Chủ tịch Hồ Chí Minh và các thành viên trong đoàn tùy tùng và các đại biểu Việt kiều. Ảnh chụp ngày 13/6/1946 (Họa sĩ Mai Trung Thứ đeo kính đen)- Ảnh st
Nhân kỷ niệm 115 năm ngày sinh họa sĩ Mai Trung Thứ, Báo Nhân Dân số ra ngày Thứ Tư, 10/11/2021 có đăng bài “Một tấm lòng với quê hương Việt Nam” nói về những đóng góp của họa sĩ Mai Trung Thứ, người đã lưu giữ và cống hiến cho Cách mạng Việt Nam những tư liệu quý giá về lịch sử Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh những tháng năm đầu lập nước. Họa sĩ Mai Trung Thứ, Nhân sĩ yêu nước, Việt kiều Pháp (1906-1980) vừa là một họa sĩ lớn, tiền bối của nền Mỹ thuật Việt Nam hiện đại, vừa là nhà điện ảnh, một trí thức, một nghệ sĩ lớn với tấm lòng luôn hướng về Tổ quốc. Mùa Xuân năm Giáp dần 1974, ông được nhà nước ta mời về thăm quê hương, đất nước cùng với một số nghệ sĩ, nhân sĩ Việt kiều yêu nước.
Trở về sau 38 năm xa
Một ngày cuối năm 1973, mẹ tôi – cháu gọi họa sĩ Mai Trung Thứ bằng cậu ruột thông báo với các con, ông cậu Mai Thứ (tên thường gọi của họa sĩ Mai Trung Thứ) sẽ về thăm quê hương đất nước vào dịp Tết Giáp Dần 1974 và một trong số những địa chỉ ông thăm sẽ có gia đình mình. Chúng tôi mừng vô cùng vì lâu nay chỉ biết ông cậu qua lời kể của mẹ và bà con họ hàng. Thời đó chưa có internet nên việc tiếp cận với các tác phẩm của ông và những bài báo viết về ông còn rất hạn chế. Chỉ biết rằng, ông có nhiều đóng góp đáng kể cho đất nước nên được Chính phủ mời về thăm quê hương đúng dịp Tết đến xuân về.
Ra sân bay Gia Lâm đón đoàn năm đó, ngoài các nhà chức trách còn có rất nhiều văn nghệ sĩ, trong đó có nhà văn Mai Ngữ, cháu gọi họa sĩ Mai Trung Thứ bằng chú ruột. Theo lời kể của mọi người, khi đặt chân xuống mảnh đất quê hương, người họa sĩ Việt kiều, mái tóc hoa râm không nén nổi xúc động, ông đã rơi nước mắt. Mẹ tôi chờ đón ông ở khách sạn Dân Chủ, phố Tràng Tiền. Mẹ nhận ra ngay người cậu ruột của mình dù khi ông rời quê hương, mẹ mới chỉ là cô gái bé nhỏ. Hai cậu cháu gặp nhau mừng mừng tủi tủi. Ông nắm tay mẹ tôi và nói, cậu sẽ về thăm gia đình, còn bây giờ vẫn phải đi theo đoàn. Thời đó, việc có một đoàn khách Việt kiều về thăm Tổ quốc chưa có tiền lệ chứ chưa nói đến phổ biến. Vì vậy, lịch trình, các hoạt động, các điểm đến của đoàn và từng thành viên đều phải được phê duyệt, thời gian bố trí rất chặt chẽ.
