Lịch sử của Nghệ thuật Hiện đại được đánh dấu bằng những khoảnh khắc nổi loạn và gây sốc. Vì lý do đó, nhiều người có thể ngạc nhiên khi biết rằng một loại hình nghệ thuật không chống đối, dễ nhìn – hội họa en plein air (ngoài trời) – đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển của nghệ thuật hiện đại thời kỳ đầu. Ở châu Âu, vẽ tranh ngoài trời lần đầu tiên trở nên phổ biến vào những năm 1830 khi một nhóm nhỏ nghệ sĩ người Pháp đóng gói màu và mang giá vẽ đến khu rừng Barbizon ở ngoại ô Paris. Những bức tranh sơn dầu sống động của trường phái Barbizon, mới mẻ và được quan sát cẩn thận, đã thách thức những tác phẩm nghệ thuật hàn lâm có độ hoàn thiện cao. Hội họa ngoài trời rèn luyện sự nhạy bén và phản ứng nhanh với thiên nhiên, mở đường cho những đổi mới của trường phái Ấn tượng Pháp, một phong cách hiện đại mang tính bước ngoặt.
Ở Trung Quốc, nơi truyền thống vẽ tranh phong cảnh bằng mực hàng nghìn năm tuổi nhấn mạnh cảm giác thơ mộng hơn là quan sát, hội họa ngoài trời theo phong cách phương Tây lần đầu tiên xuất hiện sau năm 1910 cùng với phong trào Văn hóa mới. Được thực hành cũng với vẽ hình, hội họa ngoài trời là một phương pháp trí tuệ và khoa học giúp rèn luyện trí óc. Khi ngày càng nhiều họa sĩ Trung Quốc vẽ tranh bằng chất liệu sơn dầu của phương Tây và đi đến những vùng nông thôn để thực hành hội họa ngoài trời, họ đã trở thành một phần đội tiên phong của chủ nghĩa hiện đại, mang đến sự thay đổi văn hóa. Họ cũng nỗ lực để nới lỏng những quy tắc cứng nhắc và tính văn học của những bức họa phong cảnh truyền thống.
Ở Pháp, sự xuất hiện của nghệ thuật hội họa ngoài trời được hỗ trợ bởi việc phát minh ra các tuýp sơn có thể xếp gọn vào năm 1841. Theo sau đó là phát minh giá vẽ có thể xếp gọn kiểu Pháp. Làm việc trong thiên nhiên, nơi những thay đổi về ánh sáng và thời tiết buộc họ phải nhanh chóng và chăm chú, ý tưởng mới về cái đẹp đã phát triển. Họa sĩ Jean-Baptiste-Camille Corot (1796-1875), người đi đầu của trường phái Barbizon, đã từng cho rằng: “Cái đẹp trong nghệ thuật là sự thật tắm trong ấn tượng nhận được từ thiên nhiên.” Quan điểm này đã được các họa sĩ theo trường phái Ấn tượng Pháp tiếp nhận, bao gồm Claude Monet (1840-1926) và Pierre-Auguste Renoir (1841-1919), những họa sĩ đã nâng tầm ảnh hưởng của những bức họa ngoài trời của họ bằng cách áp dụng tiến bộ trong lý thuyết màu sắc. Sự sẵn có của các màu tổng hợp mới, bao gồm màu xanh lam ultramarine, màu đỏ và vàng cadmium đã làm những bức tranh của họ sáng lên.
Claude Monet, ‘Route de Monte-Carlo’, 1884
Claude Monet, ‘Inondation à Giverny’, 1886
Monet, người đã tạo ra những hiệu ứng nổi bật của ánh sáng và bóng tối, áp dụng các màu thêm vào bằng những nét cọ ngắn và nhanh, là người suốt đời ủng hộ hội họa ngoài trời. Quan tâm đến việc mô tả một thời điểm cụ thể trong ngày, ông thường vẽ ít hơn một giờ ở một địa điểm, sau đó quay lại vào cùng thời điểm đó ngày hôm sau để tiếp tục vẽ. Những cái bóng xanh lam do cây cối tạo ra trong Route de Monte-Carlo (1883) của Monet cho chúng ta biết rằng mặt trời buổi chiều đang bắt đầu di chuyển về phía đường chân trời khi nó chiếu sáng các mặt của các tòa nhà ở phía xa. Những quan sát trực tiếp này, điều mà một họa sĩ làm việc trong nhà không thể thực hiện được, đã mang đến cho bức tranh của Monet sự tương phản sống động của ánh sáng và màu sắc, thu hút thị giác và nâng cao niềm vui trong cảm nhận của người xem. Ánh sáng lung linh trong tác phẩm Inondation à Giverny của Monet, trong đó hình dáng của các tòa nhà và cây cối được phản chiếu trên mặt nước, thể hiện tài năng của họa sĩ trong việc nắm bắt sự thay đổi nhanh chóng của thời tiết và những hiệu ứng trong khoảnh khắc.
