(Phiên đấu ngày 26 tháng 9 năm 2023 mang tên NGHỆ SĨ CHÂU Á, NHỮNG TÁC PHẨM QUAN TRỌNG” lần thứ 39 của Aguttes)
Nếu một số quý vị đã xem quá nhiều tranh của bộ tứ Phổ – Thứ – Lựu – Đàm nên đôi khi cảm thấy chúng không còn nhiều hấp dẫn nữa. Điều ấy đúng nhưng chưa đủ. Viet Art View khá tâm đắc với câu nói của Giám đốc Nghệ thuật của Aguttes – bà Charllotte Aguttes – Reynier:Mặc dù những tên tuổi xuất hiện trong danh mục đấu giá đã trở nên quen thuộc, nhưng mỗi tác phẩm đều là duy nhất!”.
Trong tổng số 76 lot toàn phiên, Mai Trung Thứ có tới 19, Lê Phổ 8, và Vũ Cao Đàm 4. Nếu xét về lượng, thì số lượng nhiều chưa hẳn đã có những tác phẩm đẹp xuất sắc và hiếm quý. Nhưng trong phiên số 39 này, ngoài “hoa hậu” át chủ bài “Tĩnh vật hoa mẫu đơn và chậu cây” của Lê Phổ; còn có thêm chủ đề Thiếu nữ, thời kỳ “Romanet” đỉnh cao của Mai Thứ, sáng tác những đầu thập niên 1940 làm tiêu điểm. Không chỉ có thế, những tác phẩm về trẻ em của Mai Thứ trong triển lãm này là xuất sắc.
“TĨNH VẬT HOA MẪU ĐƠN VÀ CHẬU CÂY” CỦA LÊ PHỔ
Đầu tiên, phải khẳng định rằng đây là một bức tranh hiếm hoi được Lê Phổ “sáng tác vào năm 1935, tác phẩm «Tĩnh vật hoa mẫu đơn và chậu cây» thuộc thời kỳ đầu sáng tác của họa sĩ. Thời kỳ này là sự kết hợp giữa những học hỏi của phong cách, kỹ thuật hội họa châu Âu (mà ông khám phá được trong chuyến đi năm 1931) với chủ đề thuần Việt.
LÊ PHỔ (1907-2001). Tĩnh vật với hoa mẫu đơn và chậu cây, 1935. Sơn dầu, chữ ký và ngày tháng sáng tác ở góc dưới bên phải. 65,7×45,3 cm — 25⅞×18 in. Xuất xứ: Bộ sưu tập tư nhân của Nguyễn Sang (được cha ông tặng theo truyền thống gia đình vào khoảng những năm 1940); Bộ sưu tập tư nhân, Pháp (được một người yêu nghệ thuật mua vào những năm 1980 tại Sài Gòn, sau đó mang về Pháp và lưu giữ đến tận ngày nay)
“Ông dần định hình được phong cách và khám phá ra những khả năng của mình. Nếu như sơn dầu là chất liệu sáng tác ưa thích của họa sĩ khi vào giai đoạn cuối sự nghiệp thì chúng lại rất hiếm gặp ở thời kỳ này. Lê Phổ ít khi vẽ tranh sơn dầu tại Việt Nam, không chỉ vì lý do kỹ thuật – màu dầu không phù hợp với khí hậu nóng ẩm – mà còn do khách hàng ưa chuộng thể loại tranh lụa hơn”.
Với một bề mặt không bắt mắt về thị giác như những bức tranh lụa. Nhưng chúng ta đều biết rằng, yếu tố tạo nên một tác phẩm đắt giá còn phụ thuộc vào bối cảnh thời kỳ lịch sử sáng tác của nghệ sĩ.
Những chi tiết, hòa sắc Lê Phổ dùng trong “Tĩnh vật với hoa mẫu đơn và chậu cây” có nhiều điểm tương đồng về hình tượng và bút pháp trong bức “Hà Nội”, sáng tác năm 1929, sơn dầu trên toan, kích thước 205×441, hiện thuộc sưu tập: Cité Internationale Universitaire, Paris, France – Trường Đại học Quốc tế Paris, tại Paris, Pháp.
Với những nhà sưu tập am hiểu kỹ càng, sâu sắc về hội họa Lê Phổ chắc chắn sẽ có nhiều thích thú trong việc có cơ hội sở hữu bức tĩnh vật này.
NHỮNG BỨC TRANH MANG THÔNG ĐIỆP CỦA SỰ HẠNH PHÚC, VUI VẺ TỪ HÌNH ẢNH TRẺ EM ĐANG VUI CHƠI…
Chúng ta thường trầm trồ trước những tác phẩm tuyệt đẹp về thiếu nữ đẹp xinh, yêu kiều, nền nã, quý phái thời kỳ Romanet của Mai Trung Thứ. Đây là thời kỳ lãng mạn đỉnh cao của ông.