Ngoài các hoạt động thăm viếng, gặp gỡ cùng với đoàn, họa sĩ Mai Trung Thứ còn được bố trí về quê nội ngoại, thắp nén tâm nhang tri ân tiên tổ, bái lạy tiền nhân; thăm thầy giáo cũ, gặp gỡ bạn bè và học trò thời ông còn dạy học ở Huế. Tại Hà Nội, họa sĩ Mai Trung Thứ đã đến thăm và chúc Tết hai bà chị gái ruột ở phố Hàng Bông. Theo lời kể của những người thân, buổi gặp gỡ đó diễn ra trong không khí xúc động và ấm áp tình ruột thịt. Đã 38 năm sống xa gia đình, thời gian đâu phải ngắn. Khi ra đi, các bà chị của ông còn là những thiếu phụ mượt mà, quý phái. Còn bây giờ, ai cũng đã ở tuổi mắt mờ, chân chậm. Họa sĩ Mai Trung Thứ là là một trong số ít những người con trai trong gia đình có nhiều con gái nên ngay từ thủa thiếu thời, ông đã được sống trong sự yêu thương của gia đình, đăc biệt của các chị gái. Giờ về gặp lại, ông vẫn được sống trong tình cảm ấy và còn hơn nữa vì ngoài các bà chị, ông còn có thêm rất nhiều cháu gọi bằng cậu, bằng ông, bằng cụ nữa.
Ông đến nhà mẹ tôi – người cháu gái ruột được đón cậu tại gia đình – vào một buổi sáng mùa đông, Hà Nội ấm áp và quang đãng. Các anh chị em trong họ của mẹ đã tề tựu trong căn phòng nhỏ. Mọi người thăm hỏi, giới thiệu các thành viên trong gia đình riêng của mình. Ông lắng nghe rất chăm chú. Ấn tượng đầu tiên của tôi về ông đó là một người rất phong độ và đẹp. Dáng ông cao to, mái tóc bồng bềnh trông rất nghệ sĩ. Trang phục của ông lịch sự nhưng phóng khoáng, khác hẳn cánh đàn ông thời đó chỉ có áo đại cán, rất nghiêm chỉnh. Ở ông toát lên sự bình dị, thân thiện, nụ cười hiền pha chút hóm hỉnh, giống hệt các bác, các cậu của tôi. Cuộc gặp thật ngắn ngủi vì lịch trình dày đặc của ông. Chia tay trong bịn rịn, tiếc nuối vì lời hẹn cho cuộc gặp lần sau với ông còn quá xa vời, cách trở. Bây giờ, ngắm những tấm hình ghi lại những khoảnh khắc sum vầy ấm áp ấy, tôi vẫn còn bồi hồi xúc động bởi đã không có lần thứ hai và mãi mãi được diện kiến họa sĩ Mai Trung Thứ nữa.
Tổ quốc, quê hương và người nghệ sĩ
Họa sĩ Mai Trung Thứ sinh năm 1906 tại An Dương, Hải Phòng trong một gia đình khoa bảng, nhiều đời làm quan dưới thời phong kiến. Cha của ông là cụ Mai Trung Cát, làm quan đến chức tổng đốc, được gia phong hàm Thái tử Thiếu bảo Đông các Đại học sĩ, một trong tứ trụ của triều đình. Dưới thời nhà Nguyễn, tứ trụ triều đình được xem là tứ trụ Đại học sĩ , bốn chức quan cao cấp của thời phong kiến Việt Nam.
Mai Trung Thứ (1906-1980), “Cô gái Huế”, 1937, Sơn dầu trên toan, 73 × 60,5 cm.
Theo lời kể của các tiền bối trong gia tộc, thân phụ họa sĩ Mai Trung Thứ tuy ở địa vị cao nhưng sống không quan cách. Sinh thời, cụ Mai Trung Cát sống hiền hậu, phong thái nho nhã, gần gũi thương yêu con cháu và luôn quan tâm đến gia đình, tộc họ, quê hương. Đặc biệt, cụ luôn coi trọng giáo dục con cháu và căn dặn những người trong gia đình phải sống cho phải đạo làm người, sống có tâm có đức. Cụ còn có tiếng là quan thanh liêm, lấy việc nhân nghĩa, hữu ích cho dân làm trọng. Các con cháu và người trong gia đình cứ nhìn tấm gương của cụ mà noi theo. Mặc dù chịu ảnh hưởng những kỷ cương, phép tắc của chế độ phong kiến nhưng cụ rất tân tiến trong việc thiết lập một trật tự trong gia đình và tôn trọng những sở thích chính đáng của con cháu. Cũng nhờ tinh thần ấy mà cậu con trai quý Mai Trung Thứ đã được cha ủng hộ thực hiện ước nguyện trở thành họa sĩ ngay từ những thập niên đầu của thế kỷ XX.
