Trịnh Hữu Ngọc (1912-1997). Mít và hoa sen. 1989. Sơn dầu. 25x36cm
Năm 2017, cuốn sách “Trịnh Hữu Ngọc – từ những tác phẩm còn lại” của tác giả Trịnh Lữ ngay từ khi phát hành đã tạo nên một làn sóng cảm xúc trong giới yêu mỹ thuật. Làn sóng ấy nhỏ thôi (kể từ ngày sách được xuất bản) nhưng từng lớp sóng cứ dập dìu, liên tiếp vỗ vào thành bờ “lều vịt Hồ Tây”, nơi họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc đã sống, sáng tác suốt 27 năm. Và chắc chắn các lớp sóng ấy sẽ luôn được gió đưa đẩy nhịp nhàng, lâu bền với thời gian, trong mắt những người yêu nghệ thuật, thương mến, trân trọng ông…
Đọc sách mới thấy rõ cuộc đời, sự nghiệp của họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc thăng trầm, với nhiều gian nan. Ông sinh năm 1912 tại phủ Lạng Thương, tỉnh Bắc Giang trong một gia đình nền nếp. Bố là thợ máy tàu thủy xưởng Ba Son – Sài Gòn, thường xuyên theo tàu viễn dương. Mẹ ở nhà nuôi dạy con cái. Các con đều được học tiếng Pháp và quốc ngữ tại trường tiểu học Bắc Giang.
Chân dung họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc (1912-1997)
Mọi người thường biết đến ông với danh xưng Họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc, khóa Đông Dương nhưng không nhiều người biết ông là người sáng lập thương hiệu hãng nội thất lừng lẫy “MÉMO”, những năm 1940-1954.
Logo xưởng đồ gỗ MÉMO
Nhà MÉMO đã thiết kế toàn bộ đồ nội thất gỗ trong tư gia của gia đình ông Trịnh Văn Bô – một nhà tư sản cực kỳ giàu có ở số 48, phố Hàng Ngang, Hà Nội, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sinh hoạt, làm việc và viết bản Tuyên ngôn Độc lập. Hiện nay, ngôi nhà đã trở thành một phần của Bảo tàng Hồ Chí Minh. Lễ đài Tuyên ngôn Độc lập ngày 2/9/1945 cũng được thi công kịp thời bằng gỗ và thợ mộc do nhà MÉMO cung hiến.
Cuộc đời ông trải qua nhiều giai đoạn sóng gió thăng trầm theo các diễn biến của lịch sử đất nước. Từ 1968 đến khi qua đời, ông chọn cách sống, làm việc, sáng tác “tự chiêm nghiệm, thực nghiệm bản thân” theo phong cách Thiền.
Năm 1997, Nhà Phê bình Mỹ thuật Thái Bá Vân đã “tưởng nhớ về sự ra đi” của họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc trong bài “Cái im lặng cao quý” như sau: “30 năm qua, từ khi tai họa chiến tranh ập tới Hà Nội, người Mỹ trút bom xuống ngay cái nhà riêng ở đường Quán Thánh của ông, thì họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc lặng lẽ nhặt mớ phế liệu cuối cùng, đóng bè chèo băng qua Hồ Tây, dựng căn nhà lá ven bờ hồ, sống một mình, vẽ một mình với cỏ cây, mây nước”.
Những dòng viết trên của Nhà PBMT Thái Bá Vân là thời kỳ họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc chuyển sang một giai đoạn mới của cuộc sống. Chính xác là “hai mươi bảy năm bóng nước gương trời” từ năm 1968 đến năm 1995…(theo Trịnh Lữ).
