“Rủ nhau xem cảnh Kiếm Hồ
Xem cầu Thê Húc, xem chùa Ngọc Sơn
Đài nghiên Tháp Bút chưa mòn
Hỏi ai xây dựng nên non nước này”.
Thực ra đây chỉ là một trong khá nhiều bức tranh của Trần Phúc Duyên sáng tác về đề tài này và trong thời kỳ này. Ông đã vẽ ngôi đền Ngọc Sơn ở nhiều góc độ, nhiều trạng thái ánh sáng, trong nhiều thời điểm trong ngày hoặc theo mùa. Nhưng nếu nói vẽ theo bố cục tròn, trên một cái đĩa nhỏ, thì đây có lẽ là bức duy nhất của Trần Phúc Duyên hiện được biết, đồng thời nó cũng là một tác phẩm rất đặc trưng cho phong cách vẽ sơn mài của ông, trong sự kết hợp cả hai kỹ thuật: sơn mài cổ điển đồng nhất và sơn mài sáng.
Chỉ trên một diện tích nhỏ nằm gọn trong một chiếc đĩa đường kính 29cm mà vẫn bao quát được hết cái quy mô rộng lớn của cảnh vật đến từng chi tiết như vậy thì quả là người vẽ thực có tài quan sát và cách thể hiện tinh vi. Tính đột ngột của trang trí đã được đưa vào một cách khá tự nhiên qua những vệt lớn khoáng đạt của thân cây và những cành phượng vĩ đang nở hoa, lại có thêm một cành phượng hướng hút vào trong khiến cho không gian tranh càng thoáng đãng và sống động.
Ở đây, chất vẽ vừa được thể hiện bằng nét bút “trực tiếp”, vừa bằng những nét đồ họa “gián tiếp”, vừa bằng kỹ thuật mài – tạo nên những hiệu quả phong phú về sáng-tối, ẩn-hiện, nóng-lạnh, trong-đục: một cách thể hiện sơn mài căn bản mà độc đáo rất “Trần Phúc Duyên”, khó lẫn với bất kỳ một ai khác.