Nhưng “Mai Trung Thứ vẫn luôn cống hiến cho hòa bình và độc lập của Việt Nam, và theo lý tưởng này, ông phối hợp cùng UNICEF vẽ nhiều tác phẩm về trò chơi của trẻ em để nâng cao nhận thức cho công chúng phương Tây. Điều này mang lại danh tiếng và cho phép ông công khai những cuộc đấu tranh chính trị và xã hội của mình”.
MAI TRUNG THỨ (1906-1980). Trẻ em trèo cây, 1970. Mực và màu trên lụa, có chữ ký và ghi ngày tháng phía dưới bên phải. Trong khung gốc do nghệ sĩ thực hiện. 53 x 44,5 cm – 20 7/8 x 17 1/2 inch. Giấy chứng nhận đưa vào danh mục raisonné của nghệ sĩ hiện đang được Charlotte Aguttes-Reynier chuẩn bị cho Hiệp hội Nghệ sĩ Châu Á ở Paris sẽ được trao cho người mua. Nguồn gốc: Bộ sưu tập tư nhân, miền Nam nước Pháp (được mua lại năm 1970 từ Phòng trưng bày Cannes); Sau đó theo dòng dõi, miền Nam nước Pháp
Trong bộ tứ họa sĩ sống tại nước ngoài, Mai Trung Thứ là người duy nhất về Việt Nam thăm quê hương năm 1974. Chuyến đi còn có Nhà điêu khắc Điềm Phùng Thị.
Các bức tranh lot 8, 11, 16 theo đánh giá của Viet Art View là những tác phẩm tuyệt vời của Mai Trung Thứ về tính nhân văn, thông điệp của hòa bình, hạnh phúc, ấm no của trẻ thơ. Sự xúc động mãnh liệt bao trùm toàn bộ tâm hồn của người xem. Nó không chỉ được phân tích ở kỹ thuật, ngôn ngữ tạo hình, phong cách, bút pháp hay hòa sắc mà nó là một bản hòa ca đầy ắp đầy ắp những ước muốn lớn nhất từ cổ chí kim của tất cả mọi dân tộc trên thế giới này.
MAI TRUNG THỨ (1906-1980). Trẻ em vui chơi ở quê, 1971. Mực và màu trên lụa, có chữ ký và ghi ngày bên dưới bên trái. Trong khung gốc do nghệ sĩ thực hiện. 66,5 x 94 cm – 26 1/8 x 37 inch. Giấy chứng nhận đưa vào danh mục raisonné của nghệ sĩ hiện đang được Charlotte Aguttes-Reynier chuẩn bị cho Hiệp hội Nghệ sĩ Châu Á ở Paris sẽ được trao cho người mua. Xuất xứ: Phòng trưng bày Agesteguy, Deauville; Bộ sưu tập tư nhân (mua lại từ bộ sưu tập trước năm 1980); Bộ sưu tập tư nhân, Đông Nam nước Pháp (được tặng từ bộ sưu tập trước vào năm 1998)
MAI TRUNG THỨ (1906-1980). Vòng tròn các em bé, 1965. Mực và màu trên lụa, chữ ký và ngày sáng tác ở góc dưới bên trái. 82,3×93,3 cm — 3¼×36¾ in. Xuất xứ: Bộ sưu tập tư nhân, miền Nam nước Pháp (mua lại từ năm 1970 tại Phòng tranh ở Cannes); Sau đó trở thành tài sản thừa kế, miền Nam nước Pháp
Và các bạn thấy không? Nó rất Việt Nam, thấm đẫm hình ảnh và văn hóa Việt. Nó rất xứng đáng để sưu tầm và sẽ làm danh giá, chất lượng cho bất cứ bộ sưu tập nghệ thuật nào.
CHÚA GIÁNG SINH – MỘT BỨC TRANH ĐÁNG ĐỂ MUA
Alix Aymé, là cái tên thân thuộc và nhận được yêu mến từ người yêu nghệ thuật ở Việt Nam. Bởi hội họa của bà gắn liền với Đông Dương, trong đó Việt Nam chắc chắn chiếm vị trí quan trọng nhất.
Alix Aymé giỏi mọi chất liệu. Điều này là không phải bàn cãi. Từ sơn dầu – chất liệu cổ điển phương Tây cho đến lụa – phương Đông và đặc biệt với sơn mài bà đã để lại những dấu ấn to lớn, góp phần đưa hội họa sơn mài Việt lên một tầm cao mới.
ALIX AYMÉ (1906-1980). Chúa giáng sinh. Mực và màu trên lụa, ký tên phía dưới bên phải. 34,5 x 19,5 cm – 13 5/8 x 7 5/8 in. Nguồn gốc: Bộ sưu tập tư nhân, Pháp
Bức tranh lụa Chúa Giáng sinh là một trong những chủ đề mà Alix thường sáng tác với lòng mộ đạo, kính trọng sâu sắc. Đức mẹ đồng trinh Maria được khắc họa dưới hình ảnh một phụ nữ mặc trang phục trắng tha thướt, trên tay là Chúa Hài đồng bụ bẫm, hồng hào.
