Nguyễn Tiến Chung (1914 – 1976). Đêm rằm trung thu Đình Chèm. 1952. Sơn mài (ba tấm). 100×200 cm. Thuộc sưu tập của ông Thái Văn Hiếu (Hải Phòng).
Cách đây khoảng ba năm, qua giới thiệu của một người bạn, lần đầu tiên, Viet Art View được nhìn thấy bức tranh này tại tư gia riêng, nơi chủ nhân lưu giữ. Cảm giác thật ngỡ ngàng trước sự hiện diện của một bức tranh sơn mài (ba tấm) vô cùng quý hiếm, sâu đời, kích thước lớn do họa sĩ Nguyễn Tiến Chung sáng tác. Theo như giới sưu tập vẫn nói một cách nể phục “tranh vẫn đang còn ở trong dân gian”.
Gọi là “dân gian” vì tranh vẫn được lưu giữ, bảo quản một cách cẩn thận, kín đáo, rất ít người biết, bởi gia chủ hiểu rõ hơn ai hết giá trị của tác phẩm.
Ngắm nhìn bức tranh, cân nhắc vị thế, tầm vóc giá trị lịch sử, giá trị nghệ thuật, giá trị văn hóa, giá trị thương mại, Viet Art View nhận định khách quan-đây là một tác phẩm mà tầm cỡ phải thuộc hàng những tác phẩm kinh điển (nên có) của một họa sĩ nổi tiếng cho một bảo tàng chuyên ngành quốc gia hoặc trong các bộ sưu tập tư nhân lớn.
Tại sao đây là một bức tranh vị thế bảo tàng?
Thứ nhất: Về tên tuổi – Họa sĩ Nguyễn Tiến Chung (1914-1976), tốt nghiệp trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (khóa 11, 1936-1941); Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật, chuyên ngành Mỹ thuật, năm 2001. Có nhiều đóng góp lớn cho hội họa Việt Nam với nhưng bức tranh nổi tiếng như: Bốn cô thiếu nữ (sơn mài, 1940, 60×110,3cm); Hai thiếu nữ (sáng tác chung với Hoàng Tích Chù, 1943, sơn mài, 100,3×93,3cm); Chợ Nhông (1958, khắc gỗ, 43,3×54,7cm); Được mùa (1960, lụa, 50x135cm); Phong cảnh Sài Sơn (1970, khắc gỗ, 33×42,5cm); Nữ dân quân trao đổi kinh nghiệm bắn máy bay (1971, sơn dầu, 110x90cm); Mùa gặt (1972, sơn mài, 50,2×201,4cm); v.v…(Sách Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật, NXB Trẻ 2020, Ban Tuyên Giáo Trung ương Đảng biên soạn).
Chân dung họa sĩ Nguyễn Tiến Chung (1914 – 1976)
Thứ hai: Về tầm vóc đề tài, kích thước, giá trị tạo hình
– Bức tranh là bản hòa ca một lễ hội dân gian truyền thống rất rộn ràng, mang đầy vẻ hạnh phúc, thanh bình, viên mãn…Một khung cảnh thể hiện rất rõ ràng tinh thần Việt.
– Tranh có kích thước lớn, 100x200cm (ba tấm). Năm sáng tác sâu đời, 1952. Chất liệu sơn mài. Ngôn ngữ tạo hình đặc trưng nổi bật của Nguyễn Tiến Chung.
– Theo tư liệu cơ bản về sự nghiệp sáng tác của họa sĩ Nguyễn Tiến Chung khá phổ biến, có thể nhận thấy ngay ông đã kết hợp ít nhất hai bức tranh sơn mài nổi tiếng của mình vào bức tranh này. Đó là bức “Hai thiếu nữ” (hiện đang thuộc sưu tập Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam); “Trung thu” (sơn mài, 1952), (hiện đang thuộc sưu tập tư nhân tại Thụy Điển).
Thứ ba: Dựa vào các giá trị trên về tên tuổi tác giả, tầm vóc chủ đề, giá trị tạo hình bức tranh để có thể tạm ước lượng giá trị lịch sử, giá trị văn hóa, giá trị thương mại, sức ảnh hưởng từ tên tuổi Nguyễn Tiến Chung. Việc góp thêm một bức tranh quý cho hội họa hiện đại Việt Nam trước 1954 sẽ khiến cho chất liệu sơn mài có thêm tầm ảnh hưởng…
Với bức tranh này, Viet Art View đã trải qua ba năm với rất nhiều lần đến, lặng lẽ ngắm tranh, chuyện trò cùng chủ nhân mà chưa bao giờ chụp một bức ảnh. Chủ nhà không nói, khách cũng hiểu ý. Quanh chén trà là câu chuyện vui về nghệ thuật, thêm đôi chút chia sẻ của gia chủ về lịch sử, nguồn gốc ra đời của bức tranh.
