Logo loading

ĐĨA SƠN MÀI “ĐỀN NGỌC SƠN” CỦA TRẦN PHÚC DUYÊN (1923 – 1993)

Trần Phúc Duyên. Đền Ngọc Sơn. Sơn mài. Đk 29 cm Rủ nhau xem cảnh Kiếm Hồ Xem cầu Thê Húc, xem chùa Ngọc Sơn Đài nghiên Tháp Bút chưa mòn Hỏi ai xây dựng nên non nước này. Cảnh quan chung quanh hồ Hoàn Kiếm (hồ Gươm) như chúng ta thấy ngày nay, về […]
|Viet Art View

Trần Phúc Duyên. Đền Ngọc Sơn. Sơn mài. Đk 29 cm

Rủ nhau xem cảnh Kiếm Hồ

Xem cầu Thê Húc, xem chùa Ngọc Sơn

Đài nghiên Tháp Bút chưa mòn

Hỏi ai xây dựng nên non nước này.

Cảnh quan chung quanh hồ Hoàn Kiếm (hồ Gươm) như chúng ta thấy ngày nay, về cơ bản đã được hình thành từ cuối thế kỷ 19, dưới thời viên đốc lý Halais, tạo nên sự phân biệt rõ rệt giữa khu phố Tây với khu cư dân Việt – “thành phố của người bản xứ”. Di tích cổ nhất ven hồ là ngọn tháp Hòa Phong, đối diện với Nhà Bưu điện thành phố, vốn thuộc chùa ông Tổng (tức tổng đốc Nguyễn Đăng Giai), xây dựng vào thời Tự Đức hoặc trước đó một chút (khoảng 1842). Kiến trúc mới nhất là nhà Thủy Tạ, xây dựng năm 1937, do kiến trúc sư Võ Đức Diên thiết kế. Tháp Rùa ở giữa hồ thì được xây dựng vào năm 1886.

Về đền Ngọc Sơn, trong cuốn “Từ điển Văn hóa Cổ truyền Việt Nam” (Hữu Ngọc chủ biên, NXB Thế giới, xuất bản năm 2002), có viết:

“Đền Ngọc Sơn. Xây dựng vào thế kỷ 19, lúc đầu là một ngôi chùa thờ Phật được dựng trên nền cũ của cung Khánh Thụy (thời Vua Lê – Chúa Trịnh), ít lâu sau đổi chùa ra đền. Trên hòn đảo nhỏ phía bắc hồ Gươm (Hoàn Kiếm) Hà Nội. Hiện nay thờ chính là Đức Thánh Trần Hưng Đạo, phụ là Văn Xương (Thần văn học) và Quan Công (Tam Quốc). Các tượng đẹp đã được Việt hóa. Qua cổng, bên trái có tháp đá 5 tầng, có ngọn bút chỉ thẳng lên trời. Trên thân tháp đề 3 chữ lớn Tả Thanh Thiên (viết lên trời xanh). Sau cổng có nghiên mực và cầu Thê Húc (ánh mặt trời mọc đỗ xuống) màu đỏ. Đền Ngọc Sơn quay hướng nam. Trước mặt là “Trấn Ba Đình” (đình trấn sóng) hai tầng tám mái, là nơi ngồi bình thơ. Qua một sân nhỏ vào đền chính. Đây là một kiến trúc có tường hồi bít đốc được chạm trổ khá kỹ với trúc, mai, tùng… Bộ cửa chạm thủng tứ linh rất đẹp mang ý nghĩa Dịch học (rồng lớn cùng cửa với rùa nhỏ, cánh bên trái là phượng và lân trong thế đối xứng). Đền còn nhiều nhang án phượng hạc và đồ thờ quý – Nguyễn Văn Siêu có công tu tạo đền (năm 1865).”

Cầu Thê Húc và Đền Ngọc Sơn (Ảnh chụp khoảng những năm 1905 – 1908)

Đến đầu những năm 1950, trong thời gian Hà Nội tạm bị chiếm, “vào dịp Tết Nguyên đán (Nhâm Thìn 1952), do quá nhiều người tập trung trên cầu Thê Húc để vào đền Ngọc Sơn nên cầu bị sập”, kiến trúc sư Nguyễn Ngọc Diệm đã thiết kế lại, “vừa giữ được dáng vẻ truyền thống, kết cấu gỗ, nâng cao dáng vòng cung, làm cầu thêm uyển chuyển, mềm mại, lại rất thông dụng, khoảng không gian mặt nước lớn hơn, thuận lợi cho các cuộc biểu diễn thể thao, đua thuyền, lướt ván vẫn thường diễn ra trên mặt nước hồ Hoàn Kiếm những ngày lễ, Tết”.