Lều vịt Hồ Tây nơi họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc đã sống và vẽ trong hai mười bảy năm từ 1968-1995. (Ảnh do gia đình họa sĩ cung cấp)
Họa sĩ – dịch giả Trịnh Lữ, con trai thứ (vợ hai) của họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc, tác giả cuốn “Trịnh Hữu Ngọc – từ những tác phẩm còn lại” đã mô tả lại bối cảnh của quãng thời gian chuyển mình ấy của cha mình: “Một ngày nắng đầu hè 1968, họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc, đã gần 60 tuổi, đang cùng một con trai nhặt nhạnh gỗ lạt và sắt thép còn có thể tận dụng được trong khu nhà đổ nát do trúng bom Mỹ của mình tại 108 Quán Thánh, Hà Nội. Bố định làm nhà bằng những thứ này ư? Anh con trai hỏi, giọng nghi ngại. “Ừ, có sao làm vậy con ạ”, ông đáp, “mà thế mới hay. Trời đất tạo dựng tất thảy từ chỗ chả có gì…”. Họa sĩ ngừng tay, ngước nhìn trời rồi nói: “Con nhìn đi, trời vẫn xanh, mây vẫn trắng, nắng vẫn trong vắt đẹp đẽ như thế, muôn đời như vậy, cho nên mình dễ quên…”.
Bức tranh sơn dầu chủ đề “Mít và hoa sen” được họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc sáng tác chính xác ngày 20 tháng 7 năm 1989. Dòng bút tích chính tay ông viết rõ ràng sau mặt lưng của tranh. Bức tranh được đánh số thứ tự 37. Họa sĩ Trịnh Lữ cho biết “cha của ông luôn đánh số tất cả các bức tranh của mình rất khoa học cho tiện việc lưu giữ”.
Mặt sau của bức tranh “Mít và hoa sen”
Năm 1989, một năm đặc biệt cho các sáng tác của họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc. Trong phần viết “Mùa hoa cuối cùng – tỉnh ngộ cuối cùng 1989 -1992” có đoạn: “Năm 1989, hầu như ngày nào cũng đạp xe đi vẽ. Số tranh còn lưu giữ được đã là hơn 200 bức sơn dầu cỡ 25×36cm. Trong toàn bộ cuộc đời đây là năm đi vẽ nhiều tranh nhất – một loạt tranh có tính nhật ký tinh thần rõ rệt; lưu dấu những thăng hoa tinh tế của một cảm thức tự tại buông bỏ mà vẫn vỗ về mọi niềm vui, nỗi buồn, những đi tìm mà không gặp…” (Theo Trịnh Lữ).
Họa sĩ Trịnh Lữ cho biết, hồi đó cha ông sáng tác rất nhiều tranh khuôn khổ này, vì ông có sẵn nhiều bìa carton. Họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc căng sẵn một loạt toan tự chế trên bìa cứng (canvas panel). Đặc tính của “canvas panel” hợp lý với hoàn cảnh hồi đó, thiết kế gọn, tiện lợi di chuyển khi đi vẽ ngoại cảnh.
Như vậy, tác phẩm “Mít và hoa sen” được sáng tác trong thời kỳ “sung mãn nhất”, “năm vẽ nhiều nhất – hơn 200 bức” của Trịnh Hữu Ngọc. Đây là quãng thời gian ông “toàn tâm toàn ý” chỉ sáng tác. Từ 1972 đến 1992, được gọi là “Giai đoạn Hồ Tây – Từ Ấn tượng đến Thiền họa” với các chủ đề: Núi rừng Tây Bắc; Nhà tôi; Làng tôi; Hồ Tây; Phố xá Hà Nội; Đền chùa; Tĩnh vật”. (Theo Trịnh Lữ)
Họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc vẽ tĩnh vật không nhiều. Ông chỉ vẽ tĩnh vật khi thời tiết không được thuận lợi cho việc di chuyển ngoài đường để vẽ ngoại cảnh.
Chủ đề tĩnh vật được ông khắc họa trong tranh thật dung dị, mộc mạc những đồ vật, hoa trái, vật dụng gắn bó với đời sống thường ngày. Chỉ cần nhìn tên tranh “Tích xưa men cũ”; “Vỏ xà cừ, vỏ gốm”; “Hoa hồng và khế”; “Tam sơn”; “Hoa súng bát ngọc”; “Sen”; “Dứa, vải thiều”; “Hoa trái quanh nhà”; “Men ngọc”; “Ấm xanh bát và men nâu”; “Hoa sen và dừa” v.v… đã cảm thấy những bình yên, thanh thản.