Họa sĩ Mai Trung Thứ lớn lên không theo quan lộ như ông cha mình, ông thi vào khóa 1, Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, cùng thời kỳ với các họa sĩ Nguyễn Phan Chánh, Lê Văn Đệ, Lê Phổ, Nguyễn Cao Luyện. Đây là trường mỹ thuật duy nhất cho toàn xứ Đông Dương, do một nhà sư phạm, một trí thức tiến bộ người Pháp làm hiệu trưởng. Ông cũng là một trong số không nhiều những họa sĩ tốt nghiệp khóa đầu tiên của ngôi trường danh giá này.
Tên tuổi họa sĩ Mai Trung Thứ gắn liền với những tác phẩm tranh lụa nổi tiếng về đề tài phụ nữ, trẻ em và cuộc sống thường ngày. Theo nhận định của giới chuyên môn, họa sĩ Mai Trung Thứ là người đã góp phần rất lớn cho sự phát triển màu sắc của tranh lụa. Bảng màu của ông trở lại những mảng phẳng, trong, tĩnh lặng giống như tâm hồn người Việt vốn khao khát sự bình yên, trong trẻo. Đó là hình ảnh các em bé hồn nhiên, nhí nhảnh khi vui chơi, chăm chú miệt mài khi học viết chữ, học thêu thùa hay ngoan ngoãn, tin cậy trong lòng bà, lòng mẹ; cảnh sum vầy hạnh phúc giữa các thế hệ trong gia đình hay cảnh trò chuyện thân ái giữa những người bạn, người chị người em. Đó còn là hình ảnh các thiếu nữ tha thướt, mơ mộng lúc làm thơ khi ngắm cảnh, những thiếu phụ quý phái, nền nã, dịu dàng… Tất cả hiện hữu trên nền lụa, qua nét vẽ tài hoa cùng tâm hồn người nghệ sĩ đã khiến những tác phẩm của họa sĩ Mai Trung Thứ đều toát lên vẻ đẹp tinh tế, nhẹ nhàng, giàu chất thơ, đậm sắc Á Đông và thấm đẫm hồn Việt.
Mai Trung Thứ (1906 – 1980). Làm dáng. 1966. Mực và màu trên lụa, 45,5×59,5 cm
Sinh thời, mẹ tôi thường kể về cuộc sống của đại gia đình ở trong tư dinh của cụ Mai Trung Cát – thân phụ của họa sĩ Mai Trung Thứ. Cụ có nhiều con gái và cháu ngoại cùng sống trong một mái nhà. Mỗi lần họa sĩ Mai Trung Thứ về thăm gia đình, cả nhà vui như có hội. Các cháu gọi họa sĩ bằng cậu ruột đều ở tuổi trên dưới mười, được chuẩn bị quần áo, đầu tóc tươm tất để đón cậu. Các bà chị đi lại thướt tha, chuẩn bị trà nước đón em trai. Một không khí gia đình hòa thuận, ấm cúng, không dễ có. Mẹ còn kể, mỗi lần cậu về, bọn trẻ vừa vui vừa hồi hộp. Vui vì cậu bảo cứ chơi đùa thật thoải mái, còn hồi hộp vì thế nào cũng phải làm mẫu cho cậu vẽ. Khi xem những bức tranh của cậu ruột vẽ được chụp lại, mẹ tôi rất xúc động. Bởi những bức tranh này đều gợi nhớ những cảnh xa xưa khi mẹ tôi cùng mọi người được sống chung với ông bà ngoại.