Một nhóm người đang quỳ lạy, hướng ánh nhìn kính yêu về hai nhân vật trung tâm. Phong cảnh đặc trưng nước Pháp thấp thoáng xa mờ; nhưng hình tượng Đức mẹ khiến cho người xem liên tưởng theo cảm thức của cá nhân (dân tộc).
Với thông điệp sâu sắc của tác phẩm, với những diễn biến trên mặt tranh, với mức giá khởi điểm vô cùng hấp dẫn, có lẽ bức tranh nhỏ xinh này sẽ được nhiều người yêu nghệ thuật mong muốn sở hữu cho riêng mình.
BỨC TRANH SƠN MÀI TRÊN CÁNH TỦ CỦA LÊ QUỐC LỘC
Khi được Viet Art View gửi hình ảnh về bức tranh phong cảnh trên cánh tủ gỗ sơn mài, họa sĩ Lê Huy Văn không giấu nổi xúc động. Ông bày tỏ sự thích thú khi bắt gặp hình ảnh tác phẩm của cha mình – họa sĩ Lê Quốc Lộc có thể cách đây nhiều thập kỷ.
LÊ QUỐC LỘC (1918-1987). Tủ quần áo bằng gỗ sơn mài nhiều màu và điểm nhấn màu vàng bạc, mở hai cánh để lộ hai ngăn và tám ngăn, ngăn kéo, mặt trước và mặt bên được trang trí bằng dòng suối với bờ cây cối rậm rạp, cánh đồng, ruộng lúa và phía sau là những ngôi nhà nhỏ được bao bọc bởi những ngọn núi. Không có chữ ký 140 x 105 x 37 cm – 55 1/8 x 41 3/8 x 14 5/8 in.
Đây là một chiếc tủ điển hình thời kỳ Indochine, được trang trí bằng một bức tranh sơn mài có nhiều công năng kết hợp trang trí. Thiết kế đa dụng, sáng tạo với nhiều ngăn nhỏ, chưa được nhiều loại đồ vật có tính chất lưu trữ như giấy tờ, đồ trang sức quý.
Xuất phát từ quan niệm nghệ thuật phải có tính ứng dụng cao, người giàu trong xã hội chưa có khái niệm về chơi và sưu tập tranh; vì vậy tạo nên nhu cầu cho những sản phẩm kết hợp. Những bức tranh được thể hiện trên bề mặt sản phẩm như bình phong, tủ đứng, tủ ngang mặt bàn trà, hộp, khay, đĩa… của các nghệ nhân sơn mài Việt, sau đó đến các họa sĩ sơn mài trường Mỹ thuật Đông Dương kế thừa, tiếp nối, sáng tạo trên một tầm cao mới, kết hợp giữa hội họa sơn mài và thiết kế ứng dụng.
Sẽ có ý kiến cho rằng, đây là sản phẩm trang trí đơn thuần trên một cái tủ thì chỉ là một sản phẩm mỹ nghệ mà thôi. Trên thực tế, ở Việt Nam, việc này được chấp nhận, được sưu tầm rất tự nhiên. Và người sưu tập họ hẳn có lý do riêng của mình.
Còn bức tranh nằm ở đâu, gắn với sản phẩm gì thì nó vẫn phải là một tác phẩm đẹp, có giá trị sáng tạo về nghệ thuật của cá nhân người nghệ sĩ.
***
Thông tin về cuộc đấu giá: https://demo10.bicweb.vn/aguttes-tuan-le-chau-a-nghe-si-chau-a-va-nghe-thuat-chau-a-ngay-26-va-27-thang-9-2023/
PEINTRES D’ASIE, OEUVRES MAJEURES
HỌA SĨ CHÂU Á, TÁC PHẨM QUAN TRỌNG
Đấu giá tại Aguttes Neuilly
Ngày 26 tháng 9 năm 2023
Triển lãm công khai
Từ Thứ Hai ngày 18 tháng 9 đến Thứ Hai ngày 25 tháng 9
10h – 13h và 14h – 17h30 (trừ cuối tuần)
Chủ trì phiên đấu giá
Éléonore Asseline
+33 (0)1 47 45 93 03
asseline@aguttes.com
Dịch vụ VIP dành cho khách hàng Châu Á
Quản trị bán đấu giá, giao hàng
Jia You de Saint-Albin 由甲
+33 (0)1 41 92 06 43
saintalbin@aguttes.com
Thêm thông tin, vui lòng liên hệ
Charlotte Aguttes-Reynier
+33 1 41 92 06 49
reynier@aguttes.com
Charlotte Aguttes-Reynier – Auction House specialized in Vietnamese Arts
Bài viết bởi Viet Art View
Bản quyền thuộc về Viet Art View