Hoàng Hữu Vân (sinh 1982). Dòng sông hát. 2021. Sơn mài. 90×150cm
Khởi nguồn của “Dòng sông hát”
Năm 2001, Hoàng Hữu Vân ra Hà Nội học và lập nghiệp. Từ 2002, anh sống tại bờ bên kia của sông Hồng. Ngày ngày, đạp xe qua cầu Long Biên sang phố đi học, đi làm.Đó là một hành trình gian nan, vất vả, nhiều trải nghiệm của một thanh niên mới lớn chỉ có trái tim nhiệt huyết và khát vọng của tuổi trẻ.
Vì vậy, với Hoàng Hữu Vân, sông Hồng và cầu Long Biên như những người bạn tri kỷ vô hình mà lại rất hữu hình; hai hình ảnh ấy luôn hiện diện trong tâm trí; trở thành chủ đề yêu thích trên các sáng tác của anh.
Sông Hồng – cái nôi văn minh Lạc Việt
Với người Việt, chỉ cần nghe hai từ “sông Hồng”, tâm trí đã hiện lên hình ảnh dòng sông mềm mại tựa như một dải lụa đào màu gạch non, tô điểm thêm cho màu xanh tươi mát mênh mang của đồng bằng Bắc Bộ.Sở dĩ mặt sông có màu đặc trưng ấy bởi dòng chảy mang trong mình nặng trĩu phù sa với muôn vàn dưỡng chất nuôi sống cỏ cây, vạn vật, kiến tạo nên nền văn minh sông Hồng.
Đầu nguồn sông Hồng bắt đầu từ một dòng suối nhỏ, nơi xa tít trên dãy núi cao phía Bắc, bên kia biên giới. Chảy qua rất nhiều tỉnh thành trước khi đổ ra biển… Đoạn chảy qua Hà Nội của sông Hồng, gắn liền trong ký ức nhiều người Việt bởi sự hiện diện của cầu Long Biên.
Cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX, người Pháp đã xây dựng cầu. Hai kiến trúc sư người Pháp là Henri Daydé và Auguste Pillé được giao cho thiết kế, xây dựng, dựa trên sức lao động của người bản địa.
Tấm biển ghi tên hãng Daydé et Pillé trên cầu Long Biên. (Nguồn ảnh: vsteel.vn)
Cầu Long Biên khi đang được thi công. (Nguồn ảnh: Home.vn)
Cách đây hơn một thế kỷ, kể từ khi có cầu Long Biên, Hà Nội dường như đẹp hơn. Lịch sử, văn hóa Hà Nội có thêm điểm nhấn đi vào văn, thơ, nhạc, họa…
Thông điệp “Dòng sông hát” và câu chuyện của phù sa
“Dòng sông hát” của Hoàng Hữu Vân không chỉ đơn thuần diễn tả sự reo vui của lòng người, mà còn là khúc hoan ca của tâm hồn, hàm chứa trong đó câu chuyện cá nhân, sự biết ơn những trải nghiệm đã qua trong cuộc sống…
Lúc này, nội hàm giá trị tác phẩm của anh đã được định vị được trên những bức tranh sơn mài đẹp lộng lẫy, chủ đề sâu sắc, kỹ năng hoàn thiện tỉ mỉ, tinh tế, công phu….
Trong quá trình hoàn thiện một bức tranh sơn mài, ngoài trăn trở trong chủ đề, kỹ lưỡng trong tạo hình thì việc làm chủ chất liệu là điều người nghệ sĩ luôn hướng tới.
Bề mặt “Dòng sông hát” là một hòa sắc lộng lẫy của chất vàng vật lý. Dưới nhiều lớp sơn chồng tỉ mỉ, kỹ lưỡng, như từ sâu thẳm, đôi chỗ sắc vàng huyền diệu li ti lấp lánh hiện lên, rồi lại nhòa đi, tan đi.
Lúc thấy sắc vàng ấy phảng phất óng ánh dưới lớp màu xanh – nếu dùng để diễn tả mặt nước. Lúc lại ẩn hiện dưới gam đỏ, nâu diễn tả mặt đất dưới lớp phù sa. Bầu trời cũng óng ả hòa sắc vàng, bởi chúng phản chiếu những gì bên dưới.
Tất cả những chi tiết ấy nhằm kể câu chuyện của thiên nhiên, được diễn tả dưới thông điệp của biểu tượng phù sa; trải qua hàng triệu năm, mang dinh dưỡng theo từng lớp lớp sóng vỗ đôi bờ, kiến tạo sự sống cho muôn loài.
Hình ảnh cây cầu Long Biên như nối liền ký ức xưa và nay. Nếu có thể ví chiều dài cầu như đời người, thì mỗi nhịp cầu là một giai đoạn trong cuộc sống.
Với Hoàng Hữu Vân, nhịp cầu gian khó để trưởng thành có thể đã để lại trước đó. “Dòng sông hát” là trái tim hoan ca của anh… Đó cũng là sự biết ơn, sự tri ân cuộc sống của nghệ sĩ… dù chỉ là những gì đang diễn ra trong tự nhiên.
Cuộc đời con người cũng vậy. Kiên nhẫn làm việc trong vất vả, gian khó để hiểu được giá trị của cuộc sống; như triệu triệu con sóng cần mẫn đẩy phù sa vào bờ…
Tự nhiên luôn là như thế. Ngàn đời đã qua và ngàn đời sau cũng vậy.
Bài viết bởi Viet Art View
Bản quyền thuộc về Viet Art View