Logo loading

“GIA ĐÌNH MỤC ĐỒNG”- KHÚC NHẠC ĐỒNG QUÊ YÊN BÌNH, NO ẤM

Trần Văn Thọ (1917 – 2004). Gia đình mục đồng. Khoảng 1950. Lụa. 45×60 cm Trong bài “Tính lịch sử riêng của nghệ thuật” (Sách “Tiếp xúc với nghệ thuật”, NXB Mỹ thuật, 2009 – tái bản lần hai) của Nhà Phê bình Mỹ thuật Thái Bá Vân viết: “Mục đích của nghệ thuật là […]
|Viet Art View

Trần Văn Thọ (1917 – 2004). Gia đình mục đồng. Khoảng 1950. Lụa. 45×60 cm

Trong bài “Tính lịch sử riêng của nghệ thuật” (Sách “Tiếp xúc với nghệ thuật”, NXB Mỹ thuật, 2009 – tái bản lần hai) của Nhà Phê bình Mỹ thuật Thái Bá Vân viết: “Mục đích của nghệ thuật là kiến thiết tâm hồn con người và hạnh phúc trái đất”.

Đời sống tinh thần đẹp đẽ ấy luôn là những đích hướng về thẩm mỹ của các họa sĩ từ thời cổ đại đến tận ngày nay.

Không nằm ngoài hệ tư tưởng ấy, các họa sĩ Việt Nam luôn lấy đích đến là “cái đẹp”.

Cảnh càng viên mãn, hạnh phúc, thư thái càng cần phải đẹp.

Mời các bạn ngắm nhìn khung cảnh tao nhã, ấm áp, yên bình trong bức tranh lụa tuyệt đẹp “Gia đình mục đồng” của họa sĩ Trần Văn Thọ, sáng tác những năm thập niên 1950 (thế kỷ trước)… mà Viet Art View trân trọng giới thiệu với bạn yêu nghệ thuật lần này.

Nhà PBMT Thái Bá Vân viết tiếp: “Không có một bức tranh đúng, sai, không có một bài thơ tốt, xấu, mà chỉ có một bức tranh đẹp một bài thơ đẹp. Giá trị đạo đức và tư tưởng của nghệ thuật chính là ở chỗ nó tận tụy đi tìm Cái Đẹp, và khi đã đến đẹp, thì chân, thiện đã nằm đầy đủ và hồn nhiên trong đó”.

Chân dung họa sĩ Trần Văn Thọ (1917 – 2004)

Họa sĩ Trần Văn Thọ là một họa sĩ của hiện thực lãng mạn và mơ mộng. Những bức tranh ông sáng tác dù bất cứ đề tài nào cũng đều mềm mại ở nét, duyên dáng ở hình, mộng mơ ở khung cảnh, đẹp đẽ về hòa sắc (dù nóng hay lạnh).

Những bức tranh theo chủ đề mục đồng như “Gia đình mục đồng”; “Em bé chăn trâu”; “Cậu bé thổi sáo”; “Trẻ em chăn trâu thổi sáo”; “Ba đứa trẻ trên cánh đồng”; “Gia đình nông dân”…là một số tác phẩm trong nhiều bức tranh được Trần Văn Thọ sáng tác.

Trong từ điển tiếng Việt định nghĩa: [“Mục đồng” là trẻ chăn trâu (bò) – là tiếng sáo của mục đồng]. Hình ảnh các chú bé mục đồng chăn trâu thổi sáo, cảnh gia đình nông dân sinh hoạt êm ấm hạnh phúc, vui vẻ bên nhau. Hình ảnh chú bé tóc trái đào, đầu che lá sen, ngồi trên lưng trâu thổi sáo, đã trở thành một trong những chủ đề mang tính biểu tượng của dòng “tranh dân gian Đông Hồ”.

Tranh Đông Hồ “Chăn trâu thổi sáo”

Họa sĩ Nguyễn Phan Chánh, người được mệnh danh là “họa sĩ của nâu sồng” cũng đã sáng tác tranh chủ đề đồng quê, chăn trâu, chăn bò.

Cũng với sự nền nã, mịn màng của đặc trưng tranh lụa nhưng tranh của họa sĩ Nguyễn Phan Chánh không dùng nhiều nét, tạo hình tập trung ở các mảng lớn, nhỏ. Và chỉ Nguyễn Phan Chánh mới tạo nên những mảng nét riêng biệt cho ngôn ngữ tạo hình của ông.

Họa sĩ Trần Văn Thọ lấy nhịp điệu của hình của nét, tổ hợp nét, lấy nét làm chủ thể chính. Ông dùng nét to, chắc để phân tách mảng; dùng nét mảnh, ngắn, rung để diễn tả khuôn hình.

Để ngắm bức tranh này, kiến thức hội họa, văn học, lịch sử, nghệ thuật dân gian được tổng hòa thành một mối liên kết.