Bác tôi được sống cùng với cậu ruột (họa sĩ Mai Trung Thứ) những năm tháng ở Huế, trong một căn biệt thự trên đỉnh dốc Bến Ngự. Bác kể, cuộc sống bình lặng, êm ả, trầm tư, cổ kính của xứ Huế cùng với những người con gái thướt tha, dịu dàng, giọng nói như gió thoảng đã cuốn hút người họa sĩ tài hoa, lãng mạn. Ngoài những buổi dạy tại Trường Quốc Học Huế, họa sĩ Mai Trung Thứ say mê với những cảm xúc sáng tạo của mình. Bác còn nhớ, hồi đó bác được họa sĩ giao việc phóng đại bức phác thảo của ông vẽ các vũ nữ Chàm đang múa để sau này làm mẫu đắp phù điêu cho bức tường của Cổ viện Chàm ở Tourane (Đà Nẵng). Tại xưởng vẽ của họa sĩ Mai Trung Thứ, bác tôi cũng tranh thủ ngắm những bức tranh được treo trên tường hoặc còn dang dở trên giá vẽ. Đặc biệt ấn tượng là bức tranh thiếu nữ trong tà áo dài tím với đôi bàn tay nuột nà lướt trên những phím đàn tranh, một vẻ đẹp ngây thơ, thướt tha như bóng dáng các cô nữ sinh Đồng Khánh, những chiều tan học. Thời gian này, bác tôi cũng được gặp nguyên mẫu của họa sĩ, một thiếu nữ Huế xinh đẹp, đàn hay, duyên dáng, từng là niềm khao khát của các chàng trai lúc bấy giờ, nhất là các chàng văn nghệ sĩ. Sau này, người con gái đó đã trở thành bạn trăm năm của một thi sĩ nổi tiếng của thi đàn Việt Nam những năm ba mươi thế kỷ trước. Nghe nói, trong lần trở về thăm đất nước, họa sĩ Mai Trung Thứ đã gặp lại người đẹp trong tranh và cũng là người trong mộng của ông tại buổi họp mặt của đoàn nghệ sĩ Việt kiều với các văn nghệ sĩ trong nước.
Khi chọn nước Pháp làm nơi định cư, gia tài của họa sĩ mang theo không chỉ là những tác phẩm mà chính là những trải nghiệm quý giá, những kỷ niệm ấm êm về cuộc sống, con người nơi quê hương xứ sở. Ký ức luôn đau đáu trong nghĩ suy, trong cảm xúc của người nghệ sĩ tha hương khiến ông đã thổi hồn vào những tấm lụa, những mảng màu, để rồi chúng trở thành những kiệt tác, lưu hương đến tận bây giờ. Ngay giữa kinh đô ánh sáng, cái nôi của văn hóa, nghệ thuật và kiến trúc, nơi hội tụ các trào lưu, tinh hoa của nền mỹ thuật thế giới, tranh lụa của họa sĩ Mai Trung Thứ vẫn là một trong những điểm nhấn của các cuộc triển lãm cũng như các phiên bán đấu giá tranh. Có bức tranh của ông đã đạt kỷ lục của nền mỹ thuật Việt Nam trên sàn đấu giá ở nước ngoài. Người ta biết đến và trân trọng một nền mỹ thuật Việt Nam hiện đại, rất đặc trưng, không bị ảnh hưởng hay pha tạp cũng một phần từ những tác phẩm của người họa sĩ tài năng, khiêm nhường này.
