Logo loading

“GIAI ĐIỆU QUÊ HƯƠNG” MỘT BỨC TRANH LỤA ĐẦY TÌNH CẢM CỦA HOẠ SĨ TÚ DUYÊN (1915 – 2012)

Tú Duyên (1915-2012). Giai điệu quê hương. Khoảng 1960. Lụa. 50×80 cm Nhắc đến họa sĩ Tú Duyên, không thể không nhắc tới hai dấu mốc trong sự nghiệp sáng tác hội họa của ông. Năm 1952, họa sĩ Tú Duyên sáng tác bức tranh “Thà làm quỷ nước Nam”, hay còn gọi là “Trần […]
|Viet Art View

Tú Duyên (1915-2012). Giai điệu quê hương. Khoảng 1960. Lụa. 50×80 cm

Nhắc đến họa sĩ Tú Duyên, không thể không nhắc tới hai dấu mốc trong sự nghiệp sáng tác hội họa của ông.

Năm 1952, họa sĩ Tú Duyên sáng tác bức tranh “Thà làm quỷ nước Nam”, hay còn gọi là “Trần Bình Trọng”, với phương pháp đặc biệt – “thủ ấn họa”. Với kỹ thuật này, họa sĩ Tú Duyên được Việt Nam và thế giới công nhận – ông là người đầu tiên có công cách tân về kỹ thuật in khắc gỗ (Estamp resnové, Woodcut-printing renovation).

Sau đó, bức tranh thủ ấn họa “Trần Bình Trọng” (một trong 17 bản) và bức “Khuyến học”, lụa đã giúp cho Tú Duyên trở thành họa sĩ Việt Nam đầu tiên được một vị tỷ phú Mỹ đến tận nhà riêng (ở Sài Gòn) mua tranh (trước 1975). Vị tỷ phú đặc biệt đó là David Rockefeller.

David Rockefeller (1915-2017) là nhà tỷ phú, là cựu lãnh đạo Ngân hàng Chase Manhattan, là huyền thoại cuối cùng người cuối cùng chứng kiến gia tộc mình đứng trên đỉnh cao về sự giàu có trên toàn thế giới. David chính là cháu nội của tỷ phú dầu lửa Mỹ lẫy lừng John Davidson Rockefeller (1839-1937) – người sáng lập Standard Oil Company danh tiếng. Lúc sinh thời, David Rockefeller có sở thích sưu tầm các con bọ cánh cứng và các tác phẩm hội họa quý giá. Bộ sưu tập của ông bao gồm các tên tuổi lớn như Monet (1840-1926), Matisse (1869-1954), Picasso (1881-1973), Mark Rothko (1903-1970). Những bức tranh được trưng bày khắp các biệt thự mà gia đình ông sở hữu.

Chân dung David Rockefeller (1915-2017)

Ngoài tỷ phú David Rockefeller, ông Adrian L. Jones, chủ nhân của Witness Collection (Malaysia) cũng sưu tập rất nhiều tranh của họa sĩ Tú Duyên.

Theo sách “Tranh khắc gỗ Việt Nam”, Nhà xuất bản Mỹ thuật, 1998, phần giới thiệu của họa sĩ Quang Phòng viết: “Tranh khắc gỗ dân gian Việt Nam, kể từ khi xuất hiện đến nay đã được trên dưới 400 năm, tức là vào khoảng đầu thế kỷ 17 – cùng thời điểm xuất hiện tranh khắc gỗ Nhật Bản (Ukiyo-e). Cả hai nước Việt Nam và Nhật Bản, đều cùng học nghề in tranh khắc gỗ của Trung Hoa”.

Các làng nghề chuyên về tranh khắc gỗ dân gian, phía Bắc có Đông Hồ (Bắc Ninh), Hàng Trống (Hà Nội), miền Trung có làng Sình (Huế).

Từ 1925 với sự ra đời của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, ngoài các chuyên khoa sơn dầu, sơn mài, lụa còn có khắc gỗ.