Sau đó, Viet Art View tìm thấy thêm tư liệu ảnh về hai bức tranh sơn mài (khuôn khổ nhỏ hơn nhiều, một ở trong nước, một đấu giá ở nước ngoài) có bố cục, tạo hình giống (gần như 100%) bức tranh của Nguyễn Tiến Chung mà Viet Art View giới thiệu trong video này. Nhưng, vì chỉ được nhìn qua ảnh nên Viet Art View không thể có nhận xét gì hơn.
Thế rồi, cơ duyên cũng đã tới khi chủ nhân đồng ý chia sẻ hình ảnh, nội dung câu chuyện về bức tranh với ê-kíp sản xuất chương trình của Viet Art View. Chắc chắn, đây là lần đầu tiên, bức tranh này được giới thiệu trên một kênh thông tin truyền thông.
Tranh không có tên cụ thể. Người trong nhà thường gọi là “bức Nguyễn Tiến Chung to” (bởi gia đình vẫn còn hai bức khác nữa của họa sĩ). Vì vậy, sau khi xem xét kỹ lưỡng, tỉ mỉ hình ảnh mà Nguyễn Tiến Chung mô tả trên bề mặt tranh, từ tạo hình nhân vật đến cảnh quan kiến trúc, chi tiết đồ vật, Viet Art View đi đến nhận định đây là bức tranh khắc họa “một đêm rằm trung thu ở Đình Chèm” (Hà Nội).
Bố cục trung tâm tranh là hình ảnh kiến trúc “nhà bia Đình Chèm”. Xung quanh đó là các chi tiết tạo hình con người, đồ vật, cỏ cây, mây trời, sông nước…trong một không gian (ước lệ) rộng.
Nội dung bức tranh mô tả một đêm rằm trung thu được thể hiện ở chi tiết – chiếc đèn lồng xếp, đèn lồng con cá do hai em bé ngồi trên thuyền đang giơ lên đón trăng. Trên đầu gác mái của nhà bia Đình Chèm có treo chiếc đèn lồng. Mặt trăng tròn vạnh, vàng sáng. Toàn cảnh bức tranh là một hòa sắc nâu đỏ rất trầm, nổi bật trên nền son trầm đó là những sắc vàng óng ả, lộng lẫy của vàng trên khắp các chi tiết cây lá.
Sau khi đưa ra các nhận định với chủ nhân bức tranh thì ông vỗ trán, à lên một tiếng như nhớ ra một điều gì và xác nhận ngay: “Đúng, đúng rồi! ông nội tôi đã từng kể bức tranh này sáng tác về đêm rằm trung thu, mà do lâu quá rồi nên tôi không thể nhớ ra”.
Bề mặt của “Đêm rằm trung thu Đình Chèm”, sau 70 năm đã xuống màu nhiều. Phần tạo hình được phủ bạc xay, sơn ta và bột màu đã bị xỉn màu, không còn rõ màu gốc. Đây là vấn đề ở hầu hết các bức tranh sơn mài của các họa sĩ Việt trước đây.
Thoạt nhìn tranh, chúng ta nhớ ngay đến bức sơn mài ba tấm “Lễ hội Đình Chèm” của họa sĩ Nguyễn Văn Tỵ, hiện đang thuộc sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (thực tế là năm tấm, hai tấm còn lại không biết hiện đang ở đâu) …bởi có cùng bối cảnh kiến trúc.
Đây chính là bài thi tốt nghiệp ra trường của họa sĩ Nguyễn Văn Tỵ (theo bức thư họa sĩ Nguyễn Văn Tỵ gửi họa sĩ Nguyễn Gia Trí ngày 18 tháng 10 năm 1990).
Chúng ta đều biết, nguồn gốc xuất xứ của các bức tranh quý, có tuổi đời sâu là quan trọng nhất. Phải dựa vào rất nhiều dữ kiện lịch sử, phong cách tạo hình đặc trưng của nghệ sĩ cùng các thứ liên quan khác…mới có thể xác định được tính chân bản của tác phẩm.
Bức tranh “Đêm rằm trung thu Đình Chèm” có một xuất xứ rất rõ ràng.