Pierre-Auguste Renoir, ‘Un jardin à Sorrente’, 1881
Bức tranh Un Jardin à Sorrente của Renoir được vẽ sau chuyến đi tới Ý năm 1881, phản ánh tác động của việc vẽ ngoài trời đối với cách nhìn của họa sĩ. Giống như Monet, một người bạn thân đã ảnh hưởng đến tác phẩm của ông, Renoir sử dụng những nét màu nhỏ để mô tả trải nghiệm của ông về ánh sáng mặt trời khi nó xuyên qua cây cối hoặc được phản chiếu bởi mặt nước. Ông đã hiểu rằng việc thể hiện ánh sáng và bầu không khí đòi hỏi một cách tiếp cận khác. Như Renoir đã viết cho một người bạn sau khi trở về Pháp: “Vì vậy, sau khi ngắm cảnh ngoài trời quá nhiều, cuối cùng tôi chỉ nhìn thấy những bản hòa âm tuyệt vời mà không quan tâm thêm đến những chi tiết nhỏ có thể làm tiêu tan ánh sáng mặt trời thay vì làm nó rực sáng.” Bằng cách nhấn mạnh sự hài hòa của hình ảnh hơn là chi tiết, Renoir đã khám phá ra sức mạnh của việc miêu tả bầu không khí, đây là một trong những khám phá tuyệt vời của hội họa ngoài trời.
Lin Fengmian, ‘Rừng thu’
Vào cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, các họa sĩ theo trường phái Hậu Ấn tượng châu Âu bao gồm Vincent van Gogh (1853-1890) và Paul Cézanne (1839-1906) – cả hai đều làm việc ngoài trời – đã sáng tạo dựa trên những đổi mới của trường phái Ấn tượng. Nghệ thuật của họ và tác phẩm của những người theo chủ nghĩa hiện đại phương Tây khác sau đó đã được giới thiệu ở Trung Quốc bởi các nghệ sĩ đã đi nước ngoài bao gồm Từ Bi Hồng (1895-1953), người đã đến thăm Nhật Bản vào năm 1917 để nghiên cứu nghệ thuật phương Tây và Lin Fengmian (1900-1991), người đã đến Paris vào năm 1920 để học tại École nationale supérieure des Beaux-Arts [Trường Mỹ thuật Quốc gia]. Khi trở về Trung Quốc, Lin trở thành giám đốc Học viện Nghệ thuật Quốc gia (NAA) tại Hàng Châu (sau này gọi là Học viện Nghệ thuật Trung Quốc), nơi dạy một thế hệ sinh viên mới cả hội họa truyền thống Trung Quốc và hội họa theo phong cách phương Tây.
Wu Guanzhong, ‘Mùa xuân trên vùng núi Tứ Xuyên’, 1979
Wu Guanzhong, một sinh viên kỹ thuật nhập học NAA năm 1936 trái với mong muốn của cha mình, sau này đã trở thành một trong những họa sĩ phong cảnh hiện đại vĩ đại nhất Trung Quốc. Năm 1947, một học bổng quốc gia cho phép ông học ở Paris trong ba năm, nơi niềm đam mê của ông đối với nghệ thuật hiện đại châu Âu – đặc biệt là các tác phẩm của Cézanne, van Gogh và Gauguin – đã thay đổi quan niệm của ông về hình dạng và màu sắc. Khi trở về Trung Quốc vào năm 1950, Wu giảng dạy và đi khắp Trung Quốc, vẽ những phong cảnh mà ông khám phá được trên đường đi: “Trong khi tìm kiếm tất cả các đỉnh núi kỳ vĩ để phác họa, trong ba mươi năm suốt mùa đông, mùa hè, mùa xuân và mùa thu, tôi mang trên lưng những họa cụ nặng nề và đặt chân đến những thị trấn ven sông, những ngôi làng vùng cao, những khu rừng rậm và những đỉnh núi tuyết…”
Trong suốt sự nghiệp của mình, chủ đề về phong cảnh giúp thoát khỏi những căng thẳng về chính trị, là điều cần thiết cho cảm giác tự do biểu đạt của Wu: “Bất cứ khi nào tôi bế tắc, tôi hướng về phong cảnh thiên nhiên. Trong thiên nhiên, tôi có thể bộc lộ cảm xúc thật của mình với núi sông: tầng sâu cảm xúc của tôi hướng về đất mẹ và tình cảm của tôi đối với đồng bào.”
