Có lẽ chúng ta đều biết đến huy hiệu Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh nhưng ít biết, tác giả sáng tác mẫu huy hiệu là họa sĩ Huỳnh Văn Thuận (1921-2017).
Chân dung họa sĩ Huỳnh Văn Thuận (1921 – 2017)
Nhân dịp Đại hội Thanh niên ở Việt Bắc, cán bộ Trung ương Đoàn các cấp muốn có một chiếc huy hiệu làm biểu tượng riêng cho tổ chức. Lúc ấy, với vị trí Trưởng phòng hội họa Trung ương Đoàn, họa sĩ Huỳnh Văn Thuận đang công tác tại Trung ương Đoàn Thanh niên Việt Bắc được tổ chức giao nhiệm vụ phác thảo huy hiệu Đoàn Thanh niên cứu quốc cùng với họa sĩ Tôn Đức Lượng.
Bản phác thảo của họa sĩ Huỳnh Văn Thuận với tạo hình “cánh tay đoàn viên thanh niên rắn rỏi, cầm chắc lá cờ đỏ sao vàng, tiên phong tiến về phía trước” đã được Hồ Chủ tịch chọn làm biểu tượng của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh. Ngày nay, huy hiệu Đoàn vẫn giữ nguyên cấu trúc khối theo bản vẽ ban đầu khi ông thiết kế.
Bản phác thảo mẫu huy hiệu Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh do họa sĩ Huỳnh Văn Thuận sáng tác
Năm 1953, Huỳnh Văn Thuận cùng họa sĩ Lê Phả, Bùi Trang Chước được tổ chức giao vẽ mẫu giấy bạc cho Vụ phát hành. Ông chia sẻ: “công việc vẽ tiền phải tuyệt đối bí mật, thậm chí cả vợ con cũng không được biết. Do yêu cầu của tờ tiền là phải tinh xảo đến mức tối đa để tránh làm giả nên tôi vừa đeo kính, lại vừa phải soi kính lúp để nét vẽ suông, nhỏ và đều nhau. Chúng tôi cũng mất nhiều tháng lên các đền chùa để tham khảo phục trang của người dân tộc để nét hoa văn trên tờ tiền mang bản sắc Việt Nam” (theo web: giaoducthoidai.vn)
Năm 1962, ông vẽ mẫu tờ giấy bạc 10 đồng màu đỏ (mệnh giá cao nhất lúc đó).
Tờ giấy bạc 10 đồng màu đỏ do họa sĩ Huỳnh Văn thuận vẽ năm 1962
Ngoài ra, ông còn sáng tác các mẫu tem vào năm 1965, 1967, 1970.
Những tác phẩm loại hình tranh đồ họa do Huỳnh Văn Thuận sáng tác đạt được một số thành tựu nhất định. Ngay từ những năm 1946 ông đã cùng họa sĩ Lê Phả tổ chức “Triển lãm nhóm đồ họa hai người” tại Hà Nội gồm toàn tranh khắc gỗ màu, nội dung tuyên truyền cổ động cho phong trào cách mạng.
Năm 1958, ông cùng các họa sĩ Nguyễn Đức Nùng, Phạm Văn Đôn, Trần Đình Thọ, Nguyễn Sỹ Ngọc, Nguyễn Văn Tỵ cùng hoàn thành việc sáng tác bức tranh “Xô Viết Nghệ Tĩnh”, sơn mài, 320,5×160,6cm, hiện thuộc sưu tập bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Đây là bản anh hùng ca bằng ngôn ngữ tạo hình, nội dung sâu sắc, thể hiện được chí khí quật cường trong công cuộc đấu tranh cách mạng của nhân dân Việt Nam.
Đó chính là những mốc dấu quan trọng trong sự nghiệp sáng tác của họa sĩ Huỳnh Văn Thuận.
Theo họa sĩ Nguyễn Đức Hòa: “Họa sĩ Huỳnh Văn Thuận có tới hai sở trường đối lập mà song hành: vừa vẽ rất phóng khoáng trên chất liệu sơn dầu vừa có thừa tự tin để tỉa tót tinh vi trên kỹ thuật sơn khắc, làm mẫu tiền giấy Việt Nam, mẫu tem thư, mẫu huy hiệu…” bởi ông tốt nghiệp trường École d’Arts de Gia Định giai đoạn 1936-1939 và tốt nghiệp khóa XIII trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương.
Vì vậy, nhắc đến ông, người yêu nghệ thuật nhớ ngay đến những bức tranh sơn khắc tỉ mỉ, chi tiết, kỹ lưỡng, tinh tế với kích thước đáng kinh ngạc của ông. Có những bức từ khi phác thảo đến khi hoàn thành mất tới hơn 50 năm.