Năm 1942, “Tập Văn họa Kỷ niệm Nguyễn Du” do Đào Duy Anh biên tập, trình bày bìa Nguyễn Đỗ Cung, minh họa gồm các tên tuổi trong giới Mỹ thuật Việt Nam bấy giờ như Tô Ngọc Vân (1906-1954), Lê Văn Đệ (1906-1966), Nguyễn Gia Trí (1908-1993), Lưu Văn Sìn (1910-1983), Nguyễn Văn Quế (1914 -?), Lương Xuân Nhị (1914-2006), Mạnh Quỳnh (1917-1991) và Nguyễn Văn Tỵ (1917-1992) cùng nhau sáng tác 11 bản khắc gỗ minh họa truyện Kiều trên giấy dó.

Nguyễn Đỗ Cung (1912-1977). Tập văn hoạ kỷ niệm Nguyễn Du

Họa sĩ Tú Duyên tên thật là Nguyễn Văn Duyên, sinh năm 1915 tại Bát Tràng, Gia Lâm, Hà Nội. Ông học bàng thính tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương năm 1935-1938. Cùng học dự bị với ông có Nguyễn Văn Tỵ, Mạnh Quỳnh, Sỹ Ngọc, Hoàng Tích Chù, Nguyễn Thị Kim,… Sở trường của ông là tranh ký họa, minh họa báo. Ông đặc biệt yêu thích tranh khắc gỗ dân gian, tranh lụa.

Chân dung họa sĩ Tú Duyên (1915-2012). Nguồn Witness Collection

Sau khi chuyển vào miền Nam sinh sống, ông đã khai sinh ra loại hình tranh khắc gỗ nghệ thuật qua “kỹ thuật in bằng tay – kiểu in không cần con lăn”.

Vậy, phương pháp sáng tác tranh “thủ ấn họa” trên bản khắc gỗ của Tú Duyên đặc biệt như thế nào mà lại được nhiều yêu mến đến thế? Kỹ thuật thủ ấn họa là gì? Họa sĩ Tú Duyên đã dùng kỹ thuật như thế nào?

Trong sách “Mỹ thuật Đô thị Sài Gòn – Gia Định 1900-1975”, NXB Mỹ thuật, 2014 của họa sĩ Uyên Huy, phần về họa sĩ Tú Duyên viết: “Ông là người có công trong việc nghiên cứu, cải tiến kỹ thuật in khắc gỗ bằng cách khắc ít bản mà in được nhiều màu, khai thác cùng một lúc bản dương (Positive) và bản âm (Négative) trong kỹ thuật thể hiện. Có thể nói ông là người khai thác, phát triển nghệ thuật in khắc gỗ dân gian Việt Nam cho thế giới biết tiếng với hiệu quả đặc biệt khác xưa”.

Trong bài “Từ kỹ thuật in mộc bản cổ truyền đến nghệ thuật ‘thủ ấn họa’ của họa sĩ Trương Văn Ý, nguyên Giám đốc Trường Quốc gia Trang trí Mỹ thuật Gia Định viết: “Với những đầu ngón tay đầy màu của anh thay cho bút cọ, đã tạo cho sắc màu trên bản gỗ trở thành một bức tranh huyền ảo, một mảnh lụa tơ tằm được đặt lên bản màu, dùng tay vuốt nhẹ và thỉnh thoảng ấn mạnh lòng bàn tay một vài chỗ cần thiết, xong gỡ lụa ra đưa sang bản khắc nét đã vô màu và cũng dùng tay vuốt đều trên mảnh lụa cho đến lúc hoàn chỉnh. Xong nhấc tấm lụa lên đặt trên mặt ván phẳng, săm soi và hoàn thiện với triện son và chữ ký một cách trịnh trọng để hoàn tất tác phẩm này.

