Logo loading

HỌA SĨ MAI LONG (1930-2024) VÀ CĂN NHÀ Ở LÀNG NGỌC HÀ

Họa sĩ Mai Long (1930-2024) đứng trên lan can của căn nhà ở làng Ngọc Hà Họa sĩ Mai Long sinh năm 1930 tại Hải Phòng; theo bố mẹ lên Hà Nội từ năm 1944. Bố mẹ qua đời khi ông 15 tuổi. Sau đó, ông quay trở về Nam Định (vốn là quê gốc). […]
|Viet Art View

Họa sĩ Mai Long (1930-2024) đứng trên lan can của căn nhà ở làng Ngọc Hà

Họa sĩ Mai Long sinh năm 1930 tại Hải Phòng; theo bố mẹ lên Hà Nội từ năm 1944. Bố mẹ qua đời khi ông 15 tuổi. Sau đó, ông quay trở về Nam Định (vốn là quê gốc). Cũng từ đây, cơ duyên đã đưa ông đến với nghệ thuật khi có đoàn nghệ sĩ, trong đó có ông Vũ Khiêu đi công tác qua nhà. Ông đã xin vào đoàn và bắt đầu học Khóa Kháng chiến của họa sĩ Tô Ngọc Vân trong 3 năm.

Nhà họa sĩ Mai Long nằm tít trong con ngõ nhỏ vòng vèo làng Ngọc Hà, phải đi vòng qua hồ Ngọc Hà lừng lẫy với một phần xác chiếc máy bay B52 đang hiện hữu. Gần nhà ông còn có nhà họa sĩ Trịnh Quang Vũ, họa sĩ Đức Dụ… Căn nhà giản dị, chắc xây đã lâu nhưng vẫn không kém phần bề thế, hòa cùng thiên nhiên cây cỏ khiến cho ta có cảm giác trở về quá khứ mấy chục năm trước.

Ngôi nhà này được hoàn thành năm 1981. Vào những năm thập niên 80, căn nhà này có thể coi là “nhất” của giới họa sĩ. Nhà xây được từ tiền bán tranh của họa sĩ Mai Long.

Theo lời kể họa sĩ – Những năm 1970, ông cùng một số họa sĩ khác đã bán tranh cho Xunhasaba. Tiền cũng có, nhưng cũng chỉ là trang trải cho cuộc sống gia đình và có dư dả chút đỉnh để đôi khi giúp đỡ người thân, bạn bè. Chứ còn kinh phí để xây cả một cái nhà như thế này vào thời ấy là điều rất khó… nhất là lại tiền từ bán tác phẩm.

Cơ duyên đã tới, năm 1980, khi đang công tác tại xưởng phim hoạt hình, họa sĩ phụ trách một nhóm họa sĩ gồm năm người, được cơ quan cử sang Liên Xô để học làm phim hoạt hình. Ngoài thời gian học tập, ông dành thời gian còn lại để vẽ tranh cho vơi nỗi nhớ xa gia đình. Ngày nào ông cũng vẽ…

Lúc đó, ông có một người bạn Nga, là nhà văn Andrey Levin, người đã sáng tác rất nhiều chuyện kinh điển đã dịch sang tiếng Việt “Âm mưu Hội Tam Hoàng” đến khách sạn thăm họa sĩ. Nhà văn Andrry Levin rất thích tranh của họa sĩ Mai Long nên ngỏ ý mua mấy bức. Rồi sau đó, bạn bè của nhà văn cũng thích. Họ giới thiệu nhau tới mua.

Sau đó, họa sĩ Mai Long liên lạc với vợ, chuyển lụa sang Liên Xô để ông sáng tác – nhờ ông Vũ Khoan (1937-2023) mang giúp.

Có nguyên vật liệu rồi, họa sĩ Mai Long làm việc càng hăng say. Sau đó, A. Levin ngỏ ý muốn giúp ông mở một cuộc triển lãm.

Thế là triển lãm đầu tiên của họa sĩ Mai Long đã diễn ra suôn sẻ. Gần như toàn bộ tác phẩm trong triển lãm đã bán hết. Ông có một khoản tiền khá lớn. Và mảnh đất này, căn nhà này được xây dựng từ đó.

Trong hệ thống tác phẩm của Mai Long, tranh lụa là chất liệu định hình và tạo nên tên tuổi cho ông. Ông chia sẻ, ông bắt đầu vẽ lụa vào khoảng năm 1955 khi đã lập gia đình. Sau đó, gia đình lên sinh sống ở Tây Bắc.

Thời gian ấy chính phủ có chủ trương xây dựng Khu tự trị của người Mèo; ông được phân công phụ trách nghệ thuật ở Ty văn hóa. Vì thế tranh của ông có rất nhiều về chủ đề người dân tộc và sinh hoạt vùng Tây Bắc. Hầu hết các tác phẩm trong tranh ông đều mang tính “hiện thực huyền ảo và lãng mạn”. Tác phẩm nào cũng phải như mơ, như thơ và phải đẹp về tạo hình… cho dù ở bất cứ đề tài nào đi nữa.

Ngày 21 tháng 7 năm 2024, trái tim của ông đã ngừng đập. Trong suốt 94 năm cuộc đời, ông dành tới 78 năm để sáng tác, trong đó có 69 năm gắn bó với chất liệu lụa. Ông đã để lại cho hậu thế một di sản tranh lụa đặc sắc, góp tiếng nói quan trọng trong lịch sử mỹ thuật Việt Nam.

MAI LONG (1930-2024), Cấy lúa ở Cao Bằng. Lụa. Sưu tập tư nhân, Hà Nội

MAI LONG (1930-2024), Mùa đông ở Thuận Châu – Sơn La. Lụa. Sưu tập tư nhân, Hà Nội

Họa sĩ Mai Long đang sáng tác trước hiên nhà. Ảnh do Khúc Ngọc Minh chụp năm 2017

Bài viết bởi Bùi Hoàng Anh từ Viet Art View (dựa trên tư liệu bài phỏng vấn của chính tác giả năm 2016)
Bản quyền thuộc về Viet Art View
Chia sẻ:
Back to top