Bởi vậy, nếu dựa trên niên đại của bức tranh “Đền Ngọc Sơn” chúng ta đang thấy ở đây là năm 1952, cùng kết cấu và độ cong của cây cầu Thê Húc được vẽ trong tranh – thì chúng ta có thể suy đoán rằng: Nhiều khả năng đây là cảnh đền Ngọc Sơn với cây cầu đã được kiến trúc sư Nguyễn Ngọc Diệm thiết kế lại.

Người vẽ bức tranh sơn mài trên đĩa này là một họa sĩ có một tiểu sử khá đặc biệt: ông Trần Phúc Duyên.

Ông Trần Phúc Duyên sinh năm 1923 ở Hà Nội. Nguyên quán làng Phượng Dực, Phú Xuyên, Hà Tây (nay thuộc thành phố Hà Nội).

Từ năm 1942, ông học tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, khóa 16, cùng khóa với Võ Lăng, Đinh Minh, Lê Phả, Quang Phòng, Phan Thông… bị dở dang do Trường phải giải thể vì Nhật đảo chính Pháp (ngày 9 tháng 3 năm 1945). Sau đó, Trần Phúc Duyên mở xưởng vẽ ở 146 Avenue de Grand Buddha (đường Quán Thánh), có thời gian làm việc cùng Nguyễn Tiến Chung. Từ 1954, ông sang Pháp, tham dự bổ túc nghề nghiệp tại Trường Mỹ thuật Paris (xưởng họa Jean Soverbie). Từ 1968, ông chuyển sang sống ở Thụy Sĩ, và mất ở Thụy Sĩ vào năm 1993. Ông sống độc thân, không lập gia đình, dành cả cuộc đời phụng sự hội họa. Lúc sinh thời, ông có tới 16 triển lãm cá nhân ở châu Âu, đồng thời là họa sĩ Việt Nam duy nhất sống ở châu Âu đã theo đuổi tới cùng nghệ thuật vẽ tranh sơn mài với nhiều nghiên cứu, tìm tòi cá nhân độc đáo.

Họa sĩ Trần Phúc Duyên tại Triển lãm Lugano – Thụy Sỹ năm 1967

Lâu đài Jegenstorf – nơi Trần Phúc Duyên sinh sống và sáng tác từ năm 1968 – 1993

Ngược dòng lịch sử thì có lẽ chúng ta khó có thể xác định được ai là người đầu tiên đã vẽ cảnh và người bên hồ Hoàn Kiếm. Bức tranh có niên đại sớm nhất vẽ về đề tài này hiện có thể xác định được chính là bức bình phong sơn mài bốn tấm “Bên hồ Hoàn Kiếm” của Nguyễn Gia Trí, vẽ vào khoảng 1943-1944, sau đó lưu lạc sang Pháp, và mới gần đây được đưa vào một bộ sưu tập nghệ thuật tư nhân ở Indonesia.

Trong bức tranh này, Nguyễn Gia Trí vẽ bảy thiếu nữ, một thiếu phụ cùng một bé gái, tất cả đều mặc áo dài, đang đứng, ngồi bên bờ hồ Hoàn Kiếm vào một buổi ráng chiều có cây liễu rủ phất phơ trong gió, xa xa ẩn hiện ngôi đền Ngọc Sơn và tháp Rùa, “làm gợi nhớ đến cái thanh thoát của một phác thảo kiểu Pháp thế kỷ 18 và cái ma lực thanh xuân của một Botticelli”.

Hơn 10 năm sau, cùng trong năm 1957, Nguyễn Sáng lại có tranh sơn mài “Thiếu nữ bên hồ Gươm”, và đặc biệt Nguyễn Tư Nghiêm có tranh sơn mài “Đêm giao thừa bên hồ Gươm”, một tác phẩm mang tính chất của một luận đề chính trị, thể hiện hình ảnh của mọi tầng lớp xã hội ở Thủ đô sau cuộc cải tạo công thương nghiệp dưới chế độ mới.

Và ba tác phẩm đó có thể coi như những tác phẩm vẽ về đề tài hồ Gươm (hồ Hoàn Kiếm) đáng nhớ nhất.

Khác với Hà Nội thời kỳ trước 1945 (với Nguyễn Gia Trí) và Hà Nội thời kỳ sau 1954 (với Nguyễn Sáng hoặc Nguyễn Tư Nghiêm), những năm 1950 đầu tiên ở Hà Nội là một giai đoạn lịch sử khá đặc biệt, khi người Pháp đang từng bước mưu đồ áp dụng ở nước ta một công thức chính trị thực dân kiểu mới, và càng ngày càng sa lầy trước cuộc kháng chiến của nhân dân ta trước khi chịu thất bại hoàn toàn ở mặt trận Điện Biên Phủ. Một số phố xung quanh hồ Gươm có thời gian đã bị đưa vào khu vực thiết quân luật nghiêm ngặt. Cái vẻ yên bình bề ngoài của Hà Nội khi ấy thực ra đang ẩn chứa ở bên trong những cơn sóng ngầm của một sự thay đổi lớn sắp tới.

