Linh Chi (1921 – 2016). Hai cô gái dân tộc Dao (Quần Chẹt). 1960. Lụa. 39×38 cm.
Nhắc đến tên “Họa sĩ Linh Chi”, người yêu nghệ thuật nhớ ngay đến những bức tranh sáng tác về đề tài phụ nữ các dân tộc miền núi phía Bắc như Thái, Dao, Mông, Mường…Trong đó, hình tượng phụ nữ Dao đỏ được ông sáng tác nhiều nhất.
Họa sĩ Linh Chi tên thật là Nguyễn Tài Lương; sinh năm 1921 tại Vĩnh Phúc, nguyên quán ở huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh. Ông theo học tại trường Mỹ thuật Việt Nam, “Khóa kháng chiến”, 1950-1953 cùng với Ngô Mạnh Lân, Ngọc Linh, Mai Long… Vì đã có triển lãm cá nhân từ trước Cách mạng, khi mới 23 tuổi, nên họa sĩ Linh Chi được đặc cách vào học muộn một năm so với các học viên cùng khóa.
Chân dung họa sĩ Linh Chi (1921 – 2016).
Linh Chi (1921-2016). Tự Họa. 1985. Sơn dầu. 60x45cm
Ở Việt Nam, đề tài phong cảnh, đời sống, sinh hoạt, chân dung của các dân tộc miền núi phổ biến hầu hết trong các sáng tác của các thế hệ họa sĩ. Ở khu vực phía Bắc là các địa danh như Hòa Bình, Sapa, Lai Châu, Cao Bằng, Hà Giang,…
Trước năm 1945, ngay từ thời học viên các khóa trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương; họa sĩ khóa Kháng chiến; khóa Tô Ngọc Vân và đến bây giờ, chủ đề đời sống các dân tộc vùng cao được các họa sĩ đã, đang và sáng tác nhiều.
Càng về sau, thời kỳ kháng chiến chống Pháp; những năm kháng chiến chống Mỹ, đề tài vùng cao được khai thác triệt để và sâu rộng. Các họa sĩ như Bùi Xuân Phái, Nguyễn Sáng, Văn Cao, Mai Long, Linh Chi… Các họa sĩ thế hệ sau có Hà Cắm Dì, Chu Thị Thánh, Đỗ Đức… Họa sĩ Đỗ Đức thậm chí còn có cả cuốn sách về “Trang phục và nét văn hóa của các dân tộc thiểu số phía Bắc Việt Nam” với rất nhiều tranh vẽ đề tài này.
Họa sĩ Linh Chi sáng tác đa diện, nhiều chủ đề từ vùng núi đến miền biển, từ thành thị đến nông thôn trên các chất liệu như sơn dầu, phấn màu, lụa, giấy trên nền một phong cách tạo hình hiện thực, chân thực, chân phương đến dung dị.
Nổi bật trong các sáng tác của ông là chân dung phụ nữ thành phố và dân tộc thiểu số. Linh Chi thích khắc họa lại hình ảnh những người xung quanh mà ông gặp gỡ, yêu mến. Từ chân dung các thành viên trong gia đình như vợ, con đến chân dung những người bạn thân quý.
Chân dung những thiếu nữ thành thị của ông có đặc điểm tạo hình rất rõ ràng, đặc trưng. Mắt to, các nét trên khuôn mặt đều tròn đầy, tóc phi-dê, áo dài truyền thống, thường hay có họa tiết; tạo hình hoặc đứng, nằm, ngồi, bó gối… nghỉ ngơi, lơ đãng, suy tư, nhiều tâm trạng.
Cũng trên tinh thần ấy, các cô gái dân tộc thiểu số vùng núi phía Bắc cũng được ông khắc họa hình tượng sống động, chân thực trong trang phục dân tộc truyền thống… khuôn mặt của họ thường toát lên vẻ trong veo, thật thà, chất phác. Chỉ cần nhìn hệ thống tác phẩm đã công bố của ông cũng có thể thấy ông gắn bó đề tài dân tộc thiểu số xuyên suốt nhiều thập kỷ. Từ những năm 50, 60 đến tận những năm 90, khi tuổi đã cao ông vẫn có những tác phẩm chủ đề này.
