Logo loading

CUỘC ĐỜI VÀ NGHỆ THUẬT CỦA EDGAR DEGAS

Một cái nhìn sâu hơn về họa sĩ xuất sắc của trường phái Ấn tượng Pháp, từ tình yêu hội họa đến niềm đam mê kín đáo dành cho điêu khắc, niềm đam mê với vũ công và ngựa cho đến những thử nghiệm của ông với nhiếp ảnh Cha ông đã mong muốn ông […]
|Viet Art View

Một cái nhìn sâu hơn về họa sĩ xuất sắc của trường phái Ấn tượng Pháp, từ tình yêu hội họa đến niềm đam mê kín đáo dành cho điêu khắc, niềm đam mê với vũ công và ngựa cho đến những thử nghiệm của ông với nhiếp ảnh

Cha ông đã mong muốn ông trở thành một luật sư

Hilaire-Germain-Edgar De Gas (1834–1917) sinh năm 1834 tại Paris, Pháp. Ông là con cả trong 5 người con của Augustin De Gas, một chủ ngân hàng giàu có và Célestine Musson De Gas, một phụ nữ Creole từ New Orleans, đã mất khi Degas mới 13 tuổi.

Chỉ vài ngày sau khi hoàn thành chương trình học vào năm 1853, Degas đăng ký làm người sao chép tại Louvre, nơi ông thực hiện các nghiên cứu về tác phẩm điêu khắc Hy Lạp và La Mã. Augustin đánh giá cao tài năng nghệ thuật của con trai mình, nhưng ông muốn con trai mình trở thành một luật sư. Degas đăng ký một cách xứng đáng vào trường luật, nhưng sớm bỏ học.

Edgar Degas (1834-1917), ‘La Coiffure’ (La Toilette), k. 1892-1895. Phấn trên giấy can, giấy bìa và ván. 21¾ × 22¼ in (55.2 × 56.5 cm).

Ảnh hưởng lớn từ Jean-Auguste-Dominique Ingres

 Năm 1855, Edgar Degas vào học tại École des Beaux-Arts (Trường Mỹ thuật) nổi tiếng ở Paris. Ông cũng tham gia các lớp học vẽ tại xưởng vẽ của họa sĩ Louis Lamothe, một học trò của Jean-Auguste-Dominique Ingres. Có khả năng là thông qua Lamothe, Degas đã gặp Ingres vào năm 1885.

Khi còn là một sinh viên, Degas thường lấy gia đình của mình làm đối tượng. Các bức vẽ của ông về các thành viên trong gia đình, phản ánh ảnh hưởng sâu sắc của Ingres, đã giúp Degas khám phá cách tạo hình trên một nền tối thường thấy trong các bức sơn dầu thời kì đầu của ông. Trong suốt những năm 1850, em gái của ông – Thérèse là một trong những người mẫu được ông ưa chuộng. Ông cũng vẽ nhiều bức chân dung em trai René của mình.

Edgar Degas (1834-1917), ‘Femme lisant’ k. 1883-1885. Phấn, in, trên giấy. 12⅞ × 11½ in (32.7 × 29.2 cm).

Thầy giáo khuyến khích ông chép lại những tác phẩm của các bậc thầy kinh điển tại bảo tàng Louvre

 Điều này trở thành một phần quan trọng trong quá trình thực hành ban đầu của ông. Degas đã sao chép nhiều tác phẩm của Michelangelo, Raphael và các họa sĩ thời Phục hưng khác, nhưng — trái với quy ước — ông thường tập trung vào một chi tiết, một nhân vật phụ hoặc một cái đầu, xem xét các khía cạnh tâm lý biểu hiện con người.

Đến năm 1859, Degas chuyển sự chú tâm của ông tới những tác phẩm hội họa lịch sử

 Mặc dù những ghi chép của ông thời gian này chứa đầy các nghiên cứu bố cục, Degas cuối cùng chỉ hoàn thành năm bức tranh lịch sử khổ lớn. Trong số này, ‘Alexander và Bucephalus’ (1861), Degas đã vẽ về cuộc đời của Alexander Đại đế. Ảnh hưởng của các bậc thầy kinh điển thể hiện rõ ràng không chỉ ở chủ đề, mà còn ở màu sắc sang trọng và nét vẽ dày đặc. Tác phẩm hiện đang được trưng bày trong Phòng trưng bày Quốc gia, Washington, D.C.