Khi đã in xong, chờ khô và bồi lên một tờ giấy bản hay giấy báo trắng lớn đủ để căng dính bốn cạnh lên bản gỗ rộng, lòng biên lụa màu khác nhưng phải hòa hợp với tranh hoặc đậm hay lợt để làm nổi bật tác phẩm. Đấy là “thủ ấn họa” trên lụa của họa sĩ Tú Duyên”.

Hệ thống chủ đề trong các sáng tác của Tú Duyên rất đa dạng. Ông gắn bó với tranh khắc mộc bản, phát minh ra phương pháp “thủ ấn họa”. “Ông còn là người chuyên khai thác đề tài văn học dân gian, thi ca, anh hùng dân tộc và âm nhạc thành tác phẩm độc đáo theo cách riêng” (theo Uyên Huy).

Về cơ bản, hệ thống chủ đề trong các tác phẩm của Tú Duyên có:

–  Đề tài lịch sử, anh hùng dân tộc, thể hiện khí phách chống ngoại xâm với các nhân vật: Trần Bình Trọng (1259-1285), Phạm Ngũ Lão (1255-1320), Nguyễn Trãi (1380-1442), Lê Lợi (1385-1433), Phan Thanh Giản (1796-1867), Nguyễn Huệ (1753-1792)…

– Đề tài văn học dân gian có Bộ Kiều (khoảng hơn 50 bức) – Thủ ấn họa, sáng tác năm 1965; Chinh phụ ngâm – Lụa…

– Đề tài văn hóa dân gian với những tác phẩm theo các tích cổ như: Trầu cau, thầy đồ cóc, lễ hội dân gian, mừng thọ, hiếu học, vinh quy bái tổ, vu quy, các trò chơi đồng dao, sinh hoạt dân gian thường ngày…

Ngoài sáng tác tranh theo lối “thủ ấn họa” trên giấy, trên lụa, họa sĩ Tú Duyên sáng tác rất nhiều tranh lụa. Bút pháp, ngôn ngữ, hòa sắc trên các bức tranh lụa của ông mềm mại, dịu nhẹ. Điểm đặc biệt trên tranh lụa của ông là hệ thống nét ảnh hưởng nhiều từ bút pháp tạo nét trên các bản khắc gỗ; nét đen đậm, chắc, vững chãi.

Tú Duyên (1915-2012). Giai điệu quê hương. Khoảng 1960. Lụa. 50×80 cm

Bức tranh “Giai điệu quê hương”, lụa, 50×80cm, sáng tác khoảng thập niên 1960 trong video này có nội dung nằm trong các chủ đề cơ bản của ông.

“Giai điệu quê hương” khắc họa cảnh sinh hoạt dân gian đời thường của người dân thôn quê Bắc Bộ. Bức tranh là một cảnh sắc thiên nhiên, con người, cỏ cây, chim cá vô cùng quyện hòa.

Tạo hình thiếu nữ hái sen, ngồi chơi thong thả giữa đầm sen với tà áo dài, mái tóc dài tha thướt luôn là nguồn cảm hứng cho nhiều thế hệ nghệ sĩ Việt; được thể hiện phong phú từ văn, thơ và đặc biệt là họa. Ngày nay, nghệ thuật nhiếp ảnh đã gần như chiếm lĩnh phần lớn chủ đề này, đi vào đời sống thường ngày.

Các bạn còn nhớ bức tranh lụa “Thiếu nữ hái sen” của họa sĩ Nguyễn Thị Chín với hình ảnh thần tiên, liêu trai, mộng mơ của một thiếu nữ đài các, kiêu sa, sang trọng trong tà áo dài và mái tóc dài như suối.

…thì tạo hình thiếu nữ đang hái sen bên góc hồ dưới bút pháp tạo hình của Tú Duyên lại khác. Người thiếu nữ của họa sĩ Tú Duyên trong “Giai điệu quê hương” là hình ảnh cô thôn nữ Bắc Bộ với trang phục đặc trưng phía Bắc; bên trong áo yếm, bên ngoài áo tứ thân, váy đụp, khăn vuông mỏ quạ.