Chủ nhân đang lưu giữ bức tranh hiện nay (đã đến đời thứ ba) là ông Thái Văn Hiếu. Cha ông Hiếu là Thái Văn Hiền (sinh 1929) – Giáo sư-Tiến sĩ (Đại học Toulouse, Pháp), hiện đang sống ở Pháp; đã được nhà nước phong tặng Huân chương kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhất. Ông nội (ông Thái Văn Hiếu) là Thái Văn Cốc (1900-1991) – doanh nhân – chuyên sưu tập các tác phẩm nghệ thuật (tranh, đồ cổ, đồ mỹ nghệ), đã từng được nhận bằng khen có công với nước.
Ê-kíp sản xuất chương trình của Viet Art View đã ghi hình, phỏng vấn chủ nhân, hiện đang lưu giữ bức tranh.
VIET ART VIEW PHỎNG VẤN NHÀ SƯU TẬP THÁI VĂN HIẾU
Viet Art View: Chú có thể cho bạn yêu nghệ thuật biết lịch sử, nguồn gốc của bức tranh này là như thế nào không ạ?
Nhà sưu tập Thái Văn Hiếu: Bức tranh này là do bố tôi, bố tôi là bạn bác Nguyễn Tiến Chung, bố tôi đặt bác Nguyễn Tiến Chung làm. Thời điểm đặt làm đó chắc khoảng độ 1951 gì đấy, thế cho nên như các bạn thấy đấy bác ấy đề “date” là 1952, tức là lúc làm xong. Vì kích cỡ nó lớn như thế này cho nên là cũng không làm nhanh được, theo tôi được biết là ngày xưa thì bác Chung cũng ít thợ giúp sức kiểu như bác Nguyễn Gia Trí, bác Nguyễn Gia Trí chẳng hạn khi bác làm sơn mài bác thuê nhiều thợ trong nhà lắm, còn bác Chung thì nghe đâu chỉ có một hoặc hai người thợ gì đó thôi. Bố tôi đặt bác ấy khoảng độ 1951 thì đến năm 1952 bác nhắn: “Thôi, xừ (me-xừ/monsieur) Hiền ơi, xừ lên tôi, xừ lấy tranh về”. Lúc đấy tôi còn nhỏ lắm, lúc giờ tôi chỉ khoảng một, hai tuổi gì đấy thôi, thế cho nên là tôi cũng chỉ nghe kể lại như thế và biết rằng tranh này không phải có sẵn rồi bố tôi mua mà là bố tôi đặt bác ấy làm.
Viet Art View: Vậy, bố của chú và họa sĩ Nguyễn Tiến Chung hẳn là hai người bạn thân với nhau, hiểu nhau, mến tài nhau nên mới thân mật như thế?
Nhà sưu tập Thái Văn Hiếu: Bố tôi nói lại với tôi, hai người lúc bấy giờ sống ở Hà Nội quen nhau, chơi với nhau; chắc là cũng quan hệ với nhau theo kiểu như sau này tôi được chơi với anh Sáng, anh Liên, anh Phái. Gia đình tôi, đến đời tôi là thế hệ collector thứ ba rồi. Sưu tập tranh từ ông nội tôi. Bố tôi là thế hệ thứ hai. Còn tôi thì là thế hệ thứ ba rồi. Tôi có hỏi rằng tại sao thời bấy giờ cùng thế hệ với bác Chung còn nhiều họa sĩ khác, chẳng hạn như bác Nguyễn Văn Tỵ rồi bác Hoàng Tích Chù…ông già tôi ông ấy bảo là ông ấy thích bút pháp của Nguyễn Tiến Chung.
Viet Art View: Khi bố của chú còn sống thì ông có chia sẻ là tại sao ông đặt chủ đề này cho họa sĩ Nguyễn Tiến Chung sáng tác không hay là do chính họa sĩ Nguyễn Tiến Chung đề nghị sáng tác theo chủ đề này?
Nhà sưu tập Thái Văn Hiếu: Ba thế hệ sưu tập tranh theo một thói quen của gia đình. Từ thời ông nội tôi, qua bố tôi và đến đời tôi là khi đã đặt nghệ sĩ làm tranh là không ra đề tài. Tức là không ra đề thi cho người ta, để tùy người ta, người ta thích vẽ cái gì thì người ta vẽ.
Như vậy để làm gì? Chúng tôi nghĩ rằng như thế người ta sẽ phát huy, phát lộ được hết mức những tố chất ưu việt của từng nghệ sĩ một. Sau này cũng vậy, sau này chẳng hạn như tôi đặt anh Sáng, anh Liên, anh Phái, anh Nghiêm làm tranh không bao giờ tôi đặt đề tài cả, tức là các ông ấy muốn sáng tác theo mô-tuýp gì đấy là quyền của các ông ấy. Miễn là chỉ cần biết là: “Ah! tớ định cứ nghĩ ở trong bụng là mình làm cái này là làm cho Thái Văn Hiếu”. Thế là được rồi.