Nói đến họa sĩ Mai Trung Thứ còn nói đến một tấm lòng luôn hướng về quê hương, đất nước. Cũng như thân phụ của mình, làm được điều gì có ích cho dân, cho nước, ông đều không ngần ngại cống hiến hết tâm sức. Ngoài vẽ tranh, họa sĩ Mai Trung Thứ còn là một nhà điện ảnh chuyên nghiệp, có xưởng phim và tự sản xuất phim. Năm 1945, nghe tin trong nước tiến hành cuộc Tổng khởi nghĩa cách mạng Tháng Tám, bà con Việt kiều ở Pháp phấn khởi tổ chức nhiều hoạt động ủng hộ cách mạng Việt Nam, ủng hộ Chính phủ Hồ Chí Minh. Họa sĩ Mai Trung Thứ với chiếc máy quay phim đã ghi lại toàn bộ các sự kiện của kiều bào yêu nước và dựng thành bộ phim tài liệu với nhan đề Sức sống của 25000 kiều bào tại Pháp do chính ông đứng tên sản xuất. Bộ phim đã được ông gửi về nước ngay sau đó và được chiếu rộng rãi tại Hà Nội khiến đồng bào trong nước như được tiếp thêm sức mạnh và càng thêm tin tưởng vào cuộc cách mạng của dân tộc. Năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh lên đường thăm Cộng hòa Pháp theo lời mời của chính phủ Pháp. Đây là một hoạt động đối ngoại có ý nghĩa quan trọng của chính phủ Việt Nam trong việc bảo vệ nền hòa bình của đất nước. Với vai trò là nhà quay phim, họa sĩ Mai Trung Thứ đã vinh dự được tham gia phái đoàn Việt Nam. Ông đã ghi lại tất cả những hình ảnh, những hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong những ngày lịch sử trên đất Pháp và một số hoạt động của phái đoàn Việt Nam tại Hội nghị Phông-ten-nơ-blô lúc bấy giờ. Mới đây, bài “Một tấm lòng với quê hương đất nước” – Báo Nhân Dân số ra ngày Thứ Tư 10/11/2021, nhân kỷ niệm 115 năm ngày sinh Họa sĩ Mai Trung Thứ đã nhận định: “Những hình ảnh trong phim đã kể lại một cách trung thực tiến trình đối thoại, thương lượng nhằm bảo vệ nền độc lập thống nhất của Việt Nam bằng biện pháp hòa bình của Chủ tịch Hồ Chí Minh qua ngôn ngữ phim tài liệu, một cách làm còn rất mới mẻ, xa lạ với trong nước khi đó”. Sinh thời, nhà báo Hồng Hà – nguyên tổng biên tập Báo Nhân Dân – người đã sang Pháp gặp họa sĩ Mai Trung Thứ năm 1974 cũng kể lại rằng, toàn bộ những tư liệu quý đó đã được họa sĩ tặng lại cho đất nước, bao gồm gần một tạ phim 35 li và 11 cuốn băng ghi âm tiếng nói của Bác Hồ trong thời gian thăm nước Pháp. Đây cũng là cơ sở để các nhà làm phim trong nước sản xuất bộ phim Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh. Bộ phim đã được chiếu đúng dịp 2/9/1975 tại thủ đô Hà Nội và thành phố Sài Gòn. Lần đầu tiên nhân dân hai thành phố lớn được thấy cảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập giữa Quảng trường Ba Đình ngày 2/9/1945 và những hoạt động của Người ở Pháp năm 1946.
