LƯƠNG XUÂN NHỊ (1914-2006), “Vỡ hoang”, 1965, Sơn dầu Ký và ghi năm ở góc dưới bên trái, 57,5 × 70 cm
Từ những năm 1954, sau Giải phóng Thủ Đô, phong trào sáng tác tranh theo chủ đề chiến tranh chống Mỹ và xây dựng Xã hội Chủ nghĩa được phổ biến trong cả nước theo đường lối của Chính phủ. Tác phẩm “Vỡ hoang” được họa sĩ Lương Xuân Nhị sáng tác trong những lần đi thực tế tại một số địa phương, nông trường miền Bắc. Cùng đi với ông còn có nhiều nghệ sĩ khác. Tranh đã từng được triển lãm khoảng nửa cuối thập niên 1960. Thoát ly từ chủ đề thiếu nữ thanh lịch nhẹ nhàng, phong cảnh tươi đẹp theo phong cách lãng mạn, ông đã xây dựng hình ảnh nhân vật trong vẻ đẹp lao động trên đồng ruộng, nhà máy, công trường. Quê hương tươi đẹp đã được lột xác trong những giai đoạn phát triển của đất nước. Hình ảnh màu đất nâu mầu mỡ tươi tốt được vỡ hoang; cây xanh, hoa trái nông nghiệp làm chủ đề chính… đã tạo nên một phong cách hội họa Lương Xuân Nhị thời đại mới đầy khỏe khoắn, trực diện, góp phần song hành cùng lịch sử của dân tộc.
LƯƠNG XUÂN NHỊ (1914-2006), “Hoa lan tím”, khoảng năm 1960, Sơn dầu Ký ở góc trên bên trái, 45 × 37,5 cm
Hoạ sĩ Lương Xuân Nhị nổi tiếng với những tác phẩm về lụa và sơn dầu miêu tả phong cảnh và hoa cỏ yên bình. Ông tốt nghiệp Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương năm 1937, là một trong những họa sĩ đưa tranh sơn dầu vào Việt Nam. Ông nổi bật bởi nét vẽ mềm mại và phong cách hài hòa, thường lấy cảm hứng từ thiên nhiên Việt Nam. Với bố cục cân đối và bảng màu tinh tế, ông đã thể hiện sự ngưỡng mộ sâu sắc đối với sự rực rỡ và hùng vĩ, vẻ đẹp nguyên thủy của thiên nhiên Việt Nam. Là một họa sĩ thực thụ lai giữa kỹ thuật phương Tây và truyền thống hội họa Việt Nam, ông khẳng định: “Tôi học được từ châu Âu cách vẽ, cách thể hiện hình khối, ánh sáng và màu sắc theo thực tế trước mắt, những điều này đã ăn sâu vào tâm trí tôi suốt quá trình theo học (tại Trường Mỹ thuật Đông Dương). Nghệ thuật phương Đông đã lược bỏ các chi tiết, chỉ thể hiện hình khối theo góc nhìn chủ quan của người nghệ sĩ, nắm bắt được tinh thần của cảnh vật và con người.”