Logo loading

ĐÔI ĐIỀU ĐẶC BIỆT VỀ BỨC TRANH LỤA “LE GOÛTER” CỦA ALIX AYMÉ

ALIX AYME (1894-1989). Bữa xế, khoảng 1940. Mực, màu nước và bột màu trên lụa; Chữ ký ở góc dưới bên phải và tiêu đề ở mặt sau; Tác phẩm được thể hiện trong khung tranh dát vàng dưới kính được chế tác bởi họa sĩ; Kích thước tương đối: 50×75,5 cm; Xuất xứ: Bộ […]
|Viet Art View

ALIX AYME (1894-1989). Bữa xế, khoảng 1940. Mực, màu nước và bột màu trên lụa; Chữ ký ở góc dưới bên phải và tiêu đề ở mặt sau; Tác phẩm được thể hiện trong khung tranh dát vàng dưới kính được chế tác bởi họa sĩ; Kích thước tương đối: 50×75,5 cm; Xuất xứ: Bộ sưu tập tư nhân, Đông Nam nước Pháp.

 

Alix Aymé là một tài năng hội họa vô cùng đa tài. Bà có một cuộc sống nhiều trải nghiệm từ châu Âu đến châu Á. Từ nước Pháp (quê hương), Trung Quốc, Việt Nam, Lào là nơi bà sống trực tiếp; đến Nhật bản, Campuchia, Sri Lanka là nơi bà đã đi tới thăm. Mỗi nơi đều cho bà những tư liệu phong phú cho sáng tác của mình.

Bà có nhiều phẩm chất quý giá của một người sáng tạo nghệ thuật. Tài năng qua mỗi thời kỳ, ở mỗi chất liệu, mỗi bút pháp tạo hình đều đạt được thành tựu. Trong sự nghiệp sáng tác đồ sộ, trải dài trong suốt đời mình bà đã sáng tác hàng nghìn bức tranh trên các chất liệu như sơn dầu, lụa, sơn mài…

Với tranh lụa và tranh sơn dầu bà đều có những tác phẩm xuất sắc. Đặc biệt, bà sáng tạo, sử dụng nhuần nhuyễn chất liệu sơn mài phương Đông truyền thống trong việc xây dựng các tác phẩm hội họa.

Tạo hình các nhân vật nữ Việt trong tranh của Alix rất phong phú. Đề tài xoay quanh sinh hoạt đời sống hàng ngày của phụ nữ Việt. Các chủ đề như lao động, nghỉ ngơi, khỏa thân. Chân dung bé gái, thiếu nữ, mẹ và bé… tất cả đều khắc họa đậm nét phong cảnh, con người Việt.

 

Trà chiều. Sơn mài. Khoảng 1935-1940. 50×69 cm. Nguồn: Aguttes.

 

Trong chủ đề nghỉ ngơi, thư giãn, Alix Aymé lấy cảm hứng từ các “buổi trà chiều” châu Âu thế kỷ 18; từ những “bữa xế” trước giờ cơm chiều của người Việt Nam… để xây dựng bối cảnh.

Ngày 2.6.2023, tại Aguttes, bức tranh lụa “Le goûter – Trà chiều/Bữa xế”, lụa, 50×75,5cm, sáng tác khoảng 1940, sẽ được đấu giá. Bức tranh mô tả hai thiếu nữ An Nam với tạo hình đang “uể oải, trầm tư khi nghỉ ngơi” bên khung cửa sổ có tấm rèm voan trắng, voan đỏ. Trên chiếc bàn là trà (café) chuối, hoa… mà chúng ta thường thấy trong chủ đề nghỉ ngơi trong tranh Alix.

Điểm đặc biệt trong bức lụa “Le goûter” là khung tranh được chế tác bởi chính Alix. Nó được làm bằng kính, có hoa văn bằng màu, được vẽ bằng chất vàng vật lý… Theo Phạm Hoàng Việt: “Phải chăng Alix đã dùng kỹ thuật vẽ dưới kính với hỗn hợp nhiều chất liệu – như kỹ thuật vẽ tranh kiếng của người Hoa. Kỹ thuật này có thể các nghệ sĩ Pháp được học trong trường.”

