Ngọc Thọ (1925-2016).1990. Sơn dầu trên toan. 100x160cm. Sưu tập tư nhân, Hà Nội
Vạn vật trong thiên nhiên đều không vô tình được sinh ra. Từ cỏ cây đến loài vật, và đỉnh cao là con người. Mỗi một thực thể đều có đời sống riêng, tự thân tạo nên những giá trị khác biệt, để tồn tại và phát triển.
Khi người tối cổ xuất hiện trên trái đất, phải trải qua rất nhiều nghìn năm biến đổi thích nghi, tạo nên các chủng tộc, nền văn hóa, tôn giáo khác nhau.
Song song với sự phát triển của các nền văn minh, con người nhận ra rằng “mọi sự vật hiện tượng luôn luôn có mâu thuẫn nhưng thống nhất với nhau, không ngừng vận động, biến hoá để phát sinh phát triển, tiêu vong”. Học thuyết âm dương ra đời dựa trên sự vận hành đó.
Triết lí âm dương của người Á Đông là sản phẩm tinh hoa được trừu tượng hóa từ “ý niệm và ước mơ của cư dân nông nghiệp về sự sinh sản của hoa màu và con người”.
Sau đó, triết lý ấy đi vào đời sống nghệ thuật một cách tự nhiên.
Đi vào văn hóa dân gian
Ở Việt Nam, từ Thế kỷ XVII, các nghệ nhân dân gian dòng tranh Đông Hồ đã sáng tác tranh “Lợn ăn cây ráy”, “Lợn đàn”; hoặc tên gọi nôm “Tranh đàn lợn âm dương”. Hình ảnh lợn mẹ, lợn con hồng hào, mũm mĩm no tròn, trên mình có xoáy âm dương, thể hiện “nguyện ước về cuộc sống ấm no hạnh phúc và sự sinh sôi phát triển”, ăn sâu trong tiềm thức nhiều thế hệ người Việt.
Chuyển mình với Mỹ thuật Hiện đại
Từ 1925, khi có nền mỹ thuật hiện đại Việt Nam, các nghệ sĩ dựa vào quan niệm về triết lý sống và vốn cổ tạo hình dân tộc, sáng tạo những chủ đề mang bản sắc văn hóa riêng.
Năm 1939, Nguyễn Gia Trí sáng tác tranh sơn mài “Dọc mùng”, mặt kia là “Thiếu nữ trong vườn”, một trong bảy tác phẩm “bảo vật quốc gia” của Việt Nam. Bức tranh rất nổi tiếng, mỗi khi nhắc đến nó, chỉ cần dùng hai từ “Dọc mùng” là đủ.
Điều này cho thấy, “dọc mùng”, một loại thực vật bình thường, mộc mạc, không quý hiếm nhưng thân quen, gắn với ký ức nhiều người… Nhưng khi được nghệ sĩ sáng tạo rất có ý thức về hình thức, về nội dung, về chất liệu… đã nâng tầm tác phẩm trở thành “biểu tượng” của giá trị nghệ thuật bởi chính tài năng của họ.
Bởi sáng tác của người nghệ sĩ là thông điệp cuộc sống được gửi gắm từ chính tâm hồn họ.
Hội họa của Ngọc Thọ
Trên thực tế, từ khóa tìm kiếm Ngọc Thọ còn khá khiêm tốn; chưa là cái tên có sức hút rộng so với một số họa sĩ cùng khóa Tô Ngọc Vân (1955-1957) như Vũ Giáng Hương, Nguyễn Thụ, Trần Thanh Ngọc, Nguyễn Sỹ Tốt, Phạm Công Thành, Trần Hữu Chất, Đỗ Hữu Huề…
Về cơ bản, hội họa của Ngọc Thọ được xây dựng trên nền tảng ngôn ngữ tạo hình hiện đại, dù hiện thực hay biểu hiện, trừu tượng đều giàu tính hình tượng, hàm chứa nhiều cảm xúc cá nhân cần được giải phóng.
Ngọc Thọ có xu hướng thể hiện trong tác phẩm một tầm mắt rộng lớn, bao quát. Dù là tổ hợp phong cảnh hay một tĩnh vật đơn giản; tạo hình kỹ lưỡng hay buông lỏng nhưng luôn toát lên khí chất hào sảng, phóng khoáng, bay bổng, vọng ước… được chuyển hóa tạo hình vào hòa sắc, các mảng màu lớn-nhỏ, đường viền lớn, chắc, đan xen linh hoạt.
Một số con giống trong 12 con giáp, được dân gian ví cho sức mạnh hình thể, thông minh bản tính như hổ, trâu (bò tót), ngựa, dê… Dù tạo hình ở trạng thái nào cũng luôn độc lập, vững chãi, tạo biểu tượng chính, trong một khuôn khổ tranh (dù lớn hay nhỏ).
Ngọc Thọ (1925-2016).1990. Sơn dầu trên toan. 100x160cm. Sưu tập tư nhân, Hà Nội
Trải qua quá trình sáng tác nhiều thập kỷ, từ năm 1957 đến những năm 2003, hội họa Ngọc Thọ luôn giàu cảm xúc và năng lượng. Từ sơn dầu đến sơn mài đều có thành tựu.
Sau nhiều trăn trở và kiếm tìm về ngôn ngữ từ hiện thực, Ngọc Thọ chuyển dần đến miền trừu tượng, giải phóng năng lượng ở riêng trong mảng hình với sắc màu rực rỡ.
Khi song hành giữa chất liệu sơn dầu và sơn mài, Ngọc Thọ đã khẳng định ngôn ngữ tạo hình đặc trưng riêng cơ bản của mình ở một tầm cao mới. Chúng được kiến tạo giữa hồi tưởng lịch sử, ký ức trải nghiệm cá nhân, đời sống hiện tại nhìn dưới con mắt Á Đông, bao hàm triết lý âm dương làm nền tảng.