Wu Guanzhong, ‘Cây ở làng Li (I)’, 1972
Các nghệ sĩ nổi tiếng khác trong thời đại của Wu Guanzhong đã tìm kiếm tự do và cảm hứng bằng cách vẽ tranh ngoài trời. Fu Baoshi (1904-1965) sống biệt lập trong căn nhà gỗ nhỏ dưới chân núi, uống rượu và vẽ tranh ngoài trời. Sau chiến tranh, một thế hệ nghệ sĩ mới của Trung Quốc đã vẽ tranh ngoài trời, đôi khi được hỗ trợ bởi kỹ thuật vẽ màu nước của Nhật Bản và nhiếp ảnh, phát triển các thuật ngữ về quan sát, bố cục và phối cảnh.
Lê Phổ, ‘Les tulipes oranges’
Trong suốt nửa đầu thế kỷ 20, khả năng dịch chuyển và thuộc địa hóa đã phổ biến rộng rãi hơn nữa hội họa ngoài trời ở châu Á. Ở Việt Nam, hội họa ngoài trời được các họa sĩ người Pháp dạy cho sinh viên Việt Nam tại Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, được thành lập vào năm 1924. Nhiều sinh viên tốt nghiệp của ngôi trường, trong đó có họa sĩ Lê Phổ (1907-2001), đã trở nên tinh thông trong việc thể hiện phong cảnh, những tán lá và ánh sáng ngoài trời. Di sản kép của hội họa ngoài trời và trường phái Ấn tượng Pháp được thể hiện rõ ràng trong các bức tranh của Lê Phổ, đặc biệt là trong các bức tranh về hoa cỏ của ông và trong nhiều khung cảnh ông mô tả những người phụ nữ thanh lịch trong vườn.
Khi chủ nghĩa Biểu hiện Trừu tượng xuất hiện sau Thế chiến thứ hai, những bức tranh nhỏ giọt tràn đầy năng lượng của Jackson Pollock bị nhiều người cho là kỳ lạ và khó hiểu. Nhưng khi Pollock đưa ra lời giải thích nổi tiếng: “Tôi không vẽ thiên nhiên, tôi là thiên nhiên”, ông đang thể hiện một điều mà các họa sĩ Trung Quốc trước đây có thể hiểu ngay lập tức: rằng có một loại khí (năng lượng) chạy qua mọi sinh vật. Những bức tranh phong cảnh của Wu Guanzhong, kết hợp giữa trừu tượng và mô tả, là sự tri nhận về dòng năng lượng này. Trong giai đoạn sau Thế chiến thứ hai, nhiều nghệ sĩ Trung Quốc tiếp xúc với nghệ thuật hiện đại khi sống ở nước ngoài, họ theo đuổi hội họa trừu tượng theo bản năng, xây dựng cầu nối với nghệ thuật trừu tượng của phương Tây khi tác phẩm của họ được tiết lộ.
Chu Teh-Chun, ‘Le poids du devenir’, 2005
Điều này được thấy trong các tác phẩm của Zao Wou-Ki (1920-2013) và Chu Teh-Chun (1920-2014), nơi đạt được sự kết hợp văn hóa phong phú. Họ là những người bạn, lần đầu tiên tiếp xúc với nghệ thuật phương Tây khi theo học tại Học viện Nghệ thuật Trung Quốc ở Hàng Châu (trước đây là Học viện Nghệ thuật Quốc gia) và sau đó cả hai sống và làm việc tại Paris, nơi sự hiện diện của nghệ thuật và những phương pháp của phương Tây đã ảnh hưởng đến họ. Trong những bức tranh trừu tượng của họ, sức sống của hội họa theo trường phái Ấn tượng – vốn phát triển từ hội họa ngoài trời – chiếm ưu thế, truyền vào tranh của họ ánh sáng, màu sắc và chuyển động. Trải nghiệm trực tiếp về thiên nhiên mà hội họa ngoài trời mang đến cho nghệ thuật hiện đại đã trở thành một trong những nguồn cảm hứng chung của nghệ thuật trừu tượng tiên tiến ở cả phương Đông và phương Tây.