Từ Aguttes
Ngày 2.6.2023 phiên đấu “Họa sĩ Châu Á, những tác phẩm quan trọng” của Nhà đấu giá Aguttes đã khép lại. Bà Charlotte Aguttes-Reynier – Giám đốc Nghệ thuật chuyên gia của Aguttes thông tin:
“Tuần lễ châu Á mới đây đã lại một lần nữa thu hút sự chú ý của đông đảo các nhà sưu tầm lớn và những người yêu nghệ thuật quốc tế, từ Trung Quốc tới Mỹ, với tổng giá trị giao dịch đạt 2,4 triệu euro. Phiên đấu giá Nghệ thuật châu Á ngày mùng 1 tháng 6 đã ghi nhận những cuộc đấu giá ngoạn mục, đặc biệt là xung quanh các tác phẩm điêu khắc bằng đồng với chủ đề phật giáo trong khi tại phiên đấu giá Họa sĩ châu Á, các Tác phẩm quan trọng, được tổ chức vào ngày mùng 2 tháng 6, các tên tuổi như Lê Phổ, Alix Aymé, Mai Trung Thứ, Vũ Cao Đàm hay Henry Vollet lại một lần nữa khơi gợi hứng thú cho các nhà sưu tầm.
Mặc dù người mua đấu giá ngày càng cẩn trọng và thể hiện yêu cầu cao đối với các phiên đấu giá, nhưng từ nhiều tháng qua, chúng tôi có thể nhận thấy sự đa dạng của các nhóm khách hàng”.
Trên thực tế, với 55 lot; trong đó đã bán được 27 lot; 28 lot đã pass thì phiên đấu được đánh giá ở mức độ trung bình. Tuy nhiên, tổng giá trị toàn phiên vẫn đạt 2,4 triệu euro. Trong đó, riêng bức tranh lụa của Lê Phổ, “Sur la terrasse- Trên sân thượng”, khoảng 1940, 57 x 38,1cm đã được bán với giá 641.600 eur. Bức thứ hai,“Femme au balcon – Trên ban công”, khoảng1935, lụa, 29,5 x 22,8 cm cũng của Lê Phổ bán với giá 195.000 euro (đã bao gồm thuế).
Lê Phổ (1907-2001). Trên sân thượng. Khoảng 1940. Mực và màu trên lụa, ký góc trên bên trái. 57×38,1 cm. Đã bán: 641.600 EUR.
Lê Phổ (1907-2001). Thiếu phụ bên ban công. Khoảng 1935. Mực và màu trên lụa, ký tên ở góc trên bên trái. 29,5×22,8 cm. XUẤT XỨ: Bộ sưu tập tư nhân của một người Pháp từng giữ chức vụ quan trọng tại Đông Dương (mua lại từ nghệ sĩ ở Hà Nội vào đầu những năm 1930); Sau đó được thừa kế bởi thế hệ sau, Pháp. Đã bán: 195.000 EUR.
Trong đó, tác phẩm “Trên sân thượng” nằm trong danh mục triển lãm của ba họa sĩ Đông Dương – Mai Trung Thứ, Lê Phổ, Vũ Cao Đàm tại Algérie với số thứ tự 48 (trên cataloque). Với hòa sắc tinh tế, tạo hình đặc trưng Lê Phổ thời kỳ Romanet-thời kỳ đỉnh cao trong sáng tác của Lê Phổ thì “Trên sân thượng” vẫn đạt mức giá cao. Tuy không đạt giá ước đấu của Aguttes nhưng trong thời điểm thị trường lắng sâu như hiện tại thì đây vẫn là bước giá tốt.
Còn hai bức tranh sơn dầu chủ đề phong cảnh Việt Nam của họa sĩ người Pháp, Henry Emile Vollet (1861-1945) đạt tổng giá trị 67.600 euro (một bức 39.000 và bức kia 28.600 eur) cũng là một bất ngờ bởi mức giá cao. Trên thực tế, tranh của Henry Emile Vollet vẽ phong cảnh Châu Âu được đấu giá ở mức rất nhỏ xinh, chỉ ở mức 300-500 Euro. Cá biệt mới có bức trên 4000 euro.
