Logo loading

ĐIỀU THÚ VỊ TRONG NHỮNG BỨC TRANH CỦA VERMEER

Điều ẩn giấu dưới bề mặt những bức tranh của họa sĩ người Hà Lan, cái nhìn sâu sắc hơn về tác phẩm của ông. Nhân sư của Delft là một biệt danh phù hợp cho Johannes Vermeer, họa sĩ của Hà Lan thế kỷ 17, mặc dù nổi tiếng rầm rộ nhưng rất ít […]
|Viet Art View

Điều ẩn giấu dưới bề mặt những bức tranh của họa sĩ người Hà Lan, cái nhìn sâu sắc hơn về tác phẩm của ông.

Nhân sư của Delft là một biệt danh phù hợp cho Johannes Vermeer, họa sĩ của Hà Lan thế kỷ 17, mặc dù nổi tiếng rầm rộ nhưng rất ít người thực sự biết đến ông. Số lượng tác phẩm của ông không lớn, chỉ 35 hoặc 36 còn tồn tại, tuy nhiên trong nhiều thế kỷ từ khi ông qua đời năm 1675, chúng đã khơi dậy niềm đam mê, suy đoán và phân tích dường như vô tận.

Nhà sử học nghệ thuật người Pháp Théophile Thoré-Bürger đã đặt biệt danh ‘Nhân sư’ cho Vermeer vào thế kỷ 19. Thoré-Bürger đã đưa Vermeer đến gần hơn với hiểu biết của công chúng. Mặc dù thành công vừa phải trong cuộc đời, Vermeer đã bị coi là lỗi thời ngay sau khi ông mất. Biệt danh ‘Nhân sư’ mô tả cảm giác bí ẩn, hiện đại một cách kỳ lạ, thậm chí cả tính văn học trong tác phẩm của ông.

Tranh của Vermeer mô tả những cảnh tưởng như đơn giản- một người phụ nữ đọc thư bên cửa sổ, một cô hầu đang rót sữa, một buổi học nhạc- tuy nhiên trực giác của Thoré-Bürger cho rằng họ đang giữ những bí mật, những câu chuyện chưa được tiết lộ. Qua nhiều thế kỷ, các nhà bảo tồn, nhà khoa học, giám tuyển, các nhà sử học nghệ thuật… đã phát hiện ra bí ẩn, những kỹ thuật cực kỳ khéo léo mà Vermeer đã sử dụng, cũng như những thay đổi kinh ngạc trong tranh của ông.

Artnet nêu ra một vài câu chuyện yêu thích của họ, những gì đã cho phép họ nhìn tác phẩm của Vermeer theo một cách hoàn toàn mới.

MỘT CUPID ẨN TRONG MONG ƯỚC

Johannes Vermeer, Cô gái đọc thư bên cửa sổ mở (1657-59). © Gemäldegalerie Alte Meister, Staatliche Kunstsammlungen Dresden. Ảnh: Wolfgang Kreische.

‘Cô gái đọc thư bên cửa sổ mở’ (1657-59) hoàn thành quá trình phục hồi trong năm 2021, sau nhiều thế kỷ, một bí mật đã được tiết lộ.

Bức tranh mô tả một phụ nữ trẻ đứng đọc thư dưới ánh sáng từ cửa sổ đang mở. Quá trình phục hồi đã làm lộ ra một bức tranh vẽ thần Cupid, vị thần của tình yêu, treo trên bức tường sau nhân vật chính.

Các học giả đã biết về sự tồn tại của Cupid trong tác phẩm từ 40 năm trước, và họ tin rằng Vermeer đã tự mình che giấu hình ảnh đó. Tuy nhiên các nghiên cứu hiện tại chỉ ra rằng lớp sơn được thêm vào sau khi Vermeer qua đời, thậm chí là vài thập kỷ sau đó.

