Ngọc Linh (sinh 1930). Hoa nàng Thúy Kiều. 1987. Bột màu. 72×47 cm
Trong số những học viên khóa Kháng chiến (1950-1953), họa sĩ Ngọc Linh có lẽ là một phương trình lịch sử mở, đầy ắp lời giải với nhiều dữ kiện phong phú. Không những thế ông có hệ thống tư liệu hình ảnh (chụp) đầy đặn, sắp xếp gọn gàng trong rất nhiều cuốn album. Các mốc thời gian được phân chia rõ ràng, tỉ mỉ, gọn gàng. Từ ảnh tư liệu cá nhân đến tư liệu lịch sử nghệ thuật hội họa và điện ảnh. Hai ngành nghề gắn bó với ông suốt cả cuộc đời.
Năm nay tuy đã 92 tuổi, nhưng hình ảnh họa sĩ Ngọc Linh với dáng người nhỏ xíu hao gầy trên cái xe đạp siêu mini đi dạo khắp phố phường khiến người thường (khi biết tuổi của ông) đều phải tấm tắc thán phục. Không những thế ông sở hữu một khuôn mặt hóm hỉnh; một nụ cười tươi đôn hậu; một cặp mắt luôn ánh lên vẻ tinh nhanh; giọng nói hơi riu ríu, nhưng vẫn tròn vành rõ chữ lắm.
Chân dung họa sĩ Ngọc Linh (Vi Văn Bích – Sinh 1930)
Nhớ đến ông, nhắc tên ông là có thể hình dung ra ngay những bức tranh đầy màu sắc của ông. “Ông sử dụng nhiều chất liệu sơn dầu, sơn mài, lụa, bột màu với bút pháp dung dị, nhẹ nhàng nhưng có sắc thái riêng, thể hiện rõ rệt một tâm hồn thơ, trẻ trung yêu đời và khát vọng tìm kiếm những sự đổi mới trong nghệ thuật” (Theo Từ điển họa sĩ Việt Nam của NPBMT Quang Việt).
Họa sĩ Ngọc Linh, người dân tộc tày, sinh năm 1930 tại Bản Chu, Lộc Bình, Lạng Sơn. Ngày 30 tháng 10 năm 2020, kỷ niệm đúng 90 năm ngày sinh, ông đã tổ chức triển lãm mang tên “90 mùa xuân” tại Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam. Đây là triển lãm cá nhân lần thứ 11 của ông.
Họa sĩ Ngọc Linh chụp ảnh cùng gia đình trong triển lãm “90 mùa xuân” được tổ chức vào năm 2020
Họa sĩ Ngọc Linh yêu đời, yêu nghề. Cũng giống như nhiều họa sĩ khác, mỗi dịp xuân về ông lại vẽ những bức tranh xuân về hoa. Bức “Hoa nàng Thúy Kiều” mà Viet Art View giới thiệu với bạn yêu nghệ thuật trong video này như một lời yêu thương chân thành mà họa sĩ Ngọc Linh dành tặng với cuộc sống. Ông chia sẻ về việc sáng tác bức tranh…
Bức tranh có phải được sáng tác nhân dịp mùa xuân, thưa họa sĩ?
Bức “Hoa nàng Thúy Kiều” này tôi vẽ đúng vào mùa xuân, vào cuối năm. Cứ sang năm mới xuân về tôi lại vẽ tranh về mùa xuân. Mà tôi thấy anh Giáp (Đại tướng Võ Nguyên Giáp) kỳ nào cũng đến xem tranh và bảo: “Ngọc Linh là họa sĩ của mùa xuân”. Thành ra bạn bè mọi người đều biết mình là họa sĩ của mùa xuân. Xuân đến là tôi luôn luôn có những sáng tác tác phẩm mới để đón xuân để bạn bè đến vui đón cùng.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp với họa sĩ Ngọc Linh tại triển lãm “Tất cả cho mùa xuân” của họa sĩ, Hà Nội 1981
“Hoa nàng Thúy Kiều”, hoa đẹp, tên đẹp kiều diễm như tên người. Có phải vì thế ông vẽ nhân dịp xuân?