Nếu họa sĩ Tú Duyên chỉ tạo hình cô thôn nữ đang hái sen ấy thôi thì nội dung của bức tranh không có gì đặc biệt. Nhưng, người thiếu nữ ấy không chỉ có một mình. Bên cạnh cô là một chú chim có bộ lông màu vàng (có thể là chim vành khuyên chăng) đang vươn cao cổ, cái mỏ mở ra như đang hót líu lo hòa ca khúc nhạc về thiên nhiên thật sảng khoái.

Chỉ một hình ảnh chú chim đang hót ấy, người xem đã cảm, thấu được cái tâm tình của họa sĩ. Nó không đơn thuần là nhân vật, được tạo hình bằng nét, bằng màu mà Tú Duyên đã đưa vào đó một câu chuyện, có mối liên quan tương tác giữa các nhân vật. Chú chim nhỏ đứng hót trên chiếc gáo dừa úp lên cái cọc tre. Cô thôn nữ mặt tròn đầy phúc hậu, miệng cười mủm mỉm, ánh mắt đầy trìu mến, ấm áp nhìn chú chim xinh trong khi bàn tay vẫn nhẹ nhàng vươn hái cành sen.

Cảnh sắc quê hương hiện lên thật rõ ràng, gợi lên tình yêu da diết, nằm thẳm sâu trong ký ức những người con xa quê với góc ao đầy sen nở vào mùa hè; vài cành, lá tre sà thấp xuống, đong đưa trong làn gió nhẹ.

Họa sĩ Tú Duyên dùng hòa sắc nhẹ nhàng, dịu dàng của chút gam xanh vàng cho toàn bộ bề mặt tác phẩm. Những nét công-tua đen điêu luyện, mềm mại, bao lấy khuôn hình thật nhẹ, thật ngọt…

Khi ngắm bức tranh, người xem có cảm giác như mình là người họa sĩ đang ngồi trước tấm lụa, dùng tâm thế của tâm hồn, lấy tâm hồn để đưa bàn tay điều khiển nét bút lông êm ả, mượt mà như giai điệu quê hương…

Bức tranh “Giai điệu quê hương” như đang kể câu chuyện cổ tích được dệt bằng màu, bằng nét, thấm đẫm chất dân gian mộc mạc. “Giai điệu quê hương” là mối giao hòa giữa trời và đất, giữa cảnh sắc thiên nhiên, con người và vạn vật… Đây là thông điệp, là tâm ý về tình cảm yêu mến thiết tha ông dành cho quê hương, dành cho nơi ông được sinh ra…

***

Tiểu sử họa sĩ Tú Duyên (Nguyễn Văn Duyên)

  • Sinh ngày 20 tháng 12 năm 1915 tại Hà Nội
  • Mất ngày 3 tháng 5 năm 2012 tại Tp. Hồ Chí Minh
  • Nguyên quán: Bát Tràng, Gia Lâm, Tp. Hà Nội
  • Học bàng thính trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (1935-1938)
  • Hội viên ngành: Đồ họa – Hội Mỹ thuật Việt Nam
  • Năm vào Hội: 1987

Tác phẩm chính:

  • “Thà làm quỷ nước Nam”- 1952. Lụa, thủ ấn họa.
  • “Chẳng tham vựa lúa anh đầy”- 1955. Lụa, thủ ấn họa. 50×80cm;
  • “Bộ Kiều” – 1962. Thủ ấn họa; “Chinh phụ ngâm”- Lụa; “Qua đình ghé nón”- Lụa

Giải thưởng Mỹ Thuật:

  • Giải nhất Mỹ thuật miền Nam 1955

Khen thưởng:

  • Huy chương Vì sự nghiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam năm 1997;
  • Huy chương Vì sự nghiệp Mỹ thuật Việt Nam.

Bài viết bởi Viet Art View

Bản quyền thuộc về Viet Art View

Chia sẻ:
Back to top