt hàng từ nước ngoài, nhất là từ Nhật với nhiều cơ sở tìm đến và doanh thu từ nguồn này chiếm tỷ trọng lớn. Phòng trưng bày của công ty tuy nhỏ nhưng luôn thu hút nhiều khách ngoại quốc đến mua và đặt hàng. Có một linh mục Dòng Tên dạy đại học Văn khoa là cha Larr thích văn hóa Trung Hoa và chất liệu sơn mài nên đã giới thiệu đến nhiều chủ hãng xưởng lớn của các hãng bia, hãng nước đá ngoại quốc đến đặt tranh, mua sản phẩm. Đó là thời kỳ thịnh vượng của công ty, tiếng lành đồn xa, hàng làm nhiều không xuể và do sản phẩm đẹp nên có người như cha Larr tình nguyện quảng bá giúp. Sau này, ông Minh từ Mỹ sang triển lãm tranh tại Pháp có gặp lại cha Larr và đã được ông ấy giúp đỡ để mời được Thị trưởng Pháp Jacques Chirac đến dự khai mạc.
Có một câu chuyện vui, có lần công ty được linh mục nói trên đặt hàng vẽ một bức tranh sơn mài chân dung Đức Giáo Hoàng ở Vatican. Đây là dịp giới thiệu loại tranh từ chất liệu sơn mài độc đáo của Việt Nam ra quốc tế. Thực hiện xong, Tòa Thánh gửi tặng cho ông Minh và ông Trung, mỗi người một tấm bằng để cám ơn và một huy hiệu của Đức Giáo Hoàng. Năm 1965, một người bạn họa sĩ đang ở nhờ trên đất của nhà thờ tại Tam Hiệp, Biên Hòa bị yêu cầu dời đi. Ông này về Sài Gòn mượn Huy hiệu này về đưa cho cha ở đó xem và đã được ở lại.
Trong khoảng thời gian năm 1965 đến 1970, ông Nguyễn Văn Trung bị động viên vào quân đội, đóng ở Thủ Đức. Tuy vậy, do làm công việc huấn luyện tại trại nên mỗi ngày, ông ăn cơm chiều xong là về công ty làm việc tới 10 giờ tối rồi về nhà. Sáng hôm sau lại đi Thủ Đức sớm. Hôm nào nhiều việc quá thì nhờ xe mang sản phẩm lên nơi làm việc để vẽ.
Sau Mậu Thân, công ty Mê Linh mua xưởng lớn ở đường Trương Quốc Dụng tận Phú Nhuận. Công ty mở rộng công việc, đảm nhận trang trí nội thất cho Ngân hàng Việt Nam Thương Tín ở Sài Gòn, đường Hàm Nghi và chi nhánh ở Cần Thơ.
Tranh và nội thất trang trí Ngân hàng Việt Nam Thương tín do công ty Mê Linh thiết kế đầu thập niên 1970. Tư liệu: Họa sĩ Phi Mai
Từ năm 1970, ông Trung được quân đội VNCH biệt phái về dạy học các trường Bách khoa Trung cấp và Cao đẳng sư phạm kỹ thuật. Song song đó, ông làm việc cho công ty Mê Linh. Từ 1970, tuy danh nghĩa làm chung nhưng hai ông đã có những hướng đi khác biệt nên ông Trung thuê căn nhà sát bên, mở cửa thông ra công ty, làm gia công sản phẩm ăn huê hồng từ công ty. Nhờ vậy, năm 1975, công ty Mê Linh bị quốc hữu hóa nhưng gia đình ông Trung được mang đồ đạc về.
So sánh với công ty Thành Lễ bề thế và lâu đời, trong tay có nhiều họa sĩ tài danh như Duy Liêm, Thái Văn Ngôn, Ngô Tử Sâm… với hướng làm tranh sơn mài, gốm sứ theo phong cách truyền thống, công ty Mê Linh sinh sau đẻ muộn nhưng tiếng tăm lan tỏa nhanh. Ông Trung cho rằng, tuy ra đời sau nhưng công ty Mê Linh thành công là nhờ có những cải tiến theo hướng căn bản, hiện đại đáp ứng nhu cầu rộng rãi của khách hàng.
Một người thân của ông Nguyễn Văn Minh kể với người viết bài: Sau 1975, giám đốc hai công ty mỹ nghệ Thành Lễ và Mê Linh gặp nhau tại Pháp. Ông Thành Lễ đề nghị ông Nguyễn Văn Minh cùng hợp tác lập một công ty mỹ nghệ, mà ông Thành Lễ tin với năng lực và kinh nghiệm của cả hai, công ty này sẽ thành công. Ông Nguyễn Văn Minh trả lời là sẵn sàng tham gia, và hỏi lại: “Công ty sẽ mang tên ai?”. Câu trả lời không thấy nhắc đến. Dự án kết hợp hai đại gia ngành mỹ nghệ lớn nhất miền Nam trước 1975 không thành hiện thực, và là giả tưởng thú vị cho giới thích nghệ thuật nếu nó diễn ra.
Họa sĩ Nguyễn Văn Trung nhớ trước đây, những bức tranh của họa sĩ Nguyễn Gia Trí mà ông đã thấy luôn có phần mặt tranh sau được làm rất kỹ. Sau 1975, ông có dịp nhìn lại một số sản phẩm của công ty Mê Linh do cơ sở riêng của ông gia công từ 1970 đến 1975 bán tại Hồng Kông. Phần vóc của những bức tranh đó còn rất cứng cáp nên giữ tranh nguyên vẹn, không bị bong tróc, cong vênh hay co rút. Đó là kết quả từ những gì ông học được suốt hơn nửa năm tại tỉnh Sendai, nơi luôn đặt ra yêu cầu rất cao khi chuẩn bị vóc gỗ của tranh sơn. Ông đã chú tâm áp dụng điều đó và nó cũng góp phần tạo nên danh tiếng cho công ty Mê Linh.
*Một số ảnh các sản phẩm của công ty Mê Linh. Tư liệu của họa sĩ Nguyễn Văn Trung và báo Báo Thế Giới Tự Do tập XVI số 4:
Bài viết của Nhà nghiên cứu Phạm Công Luận
(trích sách “Sài Gòn, chuyện đời của phố” tập 5. Công ty sách Phương Nam xuất bản 2018) bài viết đã được tác giả cho phép đăng tải trên các nền tảng truyền thông của Viet Art View