Bức “Hoa nàng Thúy Kiều” này tôi nghĩ mùa xuân nó đẹp giống như cô Kiều mà ước mơ của mình cũng vẽ cho tác phẩm này để nó tỏa sáng khi mà mình đưa ra quần chúng thì thu hút được và nghĩ là hoa nàng Thúy Kiều người đẹp như vậy. Hoa nàng Thúy Kiều vẽ bằng chất liệu bột màu, bột màu thì chất liệu nó vẽ rất nhẹ nhàng và thoải mái. Mà Hoa nàng Thúy Kiều tức là hoa phong lan. Hoa phong lan của Hoa nàng Thúy Kiều ấy thì mình vẽ nó chảy dài, thướt tha. Tác phẩm Hoa nàng Thúy Kiều này mình vẫn nhớ một ấn tượng rất đẹp.
Khi sáng tác “Hoa nàng Thúy Kiều”, họa sĩ có mẫu trước mặt không, hay vẽ trong miền trí nhớ?
Phải nói tôi vẽ tranh từ xưa tới nay cho đến bây giờ thì tất cả các hoa tôi vẽ không có mẫu hoa thực bao giờ cả. Vẽ hoa mình trồng như lọ hoa hồng hay các hoa mình để trong nhà, hay mình đến nhà bạn bè mình thấy hoa. Nhưng cái cảm xúc là mình nhớ trong cái trí tưởng tượng của mình. Hoa nàng Thúy Kiều này tôi vẽ là hoa phong lan đấy, mình tạo hình nó, mình vẽ theo cảm xúc của mình
Bức Hoa nàng Thúy Kiều này làm tôi phải nhớ kỷ niệm là tôi đi làm phim “Lửa rừng”, vào Nghệ An, đi lên vùng Borikhamxay – một vùng biên giới ở Nghệ An thì mình thấy mùa xuân đấy phong lan rất nhiều. Đẹp quá!. Những anh lính xanh của công an vũ trang bảo: “Chú! Để cháu lấy cho chú một cành phong lan này”. Thế nên tôi mới lấy về lẵng hoa mình trồng ở nhà. Mùa xuân mình mới nhớ lại. Tết là để đón xuân để cho bạn bè, mới vẽ tác phẩm bột màu này.
Ngọc Linh (sinh 1930). Hoa nàng Thúy Kiều. 1987. Bột màu. 72×47 cm
Tôi nghĩ nàng Thúy Kiều, cái hoa nó đẹp như cô nàng Thúy Kiều trong tác phẩm của Nguyễn Du. Mình vẽ với cái xúc cảm. Mình nghĩ gì thì mình vẽ theo cái cảm nghĩ của mình. Thành ra tôi nghĩ rằng tất cả những tranh sáng tác của tôi từ xưa tới giờ đều là một kỷ niệm. Tác phẩm nào cũng đều là kỷ niệm sâu sắc. Hoa nàng Thúy Kiều là một kỷ niệm rất đẹp. Mùa xuân đón bạn bè, tết đến giao thừa sang năm mới đến đón xuân là nhìn thấy một nở hoa mới.
Hình như ông sáng tác tranh trên chất liệu bột màu hơn so với các chất liệu khác?
Suốt cuộc đời tôi vẽ bột màu là chính. Trong giới họa cũng phải “gờm” ông Linh vẽ bột màu. Vẽ bột màu rất hay. Vẽ bột màu rất đẹp. Mình pha màu mà nó nhẹ nhàng. Tôi vẽ về hoa lá, thành ra tôi lướt màu như thế. Tôi vẽ bột màu như là vẽ lụa. Vẽ tranh bột màu là một kỹ thuật mà mình vẽ nhiều thì mình mới nắm được kỹ thuật. Tôi dùng bằng cái chất keo da trâu, mà keo da trâu nấu lên thì cái mùi ngửi rất khó mà nó gằn vào bột màu vào tranh giấy không thể bong được.
