Họa sĩ Tây Ban Nha Francisco José de Goya y Lucientes — được mệnh danh đơn giản là Goya — đã vẽ những gì ông thấy, và những gì ông thấy không phải là những gì xinh đẹp. Trong suốt cuộc đời ông, những người lính đã bắn vào trẻ em trong khi các chính trị gia bất tài đã đưa Tây Ban Nha đến bờ vực của sự đổ nát. Điều này có thể giải thích tại sao tác phẩm của ông vẫn tiếp tục gây chấn động gần hai thế kỷ sau khi ông qua đời: Thật khó để chống lại cảm giác rằng không có gì thực sự thay đổi giữa thời điểm đó và bây giờ. Trích lời nhà phê bình Robert Hughes, tác giả của cuốn tiểu sử về Goya năm 2003: “Ông nói với chúng ta bằng sự khẩn thiết mà không nghệ sĩ nào trong thời đại của chúng ta có thể tập trung được. Chúng ta thấy khuôn mặt đã chết từ lâu của ông áp vào tấm kính của thế kỷ khủng khiếp này, Goya đang nhìn vào một thời điểm còn tồi tệ hơn thời điểm của ông.”
Goya có thể là một người bi quan, nhưng ông đã làm cho chủ nghĩa bi quan trở nên mê hoặc. Các bản in và tranh của ông có thể tách rời từng bên một cách hài hước và lôi cuốn, thậm chí (hoặc đặc biệt) khi chúng mô tả sự xấu xí. Trong suốt sự nghiệp của mình, ông đủ sáng suốt để nhìn thế giới như thực tế — và đủ can đảm để tìm ra sự hài hước đen tối trong đó.
Cây dù (1777)
Francisco de Goya, Cái dù, 1777. Bảo tàng Prado, Madrid. Ảnh từ Wikimedia Commons.
Đó là một trong những điều trớ trêu nhất của lịch sử nghệ thuật — Goya, người sẽ được coi là họa sĩ xuất sắc của Tây Ban Nha vào cuối thế kỷ 18, đã không được nhận vào một trường dạy nghệ thuật. Có lẽ số phận cho rằng, tốt nhất là con đường dẫn đến thành công của ông sẽ phải dài và không thể bằng phẳng, cho ông nhiều thời gian để trau dồi nên một phong cách không thể nhầm lẫn. Goya đã dành phần lớn tuổi hai mươi của mình ở Rome và Madrid để nghiên cứu các tác phẩm của Raphael, Diego Velázquez và các bậc thầy cổ điển khác, và đến năm 1773, năm ông kết hôn, ông đã giành được những đơn đặt hàng lớn từ giới quý tộc Tây Ban Nha.
Với màu sắc tươi vui và bố cục tĩnh lặng, ‘Parasol’ [Cái dù], được hoàn thành năm Goya bước sang tuổi 31, dường như không có nhiều điểm tương đồng với những kiệt tác đen tối sau đó. Thay vào đó, nó gợi ý ảnh hưởng không ngừng của các bậc thầy cổ điển, những người mà Goya đã gặp ở Ý. Tuy nhiên, ngay cả khi Goya bám vào phong cách chín chắn, bức tranh đã thể hiện tài năng của ông, đặc biệt là con mắt tinh tường về các đường nét trên khuôn mặt. Trong những thập kỷ tới, ông sẽ hoàn thiện nghệ thuật bóp méo và phóng đại khuôn mặt người, thường là để tạo ra những hiệu ứng hài hước kinh ngạc.
Manuel Osorio Manrique de Zúñiga (1787–88)
Francisco de Goya. Manuel Osorio Manrique de Zuñiga (1784–1792), 1787–1788. Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan.
Các nhà sử học thích tranh luận về thời điểm bắt đầu kỷ nguyên hiện đại. Đây là giả thuyết kín đáo: Nghệ thuật hiện đại bắt đầu vào năm 1788 dưới hình dạng ba con mèo ẩn nấp ở góc phần tư bên trái phía dưới của ‘Manuel Osorio Manrique de Zúñiga’ thường được gọi là ‘Red Boy’ [Cậu bé mặc đồ đỏ].
Vào cuối những năm 1780, khi Goya là họa sĩ vẽ chân dung được ưa chuộng tại triều đình Vua Charles III, Bá tước Altamira quyền lực đã đặt ông vẽ đứa con út của mình, Manuel. Goya chọn khắc họa cậu bé trong bộ đồ màu đỏ đáng yêu, đang chơi với một con chim ác là thú cưng. Tuy nhiên, nhìn kỹ hơn, cảm xúc dịu dàng của khung cảnh nhanh chóng biến chất, từ trong bóng tối, bộ ba con mèo đang thèm thuồng nhìn vào con chim bất lực, sẵn sàng vồ mồi.
