Phong trào shin hanga (tranh in mới) và sōsaku hanga (tranh in sáng tạo) vào đầu thế kỷ 20 tại Nhật Bản đã cách mạng hóa nghệ thuật tranh in cổ đại, liên kết chặt chẽ với tấm thảm văn hóa quốc gia. Cuộc đấu giá của Sotheby’s đề cập đến kỷ nguyên tiến bộ thú vị này, Phong cảnh đến Thành phố: Bộ sưu tập các tác phẩm in Nhật Bản thế kỷ 20, với các ví dụ hiếm và tinh tế về nghệ thuật in.
Vào đầu thế kỷ 20, hai phong trào in mới đã xuất hiện ở Nhật Bản do những thay đổi đã xảy ra trong thời Minh Trị (1868–1912) khi Nhật Bản chuyển đổi sang phương Tây hóa và hiện đại hóa.
Phong trào shin hanga (nghĩa đen là nghệ thuật in mới) được khởi xướng vào khoảng năm 1910 bởi nhà xuất bản Watanabe Shozaburo (1885–1962), nhằm phục hồi phương pháp in truyền thống của Nhật Bản. Shin hanga được sản xuất bởi hệ thống xưởng ukiyo-e [Phù thế hội], gọi là ‘bộ tứ ukiyo-e’, với sự tham gia của họa sĩ, thợ khắc, thợ in và nhà xuất bản *.
Kawase Hasui (1883-1957) | Shirahige tuyết rơi (Yuki no Shirahige) | thời Taisho, đầu thế kỷ 20.
Thời kỳ nghệ thuật in mới tiếp tục đưa đến các chủ đề ukiyo-e điển hình, như chân dung diễn viên, phụ nữ, phong cảnh, cảnh thành phố, chim, hoa (như các tác phẩm của Ohara Koson, 1877–1945). Mặc dù kết hợp các giá trị của nghệ thuật in khắc gỗ truyền thống, phong trào này đã tích hợp các yếu tố và các quy ước hội họa phương Tây, lấy cảm hứng từ trường phái Ấn tượng chẳng hạn.
Các hiệu ứng ánh sáng và sự thể hiện tâm trạng được đưa vào, tạo ra sự nhạy cảm hiện đại **. Kết quả là một phong cách mới hấp dẫn, thể hiện những thuộc tính nổi bật của nghệ thuật in – nền mica, dập nổi và đánh bóng – cũng như các hoa văn trang trí được tạo ra bởi baren, một dụng cụ của người thợ in.
Ito Shinsui (1898-1972) | Sau khi tắm (Yoku go) | thời Showa, thế kỷ 20.
Trong cuộc đấu giá ‘Phong cảnh đến thành phố: Bộ sưu tập các tác phẩm in Nhật Bản thế kỷ 20’, Sotheby’s giới thiệu các họa sĩ phong cảnh shin hanga biểu tượng nhất bao gồm Kawase Hasui, Takahashi Shotei, Tsuchiya Koitsu và Yoshida Hiroshi. Cùng với đó là các họa sĩ shin hanga nổi tiếng với tranh in hình phụ nữ tao nhã, gồm các đại diện Ito Shinsui, Kobayakawa Kiyoshi, Torii Kotondo và Hashiguchi Goyo.
Watanabe đặc biệt nhắm vào thị trường xuất khẩu ở Mỹ và châu Âu, vì shin hanga hấp dẫn mạnh mẽ các khách hàng phương Tây, trở nên cực kỳ phổ biến bên ngoài Nhật Bản. Các nghệ sĩ phương Tây đã lấy cảm hứng từ phong trào, như họa sĩ người Mỹ và nghệ sĩ in khắc gỗ Lilian May Miller. Phong trào shin hanga phát triển mạnh mẽ cho đến cuối những năm 1950, nó đi vào suy giảm khi những nghệ sĩ chính qua đời.
Lilian May Miller (1895-1943) | Mặt trời mọc ở Fujiyama, Japan | thời Showa thế kỷ 20.
Sosaku hanga (nghĩa đen là nghệ thuật in sáng tạo) thường được quan niệm đối lập với ukiyo-e và shin hanga. Phong trào chịu ảnh hưởng từ một khái niệm phương Tây, cho rằng nghệ sĩ là người tạo ra bản in một cách hoàn toàn, nhấn mạnh sáng tạo của cá nhân trên phương tiện khắc gỗ, nghệ sĩ hoàn toàn kiểm soát quá trình, từ đầu đến cuối.
Nghệ thuật in sáng tạo nghĩa là:
Tự vẽ (jiga 自画)
Tự khắc (jikoku 自刻)
Tự in (jizuri 自摺).
Tuy nhiên nhiều nghệ sĩ in sáng tạo đã làm việc với thợ khắc và thợ in. Bản in ‘Ngư phủ’ của Yamamoto Kanae (1882–1946), xuất bản trên tạp chí thơ Myojo (Sao mai) vào tháng 7 năm 1904, thường được coi là tác phẩm tiêu biểu của phong trào.