Bởi vậy, một cái nhìn có phần trầm tư, tìm cảm hứng trong quá khứ và phong cảnh thiên nhiên của người họa sĩ như ở bức tranh “Đền Ngọc Sơn” mà chúng ta đang thấy ở đây âu cũng là điều dễ hiểu.

Thực ra đây chỉ là một trong khá nhiều bức tranh của Trần Phúc Duyên sáng tác về đề tài này và trong thời kỳ này. Ông đã vẽ ngôi đền Ngọc Sơn ở nhiều góc độ, nhiều trạng thái ánh sáng, trong nhiều thời điểm trong ngày hoặc theo mùa. Nhưng nếu nói vẽ theo bố cục tròn, trên một cái đĩa nhỏ, thì đây có lẽ là bức duy nhất của Trần Phúc Duyên hiện được biết, đồng thời nó cũng là một tác phẩm rất đặc trưng cho phong cách vẽ sơn mài của ông, trong sự kết hợp cả hai kỹ thuật: sơn mài cổ điển đồng nhất và sơn mài sáng.

Chỉ trên một diện tích nhỏ nằm gọn trong một chiếc đĩa đường kính 29cm mà vẫn bao quát được hết cái quy mô rộng lớn của cảnh vật đến từng chi tiết như vậy thì quả là người vẽ thực có tài quan sát và cách thể hiện tinh vi. Tính đột ngột của trang trí đã được đưa vào một cách khá tự nhiên qua những vệt lớn khoáng đạt của thân cây và những cành phượng vĩ đang nở hoa, lại có thêm một cành phượng hướng hút vào trong khiến cho không gian tranh càng thoáng đãng và sống động.

Ở đây, chất vẽ vừa được thể hiện bằng nét bút “trực tiếp”, vừa bằng những nét đồ họa “gián tiếp”, vừa bằng kỹ thuật mài – tạo nên những hiệu quả phong phú về sáng-tối, ẩn-hiện, nóng-lạnh, trong-đục: một cách thể hiện sơn mài căn bản mà độc đáo rất “Trần Phúc Duyên”, khó lẫn với bất kỳ một ai khác.

Ở khóa 16 (1942-1945) của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương có hai họa sĩ về sau sang định cư ở châu Âu là Trần Phúc Duyên và Võ Lăng. Cho dù đều hướng tới mục tiêu hòa giải hai truyền thống nghệ thuật Đông-Tây, nhưng con đường nghệ thuật của hai ông lại rất khác nhau: Võ Lăng thì vẽ sơn dầu theo phong cách hậu ấn tượng; Trần Phúc Duyên thì vẽ sơn mài, đi từ phong cách cổ điển lãng mạn đến thủy mặc-trừu tượng, và đặc biệt Trần Phúc Duyên hầu như chỉ xoay quanh các đề tài quê hương Việt Nam như phong cảnh thiên nhiên, chùa chiền, nhất là cuộc sống-sinh hoạt nông thôn đồng bằng Bắc Bộ.

Nếu trong hội họa sơn mài người ta thường nhắc tới hai “phông” cơ bản là đỏ hoặc đen, thì Trần Phúc Duyên đã đóng góp thêm cho sơn mài một nền phông đặc biệt khác. Đó là phông vàng, không phải vàng kim, không phải phủ hoàn kim, cũng không hẳn vàng bột Nhật, mà là một thứ phông vàng có phần còn bí ẩn của riêng Trần Phúc Duyên.

Trước đây ở nước ta, Trần Phúc Duyên chủ yếu được biết đến qua hai tác phẩm: một bức chân dung thiếu nữ vẽ bằng sơn dầu (thuộc sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam) và một bức sơn mài vẽ ba thiếu nữ mặc áo dài đi trên đồng lúa. Ông cũng là tác giả của một số bức tranh lụa.

Từ khoảng hơn 10 năm trở lại đây, qua các nguồn tư liệu khá dồi dào và qua các bộ sưu tập nghệ thuật tư nhân, đặc biệt các bộ sưu tập tư nhân ở trong nước, công chúng yêu nghệ thuật Việt Nam mới càng ngày càng được biết nhiều hơn về Trần Phúc Duyên và hội họa của Trần Phúc Duyên, một họa sĩ Việt Nam-Á Đông có tâm hồn thuần khiết và nhãn quan độc đáo.

Bài viết bởi Nhà Phê bình Mỹ thuật Quang Việt

Bản quyền thuộc về Viet Art View

 

Chia sẻ:
Back to top