Tấm lòng đối với quê hương đất nước, tinh thần vì nghĩa, ý thức thiện lương là truyền thống quý báu của một gia tộc mà họa sĩ Mai Trung Thứ và các thành viên trong gia đình được tiếp thu, lưu giữ và tỏa sáng. Bức đại tự treo trong gian bái đường nhà thờ tộc mà thân phụ ông được tặng, có dòng chữ “Quang Tiền Dụ Hậu”, tạm dịch là “Làm rạng rỡ đời trước, nêu gương sáng cho đời sau” là biểu trưng cho sự minh triết của một dòng họ, là ý thức và lẽ sống của con cháu và các đời hậu duệ. Trong hai cuộc kháng chiến thần thánh bảo vệ đất nước, nhiều người thân ruột thịt của họa sĩ đã hi sinh vì nền độc lập tự do của dân tộc ngay từ những ngày đầu độc lập 1945 tại đảo Cô Tô, trong đoàn quân Nam tiến 1952 tại Đà Nẵng và trên chiến trường Tây Nguyên ác liệt những năm 70 thế kỷ trước. Một người chị gái của họa sĩ đã vinh dự được Nhà nước truy tặng danh hiệu cao quý Mẹ Việt Nam Anh hùng. Họa sĩ Mai Trung Thứ cũng có nhiều người cháu ruột đã thành danh, thành sự nghiệp, đóng góp cho đất nước trên nhiều lĩnh vực, bằng mọi hình thức như nhà văn Mai Ngữ, GS-TS, nhà Việt Nam học, tác gia Nguyễn Khắc Hoạch (Việt kiều Mỹ), nhà báo quân đội lão thành Nguyễn Khắc Tiếp, họa sĩ Lưu Yên, các nghệ sĩ violon nổi tiếng như nghệ sĩ Khắc Văn, NSƯT Khắc Huề, nhà toán học – huy chương bạc cuộc thi toán quốc tế, năm 1976, TSKH Nguyễn Thị Thiều Hoa… Đặc biệt, họa sĩ Mai Trung Thứ có duy nhất một người con gái là bác sĩ thú y Mai Lan Phương. Sinh thời, ông rất mong muốn con gái mình trở về đóng góp cho đất nước. Trước khi đại dịch covid bùng phát, cô Mai Phương vẫn trở về thăm quê hương, gặp gỡ họ hàng. Theo di nguyện của cha, có thời gian, cô đã trở về Việt Nam làm việc trong Tổ chức thú y không biên giới để hỗ trợ nông dân ta cách phòng chống bệnh tật cho gia súc trong hai năm nhiệm kỳ.
Lần về thăm Tổ quốc 48 năm trước, họa sĩ Mai Trung Thứ hẹn sẽ quay trở lại để giúp đỡ, tư vấn cho ngành mỹ nghệ trong nước sản xuất và xuất khẩu hàng sang châu Âu nhưng ý tưởng đó chưa thực hiện được. Năm 1980, sau một cuộc triển lãm rất thành công, trái tim họa sĩ Mai Trung Thứ đã ngừng đập vì một cơn đau đột ngột, ông qua đời ở tuổi 75. Thi hài ông được an táng dưới chân ngọn núi gần thủ đô Paris. Năm 1985, một người cậu của tôi trong chuyến công tác tại Pháp đã đến viếng thăm ông. Ghi chép của cậu có kể, đấy là một buổi sáng cuối thu, Paris se lạnh, nghĩa trang Vanves, nơi ông yên nghỉ, bình dị tĩnh lặng. Ngôi mộ của ông ốp đá hoa cương hồng, phía trên khắc dòng chữ trang nghiêm, tôn kính: ARTISTE MAI THU (1906-1980). Gần bốn mươi năm sau ngày họa sĩ Mai Trung Thứ qua đời, theo di nguyện của ông và gia đình, cả tộc họ đã bồi hồi, xúc động đón di cốt của cố họa sĩ về quê hương. Ông yên nghỉ trong quần thể lăng mộ của cụ Mai Trung Cát, người cha đáng kính của mình.
Ghi nhận và tôn vinh
Chuyến về thăm quê hương mùa xuân năm Giáp Dần 1974 theo lời mời của Chính phủ Việt Nam đã để lại cho họa sĩ Mai Trung Thứ những ấn tượng sâu sắc về tình cảm nồng hậu của chính quyền, các cơ quan, đoàn thể, những người ruột thịt, những người bạn và đồng nghiệp, các học trò cũ. Những cống hiến của ông được đánh giá cao trong các bài phát biểu, các câu chuyện với sự trân trọng và ngưỡng mộ. Những học trò thời ông dạy ở Quốc Học Huế cũng tề tựu bên ông. Mọi người kính trọng gọi ông bằng thầy như ngày nào dù bây giờ họ đều là những người có vị thế quan trọng và rất nổi tiếng trên văn đàn cũng như trên trường chính trị. Sinh thời, cha chồng tôi, một cán bộ lão thành cách mạng, một cựu học sinh Quốc Học Huế đã rất xúc động khi nghe tôi kể lại câu chuyện trở về Tổ quốc của ông cậu tôi, họa sĩ Mai Trung Thứ. Cha nói về thầy Thứ bằng sự kính trọng và tiếc nuối bởi không được cùng các bạn gặp lại người thầy tài hoa, thân thiện vì những năm tháng đó cha tôi còn đang ở chiến trường miền Nam.