Đó có thể là thiếu nữ Dao, Mường, Thái, Tày, Nùng… Ông khắc họa hình ảnh của họ trong nhiều bối cảnh sinh hoạt khác nhau như chân dung, đi nương, địu con, đi chợ, chuyện trò bên bếp lửa chân thực và sinh động.
Thông qua hình tượng được khắc họa trong tranh, người xem có thể thấy được những chi tiết mô tả về trang phục, phong cảnh, kiến trúc, đồ vật của những thời kỳ xưa mà theo thời gian đã bị mai một, biến đổi về hình thức. Các họa sĩ chính là những người viết sử bằng hình ảnh.
Chính vì thế, ngày nay, người làm công tác nghiên cứu lịch sử phải dựa vào các dữ liệu bằng chữ viết, hình ảnh khắc họa lại để làm tư liệu chính xây dựng lại những dấu tích về văn hóa, con người của xã hội xưa.
Bức tranh tạo hình chân dung đôi hai cô gái dân tộc được họa sĩ Linh Chi sáng tác năm 1960, trên chất liệu lụa. Những năm đó ông vẫn đang công tác tại Công ty Xuất nhập khẩu sách báo Xunhasaba (Bộ Văn hóa) với vai trò họa sĩ. Năm 1962 ông mới chính thức xin nghỉ biên chế ở đây.
Linh Chi (1921 – 2016). Hai cô gái dân tộc Dao (Quần Chẹt). 1960. Lụa. 39×38 cm.
Hai cô gái được khắc họa trong bức tranh là người dân tộc Dao, thuộc nhóm Dao Quần Chẹt. Ngoài giá trị ngôn ngữ tạo hình, còn thêm giá trị lịch sử “bằng hình” rõ ràng, chính xác trang phục của người Dao Quần Chẹt cả về chi tiết lẫn màu sắc.
Chủ đề cô gái dân tộc thiểu số trong tranh của ông luôn theo những quy chuẩn tạo hình căn bản. Các nhóm đông người, chân dung đôi, chân dung đơn thường hay được ông sử dụng. Những bức chân dung đôi điển hình: “Hai cô Mường” (1992, 75x55cm – Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam) “Hai cô gái Dao Quần Chẹt Tuyên Quang” (65x50cm); “Hai cô H’Mông Mộc Châu-Sơn La”…
Linh Chi là họa sĩ hiện thực, sáng tác theo những gì ông thu nhận trước mắt. Dưới lăng kính của mắt nhìn, tạo nên ngôn ngữ tạo hình của riêng mình bằng bố cục, đường nét, màu sắc, họa tiết trang trí… ông sáng tạo thành một thể nhất quán, là nhận diện định vị phong cách tạo hình của “Linh Chi”.
Không khó để nhận ra một bức tranh do họa sĩ Linh Chi sáng tác nếu hiểu rõ đặc điểm nhất quán, xuyên suốt về phong cách tạo hình trong hội họa của ông. Với Linh Chi, có lẽ việc khắc họa lại thế giới quan về cảnh vật, con người chân thực, sinh động, những gì ông yêu mến…thì đã là sự thành công trong nghệ thuật, trong tâm tưởng hiện thực riêng mình.
Chính vì vậy, tuy tranh vẽ chủ đề phụ nữ dân tộc thiểu số vùng núi phía Bắc được họa sĩ các thế hệ sáng tác nhiều, liên tục như một trong những chủ đề mang tính phổ biến nhất.
Nhưng giữa rất nhiều sáng tác tương tự như thế, các cô gái dân tộc của Linh Chi vẫn có sắc thái riêng biệt bởi ông có cách nhìn hội họa riêng, bởi ông có cái tình về sự yêu thương, gắn bó với những mảnh đất, mảnh đời, con người ông đã từng gặp gỡ… dù thoáng qua hay lâu dài gắn bó vẫn để lại những thứ tình cảm ấm áp.
Bài viết bởi Viet Art View
Bản quyền thuộc về Viet Art View