Cuộc sống hiện đại, như Goya thấy, là một trò đùa bệnh hoạn, những phần đáng sợ và vô lý ngang nhau — một con chim luôn trên bờ vực bị ngấu nghiến. Tác phẩm của ông thể hiện sự tinh thông trong việc truyền tải một quan điểm đương đại đáng lo ngại, phơi bày những nỗi kinh hoàng ẩn hiện trong tầm nhìn đơn giản.
Maja khỏa thân (1797–1800)
Francisco de Goya. Maja khỏa thân, khoảng 1800. Bảo tàng Prado, Madrid.
Vị thế họa sĩ cung đình của Goya đã cho ông cơ hội có được sự ưu ái của một số người đàn ông và phụ nữ quyền lực nhất Tây Ban Nha, bao gồm cả Nữ công tước xứ Alba, người mà ông được cho là đã có một mối tình lâu dài. Đôi khi cô được cho là người mẫu của bức tranh khỏa thân tuyệt đẹp ‘Naked Maja’ [Maja khỏa thân], có khả năng được người về sau trở thành thủ tướng, Manuel de Godoy, đặt hàng.
Trong thời đại những bức ảnh selfie bất tận của Kim Kardashian, hơi khó để tưởng tượng hình ảnh này đã gây xôn xao như thế nào vào thời điểm đó. Như đã được mô tả trong nghệ thuật Tây Ban Nha, cơ thể người phụ nữ khỏa thân thuộc về các nữ thần Hy Lạp đã được lý tưởng hóa, hoặc ở thái cực còn lại, những cô gái điếm “đồi bại”. Goya đã trộn lẫn giữa thiêng liêng và thô tục, vẽ nên người phụ nữ đương đại này, thể hiện cả lớp lông của cô — điều này là không bị cản trở trong tiêu chuẩn ngày nay, nhưng gần như chưa từng có trong nghệ thuật châu Âu vào thời điểm đó. Một Vệ Nữ Titian nằm nghiêng duyên dáng.
Với sự nổi lên của Tòa án dị giáo Tây Ban Nha một thập kỷ sau, ‘Naked Maja’ đã khiến Goya trở thành thù địch của các giáo sĩ Công giáo. Ông đã bảo vệ danh tiếng tác phẩm nghệ thuật của mình và của chính mình, bằng cách trích dẫn hàng trăm bậc thầy cổ điển đã vẽ hình tượng phụ nữ nằm nghiêng trước ông. Không phải lần cuối cùng, Goya đã sử dụng sự tôn trọng nghệ thuật như một con ngựa thành Troy cho những mục đích ma quỷ.
Lẽ phải ngủ quên sinh ra những quái vật (1797–98)
Francisco de Goya. Lẽ phải ngủ quên sinh ra những quái vật, Số 43 trong Los Caprichos (Những khúc tùy hứng), 1796-1798. Bảo tàng nghệ thuật Nelson-Atkins, thành phố Kansas, Missouri.
Năm 1793, Goya mất thính giác. Các học giả vẫn tranh luận về lý do tại sao: Có thể ông đã mắc bệnh bại liệt, mặc dù một số người đã đổ lỗi cho bệnh giang mai hoặc thậm chí là chì trong chất liệu vẽ của ông. Điều rõ ràng là sau năm 1793, nghệ thuật của Goya trở nên phức tạp hơn và nguy hiểm hơn.
‘Lẽ phải ngủ quên sinh ra những quái vật’ là tác phẩm nổi tiếng nhất của ‘Los Caprichos’ [Những khúc tùy hứng], series 80 bản khắc mà Goya tạo ra vào cuối những năm 1790. Đó cũng giống như một tuyên bố sứ mệnh giữa thời kỳ trào phúng của họa sĩ. Trong số những bản khắc này, có hình ảnh người đàn bà xấu xí ngớ ngẩn ngắm mình trong gương, một người ngu xuẩn tự mãn đang tôn vinh cây gia phả của mình, hoặc một nhóm quý tộc nhăn nheo đè bẹp những người vô sản. Series này của Goya nhắm đến giới tinh hoa quyền lực của Tây Ban Nha, thiếu vắng lẽ phải dẫn đến sự bạo ngược của họ. Sau đó Goya đã rút các bản in khỏi lưu hành, ông nhận ra mình đã có thêm quá nhiều kẻ thù. Dường như chỉ nên chế nhạo những con quái vật sau lưng chúng.
Ngày 3 tháng 5, 1808 (1814)
Francisco de Goya. Ngày 3 tháng 5, 1814. Bảo tàng Quốc gia Prado, Madrid.