Từ đây, hình thành rõ hệ tư tưởng trong sáng tác hội họa Ngọc Thọ, lấy phong cách, bút pháp của các trường phái hiện đại như Ấn tượng, Biểu hiện, Trừu tượng làm chủ đạo trên ý thức về bản sắc văn hóa Việt, đẫm mình trong triết lý phương Đông. Bộc lộ rõ tính nhân văn qua những tác phẩm đầy cảm xúc hướng tới cái đẹp.
Tư tưởng, thông điệp tác phẩm “Dưới nắng hanh vàng”
Trước một bức tranh, con mắt người xem sẽ lướt qua, thu nhận hình ảnh, màu sắc để chuyển đến não xử lý và lưu trữ. Nếu gây ấn tượng thị giác, con mắt và não tiếp tục soi chiếu, phân tích kết hợp những tư liệu đã lưu trữ trong miền nhớ để cảm nhận.
Thực tế cho thấy rằng, để hiểu rõ vẻ đẹp trong một tác phẩm nghệ thuật, đọc được “nội tâm” của nó chưa bao giờ là điều dễ dàng.
Trong bức tranh sơn dầu này, Ngọc Thọ tập trung khắc họa một vạt khoai nước. Chỉ là những cây khoai nước thôi (có thể là khoai môn) mà ông đã sáng tác tới ba bức. Hai bức chất liệu sơn dầu, sáng tác năm 1990 (khác gam màu và một chút về bố cục) và một bức sơn mài (phát triển trên bản gốc bức tranh Viet Art View giới thiệu ở đây) do Ngọc Thọ và vợ ông – họa sĩ Yên Hòa cùng hoàn thiện năm 1993.
Theo quan niệm phổ biến, xu hướng lấy các loài cây, loài hoa đẹp đẽ trong tự nhiên để ví von hay ám chỉ hành vi trong cuộc sống như: Cây bồ đề tượng trưng cho sự giác ngộ, linh thiêng; Hoa sen tượng trưng cho thanh cao…
Còn cây khoai nước, vốn đã không được thiên nhiên ưu ái vẻ đẹp hấp dẫn, lại bị lấy bản chất tự nhiên (vốn có của loài) để ám chỉ hành vi (không tốt) của con người – “nước đổ lá khoai” – hàm ý những lời dạy bảo khuyên can đều không có tác dụng gì.
Vậy, chắc chắn vì một lý do nào đó, Ngọc Thọ mới sáng tác cùng một chủ đề “khó” trên ba bức tranh khác nhau. Không những thế, đều có khuôn khổ lớn, từ một mét đến gần hai mét, được tạo hình đẹp, tỉ mỉ, kỹ lưỡng, công phu. Phải chăng ông yêu mến loài cây này, nhận thấy vẻ đẹp và giá trị của chúng trong đời sống.
Những vạt khoai nước dưới “nắng hanh vàng” chính là “miền nhớ” các ký ức tươi đẹp của Ngọc Thọ từ thời thơ bé. Nó thấp thoáng trong tâm trí ông và chưa bao giờ mất đi.
Tuổi thơ của ông và rất nhiều người bao gồm ký ức đến loài cây thân thuộc này. Đến tận khi trưởng thành rồi vẫn nhìn thấy nó ở nhiều nơi. Đi vào đời sống tự nhiên, sâu sắc, trở thành một tín hiệu hình ảnh nằm trong não bộ.
Loài cây này không đẹp, nhưng từ xa xưa lắm, nó đã rất có ích trong đời sống xã hội của người Việt. Không những thế, chúng thường sống ở những nơi khiêm nhường, không cần chăm bón, mọc hoang dã…với sức sống bền bỉ, dẻo dai.
Những ưu thế ấy, xét trên “tâm thế của bất cứ thực thể” nào, từ con người đến cỏ cây, chắc chắn đều được yêu mến.
Và đó chính là hệ chân lý tốt đẹp “khiêm nhường, giản dị, có ích” trong quan điểm người phương Đông. Chúng xứng đáng dành cho sự thương mến và trân trọng.
Ngọc Thọ là người nghệ sĩ có tư duy sâu sắc khi chọn hệ tư tưởng phương Đông làm quan điểm chủ đề. Vì vậy, ông mượn “tính tốt đẹp của loài khoai nước”, qua đó diễn tả “tâm thái” của cá nhân mình. Chỉ là hình ảnh “một vạt khoai nước dưới nắng hanh vàng” nhưng đó là cảm xúc cá nhân, sự đồng cảm và cả lòng biết ơn nghệ sĩ trước những kiến tạo tốt đẹp từ thiên nhiên ban tặng. Vì thế, ông sáng tác với sự đồng cảm, tình cảm sâu sắc nên bố cục, tạo hình, hòa sắc, các chi tiết đều được hoàn thiện ở mức độ cao, phù hợp với bút pháp, phong cách hiện đại, mạnh mẽ mà ông theo đuổi.
“Mọi vật trong thiên nhiên đều không vô tình được sinh ra. Chúng tồn tại trên thế gian này đều có lý do của nó”.
Loài khoai nước tưởng chừng như nhỏ bé, “khiêm nhường, giản dị, có ích”, đem hạnh phúc đến cho đời sống xã hội nên được trân trọng và thương mến. “Tính khiêm nhường, tử tế” là thông điệp nhân văn mà Ngọc Thọ muốn bày tỏ đến cuộc sống này.
Hiểu được điều ấy là hiểu được giá trị cốt lõi của cuộc đời.
Bài viết bởi Viet Art View
Bản quyền thuộc về Viet Art View