Hình ảnh thần Cupid giẫm chân trên chiếc mặt nạ- biểu tượng của sự giả tạo, có lẽ là một bức tranh mà Vermeer sở hữu, nó xuất hiện trong ba tác phẩm khác của ông. Nó gợi ý về tính chất lãng mạn, thậm chí là không được phép của bức thư- việc gửi và nhận thư được coi là khá liều lĩnh vào thời đại đó.

MỘT CAMERA OBSCURA CÓ THỂ CUNG CẤP MANH MỐI

Johannes Vermeer, Sĩ quan và cô gái đang cười. Bộ sưu tập Bảo tàng Frick.

Khi nói đến Vermeer, những gì ẩn giấu có thể được tiết lộ như những gì đang có trên mặt tấm toan. Tia X đã chiếu sáng một loạt các thay đổi bối cảnh, tuy nhiên việc không có những nét vẽ bên dưới, hoặc phác họa mô tả cho phần bắt đầu của những bức tranh, đã khiến nhiều người tự hỏi phải chăng Vermeer vẽ với sự trợ giúp của một camera obscura [một thiết bị tiền thân của máy ảnh]. Tia X cho thấy Vermeer bỏ qua quá trình sơn lót, ông đã dùng sơn trực tiếp, như thể ông đuổi theo các hình ảnh.

Nghệ sĩ người Mỹ Joseph Pennell lần đầu tiên đề xuất khả năng này vào năm 1891, khi ông lưu ý rằng nhân vật nam trong ‘Sĩ quan và cô gái đang cười’ của Vermeer có kích thước gần gấp đôi so với cô gái đối diện — một tỷ lệ mang tính nhiếp ảnh hơn là do phối cảnh của họa sĩ. Vài năm trước, trong cuốn sách của mình- ‘Dấu vết của Vermeer’, tác giả Jane Jelley đã thử nghiệm giả thuyết này, dàn dựng các thí nghiệm nhằm khám phá chính xác Vermeer có thể đã sử dụng camera obscura như thế nào. Kết quả giống nhau một cách đáng kinh ngạc.

Những bức ảnh chụp X-quang gần đây hơn của ‘Cô gái đeo bông tai ngọc trai’ dường như càng củng cố thêm độ tin cậy cho giả thuyết này. Lớp sơn nền của tác phẩm, được làm bằng sơn chứa chì khác biệt với phần còn lại, tiết lộ rằng điểm sáng trên viên ngọc trai và mắt cô gái đều có hình cầu hoàn hảo- còn gọi là hình lỗ kim- khi Vermeer vẽ lần đầu. Những chi tiết này đã thay đổi trong quá trình ông phát triển bức tranh.

CÔ GÁI ĐEO BÔNG TAI NGỌC TRAI CÓ LÔNG MI, VÀ BÔNG TAI CỦA CÔ CÓ THỂ LÀ ĐỒ GIẢ

Johannes Vermeer, Cô gái với bông tai ngọc trai, 1665-1666

Một kiệt tác của Thời kỳ hoàng kim Hà Lan, ‘Cô gái đeo hoa tai ngọc trai’ đã khơi dậy vô số cách giải thích (thậm chí cả một bộ phim) khiến nhiều người suy ngẫm về danh tính của người phụ nữ trẻ thanh thoát trong bức tranh. Một số người lập luận rằng người phụ nữ được coi là một hình mẫu lý tưởng hoặc nguyên mẫu của cái đẹp hơn là một người cụ thể. Các nhà sử học đã chỉ ra rằng nền đen trống rỗng, cũng như việc cô gái không có lông mày hoặc lông mi là những dấu hiệu cho thấy bức tranh không phải là “của thế giới này” mà giống như một ý tưởng điêu khắc.

Bất kể ý định của Vermeer là gì, vào tháng 4 năm 2020, bảo tàng Mauritshuis ở Hague đã sử dụng các công cụ mới để tiết lộ rằng Vermeer thực sự đã vẽ những chiếc lông mi mỏng manh, sau đó chúng bị mờ đi. Và khoảng tối trống rỗng đằng sau cô gái? Ban đầu, nó là một bức màn màu xanh lá cây.