Bởi vì “ông vẽ cái tự tướng của những nhân vật quen thuộc ấy, nên toàn lấy tên nôm na của chúng làm tên tranh của mình”. (Theo Trịnh Lữ).
Bức tranh tĩnh vật sơn dầu nhỏ xinh mô tả hoa và quả này gợi nhiều tính “thanh”; ở đây là thanh khiết, thanh thản. Hòa sắc roi rói tươi mát xanh của lá, hồng ấm của hoa, đậm đà, đằm thắm màu vàng quả chín mùa thu” khiến cho thấy một khoảnh khắc hân hoan hơn trong cảm xúc cá nhân cân bằng đã được tôi rèn kỹ lưỡng của ông.
Trịnh Hữu Ngọc (1912-1997). Mít và hoa sen. 1989. Sơn dầu. 25x36cm
Ngắm nhóm tĩnh vật sen và mít trong một ngày thu man mác, trời xanh, nắng nhẹ, gió hanh hao, khiến cho chúng ta chợt nhớ đến mấy câu cảm thán “hạ mãn thu lai – hè qua thu tới” thật dịu dàng của người xưa mà ta đã đọc ở đâu đó…
Họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc, tốt nghiệp khóa IX (1933-1938), Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương cùng với Nguyễn Đức Nùng, Phạm Thúc Chương, Nguyễn Văn Bái, Nguyễn Dung, Hoàng Lập Ngôn… Vì vậy, hội họa Trịnh Hữu Ngọc dựa trên nền tảng, bút pháp căn bản của hệ thống mỹ thuật hàn lâm cổ điển châu Âu. Ông sáng tác theo lối tả thực cổ điển Tây phương, có vẻ gần với bút pháp của chủ nghĩa Ấn tượng.
Trịnh Hữu Ngọc say mê thiên nhiên ngay từ khi còn trẻ. Năm 1939, ông đã có hai chuyến đi vẽ xa bằng xe đạp. Một chuyến lên Cao Bằng và một chuyến xuôi quốc lộ xuống Sài Gòn.
Năm 1943 ông đã mua đất, làm nhà và phòng vẽ trên đỉnh núi Ba Vì, nhìn xuống nơi sông Đà chảy lượn lên phía Bắc để hợp lưu với sông Hồng (Theo Trịnh Lữ).
Catalogue triển lãm cá nhân đầu tiên của họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc tại Hà Nội
Năm 1988, ông triển lãm cá nhân mang tên “Latest works by Zen Painter Trịnh Hữu Ngọc” tại Nhà Triển lãm 16 Ngô Quyền, Hà Nội. Từ triển lãm này ông bắt đầu được gọi là Nghệ sỹ Thiền họa Tây Hồ…
***
Tiểu sử họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc
- Sinh ngày 12 tháng 4 năm 1912
- Mất năm 1997 tại Hà Nội
- Dân tộc: Kinh
- Nguyên quán: Hà Bắc
- Tốt nghiệp Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương 1938
- Người sáng lập thương hiệu nội thất MÉMO (1940-1954)
- Hội viên ngành: Hội hoạ – Hội Mỹ thuật Việt Nam
- Năm vào Hội: 1957
- Tác phẩm chính: Chuyên vẽ phong cảnh và tĩnh vật
- Triển lãm cá nhân lần thứ nhất “Latest works by Zen Painter Trịnh Hữu Ngọc” năm 1988, tại Nhà Triển lãm 16 Ngô Quyền, Hà Nội
- Triển lãm cá nhân lần thứ hai năm 1992 tại Paris, Pháp
- Khen thưởng: Huy chương Vì sự nghiệp Mỹ thuật Việt Nam
Bài viết bởi Viet Art View
Bản quyền thuộc về Viet Art View