Viet Art View: Theo chú chia sẻ, lúc sinh thời, các danh họa khác như Nguyễn Sáng, Nguyễn Tư Nghiêm, Dương Bích Liên… hoặc một số họa sĩ nổi tiếng đã được trực tiếp diện kiến bức tranh này…và chắc cũng có chia sẻ cảm xúc…?
Nhà sưu tập Thái Văn Hiếu: Các bạn cũng biết, nếu đã đề cập tới các bậc thầy như anh Nguyễn Sáng, anh Dương Bích Liên, anh Nguyễn Tư Nghiêm, các anh ấy đều đã đến đây cả rồi, đều đã xem tranh nhà tôi cả rồi nhưng mà vì là tôi nghĩ rằng cái này là nó quyết định do cái đẳng cấp của họ. Ở cái đẳng cấp các bậc thầy lớn đó dường như người ta cũng nể nhau. Tôi dùng chữ “nể” là vì trong đấy một phần nó có cả chữ “né”. Người ta nể nhau cho nên không mấy khi người ta nhận xét về tác phẩm của nhau mà người ta đi vào chi tiết đâu, mà người ta chỉ buông một câu là “đẹp”, thế thôi…
Viet Art View: Chú có thể chia sẻ một vài suy nghĩ của riêng mình về họa sĩ Nguyễn Tiến Chung?
Nhà sưu tập Thái Văn Hiếu: Tôi hình dung trong dòng chảy của hội họa Việt Nam, tạm gọi là “đương đại” thì bác Chung bác ấy giống như là bậc thầy có vị trí bản lề ở giữa thế hệ của tứ kiệt trước cách mạng là Trí- Lân- Vân- Cẩn và bản lề để chuyển sang tứ kiệt của kháng chiến và cách mạng là Sáng- Liên- Nghiêm- Phái, đấy là cách cảm nhận của tôi. Bút pháp của bác ấy tôi cảm nhận ở cái chỗ này này: tức là nó mang hơi hướng, bác ấy không vẽ các người phụ nữ Việt Nam đẹp kiểu mỹ miều giống như là trong tranh của bác Tô Ngọc Vân hoặc là bác Lê Văn Đệ hoặc bác Lương Xuân Nhị mà nó có hơi hướng của cách tạo hình điêu khắc đình chùa Bắc bộ Việt Nam thế kỷ 17, 18, mà ở thời kỳ này này, thời kỳ những năm 1950, 1951, 1952 thì dường như điều đó về mặt lý luận phê bình đâu đã được phát lộ. Mãi thời sau này các nhà lý luận phê bình nói nhiều đến các đặc điểm mang tính là một phong cách độc đáo của điêu khắc đình làng Bắc Bộ. Lúc bấy giờ người ta mới nói đến cuối thập niên 60; nhưng mà ngay từ lúc tôi lớn lên tức là đầu những năm 60 thì khi tôi xem tranh của bác Nguyễn Tiến Chung thì tôi đã đọc ra cái đó rồi. Và nhân đây nói luôn đây không phải bức Nguyễn Tiến Chung duy nhất trong nhà tôi. Tôi còn hai bức nữa, hai bức kia để ở Pháp. Cho nên cái phong cách của bác ấy nói chung là tôi thuộc và tôi thấy nó có nét gì đấy cách tân hơn, nó đưa vào được cái yếu tố hiện đại hơn so với các họa sĩ cùng thời đấy với bác ấy. Đấy là cảm nhận riêng của tôi…
Viet Art View: Trân trọng cảm ơn chú về những chia sẻ quý giá này!
Để kết thúc video câu chuyện về bức tranh này, Viet Art View gửi đến bạn đọc yêu nghệ thuật một vài chia sẻ từ ông Nguyễn Thế Vinh – con trai của họa sĩ Nguyễn Tiến Chung. Chúng tôi đã trò chuyện với ông Vinh, được ông Vinh cho xem nhiều bản dessin quý giá của cha mình, hiện đang lưu giữ tại tư gia…
VIET ART VIEW PHỎNG VẤN ÔNG NGUYỄN THẾ VINH (CON TRAI HỌA SĨ NGUYỄN TIẾN CHUNG)
Viet Art View: Anh được biết bức tranh này trong hoàn cảnh như thế nào?