Đến thăm Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, không thể bỏ qua việc ngắm nhìn bức tranh nổi tiếng của ông “Thôn Vĩnh Mốc”, 1958.
Một số bức tranh sơn khắc khác của ông như “Ngày mùa ở hợp tác xã Vĩnh Kim”, 1960; “Định canh định cư” (1983-1995); “Suối rừng Tây Nguyên” (1986-2010); “Học tập chính sách thuế nông nghiệp” (1952-2016); “Kéo bừa thay trâu” (1954-2016) đã thực sự khẳng định vị trí quan trọng trong sự nghiệp sáng tác của ông.
Tranh sơn khắc về căn bản có cốt (vóc) nền như tranh sơn mài. Tranh sơn khắc hội họa hiện đại được biết đến rộng rãi hơn từ những bức tranh của họa sĩ Nguyễn Văn Bái (1919-1999), khóa IX trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương là một trong những họa sĩ chuyên sáng tác tranh trên chất liệu sơn khắc đạt được nhiều thành tựu.
Trong bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam hiện đang lưu giữ và trưng bày bức bình phong hai mặt, chất liệu sơn khắc, sáu tấm, kích thước 147,5×195,5cm do họa sĩ Nguyễn Văn Bái sáng tác năm 1935. Mặt trước bình phong là bức tranh có tên “Đám rước đình làng”. Mặt sau, tranh có tên “Tứ quý”.
Đây có thể được coi là tác phẩm tiêu biểu, đặc trưng về tranh sơn khắc của mỹ thuật cận hiện đại Việt Nam.
Theo họa sĩ Trịnh Lữ: “Trong bài “Các hoạ sỹ sơn mài Hà Nội” dịch từ tuần san Indochine ngày 06/02/1941, có nhắc đến “kỹ thuật Coromandel”, “sơn Coromandel”, và người đọc đều hiểu rằng đó là kỹ thuật khắc chìm xuống mặt sơn đã mài nhẵn rồi phủ đầy những nét mà mảng khắc ấy bằng màu, vàng hoặc bạc. Đó là lối làm các tấm bình phong trang trí bằng sơn mài của Trung Quốc, đã có từ thế kỷ 17. Trong thế kỷ 19 sang đầu 20, công ty Đông Ấn của Anh đã nhập các bộ bình phong sơn khắc ấy của Trung Quốc về bán ở Châu Âu. Chúng được chở bằng tàu thuỷ, phải trung chuyển ở một hải cảng ở Bán đảo Coromandel trong Vịnh Bengal, vùng duyên hải Đông Nam Ấn Độ. Vì thế mà người châu Âu mới gọi các bộ bình phong sơn khắc này là “đồ”. Các cụ học Mỹ Thuật Đông Dương cũng toàn gọi làm sơn khắc là làm “đồ Coromandel”.
Bìa tạp chí Indochine số ra ngày 9 tháng 12 năm 1943, đưa tin về SALON UNIQUE 1943
…”Coromandel” là những bình phong trang trí bằng kỹ thuật sơn khắc, một mặt hàng bán rất chạy ở Châu Âu từ thế kỷ 19. Sau này thì thành tên gọi chung cho đồ sơn khắc”.
Cùng với sơn mài, tranh sơn khắc đã trở thành một trong những chất liệu hội họa được các họa sĩ Việt Nam ưa chuộng, sáng tác nhiều.
Một số họa sĩ được nhắc tới với sáng tác tranh khắc, tốt nghiệp trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương có Công Văn Trung (1907-2003), Nguyễn Gia Trí (1908-1993); Nguyễn Khang (1912-1989); Nguyễn Văn Bái (1919-1999), Thái Hà (Nguyễn Như Huân) (1922-2005); Ngoài ra, một số họa sĩ phía Nam như Trần Hà (1911-1974); Trương Văn Thanh (1918-?) cũng đều sáng tác tranh sơn khắc. Ở khu vực phía Nam, loại hình tranh sơn khắc với kỹ thuật tinh tế, điêu luyện của các nghệ nhân dân gian đã sáng tạo nên những sản phẩm tranh mỹ thuật ứng dụng sơn khắc rất được ưa chuộng đỉnh cao nhất những năm thập niên 1960-1970 với hãng Thành Lễ và Trần Hà.
Thế hệ tiếp theo, một số họa sĩ tốt nghiệp khóa Tô Ngọc Vân, sáng tác tranh sơn khắc có Doãn Tuân (1926-2018), Trần Hữu Chất (1930-2018). Sau này thêm tên tuổi Vũ Tư Khang (sinh 1945), Nguyễn Nghĩa Duyện…
Có thể nói cùng với họa sĩ Nguyễn Văn Bái, họa sĩ Huỳnh Văn Thuận cũng có những thành tựu nổi bật. Đặc biệt, trong sáng tác của họa sĩ Huỳnh Văn Thuận những chủ đề về cách mạng, xây dựng quê hương mới được ông dành nhiều tâm huyết và công sức.
