Logo loading

FRANCIS PICABIA: ‘CHÂU CHẤU CỦA NGHỆ THUẬT ĐƯƠNG ĐẠI’

Francis Picabia trong studio tại Paris, trên đại lộ Charles Floquet, 1912. Photo: © Granger / Bridgeman Images. Tác phẩm: © ADAGP, Paris and DACS, London 2022 Họa sĩ người Pháp không ngừng nghỉ, đóng góp một phần không nhỏ thiết lập các phong trào nghệ thuật quan trọng nhất thế kỉ 20 — và vẫn […]
|Viet Art View

Francis Picabia trong studio tại Paris, trên đại lộ Charles Floquet, 1912. Photo: © Granger / Bridgeman Images. Tác phẩm: © ADAGP, Paris and DACS, London 2022

Họa sĩ người Pháp không ngừng nghỉ, đóng góp một phần không nhỏ thiết lập các phong trào nghệ thuật quan trọng nhất thế kỉ 20 — và vẫn như vậy, nhanh chóng tiếp tục tìm kiếm điều mới mẻ

Một ngày nọ vào năm 1909 — hoặc có lẽ là 1908 — đứa con trai sinh ra tại Paris của một nhà ngoại giao Cuba, Francis Picabia, đứng trước một mảnh bìa trắng, nhỏ, có kích thước 45 × 61 cm. Người họa sĩ đã dành 5 năm để vẽ những cảnh theo trường phái Ấn tượng về những mái nhà, bờ sông của Paris và tương đối thành công. Nhưng ngày hôm đó, anh quyết định làm một điều gì đó khác biệt.

Đưa cọ lên giấy, bôi các mảng màu nhanh chóng và một vài đường cong màu đen quét qua, anh ta đánh dấu một loạt các khối có vẻ ngẫu nhiên, có màu bùn, xếp chồng lên nhau.

Kết quả là — Caoutchouc, hiện tại được lưu giữ ở Pompidou Centre — một tạo tác quan trọng: Picabia đã vẽ ra tác phẩm được coi là bức tranh trừu tượng đầu tiên trong câu chuyện nghệ thuật phương Tây, khoảng bốn năm (hoặc hơn) trước khi Wassily Kandinsky được nhiều người biết đến đã bứt phá khỏi các hình mẫu thông thường.

 Cuối con đường của nghệ thuật tượng hình

Trừu tượng đã tồn tại trong tâm trí của Picabia từ khi còn nhỏ, rất lâu trước khi ông có thể tìm ra cách thể hiện nó một cách trực quan. Khi còn là một cậu bé, người ông của họa sĩ đã thúc giục ông từ bỏ hội họa để chuyển sang nhiếp ảnh. “Có thể chụp được phong cảnh, nhưng không phải những hình thức mà cháu có trong đầu,” ông đã trả lời như vậy.

Francis Picabia (1879-1953) ‘Jeune fille’ 1912. Sơn dầu trên toan. 39⅜ × 31⅞ in (100 × 81 cm). Đã bán với giá £504,000 ngày 1 tháng ba 2022 tại Christie’s London

Đến năm 1907, mặc dù đã có một triển lãm thành công với tranh phong cảnh, Picabia rõ ràng vẫn đang vật lộn để tìm ra một phong cách phù hợp với tầm nhìn của mình. Ông bày tỏ rằng một họa sĩ “phải thể hiện cảm xúc mà bản chất đã khiến anh ta cảm thấy, với mối quan tâm ít nhất về mặt kỹ thuật”. Ông nói, để đạt được mục tiêu của mình, ông cần phải phá bỏ hoàn toàn các quy ước về hình ảnh bằng cách vẽ ra “những phát kiến thuần túy tái tạo thế giới của các hình thức theo ý muốn và trí tưởng tượng của riêng nó”.

Ngay cả sau khi tạo ra bức tranh màu nước nhỏ đó vào năm 1909, ông vẫn không chắc chắn về ý định của nó. Ông đã mất vài năm để giải quyết việc đặt tên cho nó là Caoutchouc, có nghĩa là “cao su”. Nó được lấy cảm hứng từ cuốn sách Impressions d’Afrique [Ấn tượng châu Phi] của Raymond Roussel, xoay quanh một cây cao su mục nát báo hiệu sự kết thúc của dòng dõi hoàng đế. Picabia, trước đây, đã tuyên bố Caoutchouc là điểm cuối của nghệ thuật tượng hình.

 Sáng tạo không ngừng

Tuy nhiên, Caoutchouc không phải là di sản duy nhất của Picabia. Thay vào đó, khả năng thiên phú của ông đối với nghệ thuật là một sự nghiệp đặc trưng bởi hoạt động sáng tạo không ngừng. Bạn của ông, Marcel Duchamp từng nói, oeuvre [công việc, tác phẩm] của Picabia là “một seri kính vạn hoa những trải nghiệm nghệ thuật”.

