Wu Guanzhong (1919 – 2010) | Hoa mận | 1973 | sơn dầu | 89.6 × 70 cm; 35 ¼ × 27 ½ in.
Trong suốt cuộc đời và sự nghiệp, Wu Guanzhong đã nhìn nhận cuộc sống bằng sự chân thành và chính trực. Ông và nhà vật lý học nổi tiếng Lý Chính Đạo đã có một tình bạn hình thành từ sự đồng điệu của tâm hồn và ngưỡng mộ lẫn nhau.
Hoa mận [tên tác phẩm theo người viết] được vẽ năm 1973, khi Wu Guanzhong vừa từ làng Li trở về Bắc Kinh. Các trường đại học đóng cửa nên ông không bị cản trở bởi trách nhiệm giảng dạy, ông đã đến vùng ngoại ô Bắc Kinh để vẽ. Vào nửa cuối năm, ông nhận nhiệm vụ của chính phủ, đi về phía nam thu thập tài liệu cho Mười ngàn kilomet sông Dương Tử, thời gian ông ở Bắc Kinh không còn nhiều. Tuy vậy nhưng ông vẫn có thể tạo ra một loạt các bức tranh về thành phố và những vùng xung quanh, nhờ đạo đức nghề nghiệp và sự chuyên tâm. Hoa mận được hoàn thành trong giai đoạn này, với những trải nghiệm và tâm trạng đặc biệt:
“Đôi mắt tham lam của tôi tìm kiếm khắp nơi: cây táo, cành liễu rủ, hoa hồng Sharon, hoa hướng dương, hoa sen trong công viên Trúc Tím, vỏ cây thông trong Tử Cấm Thành—tất cả đều được ghi lại trong tranh. Tôi đạp xe ra ngoại thành để theo đuổi mục tiêu của mình. Nếu thấy một cảnh đẹp, tôi ở lại vài ngày và dựng giá vẽ trên một sườn đồi trống. Trong cô tịch, lòng tôi trở nên bình yên, và tôi có thể thu cả trời đất vào bức tranh của mình. Tôi quên những phiền toái của thế giới con người, tôi đứng và tôi vẽ, trong tám giờ liền. Tinh tấn này, hạnh phúc thâm sâu này, cực kỳ khó đạt được.”
Hoa mận phản ánh trạng thái đắm chìm trong dòng chảy sáng tạo của họa sĩ ở một thời điểm, bằng một màu hồng rực rỡ. Cây mận chắc khỏe và kiêu hãnh vươn cành lên bầu trời. Hương hoa thu hút những con bướm xung quanh nó, mùa đông đã kết thúc và mùa xuân đang đến. Đó là một triết lý: sự thay đổi của vạn vật. Hiệu ứng trong bức tranh làm thỏa mãn thị giác, còn mang cả thông điệp đi thẳng vào trái tim người xem.
Cách dùng màu của Wu Guanzhong là sự kiềm chế liên tục, đặc biệt ở những bức tranh vẽ thiên nhiên từ năm 1970. Ông thường hạn chế những mảng lớn màu đỏ, và màu đậm của hoa mận ở đây không phải là ngẫu nhiên. Mận là thực vật bản địa của lưu vực sông Dương Tử. Khi Wu Guanzhong trở về thủ đô từ làng Li vào đầu năm 1973 sau một chuyến đi vất vả, hoa mận đã nở rộ chào đón ông, báo trước một mùa xuân rực rỡ. Bức tranh thực sự đã thể hiện cảm xúc vui vẻ của ông.
Wu Guanzhong cùng vợ ông trước những cây hoa mận, núi Baihua, Bắc Kinh, 1996. © Wu Guanzhong.
Nghệ thuật của Wu Guanzhong bắt nguồn từ cuộc sống, và bức tranh về cuộc sống bắt nguồn từ việc quan sát thực tế. Tuy nhiên về mặt kỹ thuật, Wu Guanzhong đã không gắn mình vào một mẫu cụ thể nào khi tạo hình cho các đối tượng. Chủ thể- hoa mận- là loài cây có thể tìm thấy ở ngoại ô Bắc Kinh, và hình ảnh trong tranh là sự gợi lại bố cục truyền thống của tranh cổ Trung Quốc. Wu Guanzhong đã xây dựng cho mình nền tảng vững chắc về nghệ thuật truyền thống trong những ngày còn học ở trường, trong thời gian đó ông đã theo học Pan Tianshou một năm. Quả ngọt của những hạt giống được gieo sớm này thể hiện rõ trong các bức sơn dầu của ông từ những năm 1970.