Henry Emile Vollet, năm 2008, tại Sotheby’s, trong phiên “Modern and Contemporary Southeast Asian Paintings”, ở lot 942, tác phẩm L’examen Des Lettrés À Hué, Annam (The Scholar Examination at Hué, Annam) – Huế, sơn dầu trên toan, 73x86cm đạt mức giá 275,000 HKD – tương đương với 825 triệu đồng
Lật lại các thông tin về giá tranh của Henry Emile Vollet, năm 2008, tại Sotheby’s, trong phiên “Modern and Contemporary Southeast Asian Paintings”, ở lot 942, tác phẩm L’examen Des Lettrés À Hué, Annam (The Scholar Examination at Hué, Annam) – Huế, sơn dầu trên toan, 73x86cm đạt mức giá 275,000 HKD – tương đương với 825 triệu đồng, một con số ấn tượng thời điểm đó. Và cũng trong phiên đấu ấy, các tác phẩm của Lê Phổ và Mai Trung Thứ cũng ở mức tương đương (trừ những bức đặc biệt xuất sắc) như “Quý bà ngồi”, khoảng 1938-1940, 32×24,5cm được bán với mức giá 237,500 HKD tương đương với 712 triệu đồng.
Lê Phổ. Quý bà ngồi. Khoảng 1938-940. Lụa. 32×24,5cm. Giá bán năm 2008 tại Sotheby’s 237,500 HKD tương đương với 712 triệu đồng
Và sau 15 năm, vị thế các tên tuổi cũng như giá trị các tác phẩm đã có sự biến đổi ngoạn mục. Tranh lụa thời kỳ Romanet của Lê Phổ liên tục tăng giá. Còn các bức tranh (có thể coi là) tốt của Henry Emile Vollet cũng chỉ nhỉnh hơn một chút. Nếu so biến động tỷ giá của thị trường sau 15 năm sẽ là sự thụt lùi về giá. Dù trên biểu đồ hiển thị con số vẫn nhỉnh hơn.
Ví dụ như trong phiên đấu của Aguttes, “Trên ban công” tương đương tác giả, thời kỳ, chất liệu, kích thước đã bán 195,000 euro tương đương 4,9 tỷ đồng. Viet Art View chỉ so sánh tương đối về những chi tiết tương đồng, ngoài ra, những gì biểu hiện trên bề mặt tranh mới quyết định mức giá cuối cùng.
Tất nhiên, một số bức tranh do Henry Emile Vollet sáng tác đã bán được giá cao cho chính những người Việt, yêu mến tranh Việt bởi ông đã vẽ về Việt Nam. Vì vậy, những bức tranh này sẽ khó có thể do một nhà sưu tập ở quốc gia khác mua. Điều này chúng ta đã được kiểm chứng qua việc giá tranh của Victor Tardieu, Joseph Inguimberty và đặc biệt là Alix Aymé ngày càng lên…
Đến Bonhams Hongkong
Còn về phiên đấu thú vị tại phiên “Modern & Contemporary Art and Southeast Asian Art” của Nhà đấu giá Bonhams lại có một vị thế khác khi họ đưa tác phẩm nổi bật, hiếm hoi của Nguyễn Phan Chánh – tranh lụa “Về làng”. Ngoài ra, với 13 tác phẩm của họa sĩ Trần Lưu Hậu, đã bán được 9 bức thì con số này là ấn tượng. Và theo một số hiển thị trên các trang mạng của một số nhà buôn nghệ thuật, vài bức trong số đó đã về Việt Nam.
Nguyễn Phan Chánh. Retour au village – Về làng (thị trấn), 1955, ký tên Ng. Phan-chánh, ngày 8-1955; ghi ký tên và ngày 24-3-1959 ở mặt sau; mực và màu trên lụa; 85 x 63cm (33 1/2 x 24 3/4in). Nguồn gốc từ bộ sưu tập của Miklós Rév, mua trực tiếp từ nghệ sĩ năm 1959 tại Việt Nam. Giá bán 271, 000 usd (cả thuế, đổi sang usd tiện tính giá) tương đương 6,5 tỷ đồng.
Lý giải trong phiên khi có nhiều tranh của Trần Lưu Hậu và một họa sĩ thành danh thập kỷ 90 – thời kỳ đổi mới chúng ta có thể quay ngược lại thời điểm những năm 1990, 2000 sẽ thấy khi Việt Nam mở cửa, các gallery tràn ngập tranh của những họa sĩ tiêu điểm thời đó. Khách nước ngoài bắt đầu vào Việt Nam nhiều hơn, nhu cầu về một kỷ niệm ở Việt Nam là rất nhiều. Và sau hai, ba thập kỷ, các bức tranh đó từ từ được đưa lên sàn đấu. Và giá bán cũng phần nào đó tương đương ở Việt Nam.