Ông Nguyễn Thế Vinh: Năm 1990, tôi nghe thấy ở dưới Hải Phòng có một bức tranh của nhà sưu tập Thái Văn Hiếu. Thì tôi xuống dưới nhà anh Hiếu, anh Hiếu có tiếp chúng tôi và cho chúng tôi xem bức tranh đó thì tôi xác định là bức tranh của gia đình nhà anh Thái Văn Hiếu đúng là của cụ Nguyễn Tiến Chung.
Bức tranh vẫn còn rất nguyên vẹn và tôi được nghe anh Hiếu kể lại là bức tranh này là của ông anh Hiếu commande của bố tôi từ những năm xưa.
Bức tranh đó rất là đẹp, cụ vẽ về thiếu nữ, đêm trung thu.
Viet Art View: Cảm ơn anh đã chia sẻ!
Bức sơn mài, “Đêm rằm trung thu Đình Chèm” chứa đựng trong mình những dữ kiện quý giá liên quan đến nguồn gốc ra đời. Viet Art View đã may mắn nhận được nhiều sự sẻ chia chân thành từ chủ nhân lưu giữ bức tranh và gia đình họa sĩ Nguyễn Tiến Chung để gửi tới bạn yêu nghệ thuật những chứng nhân của lịch sử.
Nguồn gốc, xuất xứ của một tác phẩm nghệ thuật là vô cùng quan trọng. Nhất là với những tác phẩm quý giá của các họa sĩ danh tiếng…
Và chúng ta nên trân trọng điều đó…
***
TIỂU SỬ NGHỆ THUẬT
Họa sĩ Nguyễn Tiến Chung sinh ngày 8 tháng 8 năm 1914 tại Hà Nội.
– Quê: làng Ước Lễ, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Sơn Bình.
– Tốt nghiệp Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương niên khóa 1935-1940 (khóa XI) với tác phẩm tranh lụa “Được mùa”.
– Năm 1939 tham gia Triển lãm Mỹ thuật lần thứ IV của tổ chức SADEAI. Tranh “Mùa gặt” (lụa).
– Năm 1940-1945 cùng họa sĩ Hoàng Tích Chù lập xưởng sơn mài ở ngõ Hàng Khoai- Hà Nội.
– Năm 1946, tham gia Triển lãm Mỹ thuật Toàn quốc lần thứ I tại Hà Nội chào mừng nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thành lập, hai tác phẩm lụa “Dưới gốc bồ đề” và “Chải đầu bên hồ” được giải thưởng lớn.
– Năm 1946, giảng viên trường Cao đẳng Mỹ thuật.
– Năm 1946-1948 tham gia vẽ tranh mộc bản cổ động cho kháng chiến.
– Năm 1950, tham dự bày tranh tại Vatican.
– Năm 1951-1953 cùng họa sĩ Lương Xuân Nhị và nhà điêu khắc Vũ Văn Thu thành lập Trường Mỹ thuật Dân lập Trí Tri tại Hà Nội.
– Năm 1953, tham gia tổ chức Việt Minh nội thành vẽ tranh cổ động chống Pháp.
– Năm 1954, được bầu vào Ban Chấp hành Mặt trận Tổ Quốc thành phố Hà Nội.
– Năm 1956 đi bày Triển lãm Mỹ thuật tại Trung Quốc, Triều Tiên,….
– Từ 1957-1976, là Ủy viên Ban Chấp hành Hội Mỹ thuật Việt Nam khóa I.
– Từ 1955-1964 là giảng viên trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam.
– Từ 1965-1975 là họa sĩ sáng tác tại Hội Mỹ thuật Việt Nam.
– Năm 1976 sáng tác tranh sơn mài “Nguyễn Du đi câu” (là tác phẩm sáng tác cuối cùng của ông).
– Tham dự các Triển lãm Mỹ thuật ở trong nước và các Triển lãm Mỹ thuật Quốc tế.
CÁC TÁC PHẨM TIÊU BIỂU ĐẠT GIẢI THƯỞNG:
– “Xóm Sài Sơn” (khắc gỗ). Giải thưởng Quốc tế Đồ họa (Intergraphique) tại C.H.D.C Đức.
– “Được mùa” (sơn mài). Giải thưởng Triển lãm Mỹ thuật Toàn quốc năm 1971.
– “Nhà sàn Cửa Ông” (sơn dầu). Giải thưởng Triển lãm Mỹ thuật Toàn quốc năm 1976.
– Họa sĩ Nguyễn Tiến Chung mất ngày 6 tháng 3 năm 1976, tại Hà Nội.
Bài viết bởi Viet Art View
Bản quyền thuộc về Viet Art View