Hình dạng của thân, vẻ ngoài cứng cáp nhưng cũng mềm dẻo của cành mận, thêm vào là một phương pháp vẽ tranh truyền thống của Trung Quốc- nét vẽ dây sắt [‘dây sắt’ đề cập đến một phong cách được đặt tên theo Gu Kaizhi, bậc thầy thế kỷ thứ tư, là nét vẽ được tạo ra bằng lực đồng đều tác động lên phần trung tâm của một chiếc cọ lông mềm]. Tuy nhiên, các cành tương đối lớn trong Hoa mận không giống nét vẽ đơn dựa trên lực cổ tay trong tranh thủy mặc, chúng là những nét ngang ngắn, phản ánh phong cách riêng của Wu Guanzhong.
Bên cạnh nền tảng truyền thống, Hoa mận mang vẻ đẹp trừu tượng đặc biệt. Nếu không tính đến thân và cành, bức tranh sẽ là một mảng xanh lam nhạt phía trên, xanh ô liu phía dưới, cùng một lượng lớn những chấm màu đỏ và xanh lá cây rực rỡ. Những chấm này nếu được xem xét một cách riêng biệt thì có thể coi chúng là sự tiếp cận Biểu hiện Trừu tượng, chúng thể hiện sức mạnh, tốc độ và cảm xúc trong quá trình sáng tạo của họa sĩ. Người xem sẽ liên kết những mảng màu này với bầu trời, sườn đồi và cánh hoa, nhờ hình ảnh thân và cành mang tính cụ thể- liên kết các thành phần trừu tượng với thực tế. Bức tranh có thể được coi là minh chứng cho quan điểm về sứ mệnh của Wu Guanzhong— nghệ thuật nên là ‘một con diều’, như ở đây, nếu các chấm màu và mảng màu là con diều, thì thân và cành chính là sợi dây. Hiệu ứng của các yếu tố trừu tượng trong bức tranh phản ánh niềm vui và sự hài lòng của họa sĩ khi ông đứng trước khung cảnh.
Sự hiểu biết của Wu Guanzhong về vẻ đẹp trừu tượng có thể bắt đầu khi ông theo học Wu Dayu tại Học viện Nghệ thuật Quốc gia Hàng Châu vào những năm 1930 và lần đầu tiên ông tiếp xúc với nghệ thuật hiện đại trong thời gian ở Paris. Mặc dù nghệ thuật trừu tượng bị coi là điều cấm kỵ trong một thời gian khá dài sau khi Wu trở về Trung Quốc, nhưng ông không bao giờ từ bỏ mối quan tâm và sự ủng hộ của mình đối với trường phái này. Vào những năm 1980, ông đã xuất bản Về vẻ đẹp trừu tượng, một bài tiểu luận phân tích tỉ mỉ về chủ nghĩa Trừu tượng phương Tây và các yếu tố trừu tượng trong nghệ thuật truyền thống Trung Quốc. Bài tiểu luận nhằm thu hẹp khoảng cách giữa hai truyền thống trên cơ sở lý thuyết. Về mặt sáng tạo, Hoa mận có thể được coi là biểu hiện rất sớm của vẻ đẹp trừu tượng trong nghệ thuật Trung Quốc hiện đại.
Xem lại các bức tranh phong cảnh của Wu Guanzhong cho thấy một số chủ đề nhất quán: tinh thần của những ngọn núi cao chót vót vươn tới bầu trời, sự táo bạo thuần khiết của hoa sen, sự chính trực và trung thành của một rặng tre… Cây cối, như một mô-típ tự nhiên trung tâm, đóng một vai trò đặc biệt phổ biến. Wu Guanzhong đạt đến một trình độ rất cao trong việc sử dụng hình ảnh cây cối và bởi vì tranh phong cảnh của ông hiếm khi có người hoặc động vật, nên chính cây cối sẽ mang lại sự năng động cho bức tranh. Ngoài việc sử dụng cây cối như một cấu trúc, ông còn thích vẽ cận cảnh từng cái cây. Ông vô cùng trân trọng những hình ảnh này và say mê chúng như Sanyu say mê chiếc bình hoa. Hoa mận sử dụng bố cục cận cảnh đặt cái cây được phóng to ở trung tâm của nó, làm nổi bật bộ rễ ăn sâu, sự trồi lên đột ngột từ mặt đất và những bông hoa nở rộ. Đó là một bức tranh phản ánh cách tiếp cận cuộc sống tích cực và năng động của họa sĩ.
Nguồn: Sotheby’s
Lược dịch bởi Viet Art View