Họa sĩ Huỳnh Văn Thuận (1921-2017), sinh năm 1921 tại Sài Gòn. Ông theo học và tốt nghiệp École d’Arts de Gia Định – Trường Nghệ thuật Gia Định (1936 – 1939). Sau đó ông học tiếp trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, khóa XIII (1939-1944). Cùng khóa còn có Sỹ Ngọc, Trần Đình Thọ, Phạm Văn Đôn, Nguyễn Trọng Hợp…là những họa sĩ có nhiều thành tựu trong sáng tác về đề tài cách mạng như Huỳnh Văn Thuận.
“Trên thực tế, Huỳnh Văn Thuận bắt đầu ở chất liệu sơn dầu. Thời còn ở Trường Mỹ nghệ Thực hành Gia Định (1937-1939), ông đã có một bức sơn dầu khá đẹp, vẽ một cây thị tỏa bóng rợp xuống một cái sân nhà. Năm 1940, ông vẽ bức sơn dầu “Buổi sáng ở Hàng Xanh”, hiện lưu ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Năm 1943, ông vẽ bức sơn dầu “Thành Huế” gửi tham dự Salon Unique, được chọn in trên tạp chí Indochine. Tranh sơn dầu của Huỳnh Văn Thuận nổi bật ở hình mảng to rộng và nghệ thuật diễn tả ánh sáng điêu luyện. Kỳ thực đó là một lối vẽ khá mới, mà nếu tiếp tục với sơn dầu, ông có thể đi rất xa” (Theo sách Từ điển Mỹ thuật Việt Nam, 2010, NXB Mỹ thuật, tác giả Quang Việt).
“Với tranh sơn khắc, ông dường như lại khác hẳn. Để dựng được bản mẫu cho một bức tranh sơn khắc, có khi ông phải mất hàng tháng trời sống ở thực địa, ghi chép tỉ mỉ bằng bút chì và dùng thuốc nước để thâu tóm ấn tượng toàn cảnh và thần thái của nó” (Theo Quang Việt).
Về sự tỉ mỉ, kỹ lưỡng, theo họa sĩ Nguyễn Đức Hòa “cuối năm 1941, khi danh họa Foujita (người Pháp gốc Nhật) tới thăm trường, có xem bài vẽ nhóm cây bằng bút chì của sinh viên Huỳnh đã phải “giương mục kỉnh” để soi cho rõ rồi thốt lên: “Terrible !” (Kinh khủng)”.
Trong video này, Viet Art View trân trọng giới thiệu với bạn yêu nghệ thuật ba bức tranh sơn khắc của họa sĩ Huỳnh Văn Thuận. Hai bức được họa sĩ phác thảo chi tiết vào năm 1952, 1954; bức còn lại năm 1986.
Ba bức tranh sơn khắc, ba chủ đề khác nhau nhưng đều kể lại câu chuyện về một thời kỳ lịch sử của đất nước. Từ chính sách thuế, làm nông nghiệp đến phong cảnh tươi đẹp của núi rừng Tây Nguyên.
Huỳnh Văn Thuận (1921 – 2017). Học tập chính sách thuế nông nghiệp. 1952 – 2016. Sơn khắc. 86x110cm
Bức tranh “Học tập chính sách thuế nông nghiệp” được ông sáng tác đã tròn 70 năm và chứa đựng trong nó một ý nghĩa lịch sử rất lớn. Vào năm 1952, trước yêu cầu “vừa kháng chiến vừa kiến quốc”, chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã chuyển đổi chính sách tài chính, thuế để phù hợp với hoàn cảnh thực tế. Sau đó, 7 sắc thuế được ban hành; trong đó, thuế nông nghiệp giữ vai trò chủ lực.
Như vậy, bức tranh sơn khắc “Học tập chính sách thuế nông nghiệp” của Huỳnh Văn Thuận đã đi cùng lịch sử của đất nước. Một tác phẩm nghệ thuật muốn có sức sống lâu bền với thời gian ít nhất phải có một trong ba giá trị sau: “giá trị lịch sử, giá trị văn hóa, giá trị nghệ thuật…”.
Khung cảnh mô tả trong bức “Học tập chính sách thuế nông nghiệp” là câu chuyện chân thực về lịch sử. Ông nghiên cứu, khắc họa tỉ mỉ, kỹ càng, sinh động cho tạo hình từng nhân vật. Toàn bộ bức tranh là một thứ ngôn ngữ nghệ thuật dung dị, chân phương đi trực tiếp vào cảm thụ của người xem.