Cố họa sĩ, nhà điện ảnh Mai Trung Thứ đã được truy tặng Bằng khen của Thủ tướng Nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam. Đây là một ghi nhận đúng đắn của Nhà nước ta đối với công lao quý báu cũng như tình yêu và sự kính trọng của ông với Tổ quốc, với Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Năm 2013, Hội đồng nhân dân Thành phố Hải Phòng đã quyết định đặt tên Phố Mai Trung Thứ trên địa bàn quận Hải An, Thành phố Hải Phòng. Quần thể lăng mộ Văn Tân Tử Mai Trung Cát cũng được chính quyền thành phố dự kiến công nhận là khu lăng mộ thuộc di tích lịch sử.
Tháng 7/2021, tại bảo tàng Ursulines, thành phố Mâcon, nước Pháp, để kỷ niệm 115 năm ngày sinh của cố họa sĩ Mai Trung Thứ, một cuộc triển lãm với quy mô lớn tên gọi “Mai Thứ – Tiếng vọng từ một Việt Nam trong mơ” đã được diễn ra. Theo giới truyền thông trong nước và nước ngoài, cuộc triển lãm với 140 tác phẩm đã khái quát cuộc đời, sự nghiệp của một danh họa – một nhà hoạt động nghệ thuật – xã hội mang tầm quốc tế. Triển lãm “Mai Thứ – Tiếng vọng từ một Việt Nam trong mơ” không chỉ khẳng định tài năng và trí tuệ của người Việt Nam mà còn là cơ hội quảng bá văn hóa và tinh thần Việt Nam tới đông đảo công chúng quốc tế.
Cả cuộc đời sáng tạo và cống hiến cho nghệ thuật, cho đất nước bằng tâm hồn trong trẻo cùng trái tim ấm áp, gần nửa thế kỷ sống xa Tổ quốc, Tết Nhâm Dần 2022 này là cái Tết thứ ba, Cố họa sĩ Mai Trung Thứ được yên nghỉ nơi quê cha đất tổ, trong tình yêu thương, sự trân trọng đầy tự hào của gia đình, quê hương, đất nước – nơi tạo dựng, nuôi dưỡng và góp phần tỏa sáng một tài năng, một nhân cách, một tấm lòng – Họa sĩ Mai Trung Thứ.
Đà Nẵng, trước thềm Xuân Nhâm Dần 2022
N.L.H
Bài viết của tác giả Mai Liên Hương, đăng tải trên Trang Thông tin điện tử tổng hợp Văn nghệ Đà Nẵng
Mai Trung Thứ chơi đàn bầu (1968)
Mai Trung Thứ vẽ tranh ở ban công căn hộ của ông tại Vanves
Mai Trung Thứ quay phim trong chuyến thăm của Chủ tịch Hồ Chí Minh
tại Paris, Pháp năm 1946.
Chủ tịch Hồ Chí Minh và các thành viên trong đoàn tùy tùng và các đại biểu Việt kiều.
Ảnh chụp ngày 13/6/1946 (Họa sĩ Mai Trung Thứ đeo kính đen)- Ảnh sưu tầm.
Hình ảnh Bác Hồ nói chuyện với các thanh niên dân chủ Pháp tại Paris, 1946
đã được họa sĩ Mai Trung Thứ lưu lại
Mai Trung Thứ cùng Viễn Đệ
và Tôn Thất Đào tại Huế