Mặc dù ‘Ngư phủ’ không phải là bản in đầu tiên có đầy đủ các khía cạnh sáng tạo, nhưng nó là bản in đầu tiên thấm nhuần ‘ý thức nghệ thuật’. Nghệ thuật in sáng tạo xuất hiện dưới dạng các bản in riêng lẻ, series, thiết kế sách, được xuất bản trên các tạp chí Myojo, Hosun, Tsukuhae. Các chủ đề truyền thống như nhân vật, chân dung, phong cảnh, thiên nhiên tiếp tục phổ biến trong các nghệ sĩ sosaku hanga, mặc dù về mặt phong cách, các bản in của họ cho thấy sự tách biệt mạnh mẽ với thị hiếu trước đây bằng cách thể hiện cảm hứng từ truyền thống nghệ thuật dân gian Nhật Bản và các khái niệm Trừu tượng và Biểu hiện của phương Tây, hình thành một chủ nghĩa chiết trung hấp dẫn.
Onchi Koshiro (1891-1955) | Trọn bộ Người đẹp bốn mùa (Bijin shiki) | thời Showa, thế kỷ 20 (1)
Onchi Koshiro (1891-1955) | Trọn bộ Người đẹp bốn mùa (Bijin shiki) | thời Showa, thế kỷ 20 (2)
Onchi Koshiro (1891-1955) | Trọn bộ Người đẹp bốn mùa (Bijin shiki) | thời Showa, thế kỷ 20 (3)
Onchi Koshiro (1891-1955) | Trọn bộ Người đẹp bốn mùa (Bijin shiki) | thời Showa, thế kỷ 20 (4)
Năm 1918, một nhóm nghệ sĩ ở Tokyo thành lập Hiệp hội In Sáng tạo Nhật Bản (Nihon sosaku hanga kyokai). Mục tiêu của họ là thúc đẩy sản xuất in ấn như một loại hình nghệ thuật hiện đại. Đến cuối những năm 1920-1930, Sosaku hanga đã được thành lập và được đưa vào các cuộc triển lãm Teiten do chính phủ tài trợ vào năm 1927 và năm 1931. Cùng năm đó, Hiệp hội In Sáng tạo Nhật Bản được chuyển thành Hiệp hội In Nhật Bản (Nihon hanga kyokai), đã trở thành hiệp hội in lớn nhất Nhật Bản. Thời kỳ hậu chiến đã chứng kiến sự đa dạng của các phương pháp mô tả, phong cách, kỹ thuật và phương tiện trong các tác phẩm của các nghệ sĩ sosaku hanga. Biennale nghệ thuật São Paulo năm 1951 đã mang lại cho phong trào sự công nhận quốc tế.
Một trong những người sáng lập, lãnh đạo và đổi mới của phong trào, Onchi Koshiro (1891-1955), được cho là đã tạo ra tác phẩm trừu tượng đầu tiên (Thời gian ánh sáng) vào năm 1915, được giới thiệu trong cuộc đấu giá với trọn bộ Người đẹp bốn mùa (Bijin shiki). Cuộc đấu giá còn có sự góp mặt của một nghệ sĩ quan trọng khác của Hiệp hội In Nhật Bản, Saito Kiyoshi tự học (1907-1997).
Saito Kiyoshi (1907-1997) | Haniwa | thời Showa, thế kỷ 20.
Với các nghệ sĩ thời hậu chiến như Sekino Junichiro (1914–1988) Hashimoto Okiie (1899–1993) và Shinagawa Takumi (1908–2009), cuộc đấu giá trải dài thời kỳ hoàng kim của kỷ nguyên In mới và Sáng tạo, ghi lại sự mở rộng sống động của trí tưởng tượng và khả năng của thời điểm đột phá và quan trọng này trong lịch sử nghệ thuật Nhật Bản.
* Watanabe hợp tác với các nghệ sĩ như Ito Shinsui (1898–1972), Kawase Hasui (1883–1957), Natori Shunsen (1886–1960), Takahashi Shotei (Hiroaki, 1871–1945) và Tsuchiya Koitsu (1870–1949).
** Các nghệ sĩ quan trọng khác của shin hanga sau này làm việc độc lập với Watanabe là Hashiguchi Goyo (1880–1921) và Yoshida Hiroshi (1876–1950). Các nghệ sĩ quan trọng đã thiết kế bản in ở kiểu shin hanga cho các nhà xuất bản khác là Torii Kotondo (1900–1977), Kobayakawa Kiyoshi (1897–1948), Kitano Tsunetomi (1880–1947) ở Osaka và Yoshikawa Kampo (1894–1979) ở Kyoto.
Nguồn: Sotheby’s
Lược dịch bởi Viet Art View