Trần Lưu Hậu (1928-2020). Tĩnh vật hoa. 2006. Acrylic trên toan. 78×89 cm. Giá bán 230,400 HKD tương đương gần 700 triệu đồng
Chắc sẽ có bạn yêu nghệ thuật thắc mắc: “Vậy tại sao không mua ở Việt Nam, việc gì phải sang nước ngoài mua cho đắt, lại phải trả lắm thuế phí, làm giàu cho tư bản?”. Viet Art View xin chia sẻ suy nghĩ của một vài chuyên gia nghệ thuật, phụ trách mảng nghệ thuật châu Á – họ cho rằng “Pháp (và một số nước châu Âu) là nơi lưu giữ nhiều nhất các tác phẩm nghệ thuật của mỹ thuật Việt Nam – bởi lịch sử đã tạo ra điều ấy…và tranh của họ có giá trị nghệ thuật tự thân thực sự”.
…Và phần quan trọng không kém khiến “Người chơi tranh thực thụ” mất lòng tin từ chính một số dealer nghệ thuật có vốn kiến thức kém cỏi, tầm nhìn hạn hẹp, tự phụ cá nhân, không trung thực… làm những việc không hay.
Và một vài nhà đấu giá khác
Còn trong phiên đấu của một nhà đấu giá ở Đức, bức sơn mài, “Thiếu nữ đọc sách” của Huỳnh Văn Gấm, sáng tác 1960, đạt mức hơn 1,1 tỷ đồng cũng là một trong những lưu ý thú vị.
Huỳnh Văn Gấm. Thiếu nữ đọc sách, 1960, sơn mài. 48.5×32.5 cm. Giá bán tương đương 1,1 tỷ đồng
Theo quan điểm riêng của Viet Art View, xét về giá trị lịch sử, giá trị tạo hình, giá trị nghệ thuật, độ hiếm quý của “Thiếu nữ đọc sách” còn có thể phải đạt mức giá cao hơn nữa. Bởi, nếu hiểu rõ vị thế, vị trí sáng tạo nghệ thuật của Huỳnh Văn Gấm xuyên suốt lịch sử của Mỹ thuật Việt Nam từ 1925 đến thời điểm hiện tại sẽ tự mình có câu trả lời thỏa đáng.
Trong phiên đấu bức “Thiếu nữ đọc sách”, cũng không ít người tham gia đấu, nhưng đều bỏ không theo lên cao nữa bởi họ chưa thật sự thích thú bức tranh này. Có thể họ vẫn thích bộ tứ Đông Dương, thích những gì quý phái, mỹ miều, lãng mạn mang tinh thần Indochine trong đó. Vì thế, mà người đấu giá thắng “Thiếu nữ đọc sách” đã rất vui mừng vì không phải trả quá nhiều thuế phí cho Nhà đấu giá (lên đến 33% giá trị chốt đấu).
Và một điều Viet Art View chắc chắn rằng, nếu có giao dịch kế tiếp (ở Việt Nam) bức tranh này sẽ có giá rất cao. Nhưng hiện tại, người đấu thắng đã quyết định giữ bức tranh ở lại trong Bộ sưu tập của riêng mình…
Vài lời chia sẻ…
Thị trường nghệ thuật đa phần đang chững lại, lắng xuống do kinh tế đang giảm sút, do bất ổn về thời cuộc. Giá tác phẩm đang đi đúng giá trị thực tế tự thân của mình. Nhưng những bức tranh đẹp, quý vẫn có thể bán được ở mức giá tốt.
Còn nhiều lắm, các nghệ sĩ đang ngày ngày say mê sáng tác những tác bức tranh vẫn đang phải vật lộn với cơm áo gạo tiền. Tương lai sẽ ra sao, như thế nào, tại sao thị trường chưa có nhiều niềm tin khi sưu tập đương đại mà vẫn phải luôn dựa vào những gía trị đã được định hình qua năm tháng.
Điều này, Viet Art View sẽ xin được viết tiếp ở những bài sau…
Bài viết bởi Viet Art View
Bản quyền thuộc về Viet Art View