Phạm Hoàng Việt cho biết thêm: “Trong quá trình quan sát thị trường tác phẩm đấu giá của các nghệ sĩ ở Châu Âu, anh có thấy mặt bàn được định giá khá cao 40.000 – 60.000 EUR của Takis (Panayiotis Vassilakisc, Hy Lạp, 1925-2019) vẽ dưới kính bằng hỗn hợp nhiều chất liệu: muội than, thủy tinh, đá cẩm thạch và mạt kim loại…”

Chỉ một bức tranh lụa cùng với khung tự chế tác mà Alix dùng chất vàng vật lý vẽ cùng màu trên kính, kết hợp sử dụng lụa phương Đông, tạo hình phương Tây, chủ đề nữ Việt… có thể thấy sự đa dạng, phong phú với những kết hợp linh hoạt trong việc sử dụng các phương tiện từ ngôn ngữ đến chất liệu của Alix.

Ngoài bức tranh lụa này, Alix còn sáng tác bức “Le goûter”, khoảng 1935-1940 (AlixAyme.com), chất liệu sơn mài.

Trong bài viết “Alix Aymé” của tác giả Phạm Lê mô tả về những hồi tưởng của Alix Aymé giai đoạn này: “Từ khoảng năm 1930, qua việc nghiên cứu các quy trình và kỹ thuật sơn mài, Trường Mỹ thuật Hà Nội, đã giúp mang lại sức sống mới cho nghệ thuật sơn mài ở Đông Dương. Chất liệu tuyệt đẹp và tinh khiết này làm say lòng họa sỹ…”

… Đây là thời “Có thể chắc chắn rằng Alix dạy tại trường trong năm 1935 – 1937 vì trong Niên bạ hành chính Đông Dương, tên của bà được ghi trong phần Đại Học Đông Dương năm 1935 (lúc này trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Đông Dương vẫn là một phần của Đại Học Đông Dương) và Trường Mỹ Thuật năm 1936 và 1937.”

Từ 1931, bà ở Việt Nam, sống hạnh phúc với người chồng thứ hai là Trung tá Georges Aymé (anh ruột của nhà văn nổi tiếng Marcel Aymé, tác giả của “Người đi xuyên tường”…). Kể từ đây giới nghệ thuật biết bà với cái tên là Alix Aymé. Đây là thời kỳ sáng tác sung sức của bà khi bắt đầu khám phá chất liệu sơn mài.

Như vậy, có thể thấy Alix là một trong những họa sĩ nghiên cứu sơn mài tiên phong được lĩnh hội đầy đủ chất liệu từ Âu sang Á. Chất liệu nào cũng làm bà say mê, nghiên cứu và có thành tựu.

Cùng một chủ đề trên hai chất liệu khác nhau cũng là một điều lý thú để cho người yêu nghệ thuật so sánh khi thưởng thức bởi mỗi một chất liệu đều có ngôn ngữ và vẻ đẹp riêng của nó. Nhất là khi bà là một nữ họa sĩ châu Âu duy nhất làm việc và sáng tác ở Việt Nam. Không những thế lại trên chất liệu sơn mài và lụa. Hai chất liệu đặc trưng được yêu mến của Mỹ thuật Việt Nam.

Khoảng 5-7 năm trở lại đây, các tác phẩm của bà lên giá dần đều. Nhất là sau khi tiểu sử cùng các sáng tác của bà ngày càng được đưa lên nhiều phương tiện truyền thông. Tranh của bà ngày càng được yêu mến trong các phiên đấu giá.

Với khung tranh kính tự chế tác, kết hợp kỹ thuật cả Âu lẫn Á rất đặc biệt thì Nhà đấu giá Aguttes đặt mức giá khởi điểm từ 80-120k EUR cho “Le goûter”. Bởi chỉ cần một điểm khác biệt cũng khiến cho bức tranh trở nên có giá trị hơn nhiều…

Sự “sáng tạo, tính mới, tính độc bản” là giá trị cốt lõi tạo nên lịch sử nghệ thuật, giá trị nghệ thuật và nhiều giá trị gia tăng sau nữa…

 

Món ăn vặt. 1935. Sơn dầu. 73×92 cm. Nguồn: Aguttes.

 

Hoa lay ơn. 1935. Sơn dầu. 79.5×62 cm. Nguồn: Aguttes.

Bài viết của Viet Art View

Bản quyền thuộc về Viet Art View

Chia sẻ:
Back to top