Francis Picabia (1879-1953) ‘Geai bleu’ 1938-1939. Sơn dầu trên ván. 41⅝ × 32 in (105.6 × 81 cm). Đã bán với giá £327,600 ngày 1 tháng ba 2022 tại Christie’s London

Picabia sinh năm 1879 tại Paris. Tài sản của cha ông đảm bảo cho gia đình một cuộc sống sung túc, nhưng không thoát khỏi bi kịch: khi họa sĩ bảy tuổi, mẹ của ông — một phụ nữ Pháp, Marie Cécile Davanne — mất vì bệnh lao.

Khi còn là một cậu bé, Picabia đã sao chép các bức tranh của ông mình, trước khi hoán đổi chúng và bán bản gốc. “Khi không ai để ý, tôi đã phát hiện ra thiên hướng của mình,” ông nói.

Sau khi theo học tại trường Ecole des Arts Décoratifs [Trường Nghệ thuật trang trí] ở Paris dưới sự hướng dẫn của họa sĩ lịch sử Fernand Cormon, ông trở thành một người theo trường phái Ấn tượng, kết hợp các phong cách của Monet, Pissarro và Sisley. Một số nhà phê bình gọi ông là “họa sĩ phong cảnh bậc thầy”, nhưng trong khi những người cùng thời với ông vẽ en plein air [ngoài trời], Picabia sao chép các bức tranh của ông từ bưu thiếp, khiến những người khác cho rằng chúng thiếu chân thật.

Francis Picabia (1879-1953) ‘Nu debout’ khoảng 1924-1928. Cắt dán giấy, bút lông, mực, bút chì trên giấy. 14⅛ × 12⅜ in (35.7 × 31.5 cm). Đã bán với giá £32,760 ngày 4 tháng ba 2022 tại Christie’s London

Dã thú, Lập thể và Dada

Sau một thời gian ngắn thử nghiệm chủ nghĩa Dã thú, sử dụng bảng màu phong phú của Matisse để vẽ bờ biển và tĩnh vật nước Pháp, ông chuyển sang chủ nghĩa Lập thể. Năm 1911, cùng với Duchamp, Robert Delaunay và Fernand Léger, ông liên kết với Section d’Or, một tập thể có chung sở thích về hội họa hình học. Tuy nhiên, sự bùng nổ của Chiến tranh thế giới thứ nhất đã kết thúc các hoạt động của họ.

Picabia đã thực hiện một số chuyến đi đến New York từ năm 1913 đến năm 1915. Tại đây, ông từ bỏ chủ nghĩa Lập thể và — cùng với Duchamp và Man Ray — phát triển phong trào nghệ thuật hư vô Dada, phong trào bác bỏ logic và lý trí để phản ứng lại sự tàn bạo của chiến tranh. Ông đã thành công với Portraits Mécaniques của mình, trong đó các cơ thể được biến hình thành các pít-tông và máy bơm, trưng bày tại gallery 291 của Alfred Stieglitz; ông cũng đóng góp cho tạp chí cùng tên.

Tuy nhiên, đến năm 1916, Picabia trở lại châu Âu, đầu tiên là ở Barcelona, sau đó là Paris và Zurich, nơi ông tìm cách điều trị chứng nghiện (rượu và thuốc phiện) và ý định tự tử.

Chủ nghĩa Siêu thực, Satie, và mì ống trên toan

Năm năm sau, Picabia lên án Dada, chuyển trọng tâm sang phong trào mới của chủ nghĩa Siêu thực. Ông xuất hiện trong bộ phim siêu thực năm 1924 của René Clair: Entr’acte, bắn đại bác từ sân thượng — một cảnh cũng được xem là đoạn nghỉ giữa chừng trong vở ba lê Siêu thực của Picabia, với âm nhạc của Erik Satie.

Francis Picabia (1879-1953) ‘Tête de faune’ 1934-1935. Sơn dầu trên toan. 21⅞ × 18⅛ in (55.5 × 46 cm). Đã bán với giá £81,900 ngày 1 tháng ba 2022 tại Christie’s London

Trong suốt những năm 1920 và 1930, phong cách của Picabia dường như thay đổi hàng ngày, nhảy từ trừu tượng, đến tượng hình, và ảo ảnh quang học. Ông cũng thử nghiệm sơn gia dụng, lông vũ và mì ống trên các bức tranh của mình. Lampe, được vẽ ở Paris vào khoảng năm 1923, trong giai đoạn “chống lại người theo chủ nghĩa Dada”, được bán tại Christie’s London vào năm 2016 với giá £ 3,637,000.