Về bột màu tôi vẽ số lượng tranh vẫn là chiếm nhiều nhất. Sau đó mới đến lụa và sơn dầu, sơn mài tôi làm cũng nhiều nhưng mà làm được bao nhiêu thì bạn bè trong nước quốc tế mua. Cũng chẳng còn được mấy tác phẩm.
Ông sẽ còn tiếp tục sáng tác chủ đề hoa khi mùa xuân về?
Tết năm nay tôi cũng sẽ vẽ hoa. Cứ vẽ, miễn mình biết mình yêu hoa mình vẽ, chứ bạn bè xem bao giờ cũng người nào xem hiểu được người đấy được hưởng cái đẹp. Hôm nay tôi rất là cảm ơn bởi vì tôi nói là tất cả các bạn bè với anh em các bạn bè để thấy tình cảm của tôi nếu mà vẽ thì vẽ theo cảm xúc hoa thì mình yêu hoa như nào, yêu con người như nào, yêu đất nước như nào mình thả hồn vào để mình vẽ như thế.
Những tác phẩm của tôi đều đọc kỹ, nhìn kỹ vào. Nếu mà tác giả nói thì bạn bè mới thấy được trong tác phẩm có cái ý đồ gì. Nhưng mà tác phẩm nào mình cũng gửi gắm tình yêu cái đẹp. Ví dụ mà vẽ phong cảnh hai cái cây tức là hai đôi tình yêu, mình không nói thì không ai biết nhưng mà mình có cái kỷ niệm đó mình vẽ và cái điều đó.
Tôi vẽ chân dung cũng vậy, vẽ hoa lá cũng vậy, tuổi bây giờ đến 93 rồi mà vẫn vẽ theo cảm xúc…
***
TIỂU SỬ HỌA SĨ NGỌC LINH (Vi Văn Bích)
Sinh ngày: 30 tháng 10 năm 1930 tại Hà Nội
Nguyên quán: Bản Chu, xã Khuất Xá, huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn
Dân tộc: Tày
Tốt nghiệp trường: Cao đẳng Mỹ thuật khóa kháng chiến năm 1950 tại chiến khu Việt Bắc
Danh hiệu: Nghệ sĩ Ưu tú ngành Điện ảnh
Hội viên ngành: Hội họa – Hội Mỹ thuật Việt Nam. Năm vào hội: 1957
Tác phẩm chính:
- Bộ tranh Tứ bình: Xuân Hạ Thu Đông. Bột màu. 100x40cm;
- Những nẻo đường nai đi. 1988. Lụa. 120x80cm;
- Hoa Lê trắng xóa núi rừng. 1986. Bột màu. 120x80cm;
- Thành phố tình yêu. 1976. Sơn mài. 140x100cm;
- Phố Hàng Gà Hà Nội. 1991. Sơn dầu. 80x40cm;
- Nhà chiến khu. 1995. Sơn dầu. 146x120cm;
- Chào mừng Quốc hội khóa IV. 1986. Tổng hợp. 22x7m;
- Đại gia đình các dân tộc Việt Nam là một. 1986. Tổng hợp. 22x7m;
- nhiều tác phẩm lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.
Giải thưởng Mỹ thuật:
- Giải Nhất tại Liên hoan Quốc tế Matxơcơva Sinh viên thế giới lần thứ VI- Liên Xô năm 1958;
- Giải Nhì Triển lãm Dân tộc năm 1988.
Khen thưởng:
- Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng Nhất;
- Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất;
- Huy chương Vì sự nghiệp Mỹ thuật Việt Nam 1997;
- Huy chương Vì sự nghiệp Điện ảnh Việt Nam;
- Huy chương Vì sự nghiệp Văn học- Nghệ thuật Việt Nam;
- Huy chương Vì sự nghiệp Dân tộc Việt Nam.
Bài viết bởi Viet Art View
Bản quyền thuộc về Viet Art View