Logo loading

HỌA SĨ NGUYỄN VĂN TỴ (1917-1992) VÀ TÁC PHẨM “PHÂN XƯỞNG ĐÚC”, 1967

Nguyễn Văn Tỵ (1917-1992), Phân xưởng đúc Sơn dầu, 40 × 50 cm Sưu tập tư nhân, Hà Nội Họa sĩ Nguyễn Văn Tỵ tốt nghiệp trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương khóa XI (1936-1941) cùng với Hoàng Tích Chù, Nguyễn Tiến Chung, Bùi Trang Chước… Trước 1945, ông sáng tác nhiều tranh sơn […]
|Viet Art View

Nguyễn Văn Tỵ (1917-1992), Phân xưởng đúc
Sơn dầu, 40 × 50 cm
Sưu tập tư nhân, Hà Nội

Họa sĩ Nguyễn Văn Tỵ tốt nghiệp trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương khóa XI (1936-1941) cùng với Hoàng Tích Chù, Nguyễn Tiến Chung, Bùi Trang Chước… Trước 1945, ông sáng tác nhiều tranh sơn mài về phong cảnh, con người, lễ hội và ghi dấu ấn “Phong cảnh Thác Bờ”, 1940; “Hội Đình Chèm”, 1941; “Nghỉ ngơi”, 1942; “Nhân vật và vịnh Hạ Long”, 1943; “Làng Mỗ”, 1944…

Họa sĩ Nguyễn Văn Tỵ bên tác phẩm “Nam Bắc một nhà”, sáng tác năm 1974

Sau khi Việt Nam giành độc lập, cùng với nhiều nghệ sĩ khác, ông sáng tác nhiều về đề tài cách mạng, lao động sản xuất, con người; là họa sĩ tiêu biểu của chủ nghĩa dân tộc cách mạng. Ông từng đi chiến dịch Điện Biên Phủ, tham gia vào Ban Văn hóa Kháng chiến, đảm nhận một số vai trò chức vụ về chuyên môn trong các cơ quan văn hóa. Đây là cơ hội tốt để ông làm việc, sáng tác, thấm nhuần đường lối chủ trương của Chính phủ. Quan điểm nghệ thuật của ông rõ ràng, mạch lạc, đầy ắp tính chân thực khách quan, ghi chép lại dấu ấn thời đại, đặc biệt là những sáng tác về chủ đề chiến tranh cách mạng và xây dựng quê hương.

Họa sĩ Nguyễn Văn Tỵ đi sáng tác trong chiến dịch Hồ Chí Minh, 1975

Từ chiến thắng Điện Biên Phủ, giải phóng Thủ đô 1954 đến tận khi giải phóng miền nam và thống nhất đất nước, toàn dân tộc kết thành một khối vững chắc; vừa sản xuất tiếp viện cho miền nam, vừa xây dựng kiến thiết miền bắc. Hòa chung nhịp đập của dân tộc, ông cùng nhiều nghệ sĩ đi thực tế ở miền núi, nông trường, nông thôn, tham gia chiến trường để ghi chép những hình ảnh chân thực nhất của đời sống xã hội. Đến nơi nào ông cũng ghi chép tư liệu, khắc họa hình ảnh nơi đã qua để ấp ủ xây dựng những tác phẩm lớn. Vì vậy, chủ đề lao động chân thực, giàu tình cảm với ngọn lửa tinh thần lao động luôn rực cháy. Tác phẩm sơn dầu “Phân xưởng đúc” được ông sáng tác năm 1967 là sự ngợi ca, sự trân trọng, sự biết ơn dành cho người công nhân lao động trong các công xưởng.

Bức tranh mô tả phân xưởng đúc đang hoạt động, ánh lửa hồng rực hắt ra từ lò gang quyện hòa với hơi nước bay trắng xóa, vừa tương phản vừa làm mềm mại đi những khối hình nhân vật chắc nịch, kiệm nét, nổi bật hình thể chỉ bằng các mảng sáng tối. Họa sĩ có sự quan sát kỹ lưỡng khi chọn hình ảnh sống động nhất, đẹp nhất trong xưởng đúc khi các công nhân đang đổ kim loại đã được làm nóng chảy vào khuôn đúc, nêu bật ngợi ca tinh thần, vẻ đẹp của lao động.

Bài viết của Viet Art View
Bản quyền thuộc về Viet Art View

Chia sẻ:
Back to top