Đáng ngạc nhiên hơn, các nghiên cứu của bảo tàng cho thấy chiếc bông tai cô gái đeo có thể là đồ giả. Trong blog mô tả chi tiết các nghiên cứu, Abbie Vandivere, chuyên gia bảo tồn của Mauritshui [Bảo tàng] đã viết rằng nó thậm chí không phải là một viên ngọc trai. “Các chuyên gia trang phục và trang sức tin rằng nó quá lớn để có thể là đồ thật,” cô viết. “Có lẽ Vermeer đã phóng to nó lên một chút, làm cho nó trở thành tâm điểm của bức tranh… Ở độ phóng đại cao, bạn sẽ thấy Vermeer đã vẽ viên ngọc trai đó chỉ bằng một vài nét chì trắng.”

BẢN ĐỒ TRONG TRANH ÔNG MANG NHỮNG Ý NGHĨA CÁ NHÂN

Johannes Vermeer, Nghệ thuật hội họa (1666-67). Bộ sưu tập Bảo tàng Kunsthistorisches, Vienna.

Bản đồ treo tường là đồ vật trang trí phổ biến trong nội thất Hà Lan thế kỷ 17, điểm tự hào của một quốc gia thương mại nhiều ảnh hưởng. Chúng được đưa vào các bức tranh chỉ đơn giản là thêm đặc sắc cho những bức tường trống. Bản đồ của Vermeer thì khác, ở đó có sự nhạy bén và chi tiết của một người chuyên vẽ bản đồ.

Thoré-Bürger gọi nỗi ám ảnh chi tiết của Vermeer là ‘chứng cuồng bản đồ’. Một số bản đồ của Vermeer thậm chí đã được xác định. Trong cả ‘Người phụ nữ mặc áo xanh đọc thư’ (1663) và ‘Sĩ quan và cô gái đang cười’ (1657), Vermeer đưa vào một bản đồ do Balthasar Florisz van Berkenrode thiết kế năm 1620 và được in bởi Balthasar Jansz Blaeu. Bản đồ có khả năng thuộc sở hữu của Vermeer và có thể là dấu hiệu cho một khía cạnh khác trong cuộc sống của ông: để có thêm thu nhập cho gia đình, Vermeer điều hành một cửa hàng — nơi ông bán, cùng với những thứ khác, những tấm bản đồ được săn lùng.

NGƯỜI TÌNH ĐÃ MẤT?

Johannes Vermeer, Cô hầu đang ngủ (1657). Được phép của Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan.

Hầu gái là đối tượng của nhiều chuyện tầm phào dâm đãng ở châu Âu thế kỷ 17. Ở Hà Lan, những bức tranh mô tả việc đến và đi phóng đãng của những người phụ nữ này đã trở thành câu chuyện đạo đức hoặc một thể loại tục tĩu. Một trong những bức tranh đầu tiên của Vermeer thuộc thể loại này- ‘Cô hầu đang ngủ’ (khoảng 1656-57), một phụ nữ trẻ đang ngủ trên bàn, cạnh một ly rượu. Chiếc bàn lộn xộn gợi ý một cuộc truy hoan nào đó, cũng như đã có một ly rượu thứ hai bị đổ mà giờ đã được che khuất.

Trong phiên bản cuối cùng, bức tranh không mang tính định hướng cụ thể vào câu chuyện mà chỉ phản ánh đam mê của Vermeer với ánh sáng và phối cảnh. Tia X đã cho thấy ban đầu Vermeer để một hình người đàn ông ở ngưỡng cửa, có lẽ ông đã bỏ đi vì đó là một phần quá rõ ràng. Như hay thấy với tranh Vermeer, những gì ông che giấu là những gì lộ liễu nhất.

Nguồn: Artnet News

Lược dịch bởi Viet Art View

 

Chia sẻ:
Back to top