Họa sĩ Lê Minh tên thật là Lê Ngọc Minh, sinh năm 1937, tốt nghiệp trường Mỹ nghệ thực hành Gia Định năm 1957, bắt đầu vẽ bìa sách đầu tiên là bìa cuốn Tiếng suối Sao Len, truyện đường rừng của Nguyễn Ngọc Mẫn, một cây viết đường rừng đầu thập niên 1960.
Chân dung họa sĩ Lê Minh (sinh 1937). Ảnh chụp tháng 6/2017
Sau đó, ông vẽ tranh minh họa cho loạt truyện “Hoa Lư động chúa” đăng trên nhật báo Dân Ta của Nguyễn Vỹ. Đây là dạng truyện feuilleton, mỗi ngày ra một kỳ kèm tranh minh họa. Từ đây, ông bắt đầu vẽ truyện tranh, lấy cốt truyện là những truyện lịch sử hay truyện xưa như “Người con gái Nam Xương’”, những truyện trong cuốn Truyền Kỳ Mạn Lục,… và cả truyện tranh nhiều kỳ (mỗi kỳ vẽ 5 cột báo) dựa trên cốt truyện của Bồ Tùng Linh.
Minh họa truyện tranh của họa sĩ Lê Minh
Ban đầu, ông vẽ truyện tranh khá cực nhọc, vẽ bằng mực tàu và bút sắt lá tre. Bản kẽm lúc đó còn làm trên gỗ, khắc từng chi tiết, rất kỳ công. Sau, kỹ thuật in typo phổ biến dần, một miếng kẽm để trên máy in nhỏ 65X50, máy pedal. Hồi đó in bìa báo bốn màu bằng bản kẽm typo với các màu vàng – đỏ – xanh và đen. Tiệm Cliché Dầu phải làm bốn bản kẽm cho từng màu. Kỹ thuật này khiến cho họa sĩ và cho nhà in luôn vất vả. Bản kẽm “già” quá hay “non” quá thì không chuẩn. Họa sĩ khi vẽ phải canh màu, phải biết kỹ thuật in để hình dung bức tranh mình gồm bốn màu in chồng lên nhau như thế nào để vẽ cho ra từng màu thuần chất, không dùng màu “ửng ửng” khó tách màu.
Họa sĩ Lê Minh bắt đầu vẽ cho báo Sài Gòn Mới khoảng 1958, một năm sau khi ra trường, làm họa sĩ thường trực vẽ theo yêu cầu của Thư ký tòa soạn. Lương họa sĩ thường trực hằng tháng lúc đó là 4 ngàn đồng, khá cao trong khi lương sĩ quan quân đội cấp bậc thiếu úy chưa tới 3 ngàn. Bà Bút Trà có các người con làm các tờ báo khác như Phụ Nữ Diễn Đàn, Phụ Nữ Ngày Mai đều nhờ ông vẽ minh họa, biếm họa, vẽ truyện tranh. Ông nhớ lúc đó việc khá nhiều, giấy vẽ Calson của Pháp mua một lần cả cuộn chứ không mua lẻ, phải mang về nhà nhờ vợ lọc ra thành từng tờ. Thu nhập của ông lên tới 6 ngàn đồng một tháng, chưa kể tiền “súp” (phụ trội) được viên quản lý trả khi làm thêm những việc ngoài Hợp đồng. Với số lương đó, ông sống thoải mái, sau vài năm đã có thể mua được chiếc xe hơi.
Tranh minh họa của họa sĩ Lê Minh trên báo Phụ Nữ Ngày Mai
Tranh minh họa của họa sĩ Lê Minh trên báo Phụ Nữ Diễn Đàn
Ở tòa soạn báo Sài Gòn Mới lúc đó, ngoài Lê Minh là hoạ sĩ thường trực còn có họa sĩ Hoàng Lương vẽ theo dạng cộng tác, thường đến giao tranh rồi đi, đảm trách phần vẽ truyện tranh “Bàn tay máu” của nhà văn ăn khách Phi Long. Trong các việc ở tòa soạn báo của Lê Minh, việc quan trọng nhất nhì là mỗi ngày vẽ một bức hí họa ở trang nhất. Có lần, ông vẽ suốt đêm, mệt quá ngủ gục, tay quơ khiến lọ mực Tàu đổ lên tranh. Đến sáng, không có tranh đưa đi làm kẽm, thư ký tòa soạn là ông Chi Lăng phải soạn ngay một tin kiểu “xe cán chó” trám vào ngay. Rất may, tiệm Cliché Dầu biết kẽm cần gấp của Sài Gòn Mới nên lập tức làm ngay mới kịp để in báo ra buổi trưa.
Họa sĩ Lê Minh (phải) trên đường Catinat (Đồng Khởi nay) cuối thập niên 1950. Tư liệu Lê Minh
Lê Minh cộng tác với Sài gòn Mới cho đến khi báo bị đóng cửa năm 1963, sau khi chính quyền Ngô Đình Diệm sụp đổ và tờ báo bị cho là thân với nhà Ngô. Anh em trong tòa báo tan tác khắp nơi, đi sang các báo Ngôn Luận, Độc Lập. Sau đó là giai đoạn vẽ bìa sách, mà đáng nhớ nhất là vẽ bìa truyện chưởng Kim Dung tạo nên dấu ấn rất riêng của ông.
Bài viết của Nhà nghiên cứu Phạm Công Luận
(trích trong cuốn “Sài Gòn phong vị báo xuân xưa” – công ty sách Phương Nam xuất bản 2018), bài viết đã được tác giả cho phép đăng tải trên các nền tảng truyền thông của Viet Art View