“Gia đình mục đồng” về cơ bản là một bức tranh mô tả sự viên mãn, hạnh phúc. Tranh khắc họa năm nhân vật gồm người mẹ, ba thiếu niên và một em bé còn nhỏ. Hai thiếu niên tóc để chỏm trái đào đang chơi đùa bắt bướm. Theo truyền thống dân gian, tóc các bé trai còn đang để chỏm trái đào đã thể hiện rõ độ tuổi (chưa đến mười). Một bạn tóc dài (chắc thể hiện nhân vật nữ), đầu đội nón (có thể là mũ bện từ rơm), đang nhắm mắt, say sưa thả hồn thổi khúc sáo du dương. Người mẹ tóc dài như suối, đen nhánh, thướt tha đang ôm chặt em bé trong lòng, làn mi khép hờ lại tận hưởng khúc sáo đồng quê. Em bé ngồi trong lòng mẹ có thể chưa biết đi, thậm chí vẫn đang trong thời kỳ bú sữa mẹ. Nhân vật trung tâm là con trâu đang nằm nhai cỏ với cái đuôi ve vẩy thích thú. Bên cạnh là những bó lúa đã gặt xong, xếp từng lớp. Ngay đó là bình tích đựng nước và cái bát được đặt trên chiếc lá (giống như lá dong). Một thân cây đại với cái gốc xù xì, điểm một vài đốm lá xanh. Hình ảnh cây đại xuất hiện khá nhiều trong các bức tranh của Trần Văn Thọ; đặc biệt tranh có chủ đề dân gian, lễ hội, đình chùa vùng Kinh Bắc quê hương ông.

Trần Văn Thọ (1917 – 2004). Gia đình mục đồng. Khoảng 1950. Lụa. 45×60 cm

Dưới góc độ hội họa, “Gia đình mục đồng” là một bản hòa sắc rực rỡ, ấm nồng của các gam màu tươi. Nét bút dịu dàng, mềm mại, êm ả thanh thoát. Tạo hình nhân vật theo tiêu chuẩn thẩm mỹ cao về vẻ đẹp xinh, thánh thiện.

Dưới góc độ văn học, tâm trạng của các nhân vật đều thảnh thơi, vui chơi tận hưởng thư giãn trong một buổi chiều hè vào mùa gặt, sau một ngày làm việc mệt nhọc trên cánh đồng.

Dưới góc độ lịch sử văn hóa dân gian bức tranh thể hiện một sự viên mãn, hạnh phúc, no ấm của đời sống bình thường, một khúc nhạc đồng quê du dương, hạnh phúc rất dân gian, văn hóa làng xã vùng Kinh Bắc.

Nếu biết tranh của họa sĩ Trần Văn Thọ, biết cuộc đời sự nghiệp của ông và những nơi ông sinh sống thì có thể hiểu rõ bút pháp, ngôn ngữ tạo hình trong bức tranh này.

Toàn bộ bức tranh là âm hưởng của đặc trưng văn hóa dân gian phía Bắc. Từ tạo hình, phục trang nhân vật, chi tiết trang trí đều phản chiếu hình ảnh quê hương Bắc Ninh. Chỉ duy nhất, mái tóc dài của người mẹ mang phong cách tạo hình khu vực phía Nam những thập niên 1950 – 1960 (thế kỷ trước). Lúc đó, mái tóc dài tha thướt cho nhân vật nữ như một biểu tượng được yêu thích. Và khi sáng tác bức tranh này thì họa sĩ đã chuyển vào miền Nam sinh sống.

Dựa vào lối tạo hình nhân vật, dựa vào bảng màu tươi tắn, rực rỡ có thể đoán định bức tranh này được ông sáng tác những năm cuối thập niên 1950.

Năm 1953, ông vẫn còn đang sáng tác những bức tranh mang phong cách tạo hình đặc trưng phía Bắc. Cũng là hình ảnh gia đình với các nhân vật, cũng là con trâu, bụi tre nhưng nó có một hòa sắc trầm, xưa, rất Bắc Bộ.

Trần Văn Thọ là họa sĩ của nhiều trăm tác phẩm tranh lụa, giấy về đề tài thiên nhiên, con người, đời sống, lễ hội Việt thời xưa.

Xem tranh của Trần Văn Thọ, ngắm đường của hình, nhịp của nét, ngắm những khoảng trống đôi khi như bảng lảng sương khói một cách hờ hững luôn có cảm giác như âm hưởng của giai điệu ngân nga vang lên khúc nhạc quê hương.

Giữa cuộc sống đầy bộn bề, lo toan và hối hả của thời đại ngày nay, chỉ cần chút thời gian ngắm nhìn hạnh phúc “Gia đình mục đồng” hiện diện bằng nét, bằng hình, bằng màu… làm dòng nước tưới mát tâm hồn cho những khoảnh khắc yên bình, thư thái…

***

TIỂU SỬ HỌA SĨ TRẦN VĂN THỌ (1917-2004) – Bút danh VĂN THỌ

  • Sinh năm 1917 tại Bắc Ninh
  • Tốt nghiệp Cao đẳng Mỹ thuật Hà Nội (Có thể là trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương)
  • Chuyên về tranh lụa (thủy thái họa)
  • Nhiều lần bày tranh lụa triển lãm tại Hà Nội và Sài Gòn.
  • Trước 1954 sang Campuchia sinh sống và dạy học cùng họa sĩ Nguyễn Văn Quế
  • Từ 1954, dạy chuyên khoa tranh lụa tại Trường Quốc gia Cao đẳng Mỹ thuật Sài Gòn.
  • Sang Pháp định cư năm 1981
  • Trong cuộc đời mình ông đã sáng tác số lượng tranh (lụa, giấy, sơn mài) nhiều trăm bức
  • Mất năm 2004 tại Salon- de- Provence, Pháp.

Bài viết bởi Viet Art View

Bản quyền thuộc về Viet Art View

 

 

Chia sẻ:
Back to top