Sự đổi mới liên tục là sợi dây kết nối những tác phẩm của ông. Nhà sưu tập và nhà văn người Mỹ Gertrude Stein nói rằng “ông có một ý tưởng mang giá trị to lớn cho mọi thời đại”.

Series “Trong suốt”

Một trong những khám phá nổi tiếng nhất của ông là seri “Trong suốt” đầy ảo ảnh. Gợi nhớ đến phơi sáng nhiều lần trong nhiếp ảnh, những bức chân dung chồng nhau, dường như hội họa Phục Hưng trở thành những bức bích họa Catalan, với một nỗ lực nâng nghệ thuật tượng hình lên đỉnh cao mới.

Francis Picabia (1879-1953) ‘Sans titre’ khoảng 1929-1931. Than củi, bút sáp màu trên giấy. 12¾ × 10¼ in (32.5 × 26 cm). Đã bán với giá £50,400 ngày 4 tháng ba 2022 tại Christie’s London

Seri bắt đầu vào cuối những năm 1920 khi họa sĩ đang sống ở miền Nam nước Pháp, và được hiểu là sự phê phán lối sống phù phiếm của cư dân Côte d’Azur. Picabia giải thích rằng những hình ảnh đó là biểu hiện “khao khát bên trong” của ông, điều mà chỉ ông mới có thể giải mã. Tuy nhiên, chúng đã thành công về mặt thương mại và mang đến cho ông cách sống theo chủ nghĩa khoái lạc của riêng mình với những bữa tiệc xa hoa, cờ bạc, xe hơi và du thuyền.

Francis Picabia (1879-1953) ‘Ligustri’ 1929. Sơn dầu, bột màu, bút lông, mực đen, bút chì trên ván. 59¾ × 37⅞ in (151.5 × 96.2 cm). Đã bán với giá £3,491,250 ngày 5 tháng hai 2020 tại Christie’s London. Tác phẩm: © ADAGP, Paris và DACS, London 2022

Chân dung khỏa thân

Vào năm 1937, tác phẩm của Picabia lại có một bước ngoặt đáng ngạc nhiên khác. Người họa sĩ bắt đầu tạo ra những bức chân dung khỏa thân chân thực, nâng tầm một chủ đề vốn của tạp chí khiêu dâm nhẹ, dùng nét cọ mượt mà, uyển chuyển để bắt chước sự óng ánh của giấy ảnh.

Ban đầu, vẻ đẹp của chúng được so sánh với tranh tuyên truyền của Đế chế thứ ba [Đức Quốc xã], nhưng các học giả ngày nay coi những bức tranh này là tiền đề cho sự lên ngôi của các phương tiện và văn hóa đại chúng trong tác phẩm của Rauschenberg, Warhol và Koons.

Francis Picabia (1879-1953) ‘Adam và Eve’ 1941-1942. Sơn dầu trên ván. 41½ × 29⅝ in (105.5 × 75.3 cm). Đã bán với giá $3,367,500 ngày 17 tháng năm 2017 tại Christie’s New York. Tác phẩm: © ADAGP, Paris và DACS, London 2022

Những năm cuối đời của Picabia lâm vào cảnh sức khỏe tồi tệ, nhưng ông đã làm việc không mệt mỏi, chọn lọc những nguyên tắc mà ông đã góp phần định hình, tạo ra những tác phẩm đồng thời kết hợp và bất chấp siêu thực, trừu tượng hay tượng hình.

Vào mùa xuân năm 1949, để đánh dấu sinh nhật lần thứ 70 của Picabia, Galerie René Drouin ở Paris đã tổ chức một triển lãm hồi tưởng gồm 136 tác phẩm trải dài toàn bộ sự nghiệp của ông. Danh mục, được thiết kế giống một tờ báo, chứa các bài báo và bài thơ của những người bạn của ông, trong số đó có André Breton và Jean Cocteau, được in theo các hướng khác nhau trên khắp trang.

Bốn năm sau, Picabia qua đời. Ông được chôn cất tại nghĩa trang Montmartre.

Trong suốt cuộc đời của mình, tác phẩm của Picabia thường bị hiểu nhầm, có lẽ vì tính chất thoáng qua của nó, tồn tại giữa các dòng chảy, các phong trào nghệ thuật mà ông đóng vai trò quan trọng tạo ra chúng. Ngày nay, ông được nhớ đến với tinh thần vô chính phủ và coi thường quy ước.

Như một nhà phê bình viết vào năm 1928 đã bày tỏ điều đó, “Picabia là con châu chấu của nghệ thuật đương đại, nhảy vọt từ chủ nghĩa này sang chủ nghĩa khác và có một khoảng thời gian rất vui vẻ với việc đó.”

Nguồn: Christie’s

 

 

 

Chia sẻ:
Back to top