Huỳnh Văn Thuận (1921 – 2017). Kéo bừa thay trâu. 1954 – 2016. Sơn khắc. 56×96,5cm
Ở “Kéo bừa thay trâu”, họa sĩ Huỳnh Văn Thuận cũng sáng tác trên cơ sở ngôn ngữ tạo hình chân thực những nhân vật ngoài đời thật. Vì vậy, việc làm nông vất vả của người nông dân được ông khắc họa rất thật. Nếu đã thấu tỏ lịch sử thì đều hiểu, ở một đất nước mới giành được độc lập, đang trong thời kỳ chiến tranh sẽ còn nhiều thiếu thốn trong sinh hoạt, thô sơ trong công cụ làm việc. Thời điểm ấy, toàn Đảng, toàn dân đồng lòng dốc sức làm việc để đóng góp công sức xây dựng đất nước. Đặt địa vị cá nhân của một nghệ sĩ, ông sáng tác bức tranh chủ đề “Kéo bừa thay trâu” như khắc họa lại giá trị lịch sử cao đẹp về sự đoàn kết, đồng cam cộng khổ…
Khi được trưng bày nhân Kỷ niệm 72 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam, vào năm 2016, tại Hội Mỹ thuật T.p Hồ Chí Minh, “Kéo bừa thay trâu” nhận được yêu mến và thích thú trước một bức tranh có bề dày lịch sử thời gian hoàn thành cũng như thông điệp câu chuyện ông truyền tải.
Huỳnh Văn Thuận (1921 – 2017). Suối rừng Tây Nguyên. 1986-2010. Sơn khắc. 93x211cm
Với “Suối rừng Tây Nguyên” toàn bộ bề mặt bức tranh là tạo hình phong cảnh suối rừng Tây Nguyên bao la, khung cảnh bao quát, rộng lớn, hùng vĩ. Các khối hình miêu tả con người, sự vật, cây cối được ông diễn tỉ mỉ, kỹ lưỡng từng chi tiết dù là nhỏ nhất. Mỗi nét khắc là một chi tiết sinh động. Hàng nghìn, hàng vạn nét khắc thành một tổ hợp nét đan xen thành những hình tượng tạo hình vô cùng chân thực đến kinh ngạc.
Theo Nhà Phê bình Mỹ thuật Quang Việt: “Xem tranh sơn khắc của Huỳnh Văn Thuận, từ trong những không gian bao la, sâu thăm thẳm, người xem vẫn có thể thấy mọi sự vật tường tận đến từng chi tiết, và qua những chi tiết ấy, người ta nghe thấy những giai điệu nên thơ thường nhật của cuộc sống vĩnh cửu, cảm nhận được cả nắng gió, vị nồng của đất, vị mặn hay tiếng rì rào của biển, tiếng róc rách của suối…”
Ba bức tranh, đều chứa đựng trong đó những câu chuyện của lịch sử. Thông điệp chỉ đơn giản là kể lại câu chuyện mà người nghệ sĩ đã được chứng kiến. Nhưng cao hơn đó là lịch sử nhà nước, lịch sử dân tộc, lịch sử quê hương… đều rất giá trị và đáng được lưu giữ một cách trân trọng.
Ông là một trong những họa sĩ đạt nhiều thành tựu rộng khắp, đa diện. Từ việc vẽ những bức tranh sơn dầu phóng khoáng đến việc vẽ huy hiệu, vẽ tiền, vẽ tem, tranh cổ động, cuối cùng là những bức tranh sơn khắc vô cùng tỉ mỉ, kỳ công…
Cuộc sống luôn thay đổi theo thời gian nhưng sự thật lịch sử không thể thay đổi. Với một họa sĩ giàu cảm xúc, nhiều kỹ năng, yêu nghề, gắn bó với nghề bằng cả trái tim và cuộc đời như họa sĩ Huỳnh Văn Thuận thì việc tái hiện cảnh vật, con người ông yêu mến là việc tự nhiên. Bức tranh dù có cầu kỳ, mất bao nhiêu thời gian và công sức với ông vẫn trở nên nhẹ nhàng, rất nhẹ nhàng.
Có lẽ chăng vì vậy, ông là một trong ba họa sĩ thọ nhất Việt Nam (tính đến thời điểm 2022). Không những thế ông có ngày sinh trùng ngày mất (18.4.1921-18.10.2017), thọ 96 tuổi.
Và để lại cho người yêu nghệ thuật những sáng tác rất giá trị…
Bài viết bởi Viet Art View
Bản quyền thuộc về Viet Art View