Vào tháng 11 năm 1807, quân đội Pháp xâm lược Tây Ban Nha, đặt một nhà cai trị mới. Trong sáu năm tiếp theo, quân nổi dậy Tây Ban Nha đã đấu tranh với sự chiếm đóng; Cuộc kháng chiến của họ được gọi là “chiến tranh du kích” đầu tiên. Vào rạng sáng ngày 3 tháng 5 năm 1808, binh lính Pháp thực hiện lệnh vây bắt và xử tử hàng trăm người bị tình nghi là quân nổi dậy.
Goya có thể đã có mặt trong các vụ thảm sát. Hoặc, một lần nữa, ông cũng có thể đã vẽ từ mô tả của các nhân chứng. Trong cả hai trường hợp, ‘Ngày 3 tháng 5 năm 1808’ đại diện cho đỉnh cao nghệ thuật của ông trong ba thập kỷ tính về trước. Ánh sáng tinh tế cho thấy nghiên cứu cẩn thận của ông về các bậc thầy cổ điển, mặc dù khung cảnh mà ông chọn còn ghê sợ hơn bất cứ điều gì Velázquez từng nghĩ. Những xác chết đẫm máu là sự thờ ơ của ông đối với gu thẩm mỹ thường thấy. Nhưng trên tất cả, bức tranh mang cơn giận lạnh lùng, lặng lẽ của Goya với xã hội của chính mình. Ông không chỉ đơn giản buộc tội những người lính Pháp về tội ác chiến tranh — trên thực tế, hầu như không có gì trong khung cảnh chỉ ra quốc tịch của các nhân vật. Thay vào đó, cơn ác mộng đã vượt qua thời gian và địa điểm: Những đội quân vô danh có thể là Đức Quốc xã tại Dachau hoặc GIs tại Mỹ Lai. Theo lời của Robert Hughes, chính tính phổ quát nghiệt ngã này đã khiến ‘Ngày 3 tháng 5, 1808’ “thực sự hiện đại… là bức tranh mà tất cả các bức tranh về bạo lực bi thảm trong tương lai sẽ phải đối chiếu.”
Saturn ăn thịt con trai (1819–23)
Francisco de Goya. Saturn ăn thịt một trong những người con trai của mình. (Từ series Những bức tranh đen tối), 1819-1823. Bảo tàng quốc gia Prado.
Ở tuổi bảy mươi, góa vợ và không ủng hộ chế độ quân chủ, Goya chuyển đến Bordeaux, Pháp. Chính tại đây, ông đã hoàn thành series đỉnh cao cuối cùng của mình: 14 “Bức tranh đen tối”. Không giống như phần lớn các tác phẩm trước đó của ông, những tác phẩm này không bao giờ dành cho công chúng xem. Xem xét bức tranh ‘Saturn ăn thịt con trai’ (1819–23), không khó để biết tại sao. Goya đã chọn chủ đề từ câu chuyện u ám nhất của thần thoại Hy Lạp — vị thần thời gian, để chắc chắn về việc các con không thể giết mình truất ngôi, đã ăn thịt họ. Thường được hiểu là một ngụ ngôn về sự suy tàn của nhà nước Tây Ban Nha, ‘Saturn’ được mô tả với sự tàn bạo trẻ thơ, vừa khiếp sợ, vừa thảm hại.
Trên hàng trăm bản in và tranh vẽ của Goya, một kiểu khuôn mặt cứ tái hiện: mắt trợn ngược, không suy nghĩ và tham lam không kiểm soát được. Đôi khi khuôn mặt này thuộc về động vật, đôi khi là của con người và đôi khi, thật khó để phân biệt. Nó lẩn lút trên nền ‘Cậu bé mặc đồ đỏ’, xuất hiện từ bóng tối trong ‘Lẽ phải ngủ quên’ — và trong ‘Saturn’, hoàn thành chỉ vài năm trước khi Goya qua đời, nó cuối cùng đã lộ diện, rõ ràng, không ngần ngại.
Khuôn mặt này có thể là tượng trưng của cơn ác mộng thời hiện đại như Goya đã trải nghiệm? Trong suốt 82 năm cuộc đời ông, nhà nước Tây Ban Nha sụp đổ và châu Âu tiến hành một cuộc chiến tàn khốc với chính nó — đủ tham lam và ngu ngốc cho 10 thế hệ. Đáp lại, Goya đưa ra một phương châm nghệ thuật đơn giản đến khó hiểu: “Yo lo vi” (“Tôi đã thấy nó”). Ba từ đó truyền đạt một ý tưởng cần thiết trong thế kỷ 21 cũng như thế kỷ 19: Trong thời kỳ đen tối, làm chứng cho sự thật không dành cho những người yếu ớt.
Nguồn: Artsy
Lược dịch bởi Viet Art View