Edgar Degas (1834-1917), ‘Chanteuse de café concert’ 1879. Phấn, in, trên giấy và ván. 6¾ × 6⅜ in (17 × 16.2 cm).

Degas đã rất thích vẽ, ông phát triển một tình yêu sâu sắc với việc này từ khi học ở xưởng của Lamothe, nơi dạy vẽ với mẫu nude trực tiếp

 Vào tháng 7 năm 1856, Degas đến Ý, nơi ông ở lại trong ba năm. Tại Rome, ông tham gia các lớp học vẽ công cộng tại Académie de France (Học viện Pháp), thực hiện một nghiên cứu nghiêm ngặt về cơ thể và hệ cơ. Có lẽ hơi mỉa mai rằng Degas thường được coi là họa sĩ xuất sắc theo trường phái Ấn tượng. Mặc dù ông sẽ triển lãm với những người theo trường phái Ấn tượng, ông vẫn coi mình là một người theo trường phái Hiện thực hơn tất cả, và từ chối mạnh mẽ nhãn Ấn tượng trong suốt cuộc đời của mình.

Edgar Degas (1834-1917), ‘Repasseuse’ k. 1870-1872. Phấn và than củi trên giấy và ván. 27⅞  × 19 in (70.8 × 48.1 cm).

Degas cũng là một nhà điêu khắc, nhưng ông không tạo ra các tác phẩm cho công chúng

Trên thực tế, ít người ngoài những người bạn thân của Degas biết đến công việc đúc sáp và đúc đồng của ông. Tác phẩm điêu khắc duy nhất mà Degas từng trưng bày trước công chúng là ‘Cô vũ công nhỏ mười bốn tuổi’, được đưa vào cuộc triển lãm theo trường phái Ấn tượng năm 1881 ở Paris. Để phá vỡ hoàn toàn các quy ước hàn lâm của thế kỷ 19, tượng sáp được mặc một chiếc váy vải tuyn thật, đội tóc giả, giày và tất chân.

Tác phẩm đã xúc phạm sâu sắc các nhà phê bình đương đại như Elie de Mont, người đã viết, “Tôi không yêu cầu nghệ thuật phải luôn luôn trang nhã, nhưng tôi không tin rằng vai trò của nó là tôn vinh sự xấu xí.” Những người khác nói tác phẩm là “ghê tởm”, “sa đọa”, một “mối đe dọa cho xã hội”. Tác phẩm đã không được trưng bày cho tới năm 1920. Khi Degas qua đời vào năm 1917, hơn 150 tác phẩm điêu khắc bằng sáp đã được phát hiện trong xưởng vẽ của ông. Hầu hết hiện đang ở Phòng trưng bày Nghệ thuật Quốc gia, Washington, D.C.

Các vũ công thường là chủ đề trong tác phẩm của ông, đặc biệt là các vũ công ở Nhà hát Opera Paris

Nếu vở ba lê là đỉnh cao của tưởng tượng và khát vọng, thì Degas nhìn thế giới đó bằng con mắt của một người theo chủ nghĩa hiện thực. Cái gọi là ‘những chú chuột opera’ mà ông sử dụng làm người mẫu, bao gồm cả người mẫu cho ‘Cô vũ công nhỏ mười bốn tuổi’, nhìn chung là những cô gái nghèo hoặc thuộc tầng lớp lao động, và thường là con mồi của những ông chủ giàu có của nhà hát.

Degas khắc họa đối tượng của mình ở hậu trường: đang giãn cơ, hoặc đơn giản là chờ đợi. Ingres không bị mê hoặc bởi những bức tranh vẽ các vũ công của Degas: “Chúng tôi thấy những người khốn khổ bị biến dạng bởi nỗ lực của họ, đỏ bừng, căng thẳng vì mệt mỏi và ăn mặc không đứng đắn đến mức họ trông sẽ nhã nhặn hơn nếu họ khỏa thân.”

Edgar Degas (1834-1917), ‘Danseuse sur une pointe’ k. 1877. Phấn, bút, cọ, mực nâu, bút chì, trên giấy và giấy bìa. 6¾ × 8¼ in (17 × 21 cm)

Mối quan tâm của Degas với nhân vật khỏa thân, đặc biệt là phụ nữ khỏa thân, tồn tại trong suốt sự nghiệp của ông

Có lẽ hơn hết, chính trong quá trình nghiên cứu khỏa thân, ông đã đưa ra những ý tưởng mới và đào sâu nghệ thuật của mình. Những bức tranh vẽ phụ nữ trong bồn tắm hoặc trong nhà tắm của họ trở thành chủ đề chính trong tác phẩm của ông. Giống như các vũ công, các nhân vật khỏa thân nữ của Degas không được lý tưởng hóa nhưng như Joris-Karl Huysmans đã mô tả, là “da thịt thật, sống động, không che giấu”.

Edgar Degas (1834-1917), ‘Après le Bain’ 1883. Phấn trên giấy can, giấy bìa và ván. 20½ × 15½ in (51.9 × 39.2 cm).

Degas bắt đầu bộc lộ những vấn đề với thị lực trong những năm 1870

Một phần vì lý do này mà ông đã theo đuổi điêu khắc và sau đó là nhiếp ảnh. Ngoài việc khiến ông phải tiếp thu những phương tiện mới, tình trạng thị lực đã ảnh hưởng đáng kể đến tranh của ông: màu sắc trở nên đậm hơn và sáng hơn, nét vẽ trở nên thô hơn và cảnh mờ hơn, gần như trừu tượng. Degas thậm chí còn dùng tay để bôi sơn.

Degas đánh giá cao khả năng của nhiếp ảnh trong việc cung cấp góc nhìn sắc nét hơn, mặc dù ông chỉ chia sẻ ảnh của mình với một nhóm nhỏ bạn bè và gia đình. Đáng buồn thay, chỉ có ít hơn 50 bức ảnh của ông còn tồn tại. Nhưng chúng đã hé lộ mối quan tâm của ông đối với thử nghiệm và sự lôi cuốn của chủ nghĩa Tượng trưng, được phản ánh trong các bức ảnh, khi chủ thể dường như bước ra từ bóng tối.

Edgar Degas (1834-1917), ‘Chez la modiste (modiste garnissant un chapeau)’ 1885. Phấn và than củi trên giấy. 18⅛ × 23⅛ in (46 × 58.8 cm).

 Ngựa và đua ngựa cũng là một chủ đề chính của Degas, ông bị hấp dẫn bởi những nghiên cứu về chuyển động

Degas đã tạo ra khoảng 45 bức sơn dầu vẽ ngựa đua, cùng với điêu khắc, phấn và những bản nghiên cứu. Ngoài việc ghi lại cuộc đua, những bức sơn dầu của ông chủ yếu diễn tả khoảnh khắc ngay trước khi nó bắt đầu, khi cả người và ngựa đều ngập tràn năng lượng căng thẳng.

Năm 1892, ‘Dans un café, or L’absinthe’ (1875-76) của Degas trở thành tác phẩm Ấn tượng đầu tiên được giới thiệu tại Christie’s

Tại cuộc triển lãm trường phái Ấn tượng lần thứ ba ở Paris năm 1877, Degas đã buộc phải chứng thực rằng những người mẫu trong tranh không phải là người nghiện rượu. Nó được mua với giá 180 GBP bởi Alexander Reid, phụ trách kinh doanh nghệ thuật ở Glasgow, và hiện đang ở Musée d’Orsay. Cho đến nay, tác phẩm đắt nhất của Degas được bán tại Christie’s là ‘Danseuses à la barre’ (khoảng năm 1880), đạt được 13.481.250 GBP ở London vào năm 2008. Bức tranh ban đầu thuộc sở hữu của Louisine Havemeyer, người biết rõ Degas và đã giới thiệu tác phẩm của ông với Hoa Kỳ.

Nguồn: Christie’s

Lược dịch bởi Viet Art View

 

 

 

 

